Saturday, April 16, 2011

HOA CHANH NỞ GIỮA VƯỜN CHANH (Quỳnh Giao, Tạp ghi)


Quỳnh Giao, Tạp ghi
Wednesday, April 13, 2011 2:13:46 PM

Ngày xưa, các cụ mình đã rất tinh khi gội đầu bằng chanh.
Nói “ngày xưa” như vậy thì có vẻ xa xăm ngày cũ chứ thật ra ngày nay nhiều người vẫn dùng chanh gội đầu, ít ra là ở thôn quê. Có lẽ các cụ khám phá trước cả khoa học rằng chanh có chất át xít mà mình gọi là chua nên có công dụng khử trùng và nhất là lại cho ta một mùi thơm tinh khiết. Ði qua một vườn chanh vườn bưởi, làm sao mình quên được mùi thơm rất nhẹ mà cũng cho mình một cảm giác khoảng khoát sạch sẽ? Nó thanh khiết hơn hương thơm quá nồng nàn và quá ngọt của nhiều loài hoa khác.

Nhớ lại thì bà ngoại ngày xưa vẫn gội đầu bằng cách nấu chùm kết lấy nước để gội, sau cùng vắt một quả chanh vào nước ấm dội lần chót cho tóc bóng mượt. Bà chải tóc bằng lược bí có răng rất nhỏ, rất mịn, gợn ra nhiều tép chanh còn kẹt trong răng lược.... Mái tóc thơm tho bóng nhẫy khiến lũ trẻ cứ hít lấy hít để. Các cụ xưa hay thật. Vì đã biết chế ra loại conditioner organic từ chanh khi mình ra đến ngoài này mới thấy những sản phẩm trong chai lọ của những gian hàng bán dầu gội đầu. Nhưng conditioner của họ pha chế nhiều chất hóa học, đâu phải từ chanh thật như các cụ ta!

Ngày nay, chúng ta cũng hít lấy hít để mùi chanh, nhưng không phải là bên thùng nước ấm khi phải gội đầu. Chúng ta dùng chanh trong chai, dùng chanh như một loại dầu thơm.

Người miền Nam chúng ta mà dùng chữ “dầu thơm” này cũng tinh như các cụ mình ngày xưa vì trong chai nước hoa quả là có tinh dầu... Người ưa nghiên cứu về khoa học thì dạy chúng ta rằng chanh bưởi cam quít gì thì cũng cùng một họ, cùng một loại cây bụi hay cây mộc, lá xanh, thân có gai nhỏ, hoa thơm có múi bên trong là những tép chanh tép bưởi nhỏ xíu.

Người chuyên về thuốc thì nhắc chúng ta là trong chanh có rất nhiều sinh tố C có tác dụng bổ dưỡng và giải cảm, chống lạnh. Người háu ăn thuộc phái nam thì nhắc đến chanh khi ăn thịt gà và lời ca dao “con gà cục tác lá chanh” đề lại ngậm ngùi nhớ đến đến con chó khóc đứng khóc ngồi và củ riềng. Giờ này mà nói đến món thịt chó hay mộc tồn như các ông thì con cháu nó chạy hết qua... bót cảnh sát!

Người ham ăn, chứ không háu ăn, thuộc phái nữ thì nhớ đến chanh khi đi chợ thấy có bán ốc. Nhớ lại ở nhà là nồi nước sôi luộc ốc phải có lá chanh và nhể ốc bằng gai chanh mới là sành ăn biết điệu. Người không ăn ốc mà thích nói mò và viết tạp ghi thì nhắc đến chanh trong chai!

Ðó là trường hợp Quỳnh Giao, mà các em gái trong nhà cứ hay chọc là “bà chủ hãng nước hoa.”

Chẳng là trời sinh mỗi người lại có một số năng khiếu riêng. Có trí nhớ về thính giác và khứu giác là trường hợp ở đây, chứ trông gà hóa cuốc mới là biệt tài! Nghe một nốt nhạc thì nhớ, ngửi một mùi thơm thì khó quên nhưng lại rất kém về thị giác nên ít nhận ra ai. Chi bằng tận dụng cái nét trời cho mà sống trong âm nhạc và thấy vui với hương thơm của nước hoa.

Rồi nhớ đến hoa chanh nở giữa vườn chanh khi thấy rằng từ nhiều năm nay, mùi chanh trong kỹ nghệ dầu thơm đang trở về vị trí thời thượng, đúng mốt thời trang. Nhà Chloé đã tinh chế rất nhiều loại hoa thành nước hoa, nhưng đứng đầu và thơm nhất thì có mùi Néroli... Hình như cũng là địa danh hay tên một nàng công chúa.
Ngày xửa ngày xưa, có nàng công chúa Âu Châu tại đất Nerola của Ý thường ngắt hoa cam hoa bưởi kẹp vào trong sách, thả vô bồn tắm và ướp vào găng tay.

Nghe kể lại hay đọc thấy thì nàng đi tới đâu tỏa hương đến đó, cứ rút găng tay cho người thân là mọi người lại nhìn quanh xem hoa bưởi phảng phất ở đâu. Sau này, khi thiên hạ khôn ra thì mới biết rằng nàng công chúa tận dụng tinh chất “neroli” trong giống chanh.

Thiên hạ khôn ra thì chúng ta nhờ vì ngày nay mình có chất đó trong nước hoa, xà phòng và lạ lùng hơn nữa khi được biết bí quyết của chai Coca Cola chính là vì có mùi “neroli” đó. Hương chanh xuất phát từ đó và cho ta cả một mùa Xuân thơm phức ngay giữa mùa Ðông. Muốn có trời Xuân thăm thẳm đó, hãy thử tìm mùi Poppy Rouge thì biết. Nhưng kể ra thì hơi đắt, gần chín chục đồng một chai nhỏ xíu và không dễ kiếm bằng chai nước hoa của Chloé...

Bôi rồi một chốc lại nhìn quanh vì trong cái tinh khiết của hương chanh còn phảng phất sự nồng nàn của hoa thủy tiên.

Các bà mà đã muốn đánh lừa khứu giác của các ông thì phái mạnh cũng sẽ thấy yếu xìu!

Khi uống rượu, các ông ưa bày đặt hù dọa chúng ta rằng hương vị của rượu có ba tầng khác nhau mà chỉ người sành mới phân biệt được. Nào là “body,” vị thơm làm nền và bền nhất từ trái nho, rồi mới tới hương của các loại hoa hay gỗ ướp và ngoài cùng là cái “bouquet” tổng hợp ngần ấy thứ linh tinh! Nghe vậy thì ai mà không sợ cái lưỡi rất tinh của các ông, vì rất tinh nên nói sao nghe cũng cứ như thật...

Nhưng các bà có thể trả lời và giật lại sự thật cho mình.

Trong nước hoa, người ta cũng phân biệt loại base notes, hương thơm làm nền, rồi middle notes và ngoài cùng, thấy ngay mà cũng loãng rất nhanh là top notes. Hãy bắt mấy ông sành rượu nếm thì một chút nước hoa là cái lưỡi của các ông sẽ ngọng ngay lập tức.

Vào tiệm bán nước hoa, mình đừng dại mua ngay cái mùi thấy ưa thích khi thử trên da. Xin hãy phe phẩy cánh tay mà thong thả bước qua nơi khác. Khi ấy, chúng ta nhớ đến bài “Gió thoảng hương duyên” của Vũ Thành vì hương thơm ban đầu sẽ tỏa rất nhẹ và tan biến dần, để lại một mùi thơm khác. Mà mùi đó vẫn chưa là thật và chưa thật bền. Hãy để cho hóa chất trong nước hoa thấm đượm trên làn da của mình và gây ra một chuỗi phản ứng hóa học, rồi mùi hương nền mới tồn tại lâu bền hơn.

Khi ấy, mình sẽ thấy mùi nào là mùi thật của mình, thích hợp nhất cho mình...

Nước hoa chế cất bằng chanh bưởi có đặc tính chung thủy và lâu bền nhất vì thường vượt qua được cả ba cửa ải đó. Hương thơm từ chai “Néroli” của Annick Goutal là một thí dụ. Ðó là loại nước hoa rất Tây mà vẫn dễ tìm thấy bên Mỹ này, dù hơi đắt nếu mua tại Neiman Marcus.

Vừa xức lên da là mình thấy như bước vào một vườn chanh, đi quanh quẩn trong tiệm mà lại thấy trong chanh có cả màu xanh và tỏa ngát mùi gỗ sạch và ấm áp của mùa Xuân. Sau cùng vẫn phảng phất nét tinh khiết ban đầu, rất bền mà không hắc và nhất là không quá ngọt như nhiều mùi nước hoa của Mỹ.

Nhớ lại thì từ thời các cụ xa xưa cho đến ngày nay, chúng ta vẫn nằm trong vòng kiềm tỏa của thiên nhiên hoa cỏ. Các cụ đã sớm biết lấy hoa chanh làm thơm làm đẹp. Ngày nay mình sướng hơn các cụ là có sẵn những thức đó trong chai và mở một chai nước hoa lại nhớ đến ca dao ngày cũ thì bỗng dưng cảm động.

Khứu giác cũng có khả năng gợi nhớ có kém gì một nốt nhạc đâu? Mà không làm phiền thiên hạ bằng một chai rượu chát của các ông!
.
.
.

No comments: