Thursday, April 14, 2011

NHÀ VĂN VĂN QUANG, NGƯỜI VIẾT ĐƯỢC NÉT CÒN LẠI CỦA CHỮ "NHÂN" (Du Tử Lê)

Du Tử Lê
Wednesday, April 13, 2011 2:46:23 PM

Thời điểm 1954, khi cuộc phân chia đất nước diễn ra, rất nhiều nhà văn trẻ, từng cầm bút trước hiệp định Genenva, ở miền Bắc, di cư vào Nam. Trong số này, chúng ta không có nhiều nhà văn sớm có tiểu thuyết được các báo hàng ngày chọn đăng như trường hợp Văn Quang.

Nhà văn Văn Quang. (Hình của NPK)

Cũng vậy, trả lời câu hỏi khác về sức ép, lương tâm của một nhà văn khi nhân vật chính của mình là người lính? Nhà văn Văn Quang đã thẳng thắn cho thấy quan niệm của ông về văn chương như sau:
Với ông, khi viết về cái tốt hay cái xấu, đều khó như nhau. Viết về một nhân vật tốt quá, nhân vật sẽ trở thành ông thánh. Viết xấu quá, có thể sẽ chỉ tỏ rõ lòng thù hận không đáng có. Cả hai trường hợp đều không thật.
Ðể rõ hơn, quan điểm của mình, nhà văn Văn Quang giải thích, khi chúng ta đặt ra một vấn đề nào, nó luôn có hai mặt. Mặt phải và mặt trái. Thí dụ nói đến đời sống quân nhân, nói đến sự hào hùng, anh dũng, tình yêu quân ngũ, tình yêu đồng đội không thôi, chưa đủ... Nó phiến diện. Theo ông, một quân nhân không phải là một ông thánh. Cũng chẳng là một thầy tu! Không ai hoàn hảo. Cho nên vẫn có những cái không tốt, hay nói trắng ra là những cái xấu. Cái xấu tầm thường và bình thường của mọi con người. Như lòng ganh ghét, đố kỵ. Sự hợm hĩnh, kiêu ngạo...
“Vậy nói bao nhiêu, nói thế nào cho đúng?”
Ông tự đặt câu hỏi, cho mình. Ðó là một thứ áp lực của lương tâm người cầm bút. Ông nói, ông đã hết sức cố gắng gạn lọc để nói được một phần nào sự thật. Phần nào “mặt trái” trong tác phẩm của mình.

Ðiển hình, như trong tiểu thuyết “Chân Trời Tím,” bên cạnh những nhân vật như Phi, như Ðiền, ông còn có nhân vật khác, như ông Minh. Ông cũng đã đề cập nói sự kiện quân đội bị lôi kéo vào những chuyện có tính chính trị, phe phái. Trong một cuộc đảo chính giữa các phe phái trong quân đội, dẫn tới thảm trạng “quân ta bắn quân mình!” Ông khẳng định:
“Quân đội không phản bội ai cả! Chỉ có những người lợi dụng quân đội mà thôi.”
Nhưng:
“...Tuy nhiên, tôi cũng thành thật thú nhận rằng, áp lực này luôn đè nặng lên tâm tư người cầm bút. Ðôi khi đặt một vấn đề nặng quá sẽ làm mình ân hận. Ðặt nhẹ quá thì không đủ. Áp lực đó sẽ là lâu dài...”

Tôi không biết có phải vì cuộc chiến “không tiếng súng” là cuộc chiến cân não giữa nhu cầu hiện thực và trách nhiệm của một người nhà văn trong hoàn cảnh phức tạp, tế nhị của một đất nước chiến tranh - Như phần đất miền Nam tự do - Khiến tác giả “Chân Trời Tím” phải thú nhận ông luôn bị một sức nặng vô hình, sức nặng nghìn cân treo lửng đâu đó, trước ngòi bút của ông?

Cái ý thức và trách nhiệm kia, ở nơi Văn Quang, qua hầu hết những tác phẩm viết về người lính miền Nam, cho thấy ông không hề là nhà văn như một thứ “Thượng đế!” một “Ông trời” ban phước, giáng họa cho nhân vật của mình. Ông cũng không cho thấy sự lạm dụng cái quyền lực... ảo, mà ngòi bút đem lại. Ðể cùng lúc, đóng cả hai vai, “khai sinh/khai tử” nhân vật.
Sự kiện nhà văn cùng lúc đóng cả hai vai khai sinh và, khai tử nhân vật của mình, vốn thường thấy nơi những nhà văn viết tiểu thuyết dạng feuilleton, tức viết từng ngày cho các báo, từ Ðông qua Tây.
Sự kiện này cũng thường thấy nơi những tác phẩm viết về chiến tranh. Nhất là khi mảnh đất mà cuộc chiến đó diễn ra, lại như một bàn cờ, một sa-bàn được điều khiển... từ xa! Ðể trắc nghiệm một quan niệm chiến lược, chiến thuật mới! Ðể kiểm chứng hay điều chỉnh một chủ thuyết chính trị! Ðể đo lường những hiệu quả súng, đạn mới! Thử thách sáng kiến... “tiền đồn!” Trường hợp này, sinh mạng người lính (cũng như người dân) trong mảnh đất ấy, chỉ là những con số vô nghĩa!

Hiểu như thế, người đọc sẽ thấm thía hơn trước câu văn Văn Quang, khi ông can đảm, chua chát viết xuống:
“Quân đội không phản bội ai cả! Chỉ có những người lợi dụng quân đội mà thôi!”
Câu nói trên, ghi nhận đó, không phải nhà văn quân đội nào cũng có thể viết được.
Trong cuộc chiến miền Nam, hai mươi năm, không chỉ có một mình Văn Quang là người lính mà, ngay tự những năm khởi đầu cuộc chiến, đã là một phóng viên chiến trường, có điều kiện sống thực, sống sát, sống cùng cuộc chiến. Ngoài ông, chúng ta còn có nhiều nhà văn quân đội khác.

Cũng không phải chỉ một mình Văn Quang có được những ghi nhận vi tế từ thực địa! Chúng ta có nhiều cây bút trong/ngoài quân đội. Nhiều phần họ cũng có những thụ cảm bén nhậy như ông. Nhưng, khi ngồi vào bàn viết, trước trang giấy của mình, không ai cấm họ ném người lính, nhân vật trong tiểu thuyết/phóng sự của họ về một trong hai cực: “Thiên sứ!” Hoặc “tội đồ!” Cả hai cực, dù chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết, đều bất cập! Chúng mất hẳn tính người!

Phải chăng vì bản chất lương thiện, nhân ái nên, mặc dù số tiểu thuyết được in thành sách của Văn Quang, không nhiều lắm (chỉ trên dưới mười tác phẩm) mà, đã có tới 3 cuốn được chuyển thể, thành phim? (Tôi muốn nhắc tới các tiểu thuyết “Chân Trời Tím,” “Ngàn Năm Mây Bay,” “Tiếng Hát Học Trò” của ông.)
Trong chừng mực nào đó, thành tựu vừa kể của Văn Quang, dường không xẩy tới cho một số tác giả cùng thời. Những cây bút viết về người lính miền Nam, như ông. Dù số lượng tiểu thuyết của họ, có thể nhiều hơn.

Tuy nhiên, một cách chủ quan, theo tôi, ở một khía cạnh khác, Văn Quang/Nguyễn Quang Tuyến cũng đạt được những thành tựu rực rỡ không kém. Nếu không muốn nói là có phần rực rỡ hơn cả khía cạnh văn chương của ông. Ðó là khía cạnh: Làm người. Sống.

Ở khía cạnh này, với 12 năm tù cải tạo, họ Nguyễn không những đủ điều kiện để ra đi theo chương trình H.O. Mà, như ông cho biết, nếu quyết định sống ở nước ngoài, ông sẽ được đôn từ danh sách H.O. 22 lên danh sách H.O. 18; vì ông nhận được nhiều hơn một giấy cam kết bảo lãnh cần thiết.
Không cần biết lý do sâu xa của khước từ kia! Chỉ cần biết, thực tế, Văn Quang/Nguyễn Quang Tuyến, đã chọn ở lại. Ông chọn ở lại với đồng đội, bằng hữu, độc giả của mình.

Họ Nguyễn chọn ở lại trong thời điểm mà, dư luận khi ấy, từng phản ảnh qua một câu nói đau đớn, được truyền tụng rộng rãi:
“Nếu những cột đèn ở Việt Nam có chân, chúng cũng sẽ ra đi.”
Sự chọn lựa ở lại với đồng đội, bằng hữu, độc giả của mình của họ Nguyễn, từ đó tới nay, đã trên dưới hai mươi năm.
Cũng trên dưới hai mươi năm, ông tình nguyện đóng vai chiếc cầu nối giữa những tấm lòng biết ơn một cách cụ thể của rất nhiều trái tim Việt nơi quê người, với hàng trăm thương phế binh VNCH cũ.
Ðó là một trong những việc làm thuần tính nhân ái, tình người của tác giả “Ngàn năm mây bay.” Nhưng cuối cùng, ông vẫn bị chặn đứng bởi bức tường nghi kỵ của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam!
Kết quả, họ Nguyễn bị cảnh cáo. Computer bị tịch thu. Ông phải ngưng viết!

Dù cho, viết, với Văn Quang/Nguyễn Quang Tuyến là “một cách sống khác” như phát biểu của nhà văn Gustave Flaubert. (2)
Chọn lựa ở lại, quên mình, sống cho kẻ khác (dẫn tới hoạn nạn) của Văn Quang/Nguyễn Quang Tuyến, tôi nghĩ, không phải là một chọn lựa dễ dàng. Nó càng không phải là cách sống (dẫn tới hoạn nạn) mà, bất cứ một nhà văn ở lại nào, cũng có thể làm được!

Tai họa vẫn nóng hực, như quả cầu lửa, luôn chực chờ nổ chụp lên số phận ông. Số phận một nhà văn miền Nam sắp bước vào tuổi 80! Vậy mà, trong một thư ngắn, gửi bạn, họ Nguyễn vẫn băn khoăn:
“Tôi biết mình đã cố gắng làm nhiều việc nhưng vẫn cứ thấy là chưa đủ! Tôi làm vì thấy cần phải làm vậy thôi. Danh tiếng và những thứ khác là lúc mình còn trẻ, còn ham chứ đứng tuổi rồi, nhất là sau những năm tháng gian khổ thì chẳng còn nghĩ đến điều gì khác ngoài cái việc thích làm và cần làm, bỏ hết ngoài tai những mưu toan và thị phi...”

Nếu được là một trong những người bạn có đủ tình thân với Văn Quang/Nguyễn Quang Tuyến, tôi sẽ nhân danh tình bạn ấy, để nhắc nhở ông:
Người xưa từng nói, tuy sống suốt một đời thật đấy, nhưng nghiệm lại xem, đã mấy ai, tới khi từ trần, viết được trọn vẹn chỉ một nét thôi, của chữ “Nhân” hai nét, theo Hán tự? Càng hiếm hoi hơn nữa, số người viết nốt được nét còn lại của chữ “Nhân” ấy!

Riêng ông, trong ghi nhận của tôi thì, chẳng những ông đã viết được trọn vẹn chữ “Nhân” hai nét - Mà, ông còn viết được trong một hoàn cảnh khó khăn hơn những gì chúng ta có thể tưởng.

Vì thế, thưa ông, cho phép tôi được gửi tới ông, lời chúc mừng chân thành, của một người ở bên ngoài đất nước.

Du Tử Lê
(Calif. 13 tháng 4, 2011)
------------------------

Bài trước:
Du Tử Lê
Wednesday, April 06, 2011 4:04:50 PM

Nếu phải đi tìm một trong những hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong văn xuôi miền Nam, 20 năm có người cho rằng, đó là hình ảnh người lính.

Nhà văn Văn Quang, trưởng phòng Cục Tâm Lý Chiến - 1964.

Tùy theo định tâm của người viết mà, hình ảnh người lính miền Nam sẽ có diện mạo hoặc chân dung nào đó, trong trang viết. Ðồng thời, người lính kia, sẽ giữ vai trò “tâm bão,” hay chỉ như một giới thiệu nhân thân, thoáng qua, làm nền mờ nhạt cho những động thái quan trọng khác.
Với những tác giả chỉ muốn mượn hình ảnh người lính miền Nam để dẫn tới những chủ tâm khác thì đã có không ít nhà văn chẳng những “hư cấu” sự kiện, tâm lý nhân vật mà còn...”hư cấu” cả hệ thống tổ chức của QL/VNCH nữa!
Chẳng hạn họ có thể cho một nhân vật mang cấp bậc Trung Sĩ làm trung đội trưởng một trung đội; hay làm Thường vụ Ðại đội... Trong khi trên thực tế, theo hệ thống tổ chức thì với cấp trung sĩ, vị hạ sĩ quan này không bao giờ được bổ nhiệm vào chức vụ trung đội trưởng - Trừ trường hợp đang giao chiến mà, các sĩ quan trung đội trưởng, trung đội phó, hoặc thượng sĩ... đều bị tử trận, vị trung sĩ thâm niên nhất sẽ thay thế trung đội trưởng, chỉ huy số binh sĩ còn lại. Nhưng khi trận chiến chấm dứt, vai trò tạm thời kia, cũng chấm dứt theo.
Lại nữa, vẫn theo tổ chức của QL/VNCH cũ, chức vụ Thường vụ Ðại đội, được giao cho một thượng sĩ thâm niên nhất, chứ không bao giờ là một trung sĩ.

Những trường hợp viết theo cảm tính về một thực thể như thế, không hiếm lắm, trong văn xuôi của của chúng ta.
Nếu không kể những nhà văn vì mặc cảm, muốn chứng tỏ mình là một “trí thức tiến bộ,” qua văn chương cho thấy quan điểm chống chiến tranh thì, người lính trong văn xuôi miền Nam, khi xuất hiện như một (hay những) nhân vật “trung tâm,” họ thường bị mô tả ở một trong hai diện mạo:
Diện mạo thứ nhất: Hình ảnh của một (hay những người hùng) xông pha trận mạc với lý tưởng chống cộng sản, cứu quê hương.
Ở dạng thức này, những người lính đó, là những người cực kỳ hoàn hảo, từ tư tưởng, kiến thức tới hành động. Họ cũng là những người được phụ nữ vây quanh, nhìn ngắm như những thần tượng... Nhưng vì là “người hùng lý tưởng,” nên chẳng những họ không màng tới phụ nữ; mà họ cũng không có những buồn, vui, ham hố, như một người thường. Họ không được phép có lúc quên nhiệm vụ. Có lúc điên rồ. Có lúc thất thố. Có lúc chán nản. Thất vọng. Họ cũng không được phép nghĩ tới tình riêng mà, lúc nào cũng canh cánh trong lòng một tình yêu duy nhất: Tình yêu tổ quốc.
Ở một cực khác, cực đối nghịch, diện mạo người lính lại hiện ra trên trang giấy như một con người dị dạng, thiếu nhân tính! Hình ảnh này thường được tô đậm bởi những nhà văn chủ tâm cho “người anh em phía bên kia” để mắt tới họ...
Dù mô tả người lính cực nào, những hình ảnh tốt/xấu kia, đều không thật.

Theo tôi, những tác giả ấy đã chọn thế đứng chông chênh, sau khi tự chặt cụt một chân mình. May thay, giữa hai hình ảnh người lính miền Nam cực tốt và cực xấu đó, văn chương miền Nam cũng có một số nhà văn trụ được đôi chân mình trên hai phạm trù: Thực tế và ý thức. Tôi muốn nói, người lính vẫn là nhân vật “trung tâm” nơi những sáng tác của số nhà văn ấy. Nhưng người lính trong tác phẩm của họ, là một người bình thường. Họ cũng có những khiếm khuyết, những sai lầm, những ham hố, yêu đương, thất tình như bất cứ một thanh niên nào khác.
Một trong những nhà văn viết về người lính miền Nam, trụ được đôi chân mình trên hai phạm trù Thực tế và, Ý thức kia, là nhà văn Văn Quang.

Ðược biết, nhà văn Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình. Ông khởi sự viết văn từ những ngày còn trẻ ở thành phố Hải Phòng. Khi được hỏi, trường hợp nào đã đưa một Nguyễn Quang Tuyến, trở thành nhà văn Văn Quang, tác giả tiểu thuyết “Chân Trời Tím” (1) cho biết, thuở nhỏ, ông sống ở vùng quê. Cả huyện không có một bệnh viện, tất nhiên không có bác sĩ. Cả tỉnh cũng chỉ có một hai bệnh viện. Cho nên ông đã thầm mong trở thành bác sĩ và mở bệnh viện ngay tại con phố chứng kiến, chia sẻ tuổi thơ ông. Ông nói:
“Nhưng rồi loạn ly, nhà cửa bị tiêu thổ kháng chiến, tôi phải ra Hải Phòng, vừa đi dạy học vừa đi học. Từ đó quen biết với một vài nhạc sĩ, vài nhóm văn nghệ, vài anh em viết văn, làm báo ở Hà Nội xuống chơi. Thế là tôi bắt đầu viết văn, làm báo. Hồi đó ở Hải Phòng chưa có một tờ báo nào. Thời gian đầu (khoảng đầu năm 1953) tôi làm thông tín viên, làm tin hàng ngày ở thành phố cảng cho 1 tờ nhật báo ở Hà Nội. Sau đó tôi viết truyện ngắn, phóng sự cho tuần báo Cải Tạo xuất bản tại Hà Nội. Truyện dài đầu tay của tôi được đăng trên nhật báo Thân Dân-Hà Nội năm 1953...”

Trước khi theo đơn vị dư cư vào miền Nam, năm 1954, nhà văn Văn Quang bị động viên khóa 4 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Ông tốt nghiệp khóa này tháng 9 năm 1953.
Sau khi vào miền Nam, ông được bổ nhiệm về cục Tâm Lý Chiến, Saigon. Nhờ thế, ông có nhiều môi trường, cơ hội để tiếp tục nghiệp văn. Ông kể:
“Viết văn như một cái nghiệp nó bám theo mình và cũng phải kể đến môi trường cho mình theo đuổi chí hướng và khả năng sáng tạo nữa. Có nhiều người tôi quen, cũng thích viết văn làm báo, và cũng rất có khả năng. Nhưng trớ trêu thay, hoàn cảnh lại không cho phép vì nhiều lý do khác nhau, nên chỉ có vài truyện rồi bỏ dở. Rất đáng tiếc cho những tài năng bị mai một. Trường hợp đó không phải là hiếm.”

Có dễ đây là lần đầu tiên, tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng như “Chân Trời Tím,” “Ðời Chưa Trang Ðiểm,” “Ngàn Năm Mây Bay,” “Tiếng Hát Học Trò” v.v... đã cho biết một cách chi tiết về giai đoạn khởi nghiệp văn của mình. Có thể, cũng là lần đầu tiên, khi trả lời câu hỏi “chủ đề và sự thật” nào có trong văn chương của ông, nhà văn Văn Quang nói, đại ý:
Ông thường chỉ viết những gì ông ghi nhận được từ đời sống hàng ngày. Thí dụ trong “Chân Trời Tím,” ông xác định đã viết về người lính trong tác phẩm này, với tất cả phần đời riêng tư, và tinh thần đồng đội qua những biến chuyển thời đại mà bản thân ông trải nghiệm. Ông nhấn mạnh:
“Thời trước tháng 4, 1975, là một quân nhân đi nhiều chiến trường và đơn vị, tôi có nhiều tài liệu, có nhiều cảm xúc. Tôi hoàn toàn tự tin có thể diễn tả được trung thực mọi sự kiện, mọi tâm tình trong tác phẩm của mình. Cũng thời gian ấy, đời sống xã hội Saigon có nhiều điều đáng ghi lại. Cuộc sống của những người trẻ tuổi chịu ảnh hưởng của lối sống Âu Mỹ du nhập vào Việt Nam. Tôi chọn đề tài này và chọn thể loại phóng sự như 'Những Ngày Hoa Mộng' đăng trên báo Truyện Phim, phóng sự 'Saigon Tốc' đăng trên nhật báo Chính Luận...”

Khi được thả ra từ trại tù cải tạo năm 1987, ông viết truyện dài “Ngã Tư Hoàng Hôn.” Ông chọn đề tài xã hội Việt Nam những năm 1990, cũng với tất cả những gì ông chứng kiến. Từ mặt phải tới mặt trái của những con người sống trong giai đoạn ấy.
Sau đó cuộc sống ở Saigon lại có quá nhiều biến chuyển. Một tầng lớp tư sản mới ra đời. Những băng đảng xã hội đen lộng hành, ông lại chọn thể loại tiểu thuyết phóng sự, để dễ dàng hơn trong việc diễn tả tính cách nhân vật, và sự kiện thời đại. Tiểu thuyết phóng sự “Lên Ðời” của ông, được ra mắt bạn đọc từ hoàn cảnh đó.

“Tuy vậy đôi khi tôi cũng đau đầu vì những chi tiết hợp lý hay gượng ép. Nên hay không nên đưa sự kiện này vào truyện? Có cần tìm kiếm thêm tài liệu nữa hay không?.. Cũng có khi đang viết, tôi bị khựng lại vì một nguyên nhân nào đó... Ðến nỗi sự đặt bút viết trở thành khó khăn như bị búa giáng vào đầu. Nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua để hoàn thành tác phẩm của mình,” ông nói.

Bằng vào kinh nghiệm riêng của mình sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông kể, về phương diện kỹ thuật, khi viết một tiểu thuyết, bố cục truyện là cần thiết. Nhưng nó cũng chỉ có tính tương đối. Bởi vì, có nhiều trường hợp viết xong chương 1, thì trong ông lại nẩy sinh nhiều ý mới. Vì thế, chương 2 không còn như bố cục ban đầu. Chương 3 cũng vậy! Ông kết luận:
“Nói cho đúng là vừa viết vừa sáng tạo thêm. Không nhất thiết phải đi theo bố cục có sẵn. Nhưng chủ đề thì tôi nhất định không thay đổi, để tránh cho truyện bị loãng và, lạc đề...”

Trả lời câu hỏi có hài lòng về những tiểu thuyết được viết trong dạng “feuilleton,” Văn Quang đã rất thẳng thắn khi cho biết, những truyện ông viết đăng báo hàng ngày, hàng tuần không thể sửa chữa được vì viết đến đâu cho đăng báo đến đó rồi. Ông nói:
“Mặc dù, khi xuất bản, tôi cũng có thể sửa lại. Nhưng khó mà có thể sửa chữa hoàn chỉnh như mong ước...”

Du Tử Lê
(Thứ Năm 14 tháng 4: “Văn Quang, người viết được nét thứ hai của chữ Nhân.”
Chú thích:
(1) Tiểu thuyết này đã được đăng tải từng kỳ trên nhật báo Người Việt.
.
.
.

No comments: