Tuesday, April 12, 2011

HÌNH ẢNH PHỤ NỮ VIỆT TRÊN SÂN KHẤU MỸ (Việt Hà, RFA)

Việt Hà, phóng viên RFA
2011-04-12

Từ ngày 18 đến 26 tháng 3 vừa qua, tại sân khấu nhà hát Pan Asian Repertory tại New York, đã trình diễn một vở kịch của tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc có tên tiếng Anh là We Are.
Vở kịch nói về thân phận của người phụ nữ Việt Nam thời nay với những mẩu chuyện dựa vào các câu chuyện có thật trong cuộc sống. Vở diễn đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả Mỹ. Tạp chí phụ nữ tuần này xin gửi tới quý thính giả đôi nét về vở diễn này.

Cảm hứng từ những câu chuyện thật

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trên sân khấu broadway ở New York, từ lâu nay dường như đã khá quen thuộc với khán giả Mỹ qua hình ảnh cô gái Sài Gòn trong vở ca kịch nổi tiếng Miss Saigon. Nhưng trong khi hình ảnh cô gái Sài gòn gắn liền với cuộc chiến Việt Nam vẫn còn gây nhức nhối trong lòng nhiều người dân Mỹ sau hơn 30 năm, thì hình ảnh những cô gái thôn quê Việt Nam thời đại mới trong vở diễn có tên We Are, của nữ tác giả và đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Thị Minh Ngọc, lại mang đến cho người Mỹ một cái nhìn mới về Việt Nam.

Tác giả Minh Ngọc cho biết về nguồn cảm hứng mà chị sử dụng để viết vở kịch:
"Nội dung từ điểm xuất phát là đọc tin một cô lấy chồng bên Hàn quốc mà bị chết và phải đem hũ cốt của cô về. Thì quanh câu chuyện cô Huỳnh Mai đó cũng có làm cảm xúc cho nhiều người viết, từ đó mình có số hàng năm số lượng phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài rất nhiều mà lấy không phải vì tình yêu."


Xuất phát từ nguồn cảm hứng đó, đạo diễn Minh Ngọc đã liên tưởng đến thân phận nàng Kiều bán mình chuộc cha và chị đã khéo léo sử dụng câu chuyện này để đan quyện cùng với các câu chuyện của người phụ nữ Việt nam khác ngày nay.

Vở kịch phát xuất từ câu chuyện một tác giả kịch bản người Việt lai Mỹ khá thành công tại Mỹ đang tìm tài liệu để viết truyện phim về phụ nữ Việt Nam. Anh có tên là Phần Thư. Anh đến gặp một nhà sản xuất có phần hùn trong các rạp lớn ở Việt nam và chuyên nhập các phim mới nhất từ nước ngoài về. Bản thân chị cũng là một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài và chị rất thành đạt, hạnh phúc. Từ câu chuyện giữa Phần Thư và Diễm Quyên, tên người phụ nữ, tác giả Minh Ngọc khéo léo đưa vào 5 mẩu chuyện nhỏ về thân phận người phụ nữ Việt Nam.

Phần đầu tiên được dành để nói về nàng Kiều có tựa là ‘nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan’. Phần này là cảnh nàng Kiều cay đắng khi nhận ra mình bị Hồ Tôn Hiến dụ mà khuyên Từ Hải ra hàng. Từ Hải chết, nàng bị Hồ Tôn Hiến gả cho một viên thổ quan.
Đây cũng là đoạn diễn mặc cổ trang và hát cải lương duy nhất trong toàn bộ vở kịch. Kết thúc câu chuyện là một trích đoạn thơ Vân Tiên do dàn đồng ca thực hiện, cho thấy hoàn cảnh trớ trêu của nàng Kiều.
Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời
Thôi thì một thác cho rồi
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông

Phần hai của vở kịch có tựa ‘Cho thiếp về quê’ dựa vào câu chuyện đau lòng của cô gái trẻ Huỳnh Mai mà rất nhiều người Việt đã biết nhưng có lẽ khá lạ đối với khán giả Mỹ. Theo tác Giả Minh Ngọc ‘cho đến năm 2009, chưa thống kê được có bao nhiêu người vợ Việt Nam phải rời xứ đi lấy chồng, hay đi lao động kiếm tiền về phụ gia đình. Cũng chưa thống kê được có bao nhiều cô thật sự hạnh phúc, bao nhiêu cô yêu chồng mình, bao nhiêu cô nhận những đồng tiền xứng đáng với sự hy sinh của mình’
Nhưng trong số 17,000 cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, vào ngày 25 tháng 6 năm 2007, đã có một cô gái Việt lấy chồng Hàn quốc đã viết thư cho chồng thế này:
"Trích thư: em đã cố gắng rất nhiều để trở thành một người vợ tốt, một người mẹ tốt, em cũng mong muốn một gia đình đầm ấm. Em rất muốn nói chuyện với anh, em như những người con gái khác rất muốn đối xử tốt với chồng. Nhưng sao anh lại không quan tâm đến em?’"
Cô, cũng như bao nhiều người con gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế khác, đã không thể giao tiếp được với chồng bằng ngôn ngữ nước ngoài. Cô phải sống trong sự ghẻ lạnh, hành hạ của người chồng và cuối cùng bị chính người chồng của mình sát hại trước khi cô có thể thực hiện được ý nguyện dành dụm chút tiền để mua một cái TV màu cho bà ngoại xem cải lương.

Tác giả Minh Ngọc cũng giới thiệu với khán giả Mỹ một tình cảnh điển hình thứ ba của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại nữa, đó là hiện tượng phụ nữ Việt phải đi lao động nước ngòai và bị đối xử tàn tệ. Đó là câu chuyện trong phần 3 của vở kịch có tựa ‘I am vú, you are cu Tèo’. Câu chuyện dựa vào một chuyện có thật của một người phụ nữ Việt sang Đài Loan để phục vụ cho một người đàn ông bị liệt. Điều không may là dù ông ta bị liệt nhưng phần đàn ông của ông ta lại hồi phục.
Trong phần này, khán giả thấy một người phụ nữ trạc 40 tuổi, cô đơn. Hàng ngày bà phải chăm sóc người đàn ông bại liệt, trong khi dòng sữa từ bầu ngực bà vẫn chảy ra vì bà chỉ mới rời bỏ đứa con mấy tháng tuổi của mình cách đây chưa lâu để sang Đài Loan lao động. Bà nhớ con, và bà tưởng tượng người đàn ông bà chăm sóc cũng như con mình vậy. Bà nựng ông ta, bà tắm cho ông ta và thậm chí hát ru cho ông nữa. Bà gọi ông ta là cu Tèo thay cho thằng cu Tí của bà ở nhà. Mỗi lần hát ru, dòng sữa của bà lại trào ra. Và trong một lần người đàn ông đã không thể kiềm lòng, người vợ của ông chồng bại liệt bất chợt về nhà và thấy. Không cần hỏi đầu đuôi sự việc, phải trái, bà ta đã đem bà vú ra tòa kiện vì tôi quấy rối tình dục.

Vở kịch tiếp tục với phần 4 nói về thân phận của một phụ nữ khác là người mẹ của tác giả Phần Thư. Trong lần về Việt nam lần này, anh cũng muốn gặp lại người mẹ đã bỏ anh từ khi còn rất nhỏ. Nhưng anh chỉ gặp được bà ngoại. Bà đưa cho anh tấm thiệp cưới của mẹ. Mẹ anh đã đi lấy chồng. Bà lại một lần nữa bỏ anh ra đi.
Phần cuối là phần độc diễn do chính tác giả Minh Ngọc thực hiện nói về một nữ diễn viên nổi tiếng trong nước giờ đã ra nước ngoài. Chị cảm thấy cô đơn vì không thể tiếp tục diễn cho khán giả của mình vì nơi mà chị đến người ta không nói ngôn ngữ của chị. Đây cũng là nỗi lòng mà tác giả Minh Ngọc muốn gửi gắm như niềm trăn trở của một nữ nghệ sĩ xa xứ.

Mẫu tính của phụ nữ VN

Khi được hỏi tại sao chị lại chọn những câu chuyện đau lòng đến vậy về những người phụ nữ Việt nam thời nay để giới thiệu tới khán giả Mỹ? liệu đó có phải tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam thời nay? Tác giả Minh Ngọc chia sẻ:
"Nếu nói là tiêu biểu thì mình đã đi đến những vùng có khoảng 200 cô gái thôn quê, lúc đó chưa có phong trào đi lấy chồng Đài Loan ồ ạt, lúc đó mình về những vùng quê hẻo lánh đồng bằng sông cửu long và thấy có trên dưới 200 cô phải lên Sài gòn để làm nghề bia ôm với mục đích mang tiền về giúp gia đình.
Mình thấy chữ hiếu và cái lo toan để gồng gánh đại gia đình mình của phụ nữ Việt Nam rất nặng, nhiều khi người ta lập gia đình không phải vì tình yêu mà góp phần trang trải gì đó trong gia đình. Thành ra nói là có tiêu biểu không thì mình không dám dùng chữ tiêu biểu nhưng rõ ràng là tính cách của phụ nữ Việt Nam so với các nước khác thì thấy là mẫu tính của phụ nữ Việt Nam rất mạnh.
Mẫu tính này đã đẩy phụ nữ việt nam đi đến sự hy sinh và cứng rắn mà có cái mình thấy còn hơn đàn ông. Không phải họ đi với tấm lòng hy sinh để mang lại lợi tức gì đó cho những người thân xung quanh mình sống mà họ có sự rộng lượng để coi chuyện riêng của mình rất nhẹ, để có thể bỏ những khát vọng riêng của mình để giúp những người xung quanh mình hạnh phúc hơn.
Mình nghĩ với tinh thần đó nên đa số người phụ nữ Việt Nam mình có cân nhắc như vậy để nếu phải xa xứ mà đem lại hạnh phúc cho thân nhân mình trong nước."

Tuy nhiên tác giả Minh Ngọc đã khéo léo kết thúc vở kịch trong tiếng cười. Phần kết, mỗi một nhân vật nữ cầm trong tay một bông sen có màu khác nhau như linh hồn của họ, bước ra sân khấu. Họ cùng cất lên tiếng cười, mỗi tiếng cười có một sắc thái khác nhau, có thể cay đắng, có thể luyến tiếc, mà cũng có thể mừng vui hy vọng.
Tác giả Minh Ngọc giải thích:
"Có câu nói rằng là khán giả Việt nam rất thích cười, đó là cái mà mình là người trong cuộc, thì mình biết những tác phẩm mang lại tiếng cười thì dễ bán vé hơn, thành ra rất nhiều người đặt hàng mình nói là Minh Ngọc ơi viết cho cười nhiều thì mới dễ bán vé được, thành ra cuối cùng là tiếng cười của từng người, nhưng mỗi người có một kiểu."

Đây là lần thứ hai tác giả Minh Ngọc có vở diễn tại sân khấu nhà hát Liên Á tại New York. Lần đầu tiên cách đây 3 năm, chị giới thiệu một vở diễn cũng có chủ đề phụ nữ với tên gọi người đàn bà thất lạc.

Nói về nguyên nhân chọn các tác phẩm của tác giả Minh Ngọc để giới thiệu trên sân khấu nhà hát, bà Tisa Chang, giám đốc phụ trách sản xuất nghệ thuật nhà hát Liên Á cho biết:
"Minh Ngọc là một tác giả có tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở châu Âu và Mỹ, đây là một chủ đề mới, và đối với Minh Ngọc thì bà chỉ muốn cho thấy tầm quan trọng và sợi dây xuyên suốt thế kỷ của phụ nữ Việt Nam. Trong cảnh đầu bắt đầu từ lịch sử, bà đã dùng lịch sử như một bàn nhảy đầu tiên và bà cũng muốn cho thấy là mặc dù có những khó khăn ở nước ngoài mà phụ nữ Việt Nam phải trải qua, nhưng tinh thần họ vẫn mạnh mẽ, và đầy sức sống và tôi thán phục điều này. Đây là một vở diễn có tính giải trí rất cao, bà dùng nhạc, các động tác hình thể, và cải lương và vì vậy nó rất dễ xem."

Vở diễn song ngữ đã thu hút được sự chú ý của báo giới và được đánh giá cao, dù theo tác giả Minh Ngọc và bà Tisa Chang thì vẫn còn một số khó khăn gây ảnh hưởng đến vở. Ví dụ như việc diễn viên Lê Khanh từ Việt Nam và Minh Phượng từ Canada đã không thể sang được Mỹ để tham gia vở, hay một số vấn đề kỹ thuật nhỏ về âm thanh trong vở diễn.

Vở diễn We Are là một phần trong chương trình Việt Nam II mà nhà hát liên Á thực hiện trong năm nay nhằm giới thiệu tới khán giả Mỹ một cái nhìn mới về Việt Nam, về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam. Vở diễn thứ hai có tên gọi Monster của đạo diện Derek Nguyễn trình diễn từ ngày 30 tháng 3 đến hết ngày 17 tháng 4. Bà Tisa Chang cho rằng các vở diễn lần này đã góp phần xây dựng một cây cầu về sự hiểu biết văn hóa, sự rộng mở giữa khán giả Mỹ và các nghệ sĩ Việt Nam.

Việt Hà xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới. Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: