Monday, April 18, 2011

ĐÒI NHÂN QUYỀN GIỮA THÀNH PHỐ CỘNG SẢN (Người Việt)


Sunday, April 17, 2011 3:00:14 PM

Kỷ niệm ngày đọc Tuyên ngôn Nhân quyền ở Sài Gòn năm 1977

WESTMINSTER (NV) - Năm 1977, giữa lúc chế độ cộng sản đang cai trị gay gắt và hàng triệu người làm việc cho chế độ VNCH đang bị cầm tù, một nhóm luật sư can đảm cần loa đọc bản “Tuyên ngôn Nhân quyền của những người Việt Nam khốn cùng” giữa Sài Gòn.

Khi đó là ngày 23 tháng 4 năm 1997. Ðịa điểm lúc đó là phía trước nhà thờ Ðức Bà.

Tối Thứ Sáu, tại Westminster, gần 50 thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền VN tổ chức kỷ niệm ngày Tuyên Bố Nhân Quyền Việt Nam này. Tổ chức buổi kỷ niệm này là các Luật Sư Trần Danh San và Triệu Bá Thiệp, những người 34 năm trước đã khẳng khái, can đảm gióng lên tiếng nói đòi hỏi nhân quyền cho người VN.

Hai Luật Sư Trần Danh San (trái) và Triệu Bá Thiệp đang chào mừng thân hữu cựu tù Phan Ðăng Lưu trong buổi kỷ niệm ngày ra “Tuyên ngôn Nhân quyền của những người Việt Nam khốn cùng.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðó là những tiếng nói tranh đấu cho người VN đầu tiên sau khi chế độ CS đã toàn thắng trên đất nước VN. Những tiếng nói ấy đã bị dập tắt ngay sau khi Luật Sư Trần Danh San vừa mới đọc được hơn một lần bản “Tuyên ngôn Nhân quyền của những người VN khốn cùng” trước nhà thờ Ðức Bà.

Tuy không có được đám đông khi bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền được đọc lên nhưng tiếng vọng đã như những tiếng sấm vang rền trong khắp các tầng lớp dân chúng Saigon và cũng nhanh chóng lan đi khắp nước, vào tận các nhà tù tập trung cải tạo gây hứng khởi và niềm tin cho hàng vạn tù nhân chính trị.

Kể về hành động này, Luật Sư Trần Danh San trong một cuộc phỏng vấn ngắn đã cho Người Việt biết: “Chúng tôi gồm hơn 10 luật sư trước 1975 đang hành nghề tại Huế và Saigon đã hẹn nhau chia làm hai ngả tiến theo hai đường tập trung trước nhà thờ Ðức Bà vào chiều ngày 23 tháng 4. Chúng tôi đã dùng một cái loa phóng thanh qua một máy ghi âm nhỏ để đọc lên bản ‘Tuyên ngôn Nhân quyền của những người VN khốn cùng.’ Ngay lúc đó công an đã ập đến bắt chúng tôi về Tổng Nha Cảnh Sát cũ rồi sau đó giải về Phan Ðăng Lưu.”

Bản Tuyên Bố Nhân Quyền đầu tiên ở VN đã nhân danh những người Việt Nam khốn cùng mới chỉ có 2 năm cộng sản cai trị đất nước. Họ khốn cùng vì họ đã tàn lực vì phải ăn đói và sẽ chết đói, vì không được sống và được suy tưởng như một con người. Nên họ đã phải dùng ngôn ngữ con người để thức tỉnh bọn đao phủ mù quáng và tham tàn là bọn người theo một chủ nghĩa đã lỗi thời và chống lại con người.

Bản tuyên ngôn kêu gọi những người nông dân trên thế giới hãy hướng về VN để thấy người nông dân VN phải lao động cực nhọc suốt ngày với bụng đói vì hoa mầu làm ra mà không được sở hữu.

Bản tuyên ngôn cũng kêu gọi công nhân trên thế giới hãy thấu hiểu đến thân phận công nhân VN đang phải làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm làm thêm ngày nghỉ để dâng lên đảng, lên lãnh tụ CS máu và mồ hôi nước mắt của họ.

Bản tuyên ngôn còn kêu gọi cả những nhà truyền giáo, các khoa học gia, các triết gia, các văn nghệ sĩ, trí thức hãy ngưng tụng kinh, hãy tạm ra khỏi những tháp ngà nghiên cứu, hãy bẻ gãy ngòi bút sáng tác mà hướng về VN, nơi nhà thờ, chùa chiền tự viện đã biến thành các trụ sở hợp tác xã, nơi mà các định luật khoa học bị bóp méo, nơi mà các văn nghệ sĩ trí thức chỉ có mỗi việc làm là tung hô nhà nước, tung hô đảng và lãnh tụ.

Nâng ly chúc mừng nhau trong ngày tái ngộ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Bản tuyên bố kêu gọi các lực lượng văn minh trên thế giới hãy đứng dậy, Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được tôn trọng, để con người được bảo vệ...

Luật Sư Triệu Bá Thiệp trong dịp này đã nhắc đến lòng kiên trì, sự can trường và sức chịu đựng của Luật Sư Trần Danh San sau khi đọc Tuyên Ngôn đã bị cộng sản dành cho những đòn thù dã man, tàn khốc nhất trong những nhà tù như Phan Ðăng Lưu. Nhưng Trần Danh San vẫn bất khuất làm sáng lên tinh thần của những trí thức VN chân chính. Ðến nay thì cho dù thân thể đã bị bầm giập vì đòn thù CS, mổ tim đến mấy lần, thông mạch máu chân cũng đến mấy lần nhưng Trần Danh San vẫn đứng vững trên đôi chân với Ủy Ban Nhân Quyền VN để tiếp tục gióng lên tiếng nói của người dân VN trước sự tàn khốc, độc tài của cộng sản VN.

Luat Sư Triệu Bá Thiệp trong dịp này, sau khi kể lại những đòn thù của CS mà Luật Sư Trần Danh San đã phải lãnh nhận, cũng xúc động phát biểu: “Trong nguy hiểm phải sống dưới chế độ cộng sản tôi còn không quản ngại nghe theo tiếng gọi của Trần Danh San, huống chi bây giờ trên đất nước tự do này.”

Tiếp đó nhiều cựu tù Phan Ðăng Lưu cũng lên phát biểu ý kiến về những hành động của anh em trong Nhóm Luật Sư Tuyên Ngôn Nhân Quyền VN và cho rằng, ngay ở trong nước dưới sự kìm kẹp và đàn áp khốc liệt của CSVN mà anh em đã hy sinh dám lên tiếng thì ở hải ngoại này, không vì những dè dặt trước những đánh phá phe nhóm mà chúng ta cứ im lặng mãi.

Sau những lời phát biểu nhắc nhở nhau tinh thần tranh đấu cho nhân quyền VN, buổi kỷ niệm đã được nhiều thân hữu đóng góp phần ca nhạc và mọi người dự một bữa tiệc thân mật trong hào khí “chúng tôi phải tranh đấu vì Ðảng CS Hà Nội buộc chúng tôi phải chấp nhận cái không thể chấp nhận được.”
.
.
.

No comments: