Nguyễn Trần Tâm - Anh Vũ (Thanh niên)
06:15 Thứ sáu, ngày 22 tháng tư năm
Mức độ lạm phát của VN hiện cao hơn rất nhiều so với các nước lân cận.
Giá cả vẫn tăng mạnh
Ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 1, 2 ngày tới sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4, và mức tăng được ông đánh giá là tương đối cao so với các tháng trước đó.
Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng trong nửa đầu tháng 4 đã tăng khá mạnh. Từ thực phẩm tươi sống, rau củ cho tới các mặt hàng vật liệu xây dựng, phân bón đều được điều chỉnh tăng. PGS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, giá cả tăng vù vù do hiệu ứng dây chuyền từ việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, chợ lẻ thổi giá và do các biện pháp kiểm soát chưa được chặt chẽ, quyết liệt. Vì vậy, dự báo lạm phát trong tháng 4 chắc chắn sẽ không thể đứng ở mức 1,8 - 2% như của Cục Quản lý giá dự kiến. Nguyên nhân là do trong tháng 4, tất cả 11 mặt hàng trong rổ tính toán CPI đều tăng giá do tác động của việc tăng giá xăng, giá điện, đặc biệt tỷ giá.
Ông Long cũng cho rằng, CPI tháng này chỉ cần thêm 1% thì mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 7% đã vỡ. Điều này cho thấy dự báo của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ đang tỏ ra thiếu chính xác khiến công tác điều hành kiểm soát lạm phát gặp nhiều khó khăn.
Lạm phát gấp đôi, gấp ba các nước
Mặc dù chưa có con số chính thức CPI tháng 4.2011, nhưng với Hà Nội tăng 3,28%, TP.HCM tăng 3,16%, chắc chắn CPI cả nước tháng này tăng trên dưới 3%. Nghĩa là chỉ mới tháng 4 mà CPI đã tăng chạm “trần” (7%) kế hoạch cả năm.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, lạm phát của VN có tính khứ hồi, cứ đến rồi lại đi. Nhìn vào 3 năm trở lại đây, chỉ số CPI dưới 10% chỉ chiếm 1/4 thời gian, còn lại CPI trên 10%. CPI tăng do chỉ số các nhóm cấu thành đều tăng rất cao, cụ thể giáo dục tăng 25%; lương thực thực phẩm tăng 20%; giao thông đi lại tăng trên 10%...
So với các nước, mức độ lạm phát của VN hiện rất cao. Cụ thể, so với tháng 3 năm 2010, lạm phát của VN là 13,9% trong khi Indonesia dừng ở 6,8%; Trung Quốc 5,4%; Singapore 5%, ngay cả nước thường xuyên có mức lạm phát cao là Philippines cũng chỉ 4,3%. Giải thích tình trạng này, TS Anh cho rằng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tăng trưởng của tiền tệ của VN, cụ thể tín dụng tăng thì dứt khoát CPI tăng. Hơn nữa, chi phí về việc phá giá đồng tiền, từ việc xăng dầu tăng giá gần đây đã khiến CPI tăng rất nhanh.
Giữ nguyên chính sách
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét, CPI tháng 4 tăng cao là do tác động của việc điều chỉnh giá xăng, điện và tỷ giá, tuy nhiên trong tháng 5 lạm phát sẽ bắt đầu giảm vì chính sách tiền tệ lúc đó bắt đầu phát huy tác dụng theo độ trễ của chính sách. Tuy nhiên, TS Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần kiên quyết với chính sách tiền tệ thắt chặt, tránh bài học như năm ngoái khi nới lỏng quá sớm từ quý 3 khiến lạm phát cuối năm leo lên mức 2 con số.
Đồng quan điểm này, TS Anh cho rằng, lạm phát trong những tháng tới sẽ tiếp tục cao do những điều chỉnh trong quý 1 như tỷ giá, giá điện, giá xăng dầu tăng, cộng thêm giá lương thực thực phẩm… sẽ đẩy chi phí tăng, tạo ra mặt bằng giá mới. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và giảm bớt đầu tư, chi tiêu công để đỡ một phần lạm phát do cầu kéo. Nếu Chính phủ kiên quyết giữ trạng thái chính sách thắt chặt từ nay cho đến quý 3 thì dần dần lạm phát có thể suy giảm vào cuối quý 3 đầu quý 4.
Nguyễn Trần Tâm - Anh Vũ
.
.
.
No comments:
Post a Comment