DƯƠNG THẾ HÙNG (Tuổi Trẻ)
Thứ Tư, 20/04/2011, 06:17 (GMT+7)
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/434224/Giai-nhat “But-ky-DBSCL-nam-2010”-Chua-“tam-phuc-khau-phuc”.html
TT - Cuộc thi "Bút ký văn học đồng bằng sông Cửu Long lần 4-2010" tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu khép lại sau buổi lễ trao giải ngày 14-4-2011 với 12 giải thưởng đã được trao cho 12 tác giả. Tuy nhiên câu chuyện lùm xùm về giải nhất (tác phẩm Ông vua chân đất của tác giả Trần Ðắc Hiển Khánh, Sóc Trăng) vẫn chưa dừng lại.
Ðầu tiên, tác phẩm đọc xong thấy... xoàng quá. Bởi từ bút pháp tới cách thể hiện cũng "bình bình" chứ không có gì đặc sắc. Thậm chí, nói như nhà văn Võ Ðắc Danh - người từng đoạt giải nhất cuộc thi Ký văn học toàn quốc năm 2008, "nếu là người biên tập, tôi sẽ xếp Ông vua chân đất vào dạng bài bị gác, không thể sử dụng được".
Kế đến, tác phẩm có hai chi tiết không đúng về nhân vật chính là ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) - một lão nông nuôi tôm nổi tiếng ở tỉnh Bạc Liêu. Một là ông đã áp dụng cách "nuôi tôm thưa để đạt năng suất cao". Theo ông Sáu Ngoãn, nuôi tôm thưa không thể có năng suất cao bằng nuôi dày mà chỉ lợi nhuận cao hơn thôi. Thứ hai, tác phẩm nói "ông có nhận một đứa con nuôi khi nó 12 tuổi" là không đúng. Thực tế ông nhận con nuôi khi cháu đã vào đại học.
Ðiều gây bức xúc nhất trong giới cầm bút là nhân vật Sáu Ngoãn mà tác phẩm đề cập là một nhân vật đã được các báo đăng tải nhiều lần trong thời gian qua. Cụ thể là bài "Người nuôi tôm bách phát bách trúng" (báo Tuổi Trẻ ngày 17-11-2006), "Vua tôm ở Bạc Liêu" (báo Gia Ðình ngày 13-2-2010) và "Thương hiệu độc quyền cho người đi chân đất" (báo Lao Ðộng 30-12-2010).
Theo thể lệ, cuộc thi "ưu tiên cho những tác phẩm viết về những nhân tố mới, con người mới ở đồng bằng sông Cửu Long" (...), "tác phẩm dự thi phải là tác phẩm mới, chưa được tác giả gửi đăng trên các báo, tạp chí, các ấn phẩm khác, phát trên sóng phát thanh và truyền hình"... Nếu "căng" ra câu chữ thì khó thể nói tác phẩm đoạt giải nhất này phạm quy, bởi tác giả đâu có gửi đăng trên các báo, tạp chí khác. Nhưng hiểu theo cách "tác phẩm mới, con người mới" thì nhân vật Sáu Ngoãn không mới với giới văn nghệ, báo chí đồng bằng.
Từ năm năm trước người ta đã biết đến ông rồi. Hiện nay chẳng lẽ không còn nhân tố mới để viết? Cho nên dư luận "lùm xùm" mấy ngày qua là khó tránh khỏi, nhất là với chính những người trong cuộc.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa - thành viên ban tổ chức cuộc thi - cũng tỏ ra băn khoăn: "Giải nhất bắt buộc phải tiêu biểu, nổi bật và xuất sắc nhất, nhằm phát hiện giọng điệu, bút pháp, khuynh hướng sáng tác mới của ký văn học đồng bằng. Nhưng đọc Ông vua chân đất xong, tôi không thấy có gì tiêu biểu. Chưa kể vấn đề này không mới, không có tính phát hiện. Một bài ký mà tính phát hiện không có, bút pháp không ổn là một bài ký xoàng, không đáng có giải. Có nhà văn đồng bằng nói với tôi "mắc cỡ dân viết ký xứ mình quá!". Và tôi đồng tình: ký văn học đồng bằng sông Cửu Long không phải xoàng như vậy".
Có lẽ hiểu được nỗi lòng đó, nhà lý luận phê bình văn học Lê Quang Trang - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng ban chung khảo cuộc thi, cũng tỏ ra áy náy tại lễ trao giải: "...Có một điều chưa thể bằng lòng, ấy là dù chất lượng của nhiều tác phẩm được xây trên một nền khá vững, nhưng đỉnh cao xem ra vẫn chưa thật nổi bật. Giống như khi ta ngắm nhìn dải đồng bằng kia, rất nhiều cái hay và đẹp, nhưng cái đỉnh nhô cao mang sắc thái độc đáo thì hình như đang thiếu.
Vì vậy, nếu chọn giải nhì, giải ba cho cuộc thi này thì có thể yên lòng. Nhưng tìm tác phẩm nổi bật xứng danh giải nhất thì vẫn là nỗi băn khoăn, vì ngay tác phẩm khá nhất vẫn chưa thật xuất sắc. Và nếu trao mà đỉnh cao tự nó chưa tới thì vẫn là tôn vinh, nhưng chưa hẳn đã tâm phục, khẩu phục".
Quả là tiếc cho một cuộc thi tầm mức của đồng bằng vậy!
DƯƠNG THẾ HÙNG
.
.
.
No comments:
Post a Comment