04/12/2011
Nhạc cảnh Hòn Vọng Phu, người Chinh Phụ la Nguyệt Thu, Đồng Khánh 1973, người trẻ nhất trong BTC Nhơ Huê 2011.
Dàn đồng ca NHƠ HUÊ-MÙA HOA ANH ĐÀO 2011 WASHINGTON DC sãn sàng trình diễn trong khi chị Võ Thị Nguyệt, đại diện Ban Tổ Chức đang đọc diễn văn...
Người Huế tản mát khắp nơi trên thế giới cũng như khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ. Người Huế đã thành công khắp nơi, do đó nhiều người đã so sánh người Huế với người Do thái, quả là không ngoa. Người Do thái vẫn hẹn với nhau hàng năm “Sang năm gặp lại nhé, ở Jerusalem!”. Người Huế không thể trở về cố hương để gặp nhau trên cầu Trường Tiền, đành phải gặp nhau hằng năm ở một nơi nào đó mà thôi. Năm nay nơi đó là Hoa Thịnh Đốn, thủ đô của Hoa Kỳ, vào ngày hội ngộ ngày 3 tháng Tư, cũng là ngày thủ đô rợp bóng hoa anh đào.
Chương trình hội ngộ khá phong phú với một ngày du ngoạn trên sông Potomac ngắm hoa anh đào tinh khiết trắng rực ở hai bên bờ sông, một ngày khác để viếng những di tích lịch sử của thủ đô, tuy nhiên cái đinh của mùa đoàn tụ là ngày Nhớ Huế tại khách sạn Marriott ở Falls Church và đêm chia tay tại nhà hàng Harvest Moon.
Người Huế gần gũi nhau thân mật với nhau hơn các thành phố khác có lẽ vì ngôn ngữ. Ai đó đã từng làm thơ “Nơi xứ lạ bổng nhiên nghe giọng Huế! - Thương làm sao tiếng nói của quê mình”. Hoa kỳ đất tạm dung vẫn còn là “xứ lạ”, do đó mà mọi người dễ cảm thấy ấm lòng, dễ thoải mái trong ngày đại hội với hơn 700 người rặc giọng Huế vang lên khắp nơi trong đại sảnh đường của khách sạn Marriott.
Văn hóa thanh lịch của Huế cũng có lẽ thấm dần từ 2 ngôi trường lớn nhất của Huế: Quốc Học và Đồng khánh cho nên hôm nay cũng là nơi gặp lại của những cựu học sinh xuất thân từ Huế. Mối giao tình của 2 trường từ những thế hệ năm xưa đã có và vẫn còn kéo dài mãi cho tới hôm nay với một pano thật lớn ghi dấu con đường Nguyễn Trường Tộ nằm giữa 2 ngôi trường với “tóc bay bên nớ, tơ vương bên này”. Mối giao tình đó đã tạo nên một nữ MC khả ái Tôn Nữ Trang Thanh, Trang Thanh đã làm cho người Huế tham dự xúc động khi cô nhí nhảnh ngây thơ bên cạnh một MC nam điềm đạm từ tốn, một dấu tích của Huế ngày xưa: Tăng Quốc Ái, báu vật của nhà sách Tân Hoa.
Trước giờ khai mạc, có lẽ nơi mà người ta phải xếp hàng chờ để được chụp hình lưu niệm là 2 tấm pano rất lớn, một tấm ghi hình Hoàng Thành Đại Nội Cố Đô và tấm kia là cổng Trường Quốc Học. Đứng đây bên Cổng trường QH mà tưởng như ngày nào còn ngơ ngác khi bước vào ngội trường to lớn mới đậu vào lớp đệ thất.
Bảy trăm con người, trong đó có cả quá khứ, hiện tại và tương lai đã mừng rỡ gặp nhau, đựơc anh Ngô Nẫm và chị Trần thị Xuân Lan, Trương Ban Văn Nghệ, gìới thiệu từ 28 Tiểu Bang của Hoa Kỳ quê hương thư hai của chúng ta va 7 Quốc Gia trên Thế Giới về tham dự
.Họ đã trao đổi nhau những tin tức những kỷ niệm và những con mắt còn có đuôi. Sau những phút xao lòng khi gặp gỡ, bảy trăm linh hồn chỉ thật sự im lặng khi buổi lễ bắt đầu.
Có lẽ không nên nhắc tới nhũng thủ tục rườm rà như thường lệ của các ngày họp mặt, những lời cám ơn, những lời chúc tạm biệt từ giả vì nó không nói hết được tấm chân tình của những người tham dự hôm nay. Anh Hoàng Trọng Hàn, KĐ 45-52, với tâm tình Huế-QHĐK đã làm bùi ngùi Đồng Hương cũng như bạn hữu KĐĐK hơn nưã Thế kỷ bây gìờ mới gặp nhau
Chương trình văn nghệ năm nay đặc biệt có sự tham dự của 3 nhóm văn nghệ phương xa không đến từ thủ đô:
- Nhóm văn nghệ Hội Thân Hữu Thừa Thiên-Huế/Florida đã cho mọi người thưởng thức một bản nhạc hợp xướng tập luyện rất công phu, rất nghệ thuật.
- Nhóm thứ hai là nhóm Đồng khánh 1967 Nhóm này rất serious nghe đồn rằng cả nhóm phải bỏ dở buổi du ngoạn trên sông Potomac để kịp thời tập dượt. Hai màn vũ nhịp nhàng công phu, tập luyện với đồng phuc áo quần lộng lẫy đã làm cho mọi người thán phục. Khi chợt nhớ rằng, những ”vũ nữ thân gầy” này đã từng là bà nội bà ngoại, và có người cũng đã 70 tuổi chớ chẳng chơi, tôi xin nhái một câu thơ của Nguyên Sa để mô tả lòng hâm mộ của tôi:
Mười ngón tay có ngón ngắn ngón dài, - Ngón tay chiều chồng, ngón tay nuôi cháu - ngón tay lướt web, ngón mở email. Trong mười ngón tay đó, Em còn ngón tay nào để tập múa tập ca?
- Nhóm cuối cùng mà chúng tôi muốn nhắc là Đồng Khánh 1970. Nhóm này tập hợp bạn hữu từ 4 phương trời đến thủ đô họp mặt đòan tụ vui chơi, chụp hình là chính, thế mà cũng nổi đình nổi đám với vở hoạt cảnh Hòn Vọng Phu.
MC duyên dáng của nhóm Đoàn Thúy Hồng đến từ Dallas, đã đưa mọi người từ trí tưởng tượng của một sân khấu đã nhỏ lại lỉnh kỉnh trống loa và nhạc cụ đến một đại hý viện với ba màn phông cảnh. Trong hòan cảnh thiếu thốn đó, lối giơi thiệu hết sức linh hoạt của Thúy Hồng, khi thì diễu cợt sân khấu 3 màn, khi hùng hồn với đoàn quân ra đi, lúc nức nở ngâm thơ với người chinh phụ mảnh khảnh (Nguyệt Thu) hóa đá trên đỉnh vọng phu đã làm khán giả rơi nước mắt. Ben, một người Hoa kỳ đã ngạc nhiên hỏi vợ mình: “Sao có nhiều người khóc như thế? What's happened”. Nói chung hoạt cảnh cũng lôi cuốn nhiều nhờ vào trang phục đầy màu sắc, cờ xí phất phới, các diễn viên đã mang hết tâm tư tình cảm vào trong vai diễn, dù chỉ qua vài giờ tập luyện.
Đó chỉ là phương xa, riêng DC dĩ nhiên cũng đóng góp đáng kể:
Những quá khứ êm đềm, những kỷ niệm gần xa, những lúc hẹn hò, những khi muốn cầm tay mà không dám, những khi e thẹn trong nụ hôn lén đầu đời đã được nhắc đến nhiều lần trong các lời tâm sự, các lời cám ơn của ban tổ chức có lẽ cũng làm cho ai đó thấm thía với hoàn cảnh của mình “Ôi phải chi ngày xưa mà mình can đảm hơn một chút thì có đâu ngày hôm nay”?
Ban đồng ca Nhớ Huê 2011 vùng Hoa Thịnh Đốn với “kiềng vàng, áo màu, cổ đồng” rất Huế như các thiếu nữ Huế của một thời
Huế cổ kính. Aó dài các nàng Huế của Thủ Đô nổi bật trên sân khấu, nên các hình chụp trông rất rực rỡ, trong ca khúc Thương Về Xứ Huế
với giọng nam của các anh Quốc Học.
Phần đơn ca, Hoa thịnh đốn đã có các tài năng quen thuộc với Hiếu Tâm, Hiếu Thuận (rất nổi tiếng trên các trang web với các nhạc phẩm của Thanh Trang) dĩ nhiên không cần phải có những lời khen vì thật là quá thừa. Cuối cùng (tuy thật là quan trọng nhưng lại là những ca sĩ chuyên nghiệp nên “khen nhau thì lại bằng mười phụ nhau”) để có thể làm cho khán giả ưa thích hơn, ban tổ chức đã cho mời giọng ca của thế kỷ: Ngọc Hạ, và một giọng nam truyền cảm Nguyên Khang. Ngọt ngào, duyên dáng, nhỏ nhẹ Ngọc Hạ đã hát như một người con gái Huế đi xa trở về với các bản nhạc chọn lọc kỷ càng liên quan đến Huế và tâm tình của người Huế làm cho con người cảm thấy càng nhớ Huế nhiều hơn.
Ngày vui nào rồi cũng qua mau, 6 giờ 30 chiều, ban tổ chức loan báo chấm dứt mà không ai muốn rời nơi họp mặt. “Bước đi một bước dây dây lại dừng”. Biết làm sao hơn:
Thì thôi tóc ấy phù vân, thì thôi lệ ấy còn ngần giáng sương. Thì thôi mù phố xe đường. Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi!
Những người Do Thái gốc Huế lại hẹn sang năm sẽ gặp nhau. Tại nơi đâu? Dieu seul le sait
Phạm Cơ
Tháng Tư Ngày 8 năm 2011
+++
Hẹn Cùng Nhớ Huế 2012 Tại California
Bài của Bác Sĩ Võ Văn Tùng
Hẹn Cùng Nhớ Huế 2012 Tại California
Bài của Bác Sĩ Võ Văn Tùng
Các bạn thân qúi,
Thư nầy tôi viết trên chuyến bay Boeing 777 trở về Los Angeles sau 4 ngày 4 đêm tham dự Nhớ Huế - Mùa Hoa Anh Đào tại Washington DC .
Thật là những kỷ niệm khó quên được gặp lại bạn bè ngày xưa mà tôi muốn tìm như Ngô Kỳ Phong ở Canada , đứng mãi gần nữa tiếng mới nhận ra, như Đỗ Như Đài, Bùi Xuân Nhiếp, Ngô Bút thời ở Đại Học Xá Minh Mạng cách đây hơn nữa thế kỷ. Biết bao nhiêu đứa nằm chung hay cạnh phòng với nhau đã”bỏ cuộc chơi” sớm như Tôn Thất Minh, Nguyễn Văn Thi ,Nguyễn Văn Liễn v.v. to béo mạnh bạo như rứa, làm răng mà chết được, rứa mà đã chết trong tuổi trẻ tức tối.
Tâm Thường và tôi xin cám ơn anh chị Hòang Trọng Hàn - Xuân Lan thật nhiều, đã đón tiếp nồng hậu và tận tình trong 4 ngày họp mặt.
Ngày đầu BTC đã cho dịp đi ngắm hoa đào rồi , không ngờ ngày cuối cùng trong chương trình thăm viếng Hoa Thịnh Đốn, lại được ngắm hoa bên dòng sông Potomac một lần nữa. Xe chạy qua các đài kỷ niệm nổi tiếng, tháp Washington cao vòi vọi, nghĩa trang Arlington buồn, tòa nhà Quốc Hội liên bang trắng xóa và tòa Bạch Cung hoa cỏ xanh tươi, chỉ được đứng ngòai hàng rào ngó vô.
Khi đến thăm Bức tường đá đen dài hun hút ghi tên hàng chục ngàn người Mỹ anh hùng đã chiến đấu cho tự do Miền Nam VN mới thấy xúc động và tức giận, mình tự hỏi làm sao có thể xảy ra chuyện lạ như vậy ở nước Mỹ được. Thôi đành cúi đầu cầu nguyện và thầm cám ơn họ đã giúp cho chúng mình được sống đến ngày hôm nay trên một đất nước tân tiến và tự do nhất thế giới.
Những ngày ở Hoa Thịnh Đốn ,tuổi trẻ chợt trở về, Huế “nhỏ xíu” hiện ra trứơc mặt qua hình vẽ của hai ngôi trường QHDK làm mình nhớ lại những buổi sáng mùa đông mưa dầm gió bấc , co rút trong chiếc tơi cá, lạnh thấu xương qua cầu Tràng tiền để đến trường Khải Định, với nắm cơm bới mẹ vắt để trong cái mo cau và con cá kho bằng đầu ngón tay. Thế mà nay đã gần bảy mươi năm qua và đang lưu lạc nơi đất khách nầy.
Bạn bè nay được gọi bô lão, Hòang Trọng Hàn xấp xỉ tuổi với mình mà thân thể còn tráng kiện, vừa đi vừa ngâm thơ Pháp văn rất hay chứng tỏ trí óc vẫn còn tốt. “Thân lão nhưng Tâm bất lão”, thật đáng khen và thèm được như vậy. Nhìn Nguyễn Tấn Thọ gần 80, người bạn vong niên đang chống gậy mà đi thoan thóat giữa vợ hiền và Trần Vĩnh Lộc , lòng mình không khỏi bồi hồi, giờ nầy còn nhiều đứa nữa muốn đi gặp bạn mà không đủ sức.
Trong chuyến đi điều ngạc nhiên là gặp lại người bạn cùng lớp Y Khoa 54-60, chị Bội Ngọc, một thời là nội trú ruột của Thầy Trần đình Đệ, giáo sư giải phẩu nỗi tiếng ở Sàigon , đưng trước mặt mà nhìn không ra, bây giờ chị nhỏ lại, khuôn mặt khác hẵn . Cũng là sự tình cờ gặp được sử gia nỗi tiếng Trần Gia Phụng trong một buổi sáng sớm uống cà phê ở khách sạn Marriot Fairview, hỏi qua hỏi lại té ra cũng là anh em bà con bên nội bên ngọai.
Và nhiều bà con bạn bè khác nữa, biết mặt mà không nhớ tên.
Huế mình là rứa đó, ngó đi ngó lại chỗ mô cũng bà con quen biết , cho nên ngày xưa khi tốt nghiệp xong , phải đi xa Huế một chặng đường, làm ăn mới khá được.
Trước khi lên phi trường Dulles về nhà, chúng tôi sung sướng được vợ chồng Ngô Bút đải một bửa cơm trưa tai một tiệm ăn Việt Nam nổi tiếng Four Sisters, tôi được ngồi giữa a/c Trương Trọng Công và Hồ Đăng Lễ - Dạ Thảo, thóang thấy chị Thu Vân, bà con bên ngọai và Liên Hải bà con bên nội của mình đi ngang qua , chỉ dừng lại nói với nhau vài tiếng chào hỏi cũng đủ ấm bụng rồi.
Về thời tiết, trước khi đi ai cũng lo ngại mưa gió, Ngày đầu tiên của chương trình, sau khi ăn trưa trên tàu đang dạo chơi và chụp hình trong công viên, chợt một cơn gió độc xoay tới , rồi mưa đá ào ào làm khách phương xa bối rối phải tìm tới những gốc cây to để trú ẩn. Hôm sau, ngày chính của Đại hội, trời tạnh , qua ngày thứ ba thì trời thương, ánh nắng chan hòa, tha hồ ngắm cảnh, ngắm người thật thú vị vô cùng.
Khi đến thăm Bức tường đá đen dài hun hút ghi tên hàng chục ngàn người Mỹ anh hùng đã chiến đấu cho tự do Miền Nam VN mới thấy xúc động và tức giận, tự hỏi làm sao có thể xảy ra chuyện như vậy được ở nước Mỹ. Thôi đành cúi đầu cầu nguyện và thầm cám ơn nhờ họ chúng mình được sống đến ngày hôm nay trên một đất nước tự do và tân tiến nhất thế giới.
Đêm chia tay, phần lớn anh chi em đều trên bảy mươi mà nụ cười vẫn nở trên môi, mi mi tau tau liên hồi như thuở còn thơ ấu. Nhới lại câu chuyện đọc trên Internet:
-Hôm ni mi đi ga mô?
-Hôm ni tau đi ga ni
-Còn mi đi ga mô?
-Tau đi ga tê.
-Ga tê đi mô.
-Ga tê đi Lăng Cô.
-Răng bửa ni đông khách đi ghê hí !,
-Thôi! Mi đi đi, nhớ khi mô về phone cho tau nghe!.....
Phải chăng đây là tiếng nói giống như tiếng Nhật của hai người bạn Huế gặp nhau trên ga Huế! Đố người Nam , người Bắc nghe mà hiểu được!
Lại một lần nữa cám ơn Chị Nguyệt , các anh Ngô Nẫm , Phan Đình Tùng, Anh Ái v.v. và các anh chị không biết tên đã cho bạn bè có dịp gặp nhau tại thủ đô xinh đẹp của Nước Mỹ.
Đêm chia tay, một số anh chị em bên ni có bàn bạc với anh chị Hàn-Xuân Lan và anh Nẫm: Rằng tinh thần các bô lão đang lên cao quá, phải giữ không cho nó xuống, nên năm sau Quận Cam-Orange County- sẽ mời các bạn về họp mặt tại Little Saigon , thủ đô của người Việt lưu vong, đặc biệt có tổ chức chuyến đi cruise 3 ngày qua Mexico chơi. Trên tàu ăn uống no nê, có người phục vụ cho mình 24/24. Chỗ ngũ cũng có người dẹp phòng thay khăn hằng ngày, bạn sẽ có nhiều thì giờ để tha hồ hàn huyên, hoặc hát hò hay kể chuyện đời cho nhau nghe mà tốn kém chẳng bao nhiêu. Buổi tối rũ nhau đi xem show hay đánh bài ở Casino .
Các bô lão ai cũng có tiền già, nên tiêu đi cho hết, con cái nó đâu cần tiền của mình để lại. Ngày ra đi, hai tay không , có đem theo được cái gì đâu, kể cả tiền tài và danh vọng.
Bạn ơi hãy Sống Vui chứ không phải chỉ Vui Sống là đủ mô. Từ đây ráng tập thể dục, ăn uống đầy đủ, uống thêm sửa Ensure cho khõe, hể ai kêu Nhớ Huế là mình đi ngay.
Thân chúc các bạn may mắn và hẹn ngày này năm sau.
Sẽ cho biết thêm chi tiết.
Thân mến
Võ Văn Tùng,
tuổi Giáp Tuất.
Nhờ chị Xuân lan chuyển, cám ơn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment