Nguyễn Văn Khanh
Monday, April 18, 2011 8:19:26 PM
Paul Ryan và Medicare
LTS. Với mức nợ công cao kỷ lục, và độ thâm thủng cũng rất cao, cuộc tranh cãi về ngân sách liên bang là đề tài nóng ở Washington DC.
Ðiều này không chỉ là chuyện chính trị trừu tượng: Mỗi đô-la cắt giảm ngân sách là một đô-la không còn dùng cho một món chi tiêu mà có người dân nào đó đang được hưởng.
Người dân đó có thể là người già, học sinh, binh sĩ, người tật bệnh, hay cũng có thể là một người giàu, một tài phiệt, một chính trị gia.
Nhà báo Nguyễn Văn Khanh viết về cuộc tranh chấp ngân sách trong loạt bài gồm 3 kỳ. Kỳ 1 mang tựa đề “Tranh cãi chỉ mới bắt đầu.” Hôm nay là kỳ 2.
1.
Trưa Thứ Tư tuần trước, văn phòng ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner gửi e-mail cho tất cả các vị dân cử cùng đảng, yêu cầu có mặt tại phòng hội đúng 1 giờ chiều “để thảo luận chuyện rất quan trọng.” Thư chỉ có vài hàng ngắn ngủi, không cho biết nội dung sẽ được bàn cãi nhưng ngay hàng đầu có đề chữ “khẩn” và hàng cuối cùng ghi rõ câu “không ai được vắng mặt.”
Quyết định triệu tập phiên họp đặc biệt này khiến mọi người ngạc nhiên. Hôm đó cuộc bàn thảo giữa hành pháp-lập pháp, Dân Chủ-Cộng Hòa về ngân sách 2011 chưa ngã ngũ, cả 2 phía vẫn chưa thống nhất được với nhau số tiền sẽ cắt, đại diện khối đa số và thiểu số vẫn kỳ kèo bớt một thêm hai. Vài giờ trước đó ông Boehner còn được mời vào Tòa Bạch Ốc ăn sáng với Tổng Thống Barack Obama, để nghe nhà lãnh đạo quốc gia báo trước những gì ông sẽ trình bày trong bài diễn văn về kế hoạch cắt giảm ngân sách sẽ đọc gửi dân chúng vào lúc xế trưa. Sau bữa ăn, ông Boehner đã về lại văn phòng làm việc, không hề tỏ một dấu hiệu nào là “có chuyện quan trọng cần bàn” cả.
Phiên họp diễn ra rất đúng giờ. Ông Boehner nói lời xin lỗi “làm phiền trong lúc ai cũng bận rộn,” nhưng ông quyết định gọi họp để thông báo cho biết những điểm cần lưu ý trong bài diễn văn tổng thống sắp sửa đọc. Sau đó ông đi thật nhanh vào điều phải nói, duyệt qua các điểm ông mới nghe ông Obama trình bày, bắt đầu là chuyện sẽ cắt giảm 4,000 tỷ bạc trong 12 năm tới, cá nhân nào có mức lương từ $200,000/năm trở lên sẽ phải trả mức thuế cao hơn, không cho các công ty khai thác dầu khí tiếp tục hưởng những quyền lợi đặc biệt v.v...
Ông chủ tịch Hạ Viện kết thúc bằng nhận định: “Tôi thấy bài diễn văn của ông Obama là bài diễn văn để vận động tái ứng cử, không có hành động cụ thể nào cả.” Ðưa mắt nhìn các đồng viện cùng đảng, ông Boehner bảo thêm, “kế hoạch của ông Obama không cụ thể cho bằng kế hoạch của anh Paul, giảm thì ít hơn cả ngàn tỷ, thời gian lại dài hơn ít nhất là 2 năm.”
Tất cả mọi cặp mắt lúc đó đều đổ dồn về phía Paul Ryan, chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện. Người đang nắm trong tay chìa khóa giúp đưa đảng Cộng Hòa tới thành công đứng lên bảo: “Bây giờ là thời điểm quyết định. Chúng ta phải làm, không thể nào chần chừ được nữa.”
2.
Năm nay mới 41 tuổi, Paul Ryan từng là một trong những vị dân biểu Cộng Hòa trẻ tuổi nhất của Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ khi ông đặt chân vào tòa nhà quyền uy này lúc mới 29. Từ lúc còn là sinh viên ông đã có cơ may học việc với nhiều chính trị gia nổi tiếng trong giới bảo thủ, chẳng hạn như ông Jack Kemp từng thăm dò tranh cử tổng thống, hay ông William Bennett từng làm tổng trưởng Giáo Dục và cũng có lúc được dự đoán sẽ tranh cử tổng thống. Thời gian học việc kéo dài nhiều năm trời này “giúp tôi biết nếu muốn làm được việc, đôi khi, phải có những quyết định thật cứng rắn” và trách nhiệm của ông hiện giờ là soạn thảo kế hoạch giúp đưa quốc gia ra khỏi vũng lầy nợ nần vì thiếu hụt ngân sách.
Ông đề nghị sửa đổi luật thuế, giảm thuế lợi tức cho mọi người (mức cao nhất 35% sẽ giảm xuống còn 25%), tiếp tục giảm thuế cho người giầu (chỉ chiếm 2% tổng số dân) để thành phần này bỏ thêm vốn đầu tư, tạo điều kiện có thêm việc làm cho dân chúng và giúp quốc gia tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch của ông cũng đề nghị ngân sách cho 5 năm tới chỉ bằng với số tiền đã chi tiêu của năm 2008, nhưng không vội cắt giảm các khoản tiền cần có cho an ninh và quốc phòng - ngoại trừ số tiền 78 tỷ dollars mà ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates nói là mức tối đa có thể đồng ý sẽ giảm cho tài khóa 2012.
Ðiểm quan trọng nhất của kế hoạch 10 năm cắt giảm 5,800 tỷ dollars của ông là thay đổi hẳn lối hoạt động của 2 chương trình Medicare và Medicaid, đồng thời sửa đổi phần lớn các điều khoản của Luật Cải Tổ Bảo Hiểm Y Tế mới được Quốc Hội Dân Chủ thông qua hồi năm ngoái. Theo ông, chỉ những điều này không thôi “đã cắt giảm được hơn 2,000 tỷ bạc.”
Mỗi năm chương trình Medicare - hiện đang giúp 45 triệu người lớn tuổi có bảo hiểm y tế - ngốn 1/8 ngân sách quốc gia và sẽ tiếp tục tăng vì những người sinh sau Ðệ Nhị Thế Chiến sắp về hưu ngày một nhiều. Ông Ryan vẫn giữ nguyên chương trình Medicare cho những người đang hưởng và những ai từ 55 tuổi trở lên, nhưng từ năm 2020 sẽ dần dần nâng tuổi người được hưởng từ 65 lên 67 tuổi và bỏ chế độ “bao giàn trả tiền nhà thương và bác sĩ,” thay thế bằng khoản trợ cấp giúp những người về hưu mua bảo hiểm do những công ty tư nhân bán. Khoản trợ cấp này được tính dựa theo 2 điều kiện: sức khỏe và mức thu nhập.
Chương trình Medicaid đang giúp đỡ cho 50 triệu người nghèo và người tàn phế cũng thay đổi cách hoạt động: phần điều hành sẽ thuộc về tiểu bang thay vì liên bang nắm giữ như hiện nay. Chính phủ liên bang có trách nhiệm tài trợ, chính quyền tiểu bang toàn quyền quyết định sử dụng khoản tiền này như thế nào, và có toàn quyền quy định các điều kiện đặt ra với người xin trợ cấp.
3.
“Ðã nhiều năm trời, chúng ta không hề nói thật với dân chúng,” ông Ryan chia sẻ với báo chí trước khi Hạ Viện bỏ phiếu thông qua đề nghị của ông hôm Thứ Sáu tuần trước. “Chúng ta nợ người dân một lời giải thích, cho họ biết quốc gia đang gặp khó khăn và đến lúc phải thay đổi.”
Ðiều ông nói không sai, nhưng chưa chắc đã là điều người dân muốn nghe. Tháng 3 vừa rồi, cuộc thăm dò do hãng thông tấn Reuters thực hiện cho thấy 80% người dân Mỹ không muốn thay đổi các quy định đang có về an sinh xã hội, 70% không đồng ý thay đổi chương trình Medicare và Medicaid, dù biết 2 chương trình này đang là gánh nặng ngân sách mà quốc gia phải chịu đựng hàng năm.
Mặc dù ông Paul Ryan nói rõ “cử tri đưa chúng ta về Washington để làm việc, chứ không phải để chúng ta khoe với mọi người rằng mình là dân biểu,” nhưng ngay chính một số vị dân cử Cộng Hòa cũng lo âu, sợ kế hoạch ông đưa ra sẽ khiến họ mất ghế dân biểu. Tin hành lang Hạ Viện nói rằng nhiều chính trị gia cùng đảng với ông Ryan thắc mắc, không hiểu tại sao ông lại đưa ra kế hoạch sửa đổi Medicare và Medicaid trong lúc biết rất rõ Thượng Viện sẽ không đồng ý và Tòa Bạch Ốc đã bắn tiếng nói tổng thống sẽ phủ quyết?
Âu lo này có cơ sở đàng hoàng. Lịch sử chính trị cận đại của nước Mỹ cho thấy cả bên Dân Chủ cũng như phía Cộng Hòa đều gặp khó khăn khi đụng đến chương trình bảo hiểm y tế. Hồi 1994 đảng Cộng Hòa từng muốn cắt giảm 270 tỷ dollars của chương trình Medicare, kết quả: mất khối đa số Hạ Viện, tạo thêm thuận lợi chính trị cho Tổng Thống Bill Clinton tái đắc cử.
Mới năm ngoái Tổng Thống Obama và Quốc Hội Dân Chủ đưa ý kiến sửa đổi lại chương trình Medicare để cắt giảm 400 tỷ dollars ngân sách. Kết quả: đề nghị này góp phần giúp đảng Cộng Hòa thắng lớn tại Thượng và Hạ Viện ở cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11 năm ngoái. Khi còn ngồi ở Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống George W. Bush cũng muốn cải tổ Medicare, nhưng ông chỉ “bắn tiếng” thăm dò sau ngày đắc cử nhiệm kỳ 2 và ngưng ngay khi thấy có những phản ứng bất lợi đến từ phía dân chúng.
Giữa những người lo âu, cũng vẫn có người tin tình hình sẽ không tệ quá! Dân Biểu Cộng Hòa Pat Meehan mới đắc cử hồi năm ngoái nhìn nhận sẽ gặp khó khăn khi ông bỏ phiếu tán thành kế hoạch Paul Ryan, “nhưng tôi tin cử tri hiểu là chúng tôi muốn giải quyết tình trạng nợ nần chồng chất của quốc gia.” Vị dân cử đại diện cho thành phố Philadelphia bảo thêm “nếu không bắt đầu, chúng ta sẽ chẳng bao giờ giải quyết được chuyện gì cả.”
Một số nhà bình luận chính trị của thủ đô còn đi xa hơn, tin rằng chuyện cắt giảm ngân sách, sửa đổi lại Medicare và Medicaid sẽ là đề tài của cuộc tranh cử Tổng Thống 2012. Ðúng sai chưa rõ, chỉ biết cuộc tranh luận vừa mới bắt đầu và chẳng dại gì đoán trước đến bao giờ sẽ kết thúc.
(Ngày mai: Phản ứng từ Tòa Bạch Ốc)
--------------------------------------------
Những Bài Liên Quan:
Tranh cãi chỉ mới bắt đầu (Nguyễn Văn Khanh) (Sunday, April 17, 2011 6:02:16 PM)
Nhà báo Nguyễn Văn Khanh viết về cuộc tranh chấp ngân sách trong loạt bài gồm 3 kỳ, hôm nay là kỳ thứ nhất.
Nhà báo Nguyễn Văn Khanh viết về cuộc tranh chấp ngân sách trong loạt bài gồm 3 kỳ, hôm nay là kỳ thứ nhất.
.
.
.
No comments:
Post a Comment