Thursday, April 14, 2011

QUYỂN NGOẠI SỬ VIẾT VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM (Nguyễn Đạt Thịnh)

Nguyễn Đạt Thịnh
Wednesday, 13 April 2011 19:35

Tôi biết, có 4 độc giả Việt Nam không coi Trung Úy Bernard de Lattre de Tassigny, con trai duy nhất của Thống Chế Jean de Lattre de Tassigny, là một quân nhân anh hùng, trong lúc cả thế giới ngưỡng mộ cái chết của anh trong cuộc giao tranh tại Ninh Bình, giữa năm 1951. Bernard, một quân nhân COCC (con ông cháu cha) chính thống, có thừa điều kiện ngồi mát tại Hà Nội mà vẫn thăng cấp nhanh hơn những bạn đồng đội khác lặn lội, sống chết trên chiến trường.

Bốn độc giả đó là cô Quỳnh Như, và các cậu Khôi, Tuấn, Lân, là những người con anh Quang được đặc quyền đọc chiến sử Việt Nam qua một tác phẩm ngoại sử, viết với góc nhìn vô cùng gần với họ, quyển ngoại sử mà họ yêu thương hơn cả chính sử, quyển sách dầy và cao như núi xương, ghi chép cuộc nội chiến Việt Nam dài 7,300 ngày, ngày nào cũng đầy những con số khô khan, những giao tranh đẫm máu, và làng nào, quận nào, tỉnh nào cũng chỉ trắng xóa mầu khăn tang.

Tôi muốn giới thiệu với bạn đọc quyển "TỪ SÔNG NHUỆ TỚI BỜ MISSISSIPPI", tác phẩm mà anh Vũ Quang bảo riêng tôi, "sách không bán, tôi viết để lại cho các cháu biết bố chúng nó suốt đời làm gì," nói cách khác, nội dung sách mô tả cuộc chiến tranh nhỏ của một con người Việt Nam, bên trong cuộc chiến tranh lớn của cả một dân tộc.

Các cháu Quỳnh Như, Khôi, Tuấn, và Lân chỉ cần biết bố chúng, thiếu úy Vũ Quang, đã phục vụ trong một đơn vị tác chiến mà Bernard đã tử trận, và chính bố chúng đã cất giữ những kỷ vật của người tiền nhiệm, những thứ "vật bất ly thân" như khẩu súng cá nhân, vài tấm ảnh, lá cờ đại đội, quyển "nhật ký hành quân" của đơn vị, mà sau này mẹ của Bernard, bà góa phụ Simonne de Lattre de Tassigny, tìm kỷ vật của con để cất giữ những hình ảnh cuối cùng, xin anh Quang trao lại qua Bộ Tư Lệnh Đệ Tam Quân Khu (trước 1954).

Tôi thích thú đọc ké tác phẩm Vũ Quang chỉ viết riêng cho các con, và rất xúc động trong những đoạn anh kể lại một vài tình cảm đặc biệt Việt Nam, không thể tìm được trong xã hội Mỹ.

Một thí dụ: anh viết, "Mười tháng sống trong quân trường với bao kỷ niệm rồi cũng qua mau. Tháng tháng chúng tôi được lãnh khoảng trên ngàn bạc. Tôi gửi về nhà một nửa, nửa kia cúng câu lạc bộ của ông Già Gân. Tốt nghiệp (giữa năm 1952) tôi chọn ngành Giang Thuyền."

Tôi không tin có anh sinh viên West Point nào gửi nửa lương về nhà biếu cha mẹ, dù anh đó gốc Việt.

Chọn ngành Giang Thuyền, nhưng cuối cùng Vũ Quang vẫn trở về ngành Bộ Binh trong phương vị một sĩ quan tác chiến, vì 2 năm trước Điện Biên Phủ, chiến trường Bắc Việt chuyển động mạnh, tổn thất của cả đôi bên đều nặng nề, nhu cầu sĩ quan bộ binh rất cao. Anh đặc cách lên trung úy tại mặt trận và chỉ huy một đại đội tác chiến của tiểu đoàn 56 bộ binh.

Tiểu đoàn cấp cho anh trên chục lao công chiến trường, những nghi phạm cộng tác với địch, để anh sử dụng trong việc tải đạn; trong số lao công có một ông cụ trên dưới 60, Quang thương hại nhìn cụ còng lưng vác đạn súng cối, trong lúc ống chân gầy ngập dưới 3 tấc nước; anh cho ông cụ về làm việc nhẹ: phục vụ những nhu cầu riêng của anh, nấu nướng, dọn dẹp, để tránh công tác tải đạn nặng nhọc.

Nhưng rồi, thấy ông cụ vẫn còn khổ sở, thương vợ, nhớ con, trong kiếp tù lỏng, anh quyết định trả tự do cho ông ta, việc làm vượt trên quyền của anh.

Vũ Quang viết, "Tôi rút trong túi ra một ít tiền, dúi vào tay ông, cảm ơn ông đã chăm sóc tôi trong thời gian qua, và chúc ông sớm được đoàn tụ với gia đình. Tôi tưởng ông cụ sẽ vui mừng ra đi, nhưng cụ lắc đầu bảo tôi, 'tôi đi, ai lo cho trung úy?'"

Tôi chắc Quỳnh Như, cô con gái duy nhất của anh Quang, thích đoạn này lắm: bố cô vẫn đầy tình người, dù mỗi ngày mỗi phải giết địch để không bị địch giết.

Nhưng đoạn mà những độc giả con anh Quang phải vừa khóc vừa đọc là đoạn chót cuộc chiến Việt Nam của riêng đại tá Vũ Quang.

Anh viết, "Tới bến Khánh Hội, xe ghé vào cổng số 5, bấm còi hiệu: cổng được hé mở, chỉ đủ cho chiếc xe lách vào rồi lại khép kín. Mọi người ngơ ngác, tài xế hất tay làm hiệu chỉ chiếc phà đậu sát bờ. Chúng tôi mạnh ai nấy chạy; các con ông Trạc, đang tuổi tráng niên mạnh khỏe, cõng hộ 3 cháu nhỏ, tôi đi sau với nhà tôi và ông bà ngoại.

Nhà tôi nóng ruột kêu lên, 'sao anh không chạy theo các con.' Như người chợt tỉnh, tôi chạy ra bến, nhẩy lên đúng lúc chiếc phà từ từ rời bến.

Nhà tôi và ông bà ngoại còn kẹt lại trên bờ. Thấy chiếc phà thứ hai, không người, còn đậu tại bến, nhà tôi định leo lên; có thể nhà tôi nghĩ bề nào phà này cũng theo phà kia ra biển để rồi cùng cập vào một bến nào đó. Tuy nhiên, nhìn ra thì thấy khó lòng leo lên nổi, vì phà không cập ngang bến, mà chĩa mũi vào bờ; muốn lên phà phải leo qua một lỗ hổng tròn, vừa đủ một người chui lọt. Thất vọng nhà tôi quay trở lại chỗ cũ thì gặp gia đình anh bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng (đang ở Canada), cũng cùng hoàn cảnh và đang ngồi bên đống va li, vẻ mặt buồn rầu.

Nhà tôi than, "Anh ơi, anh Quang và các con tôi đang ở cái phà kia, anh bảo tôi làm sao bây giờ?" Anh Hồng an ủi một câu rất "huề vốn": "thôi, chẳng qua số anh chị nó như vậy. Tôi không thể đi kiểu này. Chúng tôi sẽ đi về đây."

Nhà tôi không bỏ cuộc; nhìn bờ sông phía trước có một bãi trống, nhà tôi bèn kéo 2 cụ chạy ra phía đó, với ý định, nêu không lên được phà thì thuê thuyền nào gần đó đi theo. Phần tôi, sau khi lách qua rừng người, tôi mới trèo lên được chỗ cao làm hiệu cho vợ tôi ráng chạy theo, đồng thời lên phòng lái, năn nỉ anh tài công người Phi cho tầu tắp trở vào bờ. Anh ta lắc đầu.

Đứng trên mũi tầu nhìn vợ tôi, người đã bé nhỏ, lại vừa chạy vừa kéo bố mẹ, tôi chỉ còn có cách trở lại năn nỉ anh tài công. Có lẽ thấy có khoảng trống trước mặt có thể ghé vào được, hay cũng có thể vì thấy chỉ có 3 người đơn độc, anh ta bẻ lái vào bờ.

Cũng vừa chạy tới, nhà tôi nhẩy xuống trước, hai cụ theo sau. Phà lại rời bến trước khi hàng trăm người ùa tới."

Tôi nghĩ không bao nhiêu người trẻ của thế hệ tị nạn thứ nhì biết rõ cái giá mà bố mẹ chúng phải trả để chúng đang có cuộc sống hoàn toàn tự do, mà đa số thành công trên mức trung bình của xã hội Hoa Kỳ, như các con anh Quang.

Dù không có cuốn phim giúp chúng nhìn lại cảnh chị Quang dắt ông, bà ngoại chạy đua với xà lan, cảnh anh Quang năn nỉ người tài công ngoại quốc, nhưng đoạn viết của anh cũng đủ làm chúng khóc thương bố, mẹ, và cả ông bà ngoại nữa.

Anh Quang vô cùng thành công với 4 độc giả mà anh nhắm vào khi viết lại binh nghiệp chỉ dài 23 năm, nhưng vẫn chiếm trọn cuộc đời anh. Các con anh biết bố thương yêu gia đình bên nội đến mức chia đôi số lương lính bé nhỏ để gửi về; chúng cũng biết bố thường xuyên đồng hành với tử thần trong suốt những năm chinh chiến, khi đọc chuyện một người bạn đồng khóa - thiếu úy Phan Trọng Thiện, anh ruột trung tướng Phan Trọng Chinh- mà Việt Cộng bỏ lại chiến trường, nơi chỉ cách đồn của bố chưa đầy 2 cây số, vì tưởng Thiện chết thật, trong lúc anh chỉ bị trọng thương mà bố không thể đến tiếp cứu.

Tôi chỉ đề cập đến góc cạnh "ký thác để lại cho con" của tác phẩm anh Quang viết, trong lúc quyển sách 236 trang còn rất giá trị đối với quân sử, chiến sử, vì anh Quang quen biết và đề cập đến nhiều nhân vật có trách nhiệm trong cuộc chiến Việt Nam.

Chỉ riêng giá trị "ký thác" tôi cũng đã thấy vài trăm ngàn cựu quân nhân chúng ta "thiếu nợ" các con một cuộc tường thuật đầy đủ về cuộc chiến tranh Việt Nam riêng của bố chúng, mẹ chúng; trong số những con nợ này, có tôi.

Độc giả của Vũ Quang không giới hạn vào 4 đứa con như anh tưởng: người độc giả thứ 5 của quyển ngoại sử, nguyên là một tiên nữ trên tiên cảnh Đà Lạt Hoa Đào, gọi điện thoại bảo tôi bà không tin là đã xuống trần gian làm bạn với anh Quang đến gần 60 năm; thời gian bà thấy chưa đủ dài để hai người viết chung một chữ YÊU.

Bà bảo, bà đã hẹn Quang gặp nhau thêm một kiếp nữa.

Và bài báo ngắn này xin chấm dứt bằng lời mời vô duyên của người viết: xin mời độc giả tìm đọc quyển sách quý vị không thể nào tim ra trong mọi nhà sách.

.
.
.

No comments: