Saturday, April 16, 2011

THANH TÂM TUYỀN, NHÀ THƠ CỦA TÌNH YÊU [2/2] (Trần Lê)


Trần Lê
[15.04.2011 19:53 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) “Thật ra, bài nào của Thanh Tâm Tuyền lại không có tình yêu trong đó. Tình yêu giữa nam và nữ. Tình yêu mến thiên nhiên, yêu thương con người nói chung. Tình yêu giữa ánh sáng và bóng tối, tình yêu đồng loại bị dồn nén bởi sự tàn ác, bất công và nước mắt - nổ bùng ra thành phẫn nộ.
Xem Phần 1 của bài viết.

Tình yêu làm Thanh Tâm Tuyền trở nên lãng mạn, và đau khổ, nhục nhằn. Tình yêu xót xa hoà chung với sự đau khổ vì nỗi đời, vì mệnh nước”.

Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc đã nhận định như thế về Thanh Tâm Tuyền và mảng thơ tình của ông. Ðúng vậy, thơ Thanh Tâm Tuyền, về căn bản, là thơ về tình yêu, và bên cạnh tình yêu tự do, bao trùm lên tất cả, là tình yêu nam nữ, tình yêu con người trong phận nổi trôi của đất nước.

Tuy nhiên, thơ tình của Thanh Tâm Tuyền khác hẳn thơ tình của các bậc thày tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính... Trong thơ ông, tình yêu không cần những trợ lực truyền thống như con sông, bến nước, cây đa, mà cũng không thấy những hình ảnh quen thuộc như chú nai tơ, mùa thu vàng...

Bởi lẽ, tình yêu trong thơ ông là tình yêu của những cặp trí thức nơi đô thị, chìm đắm trong những bải hoải, mệt nhoài của những tâm tư hiện sinh về thân phận, những đau buồn của vận nước chia ly. Giới trẻ đương thời, dù khó thuộc nguyên văn một bài thơ của ông, nhưng không mấy ai không nằm lòng cảm xúc của “những người khóc lẻ loi” trong “Lệ đá xanh”:

Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút

những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình

em biết không

lệ là những viên đá xanh

tim rũ rượi


đôi khi anh muốn tin

ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể

mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em

đến ngày cuối

đôi khi anh muốn tin

ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế

mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em

nguồn sữa mật khởi đầu


đôi khi anh muốn tin

ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết

mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em

vòng ân ái

đôi khi anh muốn tin

ôi những người khóc lẻ loi một mình

đau đớn lệ là những viên đá xanh

tim rũ rượi


Tâm cảm của Thanh Tâm Tuyền, có lẽ đã đụng chạm tới những sợi dây tình cảm sâu xa của Phạm Ðình Chương, người chịu nhiều bất hạnh trong đời tư thời gian ấy, khiến nhạc sĩ họ Phạm đã phổ thành nhiều nhạc phẩm rất nổi tiếng và có sức lan tỏa, như “Dạ tâm khúc”, “Ðêm màu hồng”, và đặc biệt là “Nửa hồn thương đau”.

Cho dù kiêu hãnh ngay ở tựa đề tập thơ đầu tay “Tôi không còn cô độc”, nhưng Thanh Tâm Tuyền và tình yêu trong thơ ông, phần nhiều là cô quạnh, là cảm giác hôm nay bên nhau nhưng đã phải nghĩ tới khi xa nhau, trong mất mát và trong viễn ảnh đáng sợ của ngày mai, như thi phẩm nổi tiếng “Dạ khúc”:

Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới

Chiếc kèn hát mãi than van

Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng

Sao tuổi trẻ quá buồn

như con mắt giận dữ

Sao tuổi trẻ quá buồn

như bàn ghế không bầy


Thôi em hãy đứng dậy

người bán hàng đã ngủ sau quầy

anh đưa em đi trốn

những dày vò ngày mai


Cảm xúc mong manh, rã rời của tình yêu và thân phận con người trong thơ Thanh Tâm Tuyền, thông qua hệ thống những biểu tượng mang màu sắc siêu thực của ông, đã có ảnh hưởng lớn đến giới nghệ sĩ trẻ thời đó, đặc biệt là ca từ trong nhạc tình của Trịnh Công Sơn. Nhưng không dừng ở đó, trên cương vị người đổi mới thi ca, đồng thời ông cũng là người khát khao đổi mới tình yêu:

Con đường chưa ai tới
Màu hoa nào chưa ai trao nhau

Những nghĩa chữ còn hoang

Câu thề thốt lạ thường

Nơi không gian còn tuyết trinh


Lửa ấm cho lời nói

Những đêm sao ở mắt nhìn

Bắt đầu từ trao tặng

Bắt đầu từ một lần hò hẹn

Cách nắm tay nghẹn ngào

Ngón tay âm thầm trò chuyện

Những bước chân thỏ rừng

Chạy trên cỏ sắc

Sợi tóc đen như một chuỗi cười

Trên chúm môi lá biếc

Những chòm hôn vội vàng

Làm những vì sao đổi ngôi

Anh muốn làm mới tình yêu


Những khi thoát khỏi hoặc tạm bỏ qua tâm trạng hoài nghi, xót xa và dằn vặt trong tình duyên, Thanh Tâm Tuyền đã có những vần thơ trong trẻo, đầy nhạc tính, nhịp thơ của ông dồn dập và tràn đầy hành động như trong “Bài thơ của tháng Giêng”:

Anh phải làm mới tình yêu
Như sửa sang nhà cửa

Như xây dựng thành phố

Như vun bón ruộng vườn

Như nhìn vào vũ trụ

Khi thế giới vừa dựng

Sẽ mời mọc tình nhân

Khi mặt trời vừa thức

Đòi gặp mùa xuân

Cho làn mi lá ngủ

Cho khoé mắt biển sâu

Cho đồi hoa bát ngát

Bài thơ tình đã bỏ

Ngôn ngữ thiên nhiên của mọi tình duyên là một

Phải làm mới tình yêu

Coi chúng ta là những người thứ nhứt

Trên trái đất này biết yêu nhau

Để những cặp tình nhân khác bắt chước

Để con cái sau này không khổ đau.


Tình yêu trong thơ ông, có lúc hòa cùng thiên nhiên, vạn vật, và qua đó, gắn kết với quê hương, như câu kết tiểu thuyết “Bếp lửa”, được sáng tác năm 20 tuổi mà như nhà phê bình Ðặng Tiến, “một câu kết, để đời, – khi hiu hắt, khi ngời sáng, trong tâm thức thế hệ chúng tôi”: “Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng”.

Em bao giờ là thiên nhiên
anh cúi đầu xuống ngực

giòng mưa sắc lá

đau môi


Cỏ của hoa và hoa của cỏ

những ngón tay những ngón chân những nụ cười

nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín

cho thơm đường hôm nay đến sớm mai

hôn từ ngày dài tội lỗi

chưa quên


(...) cỏ ơi cỏ kết thành lời

dàn nhạc huy hoàng

cô đơn


Giấc vụng về

tia nhọn sáng

đừng rơi hoàng hôn cánh rừng dầy

những ngực thương nhau

không áo

vì cỏ dại rối bời


Chúng ta ôm thời gian trong suốt

chẳng phân vân

như mặt trời chuyện trò cùng lũ cỏ

như lá cây thầm ngã phủ vai trần

như tiếng tim thốt cười ngoài dĩ vãng


Thanh Tâm Tuyền, cũng có lúc, đã khắc họa tình yêu mê mải, miệt mài, hòa quyện với những hoài niệm xa xưa, như trong “Liên, những bài thơ tình thời chia cách”, một “tiểu trường ca” gồm 6 đoản khúc, với lời khẳng định đầy trừu mến trong hai câu thơ mở đầu:

Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)


để rồi khắc họa tình yêu bình dị, sáng trong nơi đô thị:

Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố
với những con đường anh đi qua một lần

để đến nhà em anh băng ngang một vườn hoa vắng

(lần trở về anh ngồi xuống ghế dài

nếu là buổi chiều quạnh hiu mây lá mùa thu)

một phố bình dân có chợ và những quán ăn

giản dị như trang nhật ký của anh

ngày bắt đầu yêu em


(...) Sự vắng mặt của em và bãi biển mùa đông

thành phố đau từ mỗi cột đèn

mỗi bực thềm cửa đóng

em đi không nón không áo choàng

mừa tầm tã

những cửa sổ đêm muốn hé ra

nổi loạn

và mắt em mặt trời cỏ hoa với môi anh đằm thắm

và rực rỡ nhớ thương


Quá khứ trong thơ Thanh Tâm Tuyền, có khi khiến ông chìm đắm:

Nét cong môi hồng mắt tình cờ
ngực hoa yếu đuối

những miền không gian được gọi qua

tình yêu không thẹn thùng

đâu phải một thứ mưa ô bay vào thành phố

năm cửa ô hồi sinh trên xác năm cửa tù

mưa nắng cùng rủ nhau xuống Sinh Từ ngõ Hội vũ

bao nhiêu đường tình tự ga Hàng Cỏ

nụ hôn đầu ôm mái tóc lang thang

tà áo bàn tay hương trẻ con

hoàng hôn tỉnh

kim khí khua trong bước trở về nhà cửa

sự vắng mặt không thể lâu hơn nữa

thù nghịch tan vào hơi thở

trong giấc hôn mê thôi khóc tiếng mèo đêm

tình yêu mầu nhiệm hoàn thành

vĩnh viễn


thì cũng chỉ để nhấn mạnh tình yêu hiện tại, với tất cả những sắc màu, cung bậc của tình cảm, lúc trầm lặng, lúc mạnh mẽ và đầy chất lửa:

có thể em chết trước khi anh kịp về
mùa lạnh gian phòng cũ

không ai khép cửa sổ

cúi xuống viền mi những bóng tối bên ngoài

có thể rồi anh sẽ yêu người đàn bà thứ hai

anh không chối

nhưng mãi mãi em còn là đất dĩ vãng

mà rễ tình cảm đòi bén gần

và những viên gạch những lối xưa

còn chiêm bao gót em mềm âu yếm

em ơi tình yêu thương đến vào buổi chiều

đúng hơn là buổi sáng rừng tâm hồn ta

vậy sao em lại ngủ

ngủ trong lòng mộ trong nghĩa địa thân thể anh

với áo cỏ may châm da thịt

anh đã đến từ biệt lùa mái tóc vào những ngón tay

những giọt lệ sương lấp lánh

anh hứa trở về không đối diện với thù

giòng sông chỉ còn tiếng sóng vỗ

cười tung lồng ngực chứa chan

thành phố đứng cao làm hiệu

rằng anh còn trở về

rằng anh còn người yêu

nàng công chúa ngủ trong rừng không giận hờn

LIÊN


Người nghệ sĩ từng hô vang “tôi không còn cô độc”, nhưng thực ra đã cô độc với những đổi mới, khai phá trong hình thức và nội dung thi ca, đã kiêu hãnh đặt tựa đề “Bài ngợi ca tình yêu” cho một thi phẩm đỉnh cao, như một tuyên ngôn về tình yêu và tự tình dân tộc, từng được Phạm Ðình Chương phổ nhạc:

Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão

hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai

tìm cánh tay nước biển

con ngựa buồn

lửa trốn con ngươi


Đất nước có một lần

tôi ghì đau đớn trong thân thể

những giòng sông những đường cầy núi nhọn

những biệt ly rạn nức lòng đường

hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt

như người yêu từ chối vùng vằng


(...) Em gối đầu sương xuống

chuyện trò bằng bóng hình


Tôi đẹp như hình tôi

như cuộc đời

như mọi người

như chút thôi

anh yêu lấy em


Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát

sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương

em là cánh hoa là sương khói

đêm màu hồng...


Vụt vào thi đàn Việt Nam ở tuổi hai mươi như một ánh chớp, với tuyên bố gây sửng sốt “ta hai mươi tuổi như nhân loại”, Thanh Tâm Tuyền đã đốt cháy mình trong hai tập thơ đầu. Như nhận xét của Ðặng Tiến: “Thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền, ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét”.

Trong nỗ lực cách tân triệt để ấy, Thanh Tâm Tuyền dù gây được ảnh hưởng lớn lao nhưng ông đã không có người kế tục. Từ mốc 1945, thơ tự do của Việt Nam, khởi đầu từ Nguyễn Xuân Sanh của “Xuân Thu Nhã Tập”, qua Nguyễn Ðình Thi, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, đến hai tên tuổi lừng lẫy, hai vị chủ soái là Trần Dần ở miền Bắc và Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam, đã đặt ra những cột mốc mà các tác gia hiện tại vẫn chưa, hoặc không có khả năng vượt qua.

ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đọa đầy

tôi là tiếng nói là tiếng khóc

những người bỏ đi hẹn trở về

những người mím hơi thừa chịu đựng

tôi chờ đợi

tôi là tiếng thơ là tiếng cười

mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam


Năm năm sau ngày ra đi, khoảng trống mà Thanh Tâm Tuyền để lại trong thi đàn Việt Nam vẫn y nguyên, như ngày nào...

Trần Lê
.
.
.

No comments: