Saturday, April 23, 2011

CHIẾN LƯỢC HÓA VÙNG ẤN ĐỘ DƯƠNG và CẠNH TRANH TRUNG - ẤN (Chandan Mitra)


Chandan Mitra
Thứ sáu, 22 Tháng 4 2011 11:28

Ngày nay, những mối đe dọa an ninh chủ yếu đối với lợi ích của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương xuất phát từ 3 yếu tố: sự xói mòn ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ; gia tăng hiện diện của Trung Quốc; và các hoạt động chưa được kiểm soát của cướp biển Somali. Đó là nội dung bài viết “Strategising on Indian Ocean” của Thượng nghị sĩ, Tổng biên tập tờ Pioneer, Chandan Mitra trong một hội nghị chuyên đề tại Trường ĐH Sydney, đăng trên tờ Pioneer, 21/4.

Ấn Độ và Ấn Độ Dương là hai thực thể không thể tách rời. Về địa vật lý, Ấn Độ thuộc về Ấn Độ Dương. Trong suốt lịch sử của mình, Ấn Độ đã tương tác với những miền đất và người dân thuộc các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương thông qua văn hóa, tôn giáo và những hình thức khác. Đã từng tồn tại một sự thống nhất nhất định ở khu vực Ấn Độ Dương trong hàng thế kỷ cho tới khi bị ảnh hưởng bởi các thế lực thực dân châu Âu sau thế kỷ 16. Sự ra đi của các thế lực thực dân Anh, Pháp, Hà Lan… sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 khiến các nước khu vực Ấn Độ Dương thay đổi chính sách đối ngoại theo các yếu tố lợi ích quốc gia, thực tế địa chính trị đang hình thành và sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh.

Ấn Độ với một vị trí đặc biệt tại trung tâm vành đai Ấn Độ Dương đã lựa chọn chính sách đối ngoại không liên kết, ủng hộ việc đưa Ấn Độ Dương thành một “khu vực hòa bình”. Mặt khác, Ấn Độ bắt đầu thiết lập những mối quan hệ mới với các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương. Hơn bao giờ hết, trong vòng 60 năm qua, Ấn Độ có nhiều can dự vào khu vực thông qua thương mại, viện trợ và hỗ trợ tài chính. Là một cường quốc kinh tế và công nghệ đang nổi, Ấn Độ bắt đầu coi Ấn Độ Dương là trung tâm trong chính sách đối ngoại, đang đổi mới và tiếp thêm sinh lực cho chính sách đó.

Ngày nay, những mối đe dọa an ninh chủ yếu đối với lợi ích của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương xuất phát từ 3 yếu tố: sự xói mòn ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ; gia tăng hiện diện của Trung Quốc; và các hoạt động chưa được kiểm soát của cướp biển Somali.

Sự xói mòn ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ được thể hiện rõ ràng nhất tại Sri Lanka. Bất chấp những hỗ trợ dành cho Colombo trong các chiến dịch chống lại lực lượng LTTE, New Delhi vẫn không thể đảm bảo được lợi ích của người Tamil tại Sri Lanka hay đời sống của ngư dân Ấn Độ gốc Tamil vẫn phải chịu phó mặc cho hải quân Sri Lanka. Mối quan hệ tiêu cực hiện nay của Ấn Độ với Sri Lanka có thể sẽ lặp lại với Maldives, Mauritius và Seychelles trong những năm tới nếu giới lãnh đạo chính trị Ấn Độ không quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của Ấn Độ tại những quốc đảo này.

Cũng may là lợi ích của Ấn Độ vẫn chiếm ưu thế tại Maldives bất chấp sự gia tăng tiếp xúc về chính trị và kinh tế giữa nước này với Trung Quốc. Maldives tiếp tục trông chờ Ấn Độ giúp tăng cường năng lực đối phó với các mối đe dọa an ninh từ các tác nhân phi nhà nước như các phần tử Jihadi có căn cứ tại Pakistan và cướp biển Somali.
Trường hợp ở Seychelles cũng vậy. Dù chấp nhận đề nghị của Trung Quốc về việc giúp Seychelles tăng cường năng lực chống cướp biển, Victoria vẫn đón nhận các đề nghị hỗ trợ và hợp tác từ Ấn Độ như trước kia.

Tuy nhiên, Ấn Độ có lý do để quan ngại về những diễn biến gần đây tại Mauritius kể từ sau chuyến thăm tới Port Louis của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tháng 2/2009. Trong chuyến thăm đó, ông Hồ Cẩm Đào đã công bố khoản tín dụng lãi suất thấp trị giá 260 triệu USD cho Mauritius hiện đại hóa và mở rộng sân bay; khoản cho vay không lãi suất 5,9 triệu USD và khoản tài trợ 30 triệu nhân dân tệ. TTg Mauritius Navinchandra Ramgoolam cho biết hai nước đã thảo luận về khả năng Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cải thiện hệ thống giao thông trong nội thành và vùng ngoại ô thủ đô nước này.

Ông Hồ Cẩm Đào đã cam kết tăng tốc xây dựng Khu Kinh tế Thương mại trị giá 730 triệu USD do Trung Quốc tài trợ ở phía Bắc thủ đô. Dự án có tên gọi Tianli này sẽ là dự án lớn nhất do nước ngoài tài trợ tại Mauritius, tạo ra 40.000 việc làm. Kể từ khi Mauritius công nhận Trung Quốc năm 1972 cho tới chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào tháng 2/2009, tổng viện trợ của Trung Quốc dành cho Mauritius lên tới 117 triệu USD. Những hỗ trợ mới đây đã vượt mốc 1 tỷ USD, tăng gấp gần 10 lần. 13 công ty của Trung Quốc đang hoạt động tại Mauritius trong các lĩnh vực dệt may, xây dựng và IT.

Khu vực kinh tế thương mại rộng 210ha là một phần quan trọng trong “chính sách tiến ra ngoài” và chiến lược châu Phi của Trung Quốc Mục tiêu là sử dụng Mauritius làm nền móng cho các dự án xây dựng và kinh doanh tại miền Nam châu Phi. Dự kiến các công ty Trung Quốc hoạt động tại miền Nam châu Phi sẽ đặt trụ sở chính tại thành phố thương mại mới mà Trung Quốc sẽ xây dựng ngoài Port Louis theo dự án này.

Tương tự như ở Sri Lanka, ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ tại Mauritius cũng đang dần suy giảm. Trước đây Mauritius chịu ảnh hưởng về văn hóa và kinh tế từ Ấn Độ nhưng hiện giờ, tuy vẫn còn ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhưng về kinh tế đang ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc Và khi ảnh hưởng kinh tế gia tăng thì ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc cũng sẽ thống trị tại Mauritius.

Sự suy giảm ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương đi kèm với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các quốc gia trong khu vực, chủ yếu qua việc giúp đỡ phát triển cơ sở hạ tầng: sân bay và thành phố kinh tế thương mại tại Mauritius; cảng thương mại và sân bay quốc tế tại Hambantota ở Sri Lanka; mở rộng và hiện đại hóa cảng Colombo; sửa chữa đường bộ, đường sắt và xây dựng các miền khác ở Sri Lanka; xây dựng cảng mới tại Kyaukpyu ở Burma; đường ống dẫn dầu và khí từ Kyaukpyu tới Vân Nam để tránh phải vận chuyển từ Tây Á và châu Phi tới Vân Nam qua eo biển Malacca; xây dựng hệ thống đường sắt tốc hành từ Rangoon tới Vân Nam. Hiện Trung Quốc và Bangladesh còn đang đàm phán việc hiện đại hóa cảng Chittagong và kết nối các hệ thống đường sắt của Bangladesh và Burma.

Trong việc mở rộng và tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương, Trung Quốc có hai lợi thế quý giá mà hiện nay cũng như trong một tương lai gần Ấn Độ không thể so sánh, đó là nguồn dự trữ tiền mặt to lớn và các kỹ năng xây dựng cơ sở hạ tầng ưu việt. Các quốc gia ở đây đều đang rất thiếu thốn về cơ sở hạ tầng.
Ngay cả các lực lượng hải quân mạnh nhất cũng chỉ có công dụng hạn chế nếu không có những ảnh hưởng chính trị và kinh tế tương xứng tại các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương. Qua việc tăng cường sự hiện diện trên bờ và ảnh hưởng của mình, Trung Quốc đã có bước khởi đầu tốt hơn Ấn Độ. Hải quân Trung Quốc không thể so sánh với hải quân Ấn Độ về sự hiện diện ngoài khơi Ấn Độ Dương, nhưng sự hiện diện trên bờ và ảnh hưởng của TQ sẽ là những thách thức ngày càng tăng đối với ngoại giao Ấn Độ.
Các báo cáo thường kỳ mang tính phỏng đoán về mối quan tâm của Trung Quốc trong việc tìm kiếm một căn cứ quân sự, đặc biệt là hải quân, tại khu vực Ấn Độ Dương vẫn chưa được chứng thực. Đúng là Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ cung ứng quân sự mang tính chiến lược với Pakistan, Sri Lanka, Burma và cũng bắt đầu mối quan hệ đó với cả Bangladesh. Nhưng vẫn chưa có bằng chứng về khả năng những mối quan hệ này nằm trong một chiến lược được chuẩn bị kỹ càng nhằm tìm kiếm một căn cứ quân sự lâu dài ở Ấn Độ Dương. Hiện tại, Trung Quốc chủ yếu tập trung củng cố sự hiện diện kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Việc Bắc Kinh sẵn sàng thỏa thuận xây dựng năng lực và cung ứng quân sự là chiến thuật để đạt được hai mục tiêu này.

Trung Quốc không đủ nguồn lực vật chất cần thiết để thách thức ưu thế hiện tại của hải quân Mỹ và Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương. Mối quan tâm của Trung Quốc hiện tập trung vào vấn đề bảo vệ an ninh cho nguồn cung cấp năng lượng và hỗ trợ Pakistan trở thành mối đe dọa thực sự đối với Ấn Độ.

Sự tham gia của các tàu hải quân Trung Quốc trong việc tuần tra chống cướp biển tại Ấn Độ Dương và vùng Vịnh Aden không tạo ra bất kỳ phản ứng bất lợi nào trong khu vực và phương Tây. Quan ngại của Trung Quốc đối với mối đe dọa từ cướp biển Somali được các nước trong khu vực và phương Tây chấp nhận. Hoạt động tuần tra thường xuyên này đã giúp hải quân Trung Quốc làm quen với các điều kiện tác chiến, khởi xướng các mối quan hệ hải quân và đưa ra đề nghị hỗ trợ vấn đề xây dựng năng lực.

Liệu Trung Quốc có sử dụng hoạt động chống cướp biển như nền móng đầu tiên cho một chiến lược dài hạn ở Ấn Độ Dương? Trung Quốc đang tránh thảo luận công khai về vấn đề này vì e ngại việc đó sẽ dẫn tới những quan ngại không cần thiết trong khu vực liên quan tới tính quyết đoán của hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương tiếp theo Thái Bình Dương. Thi thoảng cũng có những tiếng nói từ cộng đồng các quan chức hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu về sự cần thiết của một căn cứ hải quân trong khu vực nhưng đều bị ngăn cản bởi cả Bắc Kinh và ĐCS Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Ấn Độ với một khả năng to lớn về hải quân đã cố giữ vai trò làm “cân bằng quyền lực” và “phát huy ảnh hưởng khiêm tốn” ở khu vực Ấn Độ Dương. Năm 2008, Ấn Độ khởi xướng Hội nghị chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương với sự tham gia nhiệt tình của các quốc gia ven biển. Đáng tiếc là qua các lần gặp mặt, trong đó lần gần đây nhất là tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, trọng tâm của sáng kiến này dường như đã bị phân tán./.

Theo Pioneer
Minh Thảo, cộng tác viên tại Ấn Độ (gt)

.
.
.


No comments: