Định Tường tổng hợp
Posted on Tháng Tư 18, 2011 by phiatruoc
1.
Vào ngày 16/04/2011, trên báo Thanh Niên Online (TNO)– một nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất nhì trong cả nước đăng bài viết với tựa “Quốc ca Việt Nam hào hùng nhất thế giới”. Bài viết lấy nguồn từ một trang web tại Mỹ ở địa chỉ Cracked.com. Một trang web chuyên đưa tin hài hước với slogan “America’s Only Humor Site Since 1958”.
Cũng trên trang Cracked.com có nhiều bài viết với nội dung đem quốc ca của nhiều nước khác ra để chế giễu. Bài viết “xếp hạng” trong đó có quốc ca Việt Nam trên trang Cracked có tiêu đề “6 National Anthems That Will Make You Tremble With Fear”, tạm dịch “Sáu quốc ca có thể khiến bạn run lên vì sợ hãi”. Bài viết trên báo TNO liền đặt lại tựa “Quốc ca VN hào hùng nhất thế giới”.
Photo: Screenshot từ trang giadinh.net.vn
GS Nguyễn Văn Tuấn trên web cá nhân bình luận rằng: “Most Awesomely Violent Lyrics” trích từ bài đánh giá quốc ca VN trên Cracked nghĩa là ca từ bạo động kinh khủng. “Violent là bạo động, chứ đâu phải là hào hùng! Theo họ, bài Tiến quân ca là bài quốc ca bạo động, chứ không phải hào hùng. Đó không phải là một lời khen ngợi, mà thật ra có chút mỉa mai, châm chọc. Cracked.com là một website hài hước, chứ chẳng phải nghiêm chỉnh gì cả. Báo Thanh Niên, có lẽ do hiểu tiếng Anh sai, nên phạm phải một sai lầm không nhỏ. Đáng tiếc quá!”
Sau khi bị trang basam.info – một trang chuyên điểm tin trên mạng với số lượng truy cập vài chục nghìn lượt mỗi ngày phát giác, TNO đã gỡ bản tin trên xuống mà không đề lại lời đính chính với đọc giả, tuy nhiên hàng nghìn website, trang báo và diễn đàn lớn nhỏ trong đó có tờ giadinh.net.vn đã kịp đăng lại bản tin trên của TNO.
2.
Trong một vụ việc khác, một bản tin khác cũng đã bị rút xuống khỏi trang mạng của báo Lao Động (LĐ) mà không kèm theo bất kỳ lời đính chính nào. Vào ngày 22/02/2011, website của báo LĐ đăng bài viết về một địa danh du lịch dịch lại từ trang mạng Sina của Trung Quốc với tựa đề: “Thác nước Detian – thiên đường chốn hạ giới”.
Bài báo miêu tả thác Detian – thác Bản Giốc theo cách gọi của Việt Nam, là “cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nhất đất nước Trung Hoa“, nằm ở “thị trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc“. Trước khi bị rút xuống, nhiều trang báo trong nước cũng đã đăng lại bản tin này của LĐ như trang web của đài truyền hình Tiền Giang.
Thác Bản Giốc là một trong những thác đẹp nhất Việt Nam, nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác là một phần của sông Quây Sơn được chia làm 2 phần, thác chính và thác phụ. Theo thỏa thuận biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam còn thác chính được hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác. Tuy nhiên nhiều người đã tỏ ra bất bình vì thác Bản Giốc nay lại có phần lớn thuộc về Trung Quốc – là kết quả của nhiều lần thương lượng giữa hai nước. Tổng biên tập báo LĐ sau đó đã bị Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam khiển trách và yêu cầu giải trình về vụ việc.
3.
Cũng không nằm ngoài chuyện lùm xùm của báo chí trong nước, báo Pháp Luật Việt Nam này 11/01/2011 có bài với nhan đề “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á”. Theo Pháp Luật, một “nhật báo của Đức” là Firmenpress đã nhận định như vậy.
Photo: Screenshot từ trang Pháp Luật Việt Nam
Đọc giả Nguyễn Tôn Hiệt của tờ Tiền Vệ đã phát giác rằng ở Đức không hề có nhật báo Firmenpress mà chỉ có trang Firmenpress.de với lời giới thiệu là “press release”, tức tự quảng cáo tiếp thị trong mọi lĩnh vực. Đọc giả có thể tự viết bài quảng cáo, tiếp thị cho riêng mình trên trang này. Bài “tiếp thị” mà Pháp Luật dịch lại về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực ra là một bài do một công ty chuyên chế biến rác thải dịch lại từ trang VnExpress mà theo đó, báo VnExpress tự bình chọn Nguyễn Tấn dũng là “nhân vật của năm 2010”.
Các bài báo trên đều đã bị gỡ xuống khỏi trang Pháp Luật Việt Nam và cũng như thường lệ, không hề có đính chính hoặc xin lỗi đọc giả theo luật báo chí Việt Nam hiện hành.
© 2011 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC
.
.
.
No comments:
Post a Comment