Saturday, April 23, 2011

QUAN HỆ MỸ - TRUNG : SỰ THAY ĐỐI NHẬN THỨC QUYỀN LỰC (Joseph Nye)

GS. Joseph Nye
Los Angeles Times
Thứ năm, 21 Tháng 4 2011 18:32
Trung Quốc còn một chặng đường dài mới có đủ khả năng thách thức với Mỹ giống như nước Đức của Kaiser tạo ra khi Đức vượt qua Anh. Sự tự tin thái quá, chủ nghĩa dân tộc sẽ dẫn đến những nhận định sai lầm chết người trong quan hệ Mỹ - Trung. Hai quốc gia này không được phép lặp lại kinh nghiệm đầy thảm họa của Đức và Anh cách đâ một thế kỷ. Bài viết “U.S.-China relationship: A shift in perceptions of power” của GS. Joseph Nye, Đại học Havard đăng trên Los Angeles Times ngày 6/4 như sau.

Năm ngoái, khi Trung Quốc cắt đứt các cuộc đối thoại quân sự sau khi Chính quyền Obama bán vũ khí phòng vệ cho Đài Loan, một hợp đồng đã được chờ đợi từ lâu, một quan chức cấp cao của Mỹ hỏi người đồng cấp phía Trung Quốc vì sao Trung Quốc lại phản ứng mạnh như vậy trước một việc mà nước này đã chấp nhận trước đó. Câu trả lời: "Vì trước đây chúng tôi yếu, còn bây giờ chúng tôi mạnh." Trong một chuyến đi gần đây tới Bắc Kinh, tôi hỏi một chuyên gia Trung Quốc rằng điều gì phía sau sự tự thị mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Câu trả lời là: "Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều người Trung Quốc tin rằng chúng tôi đang nổi lên còn Mỹ thì đang đi xuống."

Những người Trung Quốc này không đơn độc. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ là thế lực thống trị trong hai mươi năm nữa nhiều hơn số người tin rằng Mỹ sẽ duy trì được vị trí đó. Một số nhà phân tích còn đi xa hơn và lập luận rằng sự nổi lên của Trung Quốc sẽ dẫn đến một cuộc va chạm tương tự như đã từng xảy ra giữa một nước Đức đang lên và một nước Anh đang thống trị, dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất một thế kỷ trước.

Chúng ta cần thận trọng với những dự đoán khốc liệt như vậy. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài mới đuổi kịp Mỹ về quân sự, kinh tế và các nguồn lực quyền lực mềm. Ngược lại, đến năm 1900, Đức đã vượt qua Anh. Ngay cả trường hợp GDP của Trung Quốc vượt qua Mỹ vào một thời điểm nào đó trong những năm 2020, hai nền kinh tế vẫn không thể coi là ngang bằng nhau. Trung Quốc sẽ vẫn có một khu vực nông thôn rộng lớn kém phát triển, và gần như chắc chắn đã bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề về dân số và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Như một số người Trung Quốc thường nói, họ sợ rằng họ sẽ già trước khi giàu. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài mới có thể trở thành một thách thức nào đó đối với nước Mỹ giống như nước Đức của Kaiser tạo ra khi Đức vượt qua Anh.

Nhưng nhiều người Trung Quốc không nhìn thế giới theo cách đó. Họ tin rằng cuộc suy thoái năm 2008 đã tạo ra một sự thay đổi về cân bằng quyền lực thế giới, và rằng Trung Quốc cần bày tỏ ít tôn trọng hơn với một nước Mỹ đang đi xuống. Đánh giá quá tự tin này là một phần nguyên nhân dẫn đến chính sách đối ngoại tự thị hơn của Trung Quốc trong hai năm qua. Sự thay đổi nhận thức dường như đã làm củng cố thêm sự tự tin của Chính quyền Trung Quốc, mặc dù đánh giá của họ là sai lầm.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã đi theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời". Tuy nhiên, với sự thành công trong phục hồi kinh thế sau suy thoái và đạt mức tăng trưởng 10%, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm ngoái, và nhiều người ở Trung Quốc đã thúc giục phải có một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn. Một số người đổ lỗi điều này cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng quan điểm đó là quá đơn giản. Các nhà lãnh đạo cao nhất vẫn muốn đi theo chiến lược của Đặng Tiểu Bình, nhưng họ cảm thấy bị sức ép từ bên dưới bởi chủ nghĩa dân tộc đang lên, cả trong hệ thống chính trị lẫn thế giới mạng.

Thái độ tự thị mới của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các quan hệ của họ với các nước khác ngoài Mỹ. Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước ASEAN cảm thấy lo ngại, và phản ứng của Trung Quốc với các hành động của Nhật Bản sau vụ va chạm tàu gần quần đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư) đang tranh chấp đã dẫn đến việc Tôkyô củng cố thêm quan hệ liên minh với Oasinhtơn. Bắc Kinh cũng làm Hàn Quốc xa lánh thêm bằng việc không chỉ trích việc Bắc Triều Tiên bắn pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc, làm Ấn Độ tức giận về các vấn đề biên giới và hộ chiếu, rồi tự làm xấu mình tại châu Âu và những nơi khác bằng việc phản ứng quá mức trước việc trao giải Nobel hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba.

Vậy các vấn đề này sẽ diễn ra như thế nào trong những năm tới? Có khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẽ lùi lại ở mức độ nào đó từ lập trường quá tự thị hiện đã chứng tỏ khiến họ mất nhiều. Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào muốn hợp tác trong các vấn đề khủng bố, phổ biến vũ khí và năng lượng sạch sẽ giúp giảm những căng thẳng, nhưng các nhóm lợi ích nội bộ đầy quyền lực trong các ngành xuất khẩu và Quân Giải phóng Nhân dân muốn hạn chế hợp tác kinh tế và quân sự. Và quan trọng nhất, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang tăng lên của người dân Trung Quốc được thể hiện trên các trang blog, sẽ rất khó cho các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc có thay đổi nhiều trong chính sách của họ. Chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào đến Oasinhtơn vào tháng Giêng giúp cải thiện được một số vấn đề, nhưng mối quan hệ sẽ vẫn khó khăn chừng nào nhiều người Trung Quốc còn phải chịu đựng sự ngạo mạn dựa trên chủ nghĩa dân tộc và niềm tin sai lầm vào sự đi xuống của Mỹ.

Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như bất ổn tài chính, an ninh mạng và biến đổi khí hậu, hai nước còn nhiều thứ để đạt được từ việc làm việc cùng nhau. Không may thay, những đánh giá sai lầm về quyền lực đã tạo ra sự ngạo mạn cho người Trung Quốc, và nỗi lo sợ không cần thiết của một số người Mỹ về sự đi xuống của Mỹ, và những thay đổi nhận thức này khiến cho việc hợp tác khó khăn hơn. Bất cứ sự thỏa hiệp nào từ Mỹ đều được Bắc Kinh coi là dấu hiệu khẳng định thêm thế yếu của Mỹ. Nhưng với những dự đoán thực tế hơn, Trung Quốc và Mỹ không được phép lặp lại kinh nghiệm đầy thảm họa của Đức và Anh cách đây một thế kỷ.
Theo Los Angeles Times
Văn Cường (gt)
.
.
.

No comments: