Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-04-18
Theo báo Pháp Luật, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố GS Phạm Minh Hoàng, người bị bắt vào tháng 8 năm ngoái với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo khoản 2, điều 79 BLHS”.
Tham gia với tư cách "nhân chứng"
Bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ GS Phạm Minh Hoàng dành cho Quỳnh Chi một cuộc trao đổi ngắn. Về thông tin này, bà cho biết:
Cái này tôi chưa được biết thưa chị. Chắc là có nhầm lẫn. Tôi chỉ nói với báo chí rằng cuộc điều tra đã kết thúc và Cơ quan An ninh đã chuyển hồ sơ của chồng tôi qua viện kiểm sát chứ tôi không nói là có cáo trạng.
Quỳnh Chi: Vậy Cơ quan An ninh đã gởi cho chị có gởi văn bản cho chị cho biết việc họ chuyển hồ sơ qua VKSND Tối cao?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Dạ không. Ngày 8 tháng 4 vừa qua tôi vào thăm chồng tôi theo định kỳ thì Cơ quan An ninh nói miệng với tôi là đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ của chồng tôi qua VKSND.
Quỳnh Chi: Chị có nghe họ nói GS Phạm Minh Hoàng sẽ bị truy tố vì tội gì?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Cũng như từ đầu, họ cáo buộc chồng tôi “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS Việt Nam.
Quỳnh Chi: Chị có biết tin gì về ngày xử của GS Phạm Minh Hoàng?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Tôi có hỏi nhưng vị cán bộ của Cơ quan An Ninh không cho tôi biết. Vị này nói rằng ngày xử của chồng tôi tùy vào viện kiểm sát và nhiệm vụ của cơ quan này đã xong.
Quỳnh Chi: Thưa chị, chị có được thông báo là chị sẽ được tham dự phiên tòa không?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Cơ quan An Ninh cho biết tôi sẽ tham gia phiên tòa với tư cách là nhân chứng.
Quỳnh Chi: Họ có nêu lý do vì sao?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Họ có nói sơ qua rằng tôi sẽ làm nhân chứng trong việc chồng tôi sang Malaysia, hoặc việc tổ chức các lớp “kỹ năng mềm” cho sinh viên.
Quỳnh Chi: Chị nhận xét như thế nào về việc này?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Tôi không rõ từ “nhân chứng” họ dùng với mức độ như thế nào nhưng đương nhiên với cương vị một người vợ thì những gì tôi nói cũng nhằm bào chữa cho chồng tôi.
Quỳnh Chi: Giả sử đứng trước tòa, chị sẽ nói như thế nào về các lớp “kỹ năng mềm ấy”?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Thực sự những lớp ấy chúng tôi chỉ hướng dẫn những kỹ năng để các em sinh viên có thể ra đời có thể làm việc một cách dễ dàng. Tôi biết là họ (Cơ quan An Ninh) đã có những cuộc điều tra. Qua những cuộc điều tra ấy tôi chắc chắn rằng không có một bằng chứng nào cho thấy chúng tôi đã đem chính trị hoặc giới thiệu về đảng Việt Tân trong những khóa học đó.
Thậm chí có những người muốn mang chính trị vào khóa học ấy để thực tập nhưng chúng tôi đã đề nghị rằng đây là chuyện không cho phép, nghĩa là chúng tôi rất lảng tránh những vấn đề mang chính trị vào lớp học. Chính vì thế, việc cáo buộc rằng chúng tôi mở những lớp đó vì lý do chính trị là hoàn toàn không đúng.
Tình hình GS hiện nay
Quỳnh Chi: Cám ơn chị, vừa rồi báo Pháp Luật có đăng rằng VKSND Tối cao vừa hoàn thành cáo trạng truy tố GS Phạm Minh Hoàng, trong đó nêu ra rằng 33 bài viết của GS có nội dung bôi nhọ hình ảnh đất nước. Chị có nhận xét nào về cáo buộc này?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Thực sự tôi chưa được đọc hết 33 bài viết của chồng tôi. Tôi chỉ được biết chồng tôi sử dụng bút danh Phan Kiến Quốc khi Cơ quan An Ninh cho tôi biết. Khi tôi đọc một số bài viết của chồng tôi thì tôi cho rằng nội dung không có gì bôi nhọ đất nước. Về nội dung, tôi thấy rất nhiều nhà trí thức Việt Nam đề cập đến vấn đề bauxite và họ công khai bày tỏ rằng tiến hành khai thác bauxite là không nên. Cho nên nếu chồng tôi có ký vào bản kiến nghị ngừng khai thác bauxite hay viết về vấn đề này thì cũng không có gì là sai trái.
Quỳnh Chi: Chị vừa đi thăm GS Phạm Minh Hoàng vào tuần trước. Xin chị cho biết tình trạng của ông hiện nay ra sao?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Càng về sau thì tôi thấy tinh thần và sức khỏe của anh ấy càng ổn định. Tôi có cho anh ấy biết là tôi mời luật sư cho anh và nhờ anh viết đơn yêu cầu luật sư.
Quỳnh Chi: Chị đã tìm được luật sư, thưa chị?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Từ đầu khi sự việc xảy ra thì tôi đã mời luật sư Trần Vũ Hải. Luật pháp Việt Nam không cho luật sư tiếp xúc với bị cáo trong giai đoạn điều tra. Cho tới bây giờ thì luật sư vẫn chưa hoàn tất thủ tục để vào thăm chồng tôi.
Quỳnh Chi: Thưa chị, được biết GS Phạm Minh Hoàng là người Pháp gốc Việt. Từ khi ông bị bắt thì phía chính phủ Pháp đã có những hành động nào để lên tiếng không?
Bà Lê Thị Kiều Oanh: Trong những cuộc gặp gỡ giữa tôi với nhà nước Pháp, họ luôn khẳng định rằng GS Phạm Minh Hoàng là 1 công dân mà họ không ngừng quan tâm, nghĩa là lúc nào họ cũng đặt vấn đề của chồng tôi với nhà nước Việt Nam. Còn họ làm những gì thì tôi không biết.
Quỳnh Chi: Vâng, xin cám ơn chị.
Qua cuộc trao đổi, mặc dù bà Lê Thị Kiều Oanh cho biết mình không được thông báo gì về bản cáo trạng nhưng báo Pháp Luật vừa cho loan tin VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố GS Phạm Minh Hoàng theo điều 79 BLHS Việt Nam. Nếu bị kết án có tội, GS Phạm Minh Hoàng có nguy cơ đối diện với bản án từ 5 đến 15 năm tù giam.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
Người Việt
Monday, April 18, 2011 8:02:38 PM
Monday, April 18, 2011 8:02:38 PM
SÀI GÒN (NV) - Ông Phạm Minh Hoàng, một giáo chức đại học ở Sài Gòn có quốc tịch Pháp, có thể bị đưa ra tòa một ngày gần đây với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên Ðảng Việt Tân ở Hoa Kỳ, cho báo Người Việt biết, ông được tin “Viện kiểm sát nhân dân tối cao” đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Hoàng theo khoản 2 điều 79 của Bộ Luật Hình Sự.
Nếu bị kết án, ông Phạm Minh Hoàng, 56 tuổi, có thể bị án tù từ 5 năm tới 15 năm.
Sau thời gian đầu yên lặng, bà vợ ông Hoàng là bà Lê Thị Kiều Oanh phủ nhận, đảng Việt Tân hồi tháng 9 năm ngoái đã nhìn nhận ông là thành viên của đảng này.
“Ông Phạm Minh Hoàng là một người vận động dân chủ hóa Việt Nam một cách ôn hòa. Ông không làm điều gì trái với luật pháp của Việt Nam để có thể bị bắt hay bị kết tội. Ông cũng như muôn người Việt Nam khác muốn cho đất nước phát triển và tiến bộ.” Ông Hoàng Tứ Duy nói với nhật báo Người Việt hôm Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011.
“Gia đình ông Hoàng ở bên Pháp đã tiếp xúc thường xuyên với Bộ Ngoại Giao Pháp và được hứa tích cực can thiệp.”
Ông Phạm Minh Hoàng bị bắt ngày 13 tháng 8, 2010 ở nhà tại thành phố Sài Gòn. Ông là giảng viên ngành toán của trường Ðại Học Bách Khoa.
Ông bị cáo buộc là viết 33 bài trên blog với bút hiệu Phan Kiến Quốc “có nội dung bôi nhọ hình ảnh đất nước, xuyên tạc chế độ, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước.” Ông cũng bị cáo buộc tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên để lôi kéo sinh viên và “tuyển người” cho Việt Tân.
Bản cáo trạng cáo buộc ông gia nhập Việt Tân từ năm 1988 khi ông còn ở Pháp. Hồi hương năm 2000 xin dạy học chỉ là “vỏ bọc” để hoạt động chính trị. Ông cũng bị tố cáo là đã sang Mã Lai cùng vợ, tham dự khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động do Việt Tân tổ chức hồi tháng 11, 2009.
“Ðảng Việt Tân luôn luôn tìm cách giúp đỡ mọi mặt cho gia đình các thành viên cả về yểm trợ pháp lý cũng như vận động dư luận quốc tế. Nhờ vậy, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều lên tiếng.” Ông Hoàng Tứ Duy nói.
Cho đến nay, cách đối xử của chế độ Hà Nội với ông Phạm Minh Hoàng hoàn toàn khác với các thành viên khác của Việt Tân có quốc tịch nước ngoài. Tất cả những đảng viên Việt Tân khác bị bắt những năm gần đây, sau khi được can thiệp từ Pháp, Úc, Thụy Sĩ hay Mỹ đều được trả tự do và trục xuất sau ít ngày tới một vài tháng bị giam giữ mà không bị kết án.
Ông Phạm Minh Hoàng đã bị bắt giam hơn 8 tháng mà nếu có bản cáo trạng, vấn đề ông có bị kết án ngắn hạn và bị trục xuất qua Pháp hay không, vẫn còn là một ẩn số.
Một số thành viên của đảng Việt Tân là người ở Việt Nam nếu bị bắt, không ai thoát án tù dài hạn. (TN)
-------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment