Saturday, April 23, 2011

ẤN ĐỘ TĂNG CƯỜNG HIỆN ĐẠI HOÁ QUÂN ĐỘI (World Politics Review)

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 19/04/2011
TTXVN (Niu Yóoc 12/4)

Đăng bởi anhbasam on 22/04/2011

Phản ánh những nỗ lực và mối đe doạ của tiến trình hiện đại hoá quân đội gần đây của Ấn Độ đối với khu vực Nam Á, mạng tin “World Politics Review” gần đây cho biết, Ấn Độ đang nỗ lực hiện đại hoá quân đội để cạnh tranh với Trung Quốc và tăng sức ép với Pakixtan. Chi phí quân sự năm 2010-2011 của Ấn Độ là 32 tỷ USD, chiếm 2,5% GDP, lớn hơn nhiều so với chi phí quân sự của các nước Nam Á khác và thể hiện ý đồ đầy tham vọng của Ấn Độ đối với khu vực.

Theo một báo cáo mới nhất của Ấn Độ, Niu Đêli có thể chi tới 120 tỷ USD trong 5 năm tới để hiện đại hoá quân đội. Ấn Độ đang triển khai kế hoạch mua thêm 126 máy bay chiến đấu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Ấn Độ triển khai một hợp đồng lớn như vậy. Nhiều công ty quốc tế như Dassault Aviation SA, Boeing Co, Lockheed Martin Corp. Saab AB, United Aircraft Corp của Nga và European Aeronautic, Defense & Space Co đang cạnh tranh với nhau để giành được các hợp đồng của Ấn Độ. Ngoài ra, từ nay đến 2017, Ấn Độ sẽ chi gần 48 tỷ USD để mua các loại máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay vận tải và máy bay huấn luyện. Hải quân Ấn Độ cũng có kế hoạch từ nay đến năm 2022 sẽ mua số lượng máy bay chiến đấu và trực thăng trị giá 7,5 tỷ USD. Do đó, thập kỷ tới thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi rất lớn trong quân đội Ấn Độ. Nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu BAE Systems Plc dự kiến Ấn Độ sẽ trở thành thị trường lớn thứ hai của họ trong thập kỷ tới. Tập đoàn này đã giành được một hợp đồng trị giá 803 triệu USD với công ty Hindustan Aeronautics Ltd. của Ấn Độ để sản xuất 57 máy bay huấn luyện Hawk. Việc hợp tác này sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ phát triển. Lực lượng Không quân Ấn Độ cũng đang hiện đại hoá các phi đoàn máy bay trực thăng và mua 230 máy bay lên thẳng trong thời gian tới. Hãng Lockheed đang đàm phán để bán cho quân đội Ấn Độ các loại máy bay hiện đại nhất. Tất cả các hợp đồng đó sẽ chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ sau khi hoàn tất. Rõ ràng sự phát triển như vậy sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ. Niu Đêli cũng đang dàm phán với công ty Mỹ để cung cấp các tên lửa Hellfire Romeo và rađa Longbow như một phần nỗ lực của Boeing để bán 22 máy bay trực thăng Apache AH -64 cho Ấn Độ. Hiện nay hãng Lockheed đang thực hiện một đơn đặt hàng cung cấp 6 máy bay vận tải Super Hercules nằm trong một thoả thuận trị giá khoảng 1 tỷ USD. Công ty giành được đơn đặt hàng tháng 2/2008. Cuối năm ngoái, chiếc máy bay đầu tiên được chuyển đến cho Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) và được đưa vào sử dụng ngày 7/2, những chiếc máy bay còn lài sẽ được đưa vào sử dụng trong IAF trong những năm tới. Ấn Độ đang từng bước thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và hiện Chính phủ đề nghị mua của hãng Lockheed Martin Corp các hệ thống tên lửa Patriot hiện đại.

Lực lượng Hải quân sẽ tăng thêm một số tàu ngầm Scorpene, nhờ sự giúp đỡ của công ty DCNS của Pháp, dự kiến chi phí khoảng 4,6 tỷ USD. Các tàu ngầm này có thể lặn sâu dưới nước khaỏng 1 tuần, khiến các rađa của đối phương khó có thể phát hiện, và tăng sức mạnh cho Hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Ấn Độ còn mua 8 máy bay trinh sát biển và chống ngầm của hãng Boeing Co trị giá 2,1 tỷ USD năm 2009 và mới đây mua thêm 4 chiếc khác. Để tăng thêm khả năng chiến tranh đổ bộ, Hải quân dự định xây dựng 4 xưởng sửa chữa và đóng tàu mới. Các tàu chiến của Hải quân sẽ dài khoảng 200m và có thể chuyên chở xe tăng, xe tải hạng nặng, xe thiết giáp chở quân, máy bay trực thăng. 4 xưởng đóng tàu mới sẽ được trang bị một hệ thống phòng thủ tên lửa và một hệ thống vũ khí để ngăn chặn hoả lực và máy bay của đối phương.

Lục quân Ấn Độ đang nỗ lực hiện đại hoá và huấn luyện bộ binh sử dụng các vũ khí công nghệ cao cũng như tác chiến ở tất cả các điều kiện địa hình và thời tiết, trong điều kiện chiến tranh thành phố và môi trường chiến tranh điện tử. Gần đây, Lục quân đã mua một hệ thống thông tin liên lạc và máy tính thống nhất để trang bị cho toàn quân. Các hệ thống này bao gồm các máy tính laọi nhỏ hoặc máy tính xách tay, kèm theo các hệ thống định vị toàn cầu và sóng vô tuyến – một bộ phận của chương trình F-INSAS. Toàn bộ tiến trình mua sắm trang thiết bị có thể tiêu tốn tới hơn 3 tỷ USD. Chương trình F-INSAS được công bố lần đầu tiên vào năm 2007. Giai đoạn đầu của chương trình huấn luyện các đơn vị bộ binh sẽ kết thúc vào cuối năm 2011. Các binh sĩ sẽ được trang thiết bị loại súng nhẹ hơn và hiệu quả sát thương lớn hơn, quân phục chống đạn hiệu quả và giày nhẹ… nhằm tăng hiệu quả tác chiến trong cuộc chiến tranh hiện đại. Mục tiêu chủ yếu của chương trình F-INSAS là tăng khả năng cơ động, tồn tại và tiêu diệt đối phương của binh sĩ. Lục quân cũng đưa vào sử dụng các máy bay trinh sát không người lái được sản xuất ở trong nước. Loại máy bay trinh sát không người lái Nishant dài 15 feet, sải cánh 22 feet, và trần bay 11.800 feet, tốc độ tối đa 115 dặm/giờ. Loại máy bay trinh sát không người lái Laksshya có tầm hoạt động 370 dặm, trần bay 29.504 feet và tốc độ tối đa 600 dặm/giờ. Các loại máy bay không người lái này sẽ giúp Lục quân tăng khả năng giám sát và trinh sát trên chiến trường. Gần đây, Lục quân cũng đặt mua 400 khẩu pháo và thử nghiệm nhiều loại vũ khí khác nhau để đưa vào sử dụng cuối năm 2012. Hiện nay, Ấn Độ đang đàm phán với Mỹ để mua 145 khẩu pháo cực nhẹ nhằm triển khai ở các khu vực đồi núi để đối phó với tình hình kiểu Kargil và mối đe doạ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, hãng Lockheed Martin đang đàn phán để bán cho Lục quân Ấn Độ hệ thống tên lửa vác vai Javelin gồm 8.000 tên lửa và 300 bệ phóng, trị giá hơn 1 tỷ USD. Vừa qua, Ấn Độ cũng mua một vệ tinh RISAT-2 của Ixraen. Vệ tinh này có khả năng theo dõi ban ngày, đêm và khi điều kiện sương mù dày đặc, do đó nó được coi là loại vệ tinh tình báo. Ngoài ra, Tổ chức Nghiên cứu Không gian của Ấn Độ đang phát triển loại vệ tinh RadarSat với chi phí gần 400 triệu rupi Ấn Độ. Loại vệ tinh này sẽ hoạt động trong vài năm và giúp Ấn Độ nâng cao khả năng hoạt động trên vũ trụ.

Các khoản ngân sách nhằm khôi phục sức mạnh của quân đội cho thấy Ấn Độ đang trong tiến trình đạt được sức mạnh tiềm tàng để thực hiện mục tiêu bá chủ khu vực Nam Á và cũng để chống lại mối đe doạ của các nước láng giềng. Việc đưa vào sử dụng các loại máy bay hiện đại nhất và các hệ thống cảnh báo sớm trên không sẽ tăng khả năng cơ động, sức mạnh hoả lực, trinh sát và giám sát trên không. Khả năng đó rất quan trọng cho các hoạt động quân sự thay đổi, chớp nhoáng cả ban ngày lẫn đêm. Trước tình hình đó, các nước khu vực, đặc biệt Pakixtan, phải thường xuyên theo dõi tiến trình hiện đại hoá quân đội của Ấn Độ để có phản ứng thích hợp. Pakixtan có lực lượng quân sự mạnh và hiệu quả. Giới lãnh đạo chính trị và quân sự Pakixtan có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các mối đe doạ đối với an ninh quốc gia. Giới lãnh đạo chính trị Pakixtan phải thể hiện phương hướng rõ ràng đối với lực lượng vũ trang. Các đảng chính trị ở Pakixtan phải ủng hội Chính quyền và quân đội trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào. sự ủng hộ và hợp tác là vấn đề cần thiết trong cuộc chiến tranh hiện đại. Do đó, để đối phó môi trường chiến lược đang thay đổi và các phát triển công nghệ quân sự của Ấn Độ, Pakixtan phải phát triển và cho quân đội các loại vũ khí mới nhất. Pakixtan phải dựa vào nền công nghiệp quốc phòng trong nước để duy trì và phát triển sức mạnh quân đội nhằm đối phó với các mối đe doạ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia./.
.
.
.

No comments: