TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
18-4-2011
Nếu coi quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thì nền luật pháp nước ta có được cải cách nhanh chóng cả về công nghệ làm luật lẫn lập toà án hiến pháp hay không, rốt cuộc hoàn toàn tùy thuộc trách nhiệm của quốc hội trước dân chúng đã tin cậy và ủy thác sinh mệnh chính trị của mình cho họ!
Bao người mang hộ chiếu Việt sống ở Đức bị Sở Ngoại kiều Đức làm tá hoả, khi cách tháng trước đột nhiên nhận được quyết định của Sở Ngoại kiều nơi cư trú, với nội dung: “Theo điều §13, điểm 2, Luật Quốc tịch Việt Nam mới (LQT), có hiệu lực từ ngày 1.7.2009, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam… thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.
Điều đó không có nghĩa, khi mất quốc tịch Việt Nam, ngài sẽ được nhập quốc tịch Đức. Lúc đó, ngài sẽ trở thành người không quốc tịch và do mất quốc tịch Việt Nam, nên ngài cũng mất luôn giấy phép lưu trú gắn liền với hộ chiếu đó. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu ngài, tới Cơ quan đại diện Việt Nam đăng ký giữ quốc tịch, và trình Sở Ngoại kiều, hạn cuối cùng ngày 30.6.2011. Xin lưu ý ngài rằng, nếu hết thời hạn trên ngài vẫn không thực hiện, sẽ bị coi vi phạm quy định hành chính chiểu theo điều §98, đoạn 2, điểm 3, Luật lưu trú (AufenthG), và bị phạt tiền”.
Nhận được công văn, ai nấy đều ngỡ ngàng, người hiểu biết thì ngờ ngợ nhận ra điều gì đó bất ổn ở Luật pháp Việt Nam, tại sao đang có hộ chiếu chính là giấy chứng nhận quốc tịch lại còn phải đăng ký giữ quốc tịch ? Còn người không màng đến thế sự, thời cuộc, thì tỏ ra không còn hiểu LQT Việt Nam muốn gì ở họ, họ phải bỏ công bỏ việc lên Sứ quán đăng ký, tới Sở ngoại kiều trình, gần thì cả 2 nơi mất 2 ngày, xa thì ba bốn ngày, thêm chi phí tầu xe đi lại, phí dịch vụ, thiệt hại hàng trăm Euro.
Nếu cứ theo đúng điều luật §13 trên, sẽ có chừng 100.000 người mang hộ chiếu Việt Nam định cư ở Đức phải đăng ký giữ quốc tịch, tổng chi phí ước không dưới 20 triệu Euro. Hậu hoạ trút xuống cả Đại sứ quán và Lãnh Sứ quán Việt Nam tại Đức tự dưng thêm việc, trả lời các cuộc điện thoại thắc mắc của bà con.
Rốt cuộc, Đại sứ quán và Lãnh sứ quán phải gửi công văn cho họ khẳng định, công dân Việt Nam có quốc tịch Việt Nam và chỉ mang hộ chiếu Việt Nam không có nghĩa vụ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, và bác quyết định của Sở Ngoại kiều, bằng cách dẫn Điều 18, Nghị định 78/2009/NĐ-CP ngày 22/09/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 13/11/2008 (NĐQT), có nội dung ngược hẳn LQT: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam… mà không có Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam”, để được cấp hộ chiếu.
Thời hạn Sở Ngoại kiều đòi trình vẫn chưa đến, nên chưa rõ rắc rối cuả người Việt bởi Luật quốc tịch mới Việt Nam rốt cuộc sẽ giải quyết ra sao, nhưng từ thực tế hệ lụy Đức áp dụng LQT Việt Nam trên có thể rút ra những kết luận bổ ích về sự cần thiết và con đường cải cách bắt buộc để đưa nền pháp luật Việt Nam hội nhập với thế giới hiện đại.
Sở Ngoại kiều Đức đòi người Việt định cư ở Đức phải thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam, bởi đối với thể chế họ, luật pháp là luật pháp dù của Đức hay bất cứ quốc gia nào, nếu thuộc đối tượng nó điều chỉnh, thì phải thực thi vì tính tối thượng của luật pháp, chứ không phải lợi thì theo, không thì thôi. Không chỉ Luật quốc tịch Việt Nam, như Luật Hôn nhân Việt Nam chẳng hạn, hiện đang được Toà án Đức áp dụng khi xử ly hôn các cặp vợ chồng người Việt. Từ đó rút ra kết luận: Luật pháp Việt Nam không phải một ốc đảo mà là một bộ phận của thế giới, họ có quyền áp dụng, không phụ thuộc vào chúng ta.
Vấn đề tiếp theo, khi viện dẫn LQT Việt Nam, Sở Ngoại kiều Đức hiểu đó là một văn bản lập pháp, nghiã là do Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất thông qua, tin tưởng chính phủ lẫn công dân Việt Nam phải thực hiện, họ không mảy may quan tâm đến những văn bản chính phủ Việt Nam hướng dẫn thi hành luật, vốn ở nước họ chỉ có tác dụng trong nội bộ cơ quan hành pháp thực thi, không có tác dụng thay đổi các chuẩn mực thước đo, quy tắc xử sự ấn định trong văn bản lập pháp được người dân tự động thực hiện bằng không sẽ có chế tài, không cần đến hướng dẫn của chính phủ, ngoại trừ những điều luật trong văn bản đó có ghi rõ cho phép chính phủ làm vậy. Đó cũng chính là nguyên lý phổ quát về mối quan hệ giữa văn bản lập pháp và lập quy trong một nhà nước pháp trị.
Thực trạng ở ta khác, để bác bỏ đòi hỏi của họ, Đại sứ quán và Lãnh sứ quán ta lại phải dẫn văn bản lập quy của chính phủ NĐQT để phủ định văn bản lập pháp LQT của quốc hội mà Sở Ngoại kiều đã viện dẫn. Nghịch lý văn bản lập quy quyết định văn bản lập pháp ngược với nguyên lý phổ quát, rất xa lạ với nền pháp luật thế giới hiện đại, vốn tồn tại đã qúa lâu trong nền pháp luật nước ta; ở Nghị định trên được thể hiện bao quát ngay tại điều §1: “Nghị định này quy định chi tiết thi hành các điều §13, §19, §20, §22, §23, §24, §27, §28, §32, §34 và hướng dẫn thi hành một số điều khác của Luật Quốc tịch Việt Nam”.
Như vậy đã mặc nhiên thừa nhận, LQT có thể có nhiều cách thi hành, nhưng phải thi hành theo cách do chính phủ quy định tại NĐQT. Nói cách khác, cái mà người dân cần biết và phải tuân thủ không phải luật mà là chính phủ – Mâu thuẫn hoàn toàn với nguyên lý xã hội pháp quyền của thế giới hiện đại: người dân và cơ quan công quyền đều bình đẳng trước pháp luật.
Đối chiếu điều §26, điểm 3, LQT với điều §18, NĐQT, cho thấy điều §26 sai chỉ bởi đã đồng nhất khái niệm Người Việt (có quốc tịch Việt) định cư ở nước ngoài với khái niệm lưỡng tịch (vừa có quốc tịch nước ngoài vừa có quốc tịch Việt)!
Văn bản lập pháp ở ta không khác các nước, hầu như đều qua các công đoạn, rào cản cơ bản: soạn thảo, lấy ý kiến, các ủy ban quốc hội liên quan thẩm định, trong đó không thể thiếu Ủy ban Pháp luật, thông qua Quốc hội, chủ tịch/tổng thống ký lệnh công bố. 2 khái niệm, người Việt định cư ở nước ngoài và lưỡng tịch, vốn phổ quát thế giới, bị nhầm lẫn, nhưng lại dễ dàng lọt qua được tới 6 công đoạn, rào cản trên; thậm chí khi NĐQT ban hành cũng chính là lúc phát hiện được LQT sai, nhưng đã không hoặc không thể khắc phục, thực sự là tiếng chuông báo động về nghiệp vụ và công nghệ làm luật ở nước ta, đặt ra đòi hỏi phải nhanh chóng cải cách, tạo lập một công nghệ làm luật tự động, bảo đảm có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành luật mới bất cứ lúc nào cần, bởi luật pháp cũng như nhà nước dù tiến bộ đến mấy, sinh ra cũng chỉ là công cụ để phục dân, vì dân, của dân, chứ không phải ngược lại bị nó trói buộc bất chấp lợi ích.
Một công nghệ như vậy, ở các nước hiện đại, trước hết nó phải có khả năng tiếp nhận mọi phản ứng của các đối tượng bị điều chỉnh, xuất phát từ và nhằm trở lại vào lợi ích đối tượng đó; bởi chỉ đối tượng bị điều chỉnh mới có thể phát hiện được lợi ích mình bị xâm phạm, một khi luật có vấn đề, không nhà nước nào thay nổi họ. Như trường hợp LQT chắc chắn không thể không sửa đổi, nếu đại diện cho cộng đồng chừng 3 triệu người Việt ở nước ngoài được hỏi ý kiến. Tiếp theo, không thể thiếu Toà án Hiến pháp, bảo đảm cho cá nhân và pháp nhân được quyền đưa văn bản lập pháp bị cho là vi hiến ra toà đòi phán quyết, một khi cơ quan công quyền vì lý do nào đó không chịu xét đến. Chỉ khi văn bản lập pháp bảo đảm nguyên lý hợp hiến bằng chế tài như vậy mới có thể nói đến nhà nước pháp quyền, uy tín pháp lý của một quốc gia, xã hội có thực sự đồng thuận trên nền tảng hiến pháp hay không.
Ngoài điều §13 đã phân tích, nếu chiểu theo nguyên lý hợp hiến, điều §2 và §31 LQT đều trái với Hiến pháp ta cũng như các nước hiện đại, vốn coi mọi công dân đều bình đằng ngang nhau không phân biệt đối xử, khi điều §2, điểm 1 LQT quy định, Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch, nhưng lại ngoại trừ trường hợp quy định tại điều §31 cho phép tước quốc tịch Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, và người Việt gốc ngoại quốc cư trú tại Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng… Nghĩa là cùng một hành vi gây phương hại nghiêm trọng, nhưng phân biệt đối xử, nếu là công dân huyết thống Việt và ở trong nước thì không sao, còn đã ra nước ngoài sống, hay gốc nước ngoài là bị tuyên phạt.
Về mặt đạo đức có thể so sánh với gia đình, nếu là con đẻ sống cùng gia đình thì không sao, nhưng nếu ra khỏi nhà phạm gia huy thì sẽ bị từ bỏ, và nếu là con nuôi thì đuổi ra khỏi nhà ! Có thể tham chiếu Luật quốc tịch Đức để rõ thêm. Điều luật tước quốc tịch chỉ áp dụng cho đối tượng chủ đích lừa đảo khi nhập quốc tịch nay mới bị phát hiện, hoặc đối với dạng 2 quốc tịch vi phạm luật quốc tịch họ. Ngay cả 2 trường hợp đó, vẫn được miễn trừ, nếu tước quốc tịch trở thành vô quốc tịch – bản chất nhân đạo của luật, không nhằm đày đoạ con người.
Muốn hoàn thiện nền phát luật, không thể không cải cách văn bản luật hiện có. Nhưng cải cách sẽ không bao giờ xảy ra, nếu không luôn phát hiện khuyết tật bất cứ văn bản nào, vào bất cứ giai đoạn nào và ở bất kỳ cấp độ nào. Nếu coi quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thì nền luật pháp nước ta có được cải cách nhanh chóng cả về công nghệ làm luật lẫn lập toà án hiến pháp hay không, rốt cuộc hoàn toàn tùy thuộc trách nhiệm của quốc hội trước dân chúng đã tin cậy và ủy thác sinh mệnh chính trị của mình cho họ ! Không thể viện bất kỳ lỗi cơ chế nào, bởi cơ chế nào cũng từ cơ quan quyền lực cao nhất sinh ra, không bỗng dưng từ trên trời rơi xuống.
---------------------------
Để bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp (HP), trên thế giới hiện có 3/4 số quốc gia có Toà án hiến pháp. Ở nước ta, việc giám sát và phán quyết vi phạm HP không được giao cho một cơ quan chuyên trách nào. Do vậy, thẩm quyền bảo vệ HP không được phân định trách nhiệm rõ ràng, dẫn tới, hiệu lực và hiệu quả bảo vệ HP không cao. Hầu hết các chuyên gia pháp lý đều nhận định, đã đến lúc, nước ta cần xây dựng một cơ chế bảo hiến theo đúng nghĩa của nó – Đó là Toà án Hiến pháp.
Nghị quyết Đại hội XI đã nhấn mạnh về tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH, nêu rõ: Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền. Đây được coi là cơ sở để thảo luận, nghiên cứu về việc xây dựng và thiết kế một mô hình toà án hiến pháp phù hợp với Việt Nam.
.
.
.
No comments:
Post a Comment