Mạch Sống Media
Một phái đoàn 8 người từ Houston vừa hoàn tất chuyến viếng thăm đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan. Phái đoàn đã tiếp xúc với gần một trăm trong số ước lượng 500 người Việt đã chạy thoát cuộc đàn áp ở Việt Nam kể từ đầu năm 2007 và ngày càng khốc liệt.
Phái đoàn đã tiếp xúc với toàn thể 55 giáo dân Cồn Dầu hiện đang sống tản mác ở nhiều nơi vì lý do an ninh. Ngoài ra, phái đoàn cũng đã gặp gỡ nhiều chục người dân tộc thiểu số từ vùng Cao Nguyên Tây Bắc sống trốn tránh và trong cảnh thiếu thốn trong nhiều năm qua.
“Một khi đã giáp mặt những đồng bào này và đã thấy cảnh sống của họ rồi thì không thể nào ngoảnh mặt làm ngơ được nữa”, Bà Vũ Thanh Thuỷ thuộc Đài Saigon Houston Radio tâm sự.
Phái đoàn cũng đã phỏng vấn một số nhân vật đấu tranh vừa chạy thoát đến Thái Lan trong vài tháng gần đây. Họ là những người thuộc phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền mà chính quyền đang càn quét để chặn đứng mầm mống của một cuộc cách mạng Hoa Lài ở Việt Nam.
Hướng dẫn phái đoàn là LM Bác Sĩ Phạm Hữu Tâm. Vị linh mục này đã cử hành thánh lễ cho các giáo dân Cồn Dầu và một số người Công giáo đang lánh nạn ở nhiều địa điểm trong và ngoài thủ đô Bangkok. Trong tư cách một y sĩ, LM Tâm cũng đã chăm sóc sức khoẻ và cấp những loại thuốc phổ thông cho mỗi gia đình.
Linh Mục Bác Sĩ Phạm Hữu Tâm cùng các em bé tị nạn từ Cồn Dầu, ngày 10/04/2011. (ảnh BPSOS)
Theo lời tâm sự của một đồng bào đang lánh nạn, “trong hoàn cảnh tận cùng của sự khốn khổ, đồng bào hải ngoại đã kịp thời tiếp cho chúng tôi những giọt máu tình thương bằng cả tấm lòng nhân ái, đùm bọc, sẻ chia…”
Trong suốt chuyến thăm viếng kéo dài một tuần, các phóng viên của đài phát thanh Saigon Houston và Saigon Dallas đã trực tiếp tường trình về chuyến đi với sự tham dự của một số người lánh nạn.
Đồng thời, Ông Đỗ Hạnh, chuyên viên quay phim của đài truyền hình SBTN ở Dallas, thu hình nhiều cảnh sinh hoạt của đồng bào để trình chiếu trong những tuần lễ sắp đến.
Trong phái đoàn còn có hai luật sư của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS). Hai vị luật sư này đã giúp lập hồ sơ tị nạn cho một số giáo dân Cồn Dầu và sẽ tiếp tục công việc này trong nhiều tháng tới. Họ sẽ giúp cho cả những người tị nạn ngoài nhóm Cồn Dầu. Trong phái đoàn còn có Bác Sĩ Nha Khoa Trần Nam Hải và phu nhân, Bà Kiều Nga.
Trong 4 năm qua BPSOS đã giúp cho hàng trăm đồng bào lánh nạn ở Thái Lan cả về đời sống lẫn hồ sơ xin tị nạn. Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, chuyến công tác của phái đoàn từ Houston rất quan trọng vì cộng đồng người Việt ở hải ngoại phần lớn không am hiểu tình cảnh của những người tị nạn hiện nay.
“Không như trước đây, người lánh nạn ở Thái Lan bây giờ không nhận được sự giúp đỡ nào của chính quyền Thái hay của quốc tế. Họ sống lẩn lút giữa người dân địa phương và luôn nơm nớp trước nguy cơ bị bắt và trục xuất”, Ts. Nguyễn Đình Thắng giải thích.
Ông tin rằng các bản tường trình của phái đoàn sẽ giúp tạo được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đối với số đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan.
“Trong thời gian bốn năm trở lại đây chúng tôi đã gởi trên 10 phái đoàn đến Thái Lan để giúp cho các đồng bào này cả về đời sống lẫn pháp lý. Hai tuần nữa chúng tôi lại gởi đến Thái Lan một vị cố vấn mà trước đây từng là đại sứ Hoa Kỳ ở trong vùng Đông Nam Á để gặp gỡ Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc”, Ts. Thắng nói.
“Số người sang Thái Lan lánh nạn ngày càng đông và đã vượt quá khả năng cho phép của chúng tôi. Nay chúng tôi cần sự trợ giúp về tài chánh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại và cũng cần thêm luật sư tình nguyện lập hồ sơ tị nạn”, Ts. Thắng nói.
Khởi đi từ hội Tết ở Chùa Liên Hoa, một nỗ lực vận động gây quỹ đã lan rộng ở Houston với sự huy động của nhà thờ và nhiều xứ đạo Công giáo, và đài phát thanh Sàigòn Houston.
Tiếp nối Houston, ngày 22 tháng 5 tới đây một số nhà mạnh thường quân ở vùng Dallas-Fort Worth sẽ tổ chức buổi gây quỹ cho chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” ở Saigon Mall.
Một số thành viên trong phái đoàn Houston sẽ có mặt để tường trình về chuyến công tác ở Thái Lan
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]
.
.
.
No comments:
Post a Comment