Sunday, April 3, 2011

MÃI MÃI MỘT VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ (mythanh)

02-04-2011

Lần này đây thì chúng ta đã thật sự phải chào biệt người nhạc sĩ của “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.” Ông đã ra đi vào ngày Chủ Nhật 27/3/2011, vẫn chưa nhìn được một Việt Nam ngạo nghễ như những lời ca viết từ trái tim của ông, cũng là tiếng lòng của hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam qua bao thế hệ. Bài viết này xin được rút từ những lời tự bạch của người nhạc sĩ du ca của tuổi trẻ miền Nam một thời trong một buổi phỏng vấn dài giữa Nguyễn Đức Quang và vietyouth.net vào ngày 28/7/2006 như một nén hương chào biệt linh hồn người nhạc sĩ khả kính về chốn vĩnh hằng.

Nguyễn Đức Quang sinh quán Sơn Tây, nhưng trải suốt thời niên thiếu đến trưởng thành tại Đà Lạt. Ông tốt nghiệp Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt vào năm 1968. Và vì biến cố Tết Mậu Thân nên lứa sinh viên năm đó chưa ra trường, chưa lãnh bằng đã theo lệnh Tổng động viên vao quân trường. Đến ngày phat bằng, nhà trường phải can thiệp để các sinh viên tốt nghiệp, trong số có Nguyễn Đức Quang, rời quân trường, về lai trường dự lễ.

Sau 7 năm trong quân ngũ, ông được chuyển làm việc đúng với sở học tại Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn, vào năm 1974. Và sau biến cố 1975, ông vào tù cải tạo 3 năm. Sau khi được phóng thích, ông đã vươt biên cùng gia đình, đến Mỹ vào năm 1979.

Tại Mỹ, cùng mười mấy người bạn từ thời du ca cũ, trong đó có Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập nên tờ báo đầu tiên của người Việt tại Orange County, tuần báo Người Việt. Chính nhóm bạn hữu du ca xưa đã trở thành những người tiên phong trong lãnh vực báo chí hải ngoại. Tờ Người Việt sau đó chuyển qua nhật báo và ngày một phát triển với nhiều chi nhánh và các cơ sở truyền thông khác, radio,đài TV, nhà xuất bản , etc… Và từ đó, ông lăn lộn trong sự nghiệp làm báo, từ Người Việt, qua Viễn Đông, Chí Linh...

Nguyễn Đức Quang kể lại quyết định khởi sự bước chân vào làng báo là do sau khi gặp lại bạn, ông Đỗ Ngọc Yến. Ông hỏi bạn tại sao làm báo. Đỗ Ngọc Yến đã trả lời, “Mở báo vì báo chí có thể tác động tới người khác. Ở Việt Nam, người ta đang đốt sạch sách báo của miền Nam. Mình, người Việt tự do, phải mở ra một chân trời.” Ông sau khi nghe thế, cảm thấy không còn con đường nào khác để đi cả. Như bao giờ, Nguyễn Đức Quang vẫn luôn chọn những công việc theo lý tưởng hơn là cơm áo. Vì tờ Người Việt lúc đó còn đặt trụ sở tại garage nhà của chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến, và nhóm chủ trương phải tự tay mang báo đi bán (tại chùa, nhà thờ) và không hiếm khi phải móc tiền túi ra để phụ vào tờ báo.

Một thời đẹp nhất

Khi được hỏi về thời điểm ông cho là đỉnh cao trong đời (defining moment), câu trả lời của Nguyễn Đức Quang không ra ngoài chờ đợi dành cho “típ” người nhạc sĩ với những lời nhạc bừng bừng hoài bão với quê hương: Đó là thời sống với những sôi nổi của tuổi trẻ, không hề có chút đắn đo về tiền bạc, danh vọng, quyền lợi, không chút ham hố riêng tư.
“Khoảng đó, năm 1965 - 1967, khi ai đến chào tôi là ‘nhạc sĩ’ là tôi quay ngoắt đi. Sau này nhớ lại, tôi cũng thấy mình kỳ cục, nhưng lúc đó con người mình nó như vậy. Không phải tôi coi thường danh hiệu, mà là tôi không nghĩ là tôi đáng để được gọi là nhạc sĩ. Tôi chỉ say mê một chuyện là sinh hoạt, dùng nhạc để cống hiến cho tuổi trẻ. Đó là thời gian đẹp nhất trong đời tôi.”

Ông hồi tưởng lại thời tuổi trẻ hoạt động lý tưởng của mình: Miền Nam, từ khoảng 1965 - 1975, các tổ chức cộng đồng, Hướng đạo, Phật tử, Thiên chúa giáo, hội học sinh, tổng hội sinh viên bừng rộ. “Chúng tôi tập họp các bạn hữu thành một nhóm du ca đi khắp các hội đoàn chia sẻ, trình diễn. Phong trào du ca bàng bạc tự phát như thế đó. Sau đó, chúng tôi nhận được rất nhiều thư từ các hội đoàn tới, yêu cầu giúp đỡ.”

[Nhạc phim] Bên Kia Sông - Nguyễn Đức Quang

Từ sau năm 1963 trở đi, các tổ chức sinh viên khởi phát các cuộc hội thảo về đủ các vấn đề như: xã hội nhiễu nhương, Cộng sản lũng đoạn nông thôn, chiến tranh leo thang, dân quê khổ sở, etc... Các tướng đảo chánh liên tục, trật tự rối loạn... Tuổi trẻ bị hoang mang, thiếu phương hướng. Do đó, mục đích của phong trào du ca là đi gây tạo một tâm thức, xây dựng một tâm thức mới cho tuổi trẻ, tạo ra các tác động viên cho xã hội. Chúng tôi hoàn toàn không có ý định thay đổi chính quyền, chỉ thuần tuý với mục đích xây dựng, đưa xã hội đi lên. Theo ông, tuổi trẻ miền Nam lúc đó không hề muốn chiến tranh, chỉ miễn cưỡng bị đẩy vào một tình thế tự vệ, và trách nhiệm phải chia sẻ gánh nặng với những người chung thế hệ.

Sự nghiệp du ca của ông cũng có sự tiếp tay của nhạc sĩ Phạm Duy. Bắt nguồn từ một trại hè của sinh viên toàn quốc tại Trạch Lộc Thôn, cách Sài Gòn mấy cây số. Vào buổi chiều, Phạm Duy được mời tới, theo lời ông kể, lúc đó Phạm Duy có thể coi là thần tượng của giới trẻ qua các Trường ca, Con Đường Cái Quan ... Phạm Duy đã rất ngạc nhiên và khen nhạc của Nguyễn Đức Quang, rủ về nhà và nghe thêm một số nhạc nữa và sau đó mời Nguyễn Đức Quang đi theo ông trong mọi cuộc trình diễn. “Và tôi đã đi theo Phạm Duy mấy tour khắp Việt Nam, khoảng thời gian đó, Pham Duy sáng tác 10 bài tâm ca rất nổi tiếng, và tôi cũng học hỏi theo ông. Phạm Duy có tài sáng tác rất đa dạng; ông liên tiếp nhảy từ thể loại này sang thể loại khác, tình ca, sang tâm ca, phổ thơ, etc …

Những bài trầm ca


Nguyễn Đức Quang đã bỏ Đà Lạt về Sài Gòn, lập một nhóm trầm ca lưu diễn, đi hát chung với Phạm Duy. Ông nhắc lại niềm đam mê khác với các bạn du ca của mình là, những người bạn đó từ Đà Lạt về Sài Gòn để học đồng thời ca hát, trong khi ông đang theo học tại Đà Lạt, bỏ về Sài Gòn chỉ để ca hát. Khác với “Tâm ca”, tiếng hát từ tim của Phạm Duy, “Trầm Ca” là lời ca từ những suy tư trong óc. Mười bản trầm ca đã trở nên lẫy lừng ngay từ lúc ra đời.

“Nỗi Buồn Nhựơc Tiểu” viết về thân phận bị các nước lớn thao túng dẫn đến anh em một nhà đánh nhau, đổ máu … Tôi trót sinh ra làm thân nhược tiểu, nỗi tủi buồn căm bừng trên tay, nỗi nhọc nhằn còn đọng lòng sông, tình anh em máu chảy thành giòng … Như trong “Lìa Nhau”, Lìa nhau cho tim bốc cháy, thù sâu lan khắp địa cầu ... Những lời này đi đến đâu hát cũng làm rơi lệ ở đó. Chúng như quả bom nổ trong đầu óc tâm tư của tuổi trẻ. Nó có vang dội ra Bắc, và một số lãnh đạo miền Bắc ngộ nhận là nhóm Trầm Ca chống lại chính quyền miền Nam, nhưng không phải, chúng tôi nói chung cho cả miền Nam lẫn miền Bắc (lời Nguyễn Đức Quang).

“Tiếng Hát Tự Do” Việt Nam thao thức hoài, trải qua những đêm dài, nuôi giòng máu tự do …, “Chuyện Việt Nam”, Chuyện Việt Nam ôi mấy mươi năm, mấy trăm năm hay đã hơn ngàn năm. Mấy ngàn năm chưa thấy vẻ vang … Ôi quê hương ơi đẹp tươi đứng trong trời đất, ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất, yêu giống nòi mình lầm than mãi rồi, yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi… Hay “Về với Mẹ Cha” vẫn nói về một Việt Nam là một, một ước mơ về một Việt Nam chung cho tất cả, về bồi đắp cho mẹ cha Từ Nam Quan, Cà Mau, từ non cao rừng sâu, gặp nhau cho non nước xây cầu…

Những lời hát như thế nên, ông kể, có nhiều khi chúng tôi đi trại hè, đi công tác từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, Pleiku, Vĩnh Long, Cần Thơ, suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ hát một bài mà vẫn say mê. Những lời đã trở thành câu hát đầu môi cho các bạn trẻ. Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương … Ta còn những người ngồi quanh đây, trán in vết nhăn … Chưa gặp bao giờ mà đã như uống máu ăn thề …. “Người Anh Vĩnh Bình”, “Chiều Qua Tuy Hòa” và tập trầm ca đã kết thúc bằng “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ,” trong ý của ông, sau những bài ca với những tậm sự buồn, đau thương khắc khoải với vận nước, ông muốn đóng bằng một hình ảnh của hứng khởi, của tương lai.

Nguyễn Đức Quang không hề nghĩ mình nổi tiếng hay tài năng, dù ông là ngừơi đầu tiên sáng tác nhạc trong “lứa” nhạc sĩ thời ấy. Ông bắt đầu từ năm 1965, Trịnh Công Sơn 1967, Lê Uyên Phương 1969, Từ Công Phụng, Vũ Thành An cũng thuộc thế hệ viết nhạc của miền Nam thời ấy. “Tôi ít khi nào lường được là tôi được nhiều người biết đến. Có lẽ là do tình yêu mến hơn là tài năng. Với các người bạn nhạc sĩ nổi tiếng cùng lứa (kể trên) tôi là “ngoài luồng”, tôi không đứng trong luồng sáng tác của các anh em đó, dù tôi chơi với tất cả, quý mến tất cả và tất cả đều quý mến tôi. Loại thể nhạc của tôi không phải nhạc cho thu âm, mà là những bài hát về thanh niên, dành cho những sinh hoạt cộng đồng. Tiếng nói của tôi là tiếng lòng chung của người cùng thế hệ …
[Nhạc phim] Viet Nam Que Huong Ngao Nghe_Nguyen Duc Quang

Trước những câu hỏi cũng như gợi ý về thực hiện lại một phong trào du ca trong hiện tại, ông thẳng thắn cho rằng du ca đã qua rồi. Với những người trẻ hiện tại chưa chắc họ đã hiểu. Họ đã có những biểu tỏ khác, suy nghĩ khác … Ông cho rằng hãy cho qua những ý tưởng của du ca ngày xưa. Và cần tìm hiểu xem những người trẻ hiện tại thích gì, muốn gì. Và về cuối đời ông đã có mong ước được trở lại viết một loạt bài cho tuổi trẻ, nhưng vấn đề tìm tòi để đồng cảm và hiểu đúng được tiếng nói của tuổi trẻ ngày nay vẫn còn là một vấn đề sinh tử với ông. Ông cũng cho rằng du ca không có đất sống ở hải ngoại, nhưng nếu ông được các bạn trẻ Việt Nam mời về hát cho tuổi trẻ và được phép hát như ý ông sẽ rất sẵn sàng.

Nguyễn Đức Quang và những suy nghĩ về thời sự

Có lẽ đa phần chỉ biết về Nguyễn Đức Quang của một thời tuổi trẻ, của những tha thiết về quê hương đất nước qua những dòng du ca sôi nổi một thời. Người viết xin được dùng đoạn sau này tường thuật lại những suy nghĩ và của ông về các vấn đề thời sự của đất nước và con người Việt Nam, cũng như những mơ ước riêng cuối đời, theo như những bộc bạch của ông trong cuộc phỏng vấn với nhóm vietyouth.net vào năm 2006.

Ông đã giã từ làng báo, vì cho rằng thời thế đã khác. Làm báo không còn cần thiết như là một thiên chức để cung cấp văn hoá tư tưởng cho người đọc như xưa nữa. Đã có quá nhiều tổ chức và phương tiện cung cấp những nhu cầu đó, làm báo giờ trở thành như là một nghề kiếm cơm. Ông đã nghỉ ngơi, làm một số tour trên nước Mỹ, sáng tác lại, và dự định sẽ quay về lãnh vực sáng tác của thời tuổi trẻ.

Một số tình ca đã được sáng tác, dù theo nhiều người nghe phê bình rằng chúng không giống tình ca, nhưng đối với ông là “tình”, là kỷ niệm như: Về Con Phố Xưa, Một Lần Thôi, Về Đây Nhé, Có Những Khi, Mùa Thu Lại Đi ...

Tập nhạc mới sau này với chủ đề “Quê Hương Mênh Mông”, ông mở rộng “quê hương” ra tới hải ngoại, nhưng cũng vẫn bao hàm những trăn trở cũ, những điệu đượm buồn về mối hận thù Nam Bắc của quê hương xa xưa chưa hề được cởi, với những tựa đề như: Trên đường phố San Francisco, Quân Nam - Quân Bắc ... Và ông đặc biệt tâm đắc với Trên đồi Arlington, nói rất nhiều về bản nhạc này. Ông đã đến nghĩa trang Arlington trong chuyến tour Washington, D.C. năm 2004, và ngậm ngùi so sánh cuộc nội chiến của Mỹ qua đi không để lại chút dấu vết hận thù như cuộc nội chiến của Việt Nam, ngậm ngùi cho những người lính Việt của hai phe đã chết oan uổng vì cái chết của họ vẫn không đưa lại một đất nước thống nhất lòng người. Ông hát trong ước mơ cho một ngày Việt Nam cũng có được tình người này: Bắc Nam cùng mạch sống, thắng thua đều anh hùng, bốn mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng, chung dòng “Tổ quốc Ghi Công” (chỉ Arlington của Mỹ), và Nay mộ phần rào quanh thành oán thù, sống hay là đã chết, đành mất lối bơ vơ ... Sao gọi là vinh quanh? Cuộc sống vùi sâu dân tộc, khơi dậy những hờn căm .... (chỉ Nghĩa Trang Quân Đội của VNCH và thời hậu chiến VN)

Trước những mâu thuẫn trong cộng đồng hải ngoại cũng như quốc nội, Nguyễn Đức Quang đã đưa ra một nhận định rất sắc bén. Ông cho rằng ở hải ngoại có những đối nghịch tư tưởng về phương cách chống Cộng, cũng như trong nước có những tiếng nói phản kháng từ trong hàng ngũ CS, đều là những dấu hiệu tốt. Cả hai bên đều cần những rạn nứt để tiến đến trưởng thành cho khối của mình. Và từ đó mới thay đổi để nói chuyện, làm việc chung, đi tới một điểm khó hơn.

Lời nhắn nhủ cho tuổi trẻ Việt Nam cũng rất phóng khoáng phản ánh tâm hồn cởi mở của người nghệ sĩ du ca một thuở: Hãy tham gia/involve, với tổ chức, với đám đông, bất kể là tả hay hữu, vì tả/ hữu thường chỉ là tương đối, nhưng điều quan trọng là để tâm huyết vào một việc chung hơn là chỉ biết riêng mình. Ông cũng băn khoăn nghĩ đến tuổi trẻ của hải ngoại, xa rời quê hương và làm thể nào có được những tổ chức tạo cơ hội cho tuổi trẻ trong ngoài đến gần với nhau thì mới tạo được những nối kết và chất Việt Nam được phát triển.

Cuối cùng, người nhạc sĩ không nghĩ tới một danh hiệu nào cần để khắc trên mộ bia của mình. Ông xin tan nhẹ nhàng vào cơn gió, trở về cát bụi. Người thương mến, nếu có, có thể dành chỗ cho ông trên một trang giấy nào đó....

Người viết hy vọng đôi trang cuối này đáp lại được suy nghĩ khiêm nhượng và giản dị của người nhạc sĩ khả kính. Ông đã thanh thản ra đi, tan vào trong gió, để lại mãi mãi một ước mơ không bao giờ tan, ước mơ về một Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.

© DCVOnline


 .
.
.


No comments: