Thursday, April 14, 2011

HOA THỊNH ĐỐN : CHIỀU GẶP GỠ NHẠC SĨ NGUYỄN ÁNH 9 (Tuyết Mai)

(04/14/2011)

Cậu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn và nhóm thân hữu đã chọn một chiều Xuân thật đẹp để tổ chức “Chiều Gặp Gỡ Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9”, trong khung cảnh thật ấm cúng, thân thương với chương trình nhạc thính phòng, độc tấu dương cầm, với Ca sĩ Diễm Liên, Thiền Vị và các ca sĩ vùng Thủ Đô, vào lúc 6 giờ chiều ngày 10 Tháng 4, 2011 tại Nhà hàng Harvest Moon , Falls Church, VA.

Điều đặc biệt là Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không độc tấu đàn dương cầm trên sân khấu như chúng ta thường thấy trong những buổi trình diễn khác. Trong buổi trình diễn này, cây đàn dương cầm được đặt giữa phòng, khán thính giả ngồi chung quanh thưởng thức, rất gần gũi với nhạc sĩ và ca sĩ. Có lẽ sự gần gũi, giao cảm với khán thính giả đã tạo khung cảnh cho cả hai, Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Ca sĩ Diễm Liên trình diễn xuất thần, đạt đến tuyệt đỉnh nghệ thuật của âm nhạc. Cả hai, tiếng đàn dương cầm của Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và tiếng hát của Ca sĩ Diễm Liên đã hòa quyện vào nhau, đưa khán thính giả vào thế giới mộng mơ tuyệt vời của âm nhạc. Khán giả bị lôi cuốn, bị thu hút vào một thế giới mơ hồ lãng mạn, thấm thía, chơi vơi với nỗi đau chất ngất qua những bản nhạc buồn của những cuộc tình không trọn vẹn. Đến khi tiếng đàn, tiếng hát dứt thì khán giả bàng hoàng, ngẩn ngơ trở về thực tại với những tràn pháo tay ngưỡng mộ, vang dội, không dứt.

Đây là một buổi trình diễn thật độc đáo, chưa từng thấy diễn ra ở Hoa Thịnh Đốn. Mặc dầu khung cảnh không phải là một ball room sang trọng của một hý viện, mà nơi trình diển chỉ là một nhà hàng nhỏ nhưng nhạc sĩ là một danh thủ dương cầm, ca sĩ là một danh ca nỗi tiếng, và khán giả là thành phấn chọn lọc, yêu nhạc, nên buổi “Chiều Gặp Gỡ Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9” đã để lại trong tâm tư khán thính giả một ấn tượng đẹp vô cùng về nhạc sĩ, ca sĩ, một buổi chiều khó quên, đúng như điều Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hằng mong ước.

Có khoảng năm trăm người tham dự. Trong phần mở đầu Bà Lê Thị Nhị, đại diện cho Câu Lạc Bộ Văn Học nghệ Thuật giới thiệu về sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Văn Học NGhệ Thuật vùng HTĐ (CLC VHNT). Câu lạc bộ này được thành lập năm 2000. Từ đó đến nay CLB cô gắng tổ chức những sinh hoạt nghệ thuật. Năm vừa qua CLB bận với dự án xây Nhà Việt Nam nên việc tổ chức văn nghệ tạm ngưng. Gần đây CLB đã tổ chức buổi triển lãm tranh và hôm nay tổ chức “Chiều Gặp Gỡ Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9”, để tri ân những nhạc sĩ sáng tác. Trong tương lai CLB VHNT sẽ tổ chức buổi giới thiệu những sách trong tủ sách Tiếng Quê Hương, sẽ tiếp tay để phổ biến sách của những tác giả có tên tuổi.

Sau đó Nhà văn Hồng Thủy, Trưởng Ban Tổ Chức, có vài lời với khán thính giả về việc tổ chức “Chiều Gặp Gỡ Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9”. Bà cho biết bà và rất nhiều đồng hương yêu thích nhạc của Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từ lâu. Ông là một nhạc sĩ tài danh, một tên tuổi lớn, nhưng ưóc muốn của ông quá nhỏ nhoi, quá khiêm tốn. Bà may mắn, có dịp gặp Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông nói ông chỉ muốn có dịp về vùng Hoa Thịnh Đốn, gặp tất cả những người yêu nhạc của ông, để ông cho mọi người biết, mọi nguùơi chỉ biết ông, nhớ đến Nguyễn Ánh 9 là một nhạc sĩ sáng tác, mà không mấy người biết ông là một “nhạc công” dương cầm, ông khiêm nhường dùng chữ “nhạc công”. Và ngừơi nhạc công đó có một mơ ước từ lúc còn là một học sinh cho đến khi thành một nhạc sĩ nổi danh, được trình diễn giữa khán thính giả.

Bà Hồng Thủy nhấn mạnh, Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không thích trình diễn trên sân khấu, trong một hý viện lớn, vì trình diễn như vậy rất cô đơn, ông không cảm thấy gần gũi với khán giả. Ông không thích khán giả đến nghe ông đàn như đến nghe Ca sĩ Ý Lan, Ca sĩ Khánh Hà hát, xong rồi về, rồi quên hết. Ông muốn đàn đặt giữa phòng, và ông ngồi giữa khán giả, ngồi chung với khán giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 muốn những người yêu nhạc của ông, đừng quên, ngoài tài sáng tác, ông còn là một danh thủ dương cầm (ông gọi một cách khiêm tốn là một “nhạc công” dương cầm). Mộng ước của Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không phải là sáng tác những bản nhạc hay cho khán giả, mà muốn mang tiếng đàn của mình, đem niềm vui đến cho mọi người. Các anh chị em trong CLBVHNT /HTĐ cố gắng tổ chức buổi ca nhạc chiều nay là để tặng Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 một món quà bé nhỏ mà ông hằng mơ ước.

Sau lời giới thiệu của Bà Hồng Thủy, Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ở phía dãy bàn phía sau từ từ đi lại đàn dương cầm ở giữa phòng, trong tiếng vỗ tay và reo vui chào đón của mọi người.

Phần đầu Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 độc tấu dương cầm những tình khúc bất hủ như trong âm nhạc Việt Nam và ngoại quốc như “Nghìn Tr ùng Xa Cách”, “Niệm Phút Cuối”, “Không”, “My Way”… Mười ngón tay của ông lướt nhẹ trên phím ngà. Âm thanh có lúc dạt dào như sóng vỗ, có lúc tí tách như mưa rơi... buồn thiết tha, da diết như những giọt nước mắt xót xa nhỏ xuống cung đàn, diễn tả sâu sắc những xao xuyến, những rung động, những đam mê, bùi ngùi thương cảm của một tình yêu dang dỡ, tuyệt vọng. Tiếng nhạc của Nguyễn Ánh 9 đã đi vào lòng người, thật nhẹ nhàng thanh thót, khán giả lắng nghe trong bàng hoàng, thảng thốt. Có người nói mộc mạc “nghe rợn da gà”.
Mười ngón tay của ông tiếp tục lả lướt trên phím ngà, đặc biệt trong bản “Nghỉn Trùng Xa Cách”, quá quen thuộc với những khách yêu nhạc …”Nghìn trùng xa cách , người đã đi rồi…” âm thanh não nuột, có lúc rộn rã như xoáy động vào tâm tư, có lúc da diết, nức nở, xót xa, đã rót vào tâm tư khán giả những giọt sầu thật nồng nàn, ngây ngất. Tiếng đàn đã gợi trong lòng khán thính giả biết bao kỷ niệm yêu dấu đã tàn phai. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã thật sự chinh phục cảm tình, lôi cuốn khán giả thưởng thức trong từng phút giây.

Trong bản "Niệm Phút Cuối”, bàn tay điêu luyện uyễn chuyễn của ông lướt nhẹ trên phím ngà, lúc thánh thót chơi vơi, lúc trầm hùng dồn dập. Không gian và thời gian như ngừng động, gian phòng với năm trăm người lặng im phăng phắc, chỉ có thanh âm của tiếng đàn thì thầm tâm sự. Trong bản “Không” tiếng nhạc lúc trầm hùng dồn đập, lúc nghẹn ngào xót xa. Tài năng của Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đạt đến đỉnh điểm của nghệ thuật âm nhạc. Nhiều ngừơi nghĩ, trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, khó có thể tìm một nhạc sĩ vừa sáng tác, vừa là một danh thủ dương cầm như Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Hết bản này qua bản khác, bản nào nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng hấp dẫn, c ũng lôi cuốn khán thích giả ngồi yên lắng nghe như bị thôi miên .

Phần hai của chương trình là Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm dương cầm cho Ca sĩ Diễm Liên trình diễn, những bản nhạc “Lặng lẽ Tiếng Dương Cầm”, “Không”, "Buồn Ơi !Chào Mi”, “Mùa Thu Cánh Nâu”,”Cô Đơn”…Làn hơi của Ca sĩ Diễm Liên rất phong phú, phong cách trình diễn rất duyên dáng, điêu luyện. Diễm Liên diễn tả lúc cao vút, lúc thì thầm rất truyền cảm, quyến rũ, đã chuyên chở được hết tình và ý của tác giả qua giọng ca rất truyền cảm, quyến rũ. Nếu sự thành công của ca sĩ là chuyên chở được tình ý của tác giả đến khán thính giả thì Diễm Liên rất thành công qua nhạc phẩm “Buồn Ơi! Chào mi” . Cũng trong bản này, mười ngón tay của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhảy múa trên cung tơ. Cả hai Ca sĩ Diễm Liên và Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đều trình diễn xuất thần, đem đến cho khán thính giả một cảm xúc, một hương vị ngọt ngào, chơi vơi, khó phai với thời gian. Khi tiếng đàn và tiếng hát dứt, khán thính giả như rơi từ khung trời thơ mộng trở về thực tại, gian phòng vang dội những tràn pháo tay nồng nhiệt, mến mộ. Đây là một hình ảnh đẹp mà có lẽ vợ chồng Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Ca sĩ Diễm Liên sẽ khắc ghi mãi mãi trong tâm tưởng, vì khó có được một sự tao ngộ giữa người đệm đàn tài hoa và ca sĩ nổi tiếng, mà người đánh đàn là tác giả của bản nhạc. Cả hai cùng hát và đàn bên cạnh khán thính giả chọn lọc.

Khi chương trình trình diễn chấm dút, tất cả khán thính giả cùng đứng dậy vỗ tay,reo vui để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không thể che giấu được sự xúc động, ông chỉ nói được một câu “ rất hạnh phúc, vì ít có cơ hội được buổi trình diễn như thế này”, và phu nhân của ông cũng bày tỏ niềm hạnh phúc vô cùng. Bà nói, Ông bà từ xa xôi đến đây, khó có thể có được một cuộc gặp gỡ như thế này, thật ngoài sức tưởng tượng của cả hai ông bà.

Theo lời giới thiệu của Bà Hồng Thủy trong tuyển tập “Tình ca Nguyễn Ánh 9”, Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 năm nay 73 tuổi. Ông là học sinh của trường Yersin Đà Lạt. Có lẽ phong cảnh Đà lạt rất nên thơ nên ông là một người thật lãng mạn, đặc biệt là ông mê âm nhạc vô cùng. Ông học đánh đàn mandolin và biết sơ về nhạc lý, nhưng luôn mơ mộng được lướt mười ngón tay trên những phím ngà. Với ông chỉ có cây đàn dương cầm mới có thể diễn đạt đựơc tất cả cảm xúc của con ngươì. Tiếng đàn dương cầm có thể reo vui réo rắt, có thể bỗng chốc trở nên nức nở thiết tha. Chỉ có khi lướt mười ngón tay trên phím ngà, ông mới đựơc sống thật với tâm tư của mình, được trải hết hồn mình trên phím nhạc.

Ông tự học dương cầm, vì trường chỉ có một cây đàn nên Ông vẽ phím đàn trên bìa cứng rồi tập đánh, Vừa tập đàn thật, vừa tập đàn giấy một cách say mê. Nhờ làm việc với ban nhạc Phi Luật Tân, và được người nhạc trưởng chỉ dẫn tận tình nên ông đã học được rất nhiều. Sau này đêm đêm ông gữi tiếng đàn của mình đến khách yêu nhạc. Giới mộ điệu bắt đầu biết đến tên nhạc sĩ dương cầm Nguyễn Ánh 9 và tiếng đàn điêu luyện của ông.

Tên thật của ông là Nguyễn Ánh, gồm chín mẫu tự, số 9 là con số hên, nên ông cho số 9 thêm vào tên để lấy hên thôi. Ông say mê gữi tiếng đàn của mình đến khán giả mến mộ, mỗi đêm ở các phòng trà, các nhạc hội, ở những chuyến lưu diễn khắp nơi. Ông vui và hài lòng với công việc, với mộng ước mà ông đã đạt được. Trước đó, Ông chưa bao giờ có ý nghĩ sáng tác nhạc. Cho đến một hôm, trong chuyến đi lưu diễn ở Nhật. Ca sĩ Khánh Ly đang đứng trong thang máy, chợt hỏi về người bạn gái của ông. Ông trả lời “Không, tôi không còn yêm em nữa , em ơi”. Khánh Ly thích câu hát đó, nên hỏi sao anh không sáng tác thảnh bản nhạc. Hôm đó về ông vẫn giữ nguyên câu đầu và sáng tác thêm đoạn sau để hoàn thành bài hát. Bản “Không” được ra đời trong hường hợp tự nhiên và hi hữu đó. Chính bài hát này đã nhanh chóng trở thành một bài hát nổi tiếng, khiến ông hứng khởi sáng tác thêm. Ông đã bước vào con đường sáng tác nhạc một cách tự nhiên và tình cờ như vậy.

Phần lớn những tác phẩm của ông là những tình khúc dang dở, buồn, ướt át. Nhưng trên thực tế ông có một gia đính hạnh phúc với vợ con. Ông có hai con trai tự trau dồi đàn dương cầm, cả hai cùng trờ thành nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng là Nguyễn Quang và Quang Anh. Bài hát mang tâm sự nhiều nhất của ông là bài “Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm”.

Bằng một giọng ngậm ngùi Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói “ Người ta chỉ biết và nhớ đến Nguyễn Ánh 9 qua những nhạc phẩm sáng tác . Ít ai nhớ đến Nguyễn Ánh 9 qua tiếng đàn dương cầm, mà tiếng đàn dương cầm mới là mộng ưóc Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 muốn gởi đến cho những người yêu mến ông.”
Hy vọng qua chương trình ”Chiều Gặp Gỡ Nguyễn Ánh 9 ” khán thính giả khắp nơi sẽ biết và nhớ Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh 9 ngoài tài sáng tác nhạc ông còn là một danh thủ dương cầm tuyệt vời của nền âm nhạc Việt Nam.

Hình ảnh đêm nhạc:
.
.
.

No comments: