Monday, April 18, 2011

CÔNG AN LÀ ĐỂ BẢO VỆ LUẬT PHÁP, BẢO VỆ NHÂN DÂN ? (Song Chi)


Song Chi
Saturday, April 16, 2011 4:20:40 PM

Ngày 22 tháng 9 năm 2010, Tổ Chức Theo Dõi về Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã ra tuyên bố kêu gọi chính phủ Việt Nam mở các cuộc điều tra về tình trạng công an sử dụng vũ lực gây chết người lan rộng.
Tổ chức này đã ghi nhận được 19 trường hợp bạo hành của công an, dẫn đến cái chết của 15 người, do chính báo chí Việt Nam đưa tin trong vòng 12 tháng.

Ông Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền phát biểu: “Tình trạng công an bạo hành tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm gia tăng mối quan ngại sâu sắc rằng những vụ việc bạo hành lạm quyền lan rộng và có tính hệ thống,” (theo Human Rights Watch, ngày 22.9.2010).

Con số 15 người chết này là do báo chí nắm được. Trên thực tế, số người chết hoặc bị công an đánh lê lết nhưng chưa chết, chắc chắn phải cao hơn!

Trong đó có những vụ đã gây nên những cuộc biểu tình phản đối dữ dội của người dân như vụ anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang bị công an đánh chết ngày 23 tháng 7, 2010 vì không đội mũ bảo hiểm! Ðể bày tỏ sự chia dẻ với gia đình nạn nhân và sự bất bình trước hành động giết người vô cớ này, hàng ngàn người dân Bắc Giang đã biểu tình dẫn đến bạo động vào ngày 25 tháng 7.

Bước sang năm 2011, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra với hàng loạt cái chết oan ức. Chỉ xin nhắc lại vài vụ việc gần đây.
Ngày 8 tháng 3, 2011 ông Trịnh Xuân Tùng đã tử vong tại bệnh viện Việt Ðức, Hà Nội sau một tuần bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh phường Thịnh Liệt đánh gẫy hai đốt sống cổ. Chỉ vì ông không đội mũ bảo hiểm, lại còn... can thiệp cho người lái xe ôm chở mình đi khi anh này bị tay công an đánh. Rất đông người dân Hà Nội phẫn nộ, đã đến dự đám tang ông Tùng khiến công an phải huy động người canh chừng, kiểm soát tình hình!
Ngày 26 tháng 3, 2011 anh Trịnh Văn Sinh (tức Duẫn), trú tại thôn Ðục Khê, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội, bị hai công an huyện đuổi phải nhảy xuống sông rồi dẫn đến tử vong vì đuối nước. (“Công an đuổi dân gây chết đuối [?]”,Dân Việt ngày 7.4.2011)
Ngày 30 tháng 3, 2011 ông Trần Văn Dữ, thị trấn Ngã Năm, Sóc Trăng bị thượng sĩ công an Danh Nhãn đánh chết vì “quá bức xúc khi thấy ông Dữ say rượu, đánh mẹ ruột” (“Cảnh sát đánh đương sự tử vong vì quá bức xúc”, VNExpress.net ngày 13.4.2011).

Và những vụ đánh nhưng... chưa chết:
Ðêm 20 tháng 3 năm 2011, anh Ðỗ Quốc Thái, tài xế taxi hãng Mai Linh bị thiếu tá công an Bùi Minh Thắng đánh bị thương phải vào nhập viện. Nguyên nhân chỉ vì tay thiếu tá này say rượu và đòi anh Thái phải chạy vượt đèn đỏ nhưng anh không nghe! Bùi Minh Thắng là con của ông Bùi Hoàng Bào, giám đốc công an tỉnh Hậu Giang. Vị “quan lớn” này cũng đã có “thành tích” về cung cách hành xử hống hách, coi thường người dân mà trang Tầm nhìn.net ngày 5 tháng 4 trong bài “Những chuyện liên quan đến giám đốc công an tỉnh Hậu Giang” đã nêu ra.
Tối 12 tháng 4 năm 2011, tại Long Bình, Ðồng Nai, xuất phát từ một sự va quẹt, dẫn tới lời qua tiếng lại, anh Trần Thanh Chương đã bị một thanh niên “rút súng bắn liên tiếp 4 phát. Trong đó 1 viên bị lép, 3 viên còn lại lần lượt trúng vào bụng, tay và chân anh Chương.” Người bắn là Nguyễn Hoài Tân, trung sĩ, công an phường Long Bình, Ðồng Nai. (“Ðã xác định đối tượng rút súng bắn người trên phố”, báo Dân Trí, ngày 15.5).
Ngày 6 tháng 4, chị Dương Thị Mỹ Ngọc, quận 9, TP.HCM chị bị ông N.T.H, công an phường Tân Phú, quận 9 đánh đến nhập viện vì trước đó mấy ngày không đồng ý bán 3 ký cua biển cho ông này. (“Công an bị tố đánh người vì 3 ký cua”, Giadinh.net.vn ngày 15.4.2011)
V.v. và v.v.

Có cảm tưởng rằng càng ngày thái độ của giới công an càng tỏ ra côn đồ, ngang ngược, chẳng coi mạng sống của nhân dân hay luật pháp ra gì. Hầu hết những vụ bạo hành đều do người dân chỉ phạm phải những lỗi rất nhỏ như không đội mũ bảo hiểm hoặc do những va chạm nhỏ nhặt giữa công an và nạn nhân. Ngay cả khi dân có lỗi, như vụ ông Dữ say rượu đánh mẹ ruột thì công an cũng chẳng có quyền gì mà “đánh chết người vì bức xúc” cả!

Khi xảy ra chuyện chết người, ngành công an đều tìm cách đổ tội lại cho nạn nhân. Hoặc tuyên bố nạn nhân đã tự sát hay chết vì đột quỵ dù trước đó nạn nhân là người bình thường, khỏe mạnh. Hoặc tìm cách bao che, cho chìm xuồng vụ án. Chưa kể có những vụ, người dân vì “thấp cổ bé họng”, vì quá nghèo, đành chấp nhận bồi thường và bãi nại. Như gia đình anh Trịnh Văn Sinh kể trên, đành ngậm ngùi nhận 70 triệu đồng VN-tương đương 3,500 USD, để lo ma chay, trả tiền thợ lặn tìm xác và để yên chuyện. (Báo Dân Việt ngày 7.4)

Chỉ những vụ nào quá ầm ỹ, công an mới khởi tố nhưng lúc ra tòa mức án cũng rất nhẹ như vụ tay thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp giết anh Nguyễn Văn Khương chỉ bị 7 năm tù! Còn vụ ông Trịnh Xuân Tùng, rồi hãy chờ xem mức án xử trung tá Nguyễn Văn Ninh thì rõ!

Sự mất nhân tính của những kẻ gọi là “công an nhân dân” còn lên đến đỉnh điểm khi có những trường hợp, công an không đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay khiến họ phải chết oan. Qua lời kể của cô con gái ông Trịnh Xuân Tùng, công an đã không cho phép gia đình đưa ông Tùng đi cấp cứu mặc dù ông đã bị liệt và đang chịu đau đớn. Mãi đến khi tình trạng quá nặng mới cho đưa đi nhưng vào đến bệnh viện tay nạn nhân vẫn bị còng như thể một tội phạm nguy hiểm!

Vụ ông Trần Văn Dữ, sau khi đánh nạn nhân, công an không đưa đi cấp cứu mà khiêng bỏ nằm ngoài sân. Ðến khuya khi người dân phát hiện ra thì nạn nhân đã chết.

Vụ anh Trần Thành Chương, theo báo Dân Trí đã dẫn: “Ðiều đáng nói, sau khi “hạ” anh Chương bằng 4 phát đạn, người thanh niên kia vẫn lăm lăm súng trong tay không cho đưa nạn nhân đi cấp cứu. Người dân xung quanh tỏ ra phẫn nộ trước hành vi hung hãn của người này. Một số người dân quá khích đã lao vào đánh ‘hội đồng’ người cầm súng để mang anh Chương đi cấp cứu.”

Còn vụ anh Trịnh Văn Sinh cũng đau lòng không kém. Người mẹ kể với báo Dân Việt ngày 7 tháng 4: “Khi chạy đến xưởng mộc của nhà anh Mạnh thì con trai tôi rẽ vào lối chạy xuống sông Ðáy và nhảy xuống nước. Người dân trên bờ nhìn thấy con tôi ngụp lên ngụp xuống 3 lần, vẫy tay kêu cứu, nhưng hai anh công an không ai nhảy xuống cứu”...

Nếu chỉ một vài vụ lẻ tẻ, có thể cho rằng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” chứ thật ra công an Việt Nam rất tốt bụng, tử tế, hết lòng vì nhân dân! Nhưng khi cách hành xử này được lặp đi lặp lại qua rất nhiều trường hợp thì lại là chuyện khác. Cái gì đã làm cho giới công an Việt Nam nói chung trở nên ngang ngược, coi thường sinh mạng của nhân dân, thậm chí có những cách hành xử phi nhân tính như vậy? Xin dành câu trả lời lại cho mọi người.

Ngay trong đời sống bình thường, đối với đại đa số người Việt Nam, hai chữ “công an” vốn cũng chẳng phải gợi lên hình ảnh thân thiện, tốt bụng, hay đáng tin cậy gì. Ở một số quốc gia, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, điều đầu tiên mà người dân làm là... nhấc điện thoại gọi cảnh sát. Từ những chuyện nhỏ như hàng xóm cãi lộn, con mèo đi lạc... cũng gọi cảnh sát. Ði đường nếu cần hỏi đường hoặc cần giúp đỡ, mọi người cũng thường tìm đến cảnh sát. Còn ở Việt Nam? Hầu như chả bao giờ người dân tự nguyện nhờ đến công an cả. Tại sao vậy? Ðơn giản là vì người dân không có lòng tin cậy vào công an!

Trên facebook còn có cả “Hội những người chưa bao giờ gặp được chú công an tốt bụng” với 7,326 người bấm like tính đến thời điểm này. Cứ đọc những dòng bình luận thì hiểu, nhiều người Việt Nam nghĩ gì về giới công an!

Và qua hàng loạt những vụ hành xử với dân như đã kể, thì từ sự không tin cậy, không thiện cảm, nhiều người đã trở nên ghét cay ghét đắng giới công an! Nếu có như vậy thì các anh công an cũng đừng lấy làm tức giận người dân, bởi gieo nhân gì, thì gặt quả đó thôi!

-------------------------------------------

Human Rights Watch   -   September 22, 2010
.
.
.

No comments: