Monday, April 18, 2011

“NGHỆ THỰC” ĐỊNH HƯỚNG “DƯ LỰNG” CỦA “BÁO TA” (Tạ Phong Tần)


Tạ Phong Tần
18/04/2011

Từ sau tết Tân Mão đến nay, mỗi sáng mở tờ báo “lề phải” ra kiếm đỏ mắt không tìm thấy tin tức nào đáng xem, mà thấy toàn những chuyện “nhỏ như con thỏ” nhưng được thổi lên bằng con voi.

Cụ thể là chuyện cô Trần Thị Thùy Dương đoạt giải cuộc thi viết về chuyện tình của Lượm (một nhân vật do cô Thùy Dương tưởng tượng ra) nhưng lại được VTV “thổi” lên thành một số phận con người hết sức bi thảm. Rõ ràng, lỗi là ở phía đài truyền hình (mục Người xây tổ ấm) khi không xác minh tính xác thực của câu chuyện đã cho nó vào mục người thật việc thật để kêu gọi lòng hảo tâm của khán giả. Cô Thùy Dương đã trả lại giải thưởng, tiền của Mạnh Thường Quân giúp đỡ và chân thành xin lỗi khán giả. Còn phía VTV lại gân cổ cãi khi cho đó là “sự cố”, thậm chí còn làm đơn gởi đến công an tố cáo cô Thùy Dương “lừa đảo”, họ làm như không biết “bài học” của hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải phải ngồi tù vì không xác minh lại tính xác thực của tin tức dù nguồn cung cấp tin là cơ quan công an. Vậy là có chuyện để các báo tha hồ “cãi nhau” từ số này sang số khác với những bài viết dài thòng.

Kế tiếp, Thanh Niên đăng loạt bài Bi hài chuyện giữ xe liên tục 8 số (8 bài mỗi bài chiếm 1 trang báo) từ ngày 21/03/2011 đến 27/3/2011, tính thêm 1 bài của độc giả “ý kiến ý cò” vô nữa là 9 trang tất cả, dù cái sự giữ xe này không đáng để kéo dài ra như vậy.

Ngày 26/3/2011, người ta còn nghĩ cách “thu hút” và thổi phồng sự kiện kêu gọi tắt điện tham gia Giờ Trái Đất để “bảo vệ môi trường trong lành” kết hợp với kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đoàn thanh niên cộng sản HCM bằng biện pháp “ám sát” trái đất hết sức thô thiển là tụ tập cả mấy ngàn người cùng thắp nến và xả rác. Báo Tuổi Trẻ viết: “Từ lúc 19g, các bạn trẻ đã cùng vẽ áo thun cổ động Giờ Trái đất, gấp túi giấy, nhảy tập thể hưởng ứng Giờ Trái đất… Đúng 20g30, tất cả đèn trong khu vực tổ chức chương trình được tắt. Tất cả cùng thắp nến và hát to các bài hát cùng đại sứ của chương trình: ca sĩ Hoàng Bách, MC Thanh Tùng… và hô vang khẩu hiệu “Tắt đèn vì Trái đất, hành động vì tương lai”.

Văn bản này được cho là có xuất xứ từ Ban Tuyên giáo trung ương của đảng CSVN

Một bạn đọc không đồng tình phát biểu: “Đốt nến cũng có khí thải, ô nhiễm môi trường, trong nhà chật dễ gây hỏa hoạn. Đây chưa nói đến mặt kinh tế. Nếu 1 bóng đèn neon tiêu tốn trong 1 giờ chưa đầy 100 đồng tiền điện mà tắt đi, thay vào đó là cây nến 1.000 đồng để đốt cháy thì có thể so sánh ra sao về mặt kinh tế và môi trường?”, “Những bạn trẻ này đang góp phần làm tăng lượng khí CO2 trong bầu khí quyển bằng cách đốt rất nhiều nến”. Các nhân vật tổ chức cũng thú nhận rằng “nếu không đốt nến thì các hoạt động bớt hấp dẫn, khó thu hút mọi người tham gia chiến dịch Giờ Trái đất’. Hóa ra, người ta coi việc làm sao thu hút được cho nhiều thanh niên tham gia nhớ đến sự hiện diện của “đoàn ta” quan trọng hơn bảo vệ môi trường và sự kiện Giờ Trái Đất chỉ là cái cớ. Một bạn khác đặt câu hỏi: “Chi phí cho việc tổ chức các phong trào này ở đâu ra?”. Bằng vào kinh nghiệm của một cựu đoàn viên, cựu đảng viên, tôi có thể mạnh dạn trả lời bạn ấy chắc như đinh đóng cột rằng: Bất cứ hoạt động nào dính vào “đoàn ta”, “đảng ta” và nhằm vào mục đích tung hô “đoàn ta”, “đảng ta” thì tất tần tật kinh phí tổ chức đều nghiễm nhiên được “ăn” vào tiền ngân sách cấp phát, tức là tiền thuế của người dân Việt Nam, trong đó có tiền của tôi và bạn ấy.

Tiếp theo là “báo ta” đánh vào tính tò mò chuyện riêng của người nổi tiếng bằng cách chuyển sang khai thác chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến nay liên tục 3 số rồi và còn hứa hẹn sẽ còn những số tiếp theo, chớ không hề có dấu hiệu “để người chết được yên nghỉ”.

Thực ra, cái gì cũng có nguyên do của nó. Thông tin trên các trang “lề trái” cho biết: “Từ đầu tháng 3, tình hình trên biển Đông lại trở nên hết sức nóng bỏng khi hai chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc đã có hành động quấy rối và cản trở một chiếc tàu khảo sát dầu khí của Philippine tại khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam”; “Phát ngôn viên bộ ngoại giao Jiang Yu cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh”. Bà cho rằng, bất kỳ hoạt động nào của các nước hoặc các công ty nhằm thăm dò dầu khí trên các vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc sẽ được cho là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và … sẽ là bất hợp pháp”; “Cảnh báo trên của Trung Quốc cũng như hoạt động thăm dò dầu khí của Philippine tại Bãi Cỏ Rong đều vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Mọi hoạt động quân sự, thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Đông và các khu vực xung quanh Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được Việt Nam cho phép đều là vi phạm chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam”. Đáng chú ý nhất là câu:Hiện tại chưa có phản ứng chính thức nào từ phía Việt Nam, trước các tuyên bố trên của bà Jiang Yu”.


Sự kiện kế tiếp là “Trước đó đầu năm 2010, cán bộ xã Hải Khê và cán bộ huyện Hải Lăng đã vận động bà con đồng ý cho doanh nghiệp tư nhân khai thác titan trên địa bàn. Người dân Thâm Khê kịch liệt phản đối. Theo một người dân Thâm Khê, công an đã đánh dân bằng gậy khi bị phản đối lúc cướp thùng thư quyên góp của dân. Nổi giận vì hành vi ngang ngược của công an, hàng trăm người dân, hầu hết là phụ nữ đã bắt trói phó công an xã Hải Khê giam ở đình làng. Người dân còn tuyên bố nếu họ vẫn tiến hành khai thác cát titan, có thể có đổ máu, vì người dân rất cương quyết bảo vệ nguồn sống. Cát titan là một dạng thiên nhiên của một thứ kim loại gọi là titanium. Nó nhẹ chỉ bằng nửa thép nhưng có độ bền không kém”. Năm ngoái, báo “lề phải” cũng có vài bài viết về việc này nhưng sự việc rơi vào im lặng, giờ thì không báo nào nhắc đến nữa.

Việt Nam hô hào tham gia Giờ Trái Đất sẽ là rất vô nghĩa và gây tốn kém nếu người ta cứ ngang nhiên dùng quyền lực nhà nước câu kết với tư nhân tàn phá môi trường sống của người dân Quảng Trị.

Chuyện giữ xe quá giá, chuyện vi phạm đạo đức nhà báo của VTV hay chuyện tình của Trịnh Công Sơn chẳng có chút ý nghĩa gì nếu so với chuyện Trung Quốc và Philippine đang ngang nhiên xâu xé quần đảo Trường Sa mà chính phủ Việt Nam thì lại im thin thít.

Báo chí Việt Nam nằm trong sự quản lý của đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam không được coi là cơ quan truyền thông như báo chí “tư bổn” mà là một thứ công cụ để “định hướng”, để tuyên tuyền những gì có lợi cho đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam, bất kể sự “định hướng” đó có khả năng gây nguy hại cho quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Phải chăng người ta cần sự “im thin thít” của người dân Việt Nam nên báo chí Việt Nam có trách nhiệm lái sự chú ý của người đọc báo đến những nội dung vô thưởng vô phạt? Có thể nói đây là “nghệ thực” định hướng “dư lựng” quần chúng của “báo ta”.

Tạ Phong Tần
.
.
.

No comments: