Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-04-20
Khi Miến Điện bắt giam bà Aung San Suu Kyi, là lúc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên tiếng.
Khi chính phủ các nước Ả Rập dùng quân đội đàn áp người biểu tình, là lúc ông này lên tiếng. Khi khủng hoảng chính trị xảy ra tại Bờ biển Ngà, cũng là lúc ông Ban Ki Moon lên tiếng.
Nhưng khi Trung Quốc gia tăng đàn áp các nhân vật đối kháng là lúc người đóng vai trò chủ chốt của Liên Hiệp Quốc giữ thái độ im lặng. Và cái giá của sự im lặng này là việc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đang bị chỉ trích gắt gao.
Chỉ trích các nước vi phạm nhân quyền
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bản tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, hồi tháng 12 năm ngoái, ông Ban Ki Moon gởi đi một thông điệp rằng “Nhân quyền phản ảnh khát vọng nhân loại cho một tương lai thịnh vượng và nó luôn là một phần chính tạo nên đặc trưng của Liên Hiệp Quốc”.
Thực tế, ông Ban Ki Moon luôn nhấn mạnh rằng hòa bình, an ninh và nhân quyền là 3 vấn đề cốt lõi của Liên Hiệp Quốc.
Khi cuộc cách mạng Hoa Nhài bắt đầu ở Tunisia và lan rộng ở các nước Ả Rập, nhiều lãnh đạo đã dùng quân đội để bắn giết người biểu tình, người ta thấy ông Ban Ki Moon mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích. Cụ thể, khi số người thiệt mạng bởi quân đội Gahdafi gây ra lên đến hàng ngàn, trong một cuộc họp báo ngày đầu tháng 3, ông Ban Ki Moon nói rằng:
“Ngay từ đầu tôi đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực Bắc Phi và Trung Đông lắng nghe tiếng nói của người dân, tôn trọng quyền tự do bày tỏ chính kiến (…). Con người không thể chịu đựng sự đàn áp nhân quyền và những người có trách nhiệm sẽ bị trừng phạt”.
Sau đó vài ngày, người phát ngôn của UN cũng cho biết trong một cuộc nói chuyện “rất sâu” với Gahdafi, ông Ban Ki Moon đã yêu cầu Gahdafi “ngay tức khắc” ngừng các cuộc tắm máu. Và gần đây, khi quân đội trung thành của Gahdafi vẫn tiếp tục ra sức chống lại phe nổi dậy, mặc dù Liên Hiệp Quốc không cung cấp vũ khí cho phe này nhưng tuyên bố sẽ có tăng cường hoạt động quân đội quốc tế tại đây để bảo vệ thường dân.
Những hoạt động cổ võ cho nhân quyền của ông Ban Ki Moon không chỉ dừng ở đó. Về khủng hoảng chính trị tại Bờ biển Ngà, trước khi ông Laurent Gbagbo bị bắt vào ngày 11 tháng này, ông Ban Ki Moon cũng đã kêu gọi vị cựu tổng thống này từ chức. Trả lời trong 1 cuộc phỏng vấn với đài BBC Anh ngữ hồi đầu tháng, ông Ban Ki Moon đã mạnh mẽ lên án rằng:
“Những người phạm tội và vi phạm pháp luật quốc tế và vi phạm luật nhân đạo sẽ phải chịu trách nhiệm trước công lý. Tại thời điểm này tôi mạnh mẽ kêu gọi ông Laurent Gbagbo nên từ bỏ quyền lực và chuyển giao quyền lực lại cho ông Alassane Ouattara”.
Theo giới quan sát, vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ bênh vực cho nhân đạo và nhân quyền đối với các vấn đề ở Libya và Bờ biển Ngà, thận chí trong chuyến công du đến Miến Điện năm 2009, ông đã thúc giục lãnh đạo nước này trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Thế nhưng, vị này đã giữ thái độ im lặng đối với những bắt bớ và đàn áp của Trung Quốc.
Nhưng lại im lặng với TQ
Trong vòng hơn 1 tuần nay, báo chí và những cơ quan nhân quyền quốc tế đã lên tiếng chỉ trích chính sách mà họ gọi là “chính sách ngoại giao im lặng” của ông Tổng thư lý LHQ này. Đây không phải là lần đầu tiên ông Ban Ki Moon hứng chịu búa rìu dư luận của công luận quốc tế, đặc biệt là từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Việc chỉ trích bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, nó bắt đầu “nóng” trở lại khi có tin Trung Quốc gia tăng đàn áp ngăn chặn cuộc Cách mạng hoa Nhài và chỉ trích gần như lên đỉnh điểm khi ông Ban Ki Moon đã tỏ ra quá mềm mỏng trước việc một họa sĩ Trung Quốc, ông Ngải Vị Vị bị chính quyền nước này bắt.
Hồi tháng 11 năm ngoái, ông Ban Ki Moon đã có chuyến công du 10 ngày đến Châu Á bao gồm Trung Quốc. Việc ông Ban Ki Moon gặp gỡ, bàn thảo các vấn đề như biến đổi khí hậu, vấn đề Bắc Hàn, kể cả vấn đề Châu Phi nhưng lại không “đá động” gì đến việc kêu gọi trả tự do cho khôi nguyên Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba đã làm dư luận chỉ trích gay gắt.
Lúc đó nói với Bangkok Post, ông Philippe Bolopion của HRW đã cho rằng “Ban Ki Moon đã không ngần ngại kêu gọi Miến Điện trả tự do cho khôi nguyên Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi, ông cũng nên làm điều tương tự với khôi nguyên Nobel Lưu Hiểu Ba”.
Thêm vào đó, khi các cuộc cách mạng đấu tranh cho dân chủ bắt nguồn từ Châu Phi và Trung Đông trở nên mạnh mẽ đến nỗi người ra lo ngại nó có thể lan sang các nước khác, kể cả Châu Á, Trung Quốc là nước mạnh mẽ ra tay trấn áp thành phần đối kháng. Theo tổ chức Theo dõi Nhân Quyền Human Rights Watch, các cuộc trấn áp bắt đầu từ giữa tháng 2 tại Trung Quốc có mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm qua.
Nhiều luật sư, nhà hoạt động, bloggers đã bị bắt bớ hay bị mất tích. Theo các tổ chức nhân quyền, có khoảng hơn 50 người bị bắt, bị quản chế và tính luôn những người bị thẩm vấn, con số đó khoảng từ 1 đến 2 trăm người. Đáng chú ý hơn, cũng trong đợt trấn áp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng cuộc cách mạng hoa lài này, có khoảng 6 luật sư nổi tiếng Trung Quốc bị cho là bị mất tích. Và đặc biệt gần đây nhất, ngày 2 tháng 4, họa sĩ Ngải Vị Vị cũng bị bắt tại phi trường Bắc Kinh khi trên đường đi Hồng Kông.
Theo giới quan sát, việc ông Ban Ki Moon không lên tiếng những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đã tạo sự “khó hiểu” và “khó chịu” cho dư luận, đặc biệt là những người ủng hộ nhân quyền. Cách đây hơn 1 tuần, 2 lần báo giới hỏi về ý kiến của ông Ban Ki Moon đối với những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, phát ngôn nhân của UN nói rằng “Tôi sẽ trả lời vấn đề này sau”.
Sự lảng tránh vấn đề và những ứng xử quá mềm dẻo trước Trung Quốc đã làm ông Ban Ki Moon trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế trong đó không loại trừ những suy đoán của giới quan sát về nguyên nhân của “chính sách ngoại giao im lặng” này.
Nhiều người cho rằng mặc dù không nói ra nhưng ông Ban Ki Moon có khả năng sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi nhiệm kỳ 5 năm của ông hết hạn vào năm nay. Và theo hãng tin AFP “ông Ban Ki Moon biết rằng ông phải có sự ủng hộ từ 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc”.
Chưa có gì chắc chắn về những giả thuyết khiến ông Ban Ki Moon làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Thế nhưng có một điều chắc chắn rằng, sự vươn lên của Trung Quốc trong những năm gần đây không những đã làm thay đổi vị thế cuả nước này trên bàn cờ mà còn thay đổi cách người ta chơi cờ.
Người ta vẫn phải e dè khi Hoa Lục trở thành chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ; trầm trồ trước sự phát triển kinh tế khoảng 8% của nước này trong khi kinh tế thế giới đang khủng hoảng; và giật mình khi thấy Bắc Kinh soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới vào đầu năm nay. Mới cách đây mấy ngày, ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố khoản dự trữ ngoại tệ lên đến 3 ngàn tỷ đô la, một con số khổng lồ mà các kinh tế gia cho rằng có thể mua đến 88% lượng dầu thế giới.
Tất cả những điều này đã ít nhiều làm nhiều người bỏ qua những quan ngại về môi trường, về những chính sách vô lý về kinh tế - chính trị cũng như tình trạng nhân quyền của Trung Quốc. Xem ra, nguyên tắc “Cây gậy và củ cà rốt” vẫn còn được mang ra áp dụng, nhưng chỉ có điều, nó không được áp dụng với Trung Quốc.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment