Wednesday, April 20, 2011

CHUYỆN MỘT NGƯỜI LÍNH MIẾN ĐIỆN (Quỳnh Chi, RFA)


Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-04-18

Myo Myint, một cựu quân nhân Miến Điện từng sống chết để bảo vệ cho chế độ quân đội trị nhưng lại đang sống chết để chống lại nó. Câu chuyện như thế nào? Mời quý vị cùng theo dõi.

Một anh hùng

Gặp Myo Myint, người ta cũng chẳng biết nên gọi nhân vật này là gì. Có người gọi là kẻ phản bội, một số người gọi là nạn nhân, và rất nhiều người gọi là anh hùng. Đối diện với tôi là một người đàn ông tuổi độ 50 với gương mặt gầy gò cương nghị. Nhìn cơ thể đã gần như mất đi một nửa của mình, Myo Myint cho biết, người ta gọi ông là nạn nhân cũng không sai bởi ông chính là nạn nhân của vỏ mìn và đau đớn hơn là nạn nhân của chính chế độ mà ông đã từng phục vụ cho nó.

“Tôi gia nhập quân đội vào năm 1980, lúc đó tôi mới 17 tuổi.
Tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là gia nhập quân đội. Tôi không thể tìm một công việc nào đàng hoàng cả.”

Từ khi chế độ quân đội nắm quyền tại Miến Điện từ năm 1962, có thể nói thanh niên Miến Điện có 4 lựa chọn chính: trở thành 1 trí thức và rời khỏi nước vì không muốn thấy cảnh tàn bạo, sống tại đất nước nhưng trở nên nghèo khổ cùng cực, trở thành thầy tu, hay gia nhập quân đội. Và Myo Myint gia nhâp quân đội vì không thể trở thành 1 thầy tu hay 1 trí thức. Giống như bao thanh niên cùng thời khác, Myo Myint gia nhập quân đội, chiến đấu bảo vệ quân đội trước khi biết về quân đội.

Trong quân đội, Myo Myint trở thành một người lính đặt mìn và gỡ mìn. Myo mint không nhớ đã bao nhiêu lần ông và các binh sĩ khác đi thu lượm xác các nạn nhân khi họ trở thành mục tiêu của những ổ mìn do ông đặt. Và dĩ nhiên trong những nạn nhân đó, có cả người dân vô tội:
“Tôi từng đặt rất nhiều mìn, từng gỡ rất nhiều mìn. Nhiều người đã từng bị chết dưới mìn tôi đặt. Phải nói là tôi rất tội lỗi nhưng vì là một người lính tôi phải thừa lệnh.”

Thế nhưng chưa bao giờ Myo Myint nghĩ là mình sẽ trở thành nạn nhân của mìn cho đến 1 ngày.
“Vào ngày 18 tháng 2 năm 1984. Tại nạn xảy ra”.

Myo Myint kể rằng, khi ông đang cùng 4 binh sĩ khác gỡ mìn trên 1 cánh đồng thì một trái mìn phát nổ làm nhiều mìn khác nổ theo. Trận nổ khá lớn đã cướp đi sinh mạng 4 binh sĩ kia và Myo Myint là người duy nhất may mắn còn sống sót. Thế nhưng may mắn chỉ bảo vệ ông khỏi lưỡi hái tử thần nhưng không giúp ông tránh khỏi thương tật. Myo Myint bị mất hoàn toàn 1 chân, và 1 tay, thậm chí các ngón tay trên bàn tay còn lại cũng không còn.
“Lúc đó tôi ước rằng tôi có thể chết đi để tôi không thấy đau đớn.”

Những vết thương chưa lành

Nói tới đây, Myo Myint bỗng im lặng, mắt hướng về một nơi xa xăm như tránh cho những giọt nước mắt chực tuôn trào. Dù đã hơn 20 năm, các vết thương đã lành nhưng tâm hồn Myo Myint chưa bao giờ lành hẳn.

Năm 1987, Myo Myint bị loại khỏi quân đội. Thật lạ lùng là lúc ấy ông cảm thấy vui vì từ nay sẽ không còn phải nhìn thấy một nạn nhân nào chết vì mìn của mình. Thế nhưng tận sâu thẳm trong tâm hồn, Myo Myint buồn tủi cho chính bản thân. Trong một cuốn phim tài liệu mới ra đời nói về cuộc đời mình mang tên “Burma Soldier”, tạm dịch “Người lính Miến Điện”, Myo Myint tâm sự:
 “Lúc đó tôi trở nên trầm cảm. Khi tôi nhìn thấy người ta đi, tôi cũng muốn đi. Khi tôi nhìn người ta có thể làm việc với đôi tay của họ, tôi cũng muốn làm được điều đó.”

Thất vọng, buồn chán, Myo Myint bắt đầu tìm vui bên chén rượu. Cảm thấy cuộc đời mình bị bế tắc, Myo Myint bắt đầu suy nghĩ nguyên nhân nào tạo ra bi kịch đời mình.
“Và tôi bắt đầu tự hỏi: “Tại sao nội chiến xảy ra? Hòa bình là gì? Và trách nhiệm thực sự của quân đội là gì?”

Sau nhiều ngày tự đặt ra vô vàn các câu hỏi, Myo Myint đã tìm ra nguyên nhân mà theo ông đã tạo ra bao cảnh ly tán cho nhiều gia đình:
“Tôi nghĩ tình cảnh tôi như thế là do nội chiến mà ra”.

Nội chiến là gì? Hòa bình là gì? Trách nhiệm quân đội là gì? Myo Myint tự đi tìm câu hỏi cho riêng mình. Ông nói trong cuốn phim tư liệu:
“Tôi bắt đầu đọc về lịch sử chính trị Miến Điện bắt đầu từ thời thuộc địa trở đi.
Khi đọc, tôi bắt đầu hiểu ra nội chiến là gì.”

Myo Myint tìm lại những quyển sách đã bị chính quyền cấm đóan, mở một thư viện nhỏ để khuyến khích giới trẻ vào đọc.
“Tôi về sống với mẹ tôi và các anh chị em. Lúc đó tôi cũng mở một thư viện để giới trẻ tới đọc miễn phí.”

Myo Myint tâm sự rằng, khi còn nhỏ, thầy giáo dạy lịch sử của ông không bao giờ dùng sách giáo khoa để giảng bài. Thay vào đó, người thầy này dạy cho Myo Myint cái lịch sử bị che giấu – lịch sử mà theo Myo Myint chính quyền không muốn người dân biết. Chính vì thế, ông muốn chia sẻ cái lịch sử bị giấu diếm với mọi người.

Chiến tranh, Myo Myint từng chứng kiến binh sĩ Miến Điện hãm hiếp phụ nữ, từng chứng kiến binh sĩ đốt phá làng mạc và từng chứng kiến mẹ mất con, vợ mất chồng và con mất cha. Vẫn giọng nghẹn ngào trong cuốn phim tư liệu, Myo Myint nói:
“Tôi thấy nặng trĩu trong tim mình và nghĩ lý ra tôi không nên tham gia vào quân đội.”

Và đó cũng là lúc Myo Myint lên tiếng.
“Tôi cố gắng ngăn chặn nội chiến. Tôi liên lạc với những nhóm đối lập, bàn thảo với họ làm thế nào để kết thúc cuộc nội chiến đó, cũng như làm thế nào để mang lại dân chủ thật sự cho Miến Điện.”

Năm 1988, khi hàng ngàn thầy tu và nhân dân Miến Điện đổ xô ra đường biểu tình, cũng là lúc quân đội giết khoảng 3 ngàn thường dân, bắt bớ hàng ngàn người để ngăn chặn cuộc biểu tình. Lúc đó, Myo Myint đã nói chuyện giữa khoảng 8 ngàn người để thuyết phục binh lính bỏ súng và tham gia biểu tình. Ngày hôm sau, 200 binh sĩ đã rời quân đội đứng về phía người biểu tình. Đó cũng là lúc Myo Myint bị bắt.
“Nếu số tôi phải chết thì đành vậy.”
Đó là lời nói của Myo Myint trong cuốn phim tự liệu – cuốn phim nói khá rõ về cuộc đời Myo Myint.

Trong suốt khoảng 15 năm từ 1989 đến năm 2004, Myo Myint bị bắt 3 lần và ngồi tù tổng cộng hơn 14 năm. Ông nói:
“Họ ghét tôi hơn những tù nhân khác bị bắt vì lý do chính trị vì tôi đã từng phục vụ cho quân đội mà giờ đây lại quay sang chống lại chế độ.
“Chúng tôi bị hành hạ rất dã man trong thời gian đó. Mỗi ngày, tôi bị mang ra ngoài và đánh đập đến ngất xỉu và lại đánh tiếp.”

Năm 2005, Myo Myint rời Miến Điện tị nạn tại Thái Lan và sau đó sang tị nạn tại Hoa Kỳ từ năm 2008, đoàn tụ với người anh sau 19 năm xa cách. Mặc dù con đường tù tội của Myo Myint đã chấm dứt nhưng những hoạt động tranh đấu cho hòa bình của ông vẫn không dừng lại:
“Bom mìn rất nguy hiểm cho con người, và dĩ nhiên là cho binh lính.
Không sử dụng, không sản xuất, không mua bán bom mìn bởi vì tôi biết mìn nguy hiểm như thế nào.
Một nửa cơ thể tôi đã mất cho cuộc nội chiến. Với một nửa còn lại tôi sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn chiến tranh. Tôi sẽ đấu tranh cho hòa bình.”

Myo Myint, một người mà khi nói chuyện người ta thường không biết nên gọi là gì. Một nạn nhân? Người anh hùng hay kẻ phản bội?

Kết thúc cuộc nói chuyện, Myo Myint tâm sự rằng ước mơ lớn nhất của Myo Myint là được trở về Miến Điện. Được bước đi trên mảnh đất quê hương, và được chứng kiến người dân Miến sống công bằng và hạnh phúc. Có lẽ, cũng không quá thiếu lý khi gọi Myo Myint là người yêu nước.

Quỳnh Chi xin cám ơn quý vị đã đến với chương trình và mong quý vị chia sẻ những câu chuyện có ý nghĩa với Quỳnh Chi trên facebook và Twitter. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: