Saturday, April 23, 2011

CHIẾU PHIM BOLINAO 52 DỊP 30 THÁNG 4 (Người Việt, RFA)


Chiếu Phim Bolinao 52 dịp 30 tháng 4
Friday, April 22, 2011 7:24:05 PM

WESTMINSTER (NV) - Bộ phim Bolinao 52, một cuốn phim tài liệu về thuyền nhân Việt Nam kể qua câu chuyện hãi hùng của chuyến tàu vượt biên Bolinao 52, sẽ ra mắt cộng đồng người Việt ở Little Saigon lúc 7 giờ chiều ngày 30 tháng 4, 2011 tại hội trường Việt Herald, số 14861 Moran St. Westminster, CA 92683.

Khi chị Trịnh Thanh Tùng, một người sống sót của thuyền Bolinao 52, bước chân vào một chiếc thuyền đông đúc tháng năm 1988, chị ta không biết đó là một chuyến đi mà mãi mãi thay đổi cuộc đời của chị. Sau khi rời Việt Nam, động cơ chuyến thuyền bị chết. Những chiếc tàu đi qua lại không nhìn đến họ. 19 ngày sau, một tàu của Hải Quân Mỹ dừng lại. Nhưng Ông Alexander Balian, thuyền trưởng của chiến hạm USS Dubuque, không chấp nhận vớt họ. Quyết định không vớt thuyền nhân của chiến hạm USS Dubuque đã dẫn đến một kết quả bi thảm. Sau 37 ngày trên biển, họ đã được vớt đến một thị trấn ở Philippines tên là Bolinao. Trong số 110 người trên tàu, chỉ có 52 người sống sót. Câu chuyện Bolinao 52 được dựng lại qua lời nói của thuyền nhân còn sống sót, người vớt họ và nhân chứng thủy thủ trên chiến hạm USS Dubuque.

Phim tài liệu Bolinao 52 là câu chuyện của một người Việt tị nạn thực hiện nhằm tìm hiểu, thu thập dữ kiện, và nói lên cho thế giới biết về hành trình vượt biển tìm tự do của thuyền nhân Việt sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam năm 1975.

Bolinao 52 là một nỗ lực của thuyền nhân Việt Nam nói lên một trang sách chưa được đề cập đến trong lịch sử.
Phim Bolinao 52 đã chiếu khấp mọi nơi trên thế giới như Anh, Ðức, Hòa Lan, Gia Nã Ðại, Nhật Bản và Ba Lan. Phim này đã được hỗ trợ và phát thanh qua đài PBS truyền hình công cộng của Hoa Kỳ.

Năm 2009, phim Bolinao 52 thắng 2 giải EMMY về phần xuất sắc trong phim tài liệu và âm thanh nổi bật.

Ðây là lần đầu tiên phim này có phụ đề Việt ngữ và có sự tham dự của đạo diễn Nguyễn Hữu Ðức và thuyền nhân Bolinao 52 Trịnh Thanh Tùng.

Giá vé $5.00, có thể mua tại báo Việt Herald. Mọi chi tiết xin gọi 714-897-7379, hoặc vào trang mạng www.bolinao52.com  (L.N.)

----------------------------

Phương Anh, phóng viên đài RFA
2007-04-17 00:00:00
Cách nay 17 năm, vào tháng 5, một con thuyền nhỏ xuất phát từ Bến Tre chở 110 người vượt biên đi tìm tự do. Thật không may, chỉ sau một ngày ra khơi, chiếc ghe nhỏ ấy đã hỏng máy và trôi lênh đênh trên biển…Trên chuyến hải trình, họ đã gặp nhiều tàu ngọai quốc nhưng không một chiếc nào dừng lại cứu vớt.
Cuối cùng, họ gặp một chiến hạm Mỹ, những tưởng được tàu này cứu vớt, nhưng đã bị viên hạm trưởng từ chối.
Thế rồi, thảm kịch đã xảy ra, phân nửa thuyền nhân đã chết vì kiệt sức, đói, khát…số còn lại bắt buộc phải ăn thịt của đồng loại đã chết để mà sống. Khi đến được bến bờ, câu chuyện thương tâm của họ được khám phá. Vị thuyền trưởng chiến hạm Mỹ bị đưa ra tòa.
Câu chuyện chìm dần vào quên lãng, nhưng mới đây, một nhà làm phim người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Hữu Đức, đã tốn rất nhiều công sức và thời gian trong suốt 5 năm trời để thực hiện cuốn phim tài liệu về câu chuyện bi thảm này như để ghi lại phần nào lịch sử đau thương của thuyền nhân Việt Nam.
Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin mời quí vị nghe những chi tiết liên quan đến cuốn phim “Bolinao 52”

Đạo diễn Nguyễn Hữu Đức
Đạo diễn Nguyễn Hữu Đức, một cựu thuyền nhân, định cư tại Hoa Kỳ năm 1980. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh theo học ngành vẽ tại Art Insitute of Houston và làm ở trung tâm điện ảnh thế giới Hollywood. Hàng ngày, anh có dịp tiếp xúc nhiều với phim ảnh và thế là anh quyết định theo học ngành truyền thông tại đại học UC Berkeley.
Anh rất yêu thích ngành làm phim tài liệu và đã từng phụ tá đạo diễn cho các phim tài liệu dài nhiều tập nói về gia đình và bản sắc, rất có giá trị như “The New Americans” và “My Journey Home”. Cả hai phim này đã từng được trình chiếu trên kênh truyền hình Hoa Kỳ PBS. Theo lời anh cho biết, bắt đầu từ năm 1998, anh đã rất chú ý đến vụ án chiếc tàu “Bolinao này” nhưng không có cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn.
Nguyên nhân nào đã gây sự chú ý của anh, anh cho hay:
“Vụ tầu Bolinao 52 xảy ra vào năm 1988, được đăng lên báo Mỹ như New York Time hay LA Time bởi vì chuyến tàu này đã gặp được chuyến tàu hải quân Mỹ ở vùng Đông Nam Á trong khi chiếc tàu này trôi dạt…
Nhưng ông thuyền trưởng USS Dubuque đã không vớt những thuyền nhân này và lúc chiếc tàu này được vào thì những người sống sót đã kể lại và quân đội hải quân Mỹ bắt đầu xử ông thuyền trưởng.
Lúc đem ông ta ra toà thì báo chí đã đăng lên vấn đề này…Có nhiều bài viết trên báo và từ đó Đức đã sưu tầm ra được. Cũng có chương trình 60 minutes đã chiếu câu chuyện này vào năm 1988.”

Cũng theo lời của đạo diễn Nguyễn Hữu Đức, dựa theo các tài liệu mà anh đã sưu tập được thì sau khi bị chiến hạm Mỹ bỏ rơi, họ đã trôi thêm 18 ngày, rồi được một chiếc thuyền đánh cá Phi cứu và đưa vào đảo Bolinao, khi đó chỉ còn lại 52 người kể cả trẻ em, tổng cộng họ đã trải qua 37 ngày lênh đênh trôi trên biển.
Bắt đầu đi tìm những nhân chứng của “vụ án Bolinao 52” này không phải là chuyện dễ. Khởi đầu từ một thuỷ thủ tên Bill Coonan, là một nhân chứng trên chiến hạm USS Dubuque năm xưa, anh đã mở lại từng trang tài liệu.

Anh kể lại về kết quả vụ tàu Bolinao 52 năm xưa:
“Toà Hải Quân Mỹ xử ông thuyền trưởng đã bỏ rơi những người thuyền nhân này, nhưng ông ta không bị đuổi ra khỏi quân đội, không bị bỏ tù. Bây giờ, ông ta vẫn còn sống ở thành phố Los Angles. Đức không có dịp để gặp vì nhiều lần Đức điện thoại, muốn nói chuyện nhưng ông ta không muốn trả lời.
Đức tìm được chị Tùng là một trong những người sống sót và đi tìm hiểu, và tìm được một người thuỷ thủ trên chiếc tàu USS Dubuque của hải quân Mỹ và ông này rất hối hận về chuyện đã xảy ra 17 năm trước. Ông vẫn còn bị ám ảnh về ngày chuyến tàu hải quân Mỹ gặp chiếc tàu thuyền nhân nhỏ bé này.
Ông rất tức tối về quyết định của thuyền trưởng, vì ông ta nghĩ rằng những người này đáng phải được vớt vì tình trạng lúc bấy giờ quá đau khổ rồi, có người đã chết và trôi trên biển, có người đã bơi đến chiếc tàu và leo lên sợi dây để leo lên tàu hạm nhưng bị ông thuyền trưởng ra lệnh cắt dây để những người đó té xuống biển, những hình ảnh đó vẫn còn ám ảnh ông ta sau bao nhiêu năm nay…
Năm 2004, Đức có gặp được ông ta khi ông đến Los Angeles để thăm con gái của ông. Ông này tên là Cloonan. Ông chỉ là một thuỷ thủ thôi nhưng ông rất buồn về điều đó, bao nhiêu năm qua, ước vọng của ông Cloonan là chỉ muốn gặp lại những người sống sót để xin lỗi vì những chuyện xảy ra...
Chi tiết từ ông Cloonan rất rõ ràng, lúc đó ông ta sửa soạn để đưa những chiếc thuyền nhỏ của hải quân Mỹ đến chiếc Bolinao 52…coi tình hình chiếc tàu này. Nhìn từ chiếc tàu hạm, ông ta thấy tình trạng của những thuyền nhân cần cứu gấp vì có những người nhảy xuống biển mà bơi đến chiếc tàu.. Ông ta sửa soạn để tiếp đón những thuyền nhân này nhưng được tin là thuyền trưởng không vớt và ông ta rất buồn về điều này..”

Những thuyền nhân còn sống sót
Với những thuyền nhân còn sống sót, thì thật là điều vô cùng nan giải, anh đã phải đăng báo, nhờ các đài Việt Ngữ ở địa phương tìm người. Sau một thời gian, có người liên lạc với anh và cho biết tin tức về thuyền nhân sống sót năm xưa, nhưng ai cũng từ chối, không muốn kể lại tấn thảm kịch ấy.
Nhưng rất may, cho đến một ngày, anh gặp được chị Trịnh Thanh Tùng: “Đức đã gặp được chị Tùng là một nhân vật chính trong cuốn phim này. Phim này kể lại mọi chuyện, từ những chi tiết… mà chị Tùng đã cố gắng nhớ lại, đã trải qua, và chị Tùng có ý muốn về đảo Bolinao mà nơi chị đã được những người Philippines vớ và đem vào, để tìm lại những người đã cứu giúp, để cám ơn những người đó.
Năm 2005, Đức và chị Tùng cùng phái đoàn quay phim đã trở về Philippines và tìm được một người đánh cá duy nhất còn sống, đã cứu vớt chiếc tàu Bolinao 52 năm xưa.”

Cũng trong năm 2006 vừa qua, lần đầu tiên, một cuộc hội ngộ giữa người phụ nữ can đảm Trịnh Thanh Tùng và người thủy thủ trên chiến hạm USS Dubuque năm xưa đã diễn ra như để giải trừ nỗi phiền muộn của hai bên kéo dài trong suốt mười mấy năm trường.
Chỉ khai thác ở khiá cạnh này mà thôi nên đạo diễn Nguyễn Hữu Đức đã không ghi lại những chi tiết có thể gọi là kinh hãi và rùng rợn vì anh hiểu rằng đó là vấn đề hết sức tế nhị.
Anh tâm sự: “Thật ra, những người ở trên chuyến tàu này đã không muốn thổ lộ là họ đã trải qua như thế nào vì chuyện này rất buồn và gợi lại những chuyện có thể làm cho người ta depress. Có nhiều người đã qua đây lập gia đình nhưng gia đình vẫn chưa biết được quá khứ của họ…
Chị Tùng là một trong những người sống sót, rất can đảm, vì chị nghĩ là con cháu của chị bắt buộc phải biết về những chuyện chị đã phải trải qua… có nhiều chuyện xảy ra trên chuyến tàu mà mình chưa biết. Có một anh, khi vượt biên còn nhỏ, cả gia đình đã chết hết rồi, cha mẹ, em cũng bị chìm trên biển và anh đã chứng kiến những thân nhân của mình chết trên chiếc tàu đó.
Lúc đó, anh đến Mỹ chỉ có 10 tuổi. Năm 2006, người bà con họ của anh này, có dựng một kịch bản tên là Trial by Water, cũng về chuyến tàu này, kể lại những gì anh đã trải qua và kịch này ghi lại những chuyện rùng rợn ăn thịt người ở trên chiếc tàu. Đức đã xem vở kịch đó nhưng rất nhiều người không đồng ý kể ra những chi tiết rùng rợn như vậy, vì mình không trải qua chuyện đó, mình không thể ghi lại đau đớn của người ta được.”

Mang tính lịch sử
Được hỏi qua cuốn phim tài liệu mang tính lịch sử này, anh mong khán giả cảm nhận điều gì, anh cho hay:
“Mục đích đầu tiên là Đức muốn tạo ra những chuyện từ xưa đến bây giờ, từ ngày thuyền nhân đã bỏ Việt Nam ra đi đến bây giờ, có nhiều chuyện không thể kể nổi cho những người ngoại quốc, những người không trải qua, và cùng lúc đó, những câu chuyện này trong gia đình nhiều khi cũng không thể kể ra được…
Đức muốn kể cho những người chưa trải qua, những cảnh vượt biên là như thế nào…Mục đích thứ hai là những thế hệ trẻ sanh ra ở bên Mỹ hiểu về vấn đề lịch sử của cha mẹ mình, hay là ông bà mình đã trải qua như thế nào…tại sao lại có mặt ở trên nước Mỹ này.”

Thưa quí vị và các bạn, riêng với chị Trịnh Thanh Tùng, khi hỏi vì sao chị lại quyết định nhận lời kể ra hết những chi tiết đạo diễn Nguyễn Hữu Đức, chị nói:
“Ban đầu mình cũng không tính nói vì cái chuyện đó xảy ra ngoài ý muốn, nhưng khi mình coi phim “Alive” của Mỹ, chiếc máy bay rớt trên núi tuyết, những người đó họ phải ăn thịt bạn đồng hành của họ để họ sống sót. Tôi coi phim đó tôi thấy rằng họ cũng giống mình, chỉ khác một điều là mình đi tìm tự do cực khổ, còn họ thì đi chơi, nên nếu mình không nói ra thì đâu ai biết.
Khi tôi sống được và qua tới Mỹ, thì tôi nghĩ rằng không có gì phải sợ hãi, phải lo lắng hết…giống như một phép nhiệm mầu cho những người Phi giúp mình nên mình mới sống được..nên tui nghĩ chuyện đó không có gì xấu để giấu hết.
Nhưng khi tôi quyết định nói ra thì nhiều người cũng nói là không sợ người ta cười, người ta nói Việt Nam mình man ri mọi rợ..Nhưng tôi muốn những thế hệ trẻ phải biết hay những đưá trẻ may mắn đi thẳng từ Việt Nam qua, chúng nó đâu biết thuyền nhân vượt biên cực khổ như thế nào.
Tôi không phải làm cho tôi mà tôi làm cho những đứa nhỏ, sau này, khi tôi chết rồi, tụi nó coi lại.. Tôi coi lại thấy rất xúc động, khóc và cả rạp hát nhiều người cũng khóc, như thế tôi thấy là mọi người đã hiểu cho mình…”

Tuy thế, cho đến bây giờ, trong lòng chị vẫn thắc mắc một điều: “Tôi vẫn còn thắc mắc tại sao ông ta không dang tay cứu vớt những người trên chiếc tàu của tôi? Trong khi đó, trên ghe đã có người chết, đã thẩy xuống biển, ổng cũng thấy rồi…
Anh của tôi cũng bơi qua đó mà họ đã làm cho anh ấy rớt xuống, lúc ấy anh đã đuối rồi, họ thẩy cho anh chiếc phao và bảo bơi về lại ghe đi, và họ sẽ giúp nhưng họ đã không giúp…”

Có lẽ sẽ không bao giờ có câu trả lời cho thoả đáng. Phải chăng chúng ta chỉ có thể tạm giải thích rằng vào thời điểm ấy, có lẽ thế giới đã mệt mỏi và đang muốn quay lưng lại với thuyền nhân Việt Nam, nên vị hạm trưởng trên chiến hạm Mỹ năm xưa đã lạnh lùng từ chối?
Cuốn phim tài liệu này không hề lên án hay chỉ trích một phía nào, mà nó chỉ là tiếng nói của những người sống sót từ chiếc tàu Bolinao 52 kể lại chuyến hải hành của họ ra đi tìm tự do ra sao. Phương Anh xin dừng nơi đây. Mời quí vị đón nghe thêm chi tiết về chị Trịnh Thanh Tùng trong mục Trang Phụ Nữ vào sáng thứ hai tuần sau.

© 2007 Radio Free Asia
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

----------------------------------

Phương Anh, phóng viên đài RFA
2007-04-23 00:00:00

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, chỉ một thời gian ngắn, làn sóng người Việt bỏ nước ra đi bằng thuyền càng ngày càng tăng. Mặc cho bao hiểm nguy đang chờ đón họ. Không ai có thể thống kê được đã có nhiêu người đã bỏ thây trên biển cả và bao nhiêu con thuyền đã chìm dưới lòng đại dương mênh mông.
Đó là chưa kể những người bị hải tặc bắt đi mất tích. Những câu chuyện thương tâm, những bi kịch trên các chuyến vượt biển rất ít khi được kể lại. Phần lớn, đều muốn quên đi quá khứ để bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, vết thương lòng của họ thật khó phai mờ. Có những người vẫn còn bị ám ảnh hay sống trong nỗi dằn vặt bởi chuyến vượt biển hãi hùng.
Trang Phụ Nữ kỳ này xin gửi tới quí vị câu chuyện của chị Trịnh Thanh Tùng, người phụ nữ sống sót trong vụ án Bolinao 52 vào năm 1988, khi thuyền vượt biên của chị bị một chiến hạm Mỹ từ chối không vớt, gây nên thảm cảnh vô cùng khủng khiếp.

Cũng là một phụ nữ rất bình thường như bao nhiêu người khác, chị Trịnh Thanh Tùng sinh năm 1956, cha và anh là sĩ quan cao cấp, phục vụ trong trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Thế rồi, biến cố 30-4, cha và anh ruột đều đi tù cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, chị kể lại:
“Sau 75 thì mấy ông Cộng Sản vô không cho đi học nữa, phải đi buôn bán, phụ mẹ. Ba thì đi ở tù, anh cả cũng ở tù tới 14 năm…mấy mẹ con ở nhà khổ lắm…bị lấy nhà …họ đuổi ra, không cho ở nhà của mình (khóc)…sau đó phải đi bán buôn, đi làm ruộng..rồi ba tui đi ở tù về thì má tui mất. Anh cả thì vẫn ở tù, tháng tháng phải xách đồ đi thăm nuôi…nhắc tới khổ lắm!”

Chuyến vượt biển định mệnh
Vào ngày 22 tháng 5 năm 1988, sau khi ly dị một thời gian, chị quyết định dắt con trai chưa đầy 5 tuổi xuống thuyền vượt biên cùng với người anh trai, chị kể tiếp:
“Lúc đó tui ly dị và dẫn đưá con đi theo, anh trai tui mới ở tù ra cũng đi theo luôn và anh dẫn theo thêm một đưá con của ảnh… Đi cực lắm, đi rồi lại về, năm lần bảy lượt mới được… mà rốt cuộc cũng bị gì đâu…
4 người đi ngõ Bến Tre, chờ cho đến khi lên tàu lớn…khi đi rất ngon lành, tàu chạy nguyên một đêm, ban ngày ra chạy khoảng nửa ngày thì máy tắt, ông tài công sưả…lúc đó ai cũng còn “sặc sừ”, sau đó máy chạy lại, được một chút thì mưa to gió lớn quá…
Ông tài công nói tắt máy vì sợ sóng lớn đánh tàu bị lật, sau khi hết mưa thì cho máy chạy lại thì máy không còn nổ nữa, lúc đó là khoảng 4, 5 giờ chiều, sửa hoài cũng không nổ, vì thế ông tài công nói là không đi được thì thôi để máy trôi vô bờ, lúc đó tụi này thấy núi xa xa…thì mình nghĩ cũng đúng, và ổng còn nói là ai có giấy tờ gì thì xé đi, đồ ăn uống gì thì ăn cho hết đi, rồi lên bờ thì mạnh ai nấy chạy.
Nghe ông ta nói như vậy thì ai cũng ăn, sau đó mọi người đều ngủ. Sáng ra, tui thấy biển xanh như mực, nó không trôi vào mà trôi ra, lúc đó ông tài công sửa máy nhưng nó không chạy và từ đó trôi luôn…”

Theo lời chị cho biết, chiếc ghe cứ trôi trên biển như thế và nhìn thấy rất nhiều tàu qua nhưng không chiếc nào dừng lại…Giữa biển cả mênh mông, chỉ có trời và nước, mọi người đều bắt đầu kiệt sức…chị nói tiếp:
“Không có ai ngừng lại để vớt mình hết, duy nhất ngừng lại là chiếc tàu Mỹ, không có chiếc tàu nào dừng lại hết, toàn là đi ngang qua thôi, gặp nhiều lắm…Ngày thứ 10, gặp tàu Nhật thì có mấy người trên tàu nhảy xuống, đến ngày 19 thì gặp tàu Mỹ ngừng lại cho đồ ăn…
Ngày thứ tư là tui hết đồ ăn rồi, chỉ còn gói bột cam và ống sữa. Khi biết chiếc tàu bị trôi thì gia đình chủ tàu đã dành đồ ăn cho riêng họ, nước cũng vậy, khát nước thì họ chỉ phát cho chút xíú, rốt cuộc cũng hết nước.”

Chuyến đi hãi hùng
Thế rồi, trên chiếc ghe nhỏ với 110 người ấy, ngoài những người đã hoảng loạn nhảy xuống biển, thì bắt đầu có người chết:
 “Người nào chết thì thẩy xuống biển, chết trước nhất là con bé nhỏ 3 tuổi, ngồi kế tui vì nó khóc nhiều quá, nó đòi ăn, đòi uống hoài, nó là đưá chết đầu tiên…Khi gặp tàu Mỹ, ở trên chiếc tàu đó có người Việt Nam, ông ta tên Nghiêm hay Nghiệm gì đó vì tui thấy bảng tên của ông ta, ông ta là lính trên chiếm hạm đó.
Ông Việt Nam đó nói là chiếc tàu của ông ta đang trên đường đi công tác ở vùng Vịnh, không thể giúp tụi tui được, chỉ cung cấp thức ăn trong vòng hai ngày, sau đó, sẽ được đưa vào Nam Dương hay Phi Luật Tân…
Họ cung cấp thức ăn trong hai ngày mà trong khi đó, mình đói 19 ngày rồi, mà chiếc ghe phải có người tát nước, ngày nào nước cũng vô mà không ai chịu tát hết, thành ra, ai tát nước thì mới được phát đồ ăn, đồ ăn có trong hai ngày, ngày thứ ba thì cũng chờ…rốt cuộc không thấy gì hết và không còn đồ ăn nữa.”

Được biết, vì để sống còn, giữa biển cả mênh mông, không nước, không lương thực, chị đã phải uống nước tiểu của con trai mình và chấp nhận ăn thịt đồng loại để giữ mạng sống cho mình và con trai. Chị kể:
“Có người nói là khi nào tôi chết thì lấy thịt tôi làm thức ăn để cho mọi người sống sót còn tới bến bờ chứ nếu không thì không ai biết như thế nào…Nghe nói vậy thì mình không biết ai nói câu nói và ai đã làm chuyện đó…
Ai cũng phải tát nước hết, thành ra, ngoại trừ con nít thôi, ai cũng phải tát hết, cho nên tui quả quyết rằng 52 người còn sống sót người nào cũng phải ăn hết, anh Minh đưa cho tui hai phần vì tui có con nhỏ, nhưng tui cũng phải tát nước.. có những người không chịu làm thì anh ta đánh người ta…
Sáng ra, anh kêu dậy tát nước mà chưa kịp dậy là anh ta múc nước biển đổ lên người mình. Mỗi một đêm, sáng ra là nước ngập nửa ghe rồi.”

Công khai câu chuyện
Ai cũng phải tát nước hết, thành ra, ngoại trừ con nít thôi, ai cũng phải tát hết, cho nên tui quả quyết rằng 52 người còn sống sót người nào cũng phải ăn hết, anh Minh đưa cho tui hai phần vì tui có con nhỏ, nhưng tui cũng phải tát nước.. có những người không chịu làm thì anh ta đánh người ta…
Cuối cùng, đến ngày thứ 37, như một phép mầu, một chiếc tàu đánh cá Phi đi qua đã vớt những thuyền nhân khốn khổ này và đưa vào đảo Bolinao, sau đó, họ được chuyển tới trại tạm cư Palawan và câu chuyện của họ được khám phá.
Vị hạm trưởng chiến hạm Mỹ bị đưa ra toà án quân sự, và những thuyền nhân sống sót lần lượt đi định cư, trong số đó có chị Trịnh Thanh Tùng. Đến Mỹ năm 1991, sau một thời gian ổn định cuộc sống, chị trở thành cô thợ cắt tóc bình thường như bao phụ nữ khác, chỉ biết cố gắng nuôi dậy đưá con trai sao cho nên người.

Những tưởng cuộc sống sẽ bình lặng nhưng không đơn giản như thế, vì mỗi khi đêm xuống, trong một thoáng nào đó, sâu thẳm trong trái tim chị, hình ảnh những người đồng hành trên chiếc ghe năm xưa vẫn còn ám ảnh: “Tui nhớ mãi có một chị đó ngồi ngoài sau chiếc ghe, và ngoài đó thì nắng quá, chị đó người Hoa, không nói tiếng Việt, chị ngồi đó mà chết luôn, người chị khô và đen, y như là bức tượng chứ không phải là người, mắt mũi miệng của cổ sùi bọt trắng bóc, giống như bọt kem đánh răng vậy.
Tui nhớ nhất là chị Năm, nằm cạnh tui, chị cứ nói là: “lạnh quá, Tùng ơi, ôm chị đi.” Tui đưa áo mưa của tui cho chị ấy luôn và ôm chị, sáng ra thì chị ấy chết…”

Cho đến một ngày, một người bạn của chị nói với chị rằng, có đạo diễn Nguyễn Hữu Đức nhắn tin trên Đài phát thanh địa phương đang đi tìm những nhân chứng trong vụ án Bolinao 52 năm xưa.
Suy nghĩ mãi, cuối cùng, chị đồng ý cho gặp mặt và cũng từ đó, câu chuyện về chuyến vượt biển kinh hoàng mới được chị công khai cho mọi người và nhất là cậu con trai nay đã trưởng thành. Và, điều quan trọng hơn cả, tâm nguyện của chị là:
“ Tui muốn đi về Bolinao để cảm ơn họ, mặc dù sống ở đó có 7 ngày nhưng tui ráng nhớ chỗ đó để khi có dịp trở lại, vì theo tui, đó là nơi tui được sanh ra lần thứ nhì, ước nguyện của tui là được trở về thăm lại chỗ đó.
Trước khi tui đi Bolinao, tui cảm thấy mình chưa làm xong điều gì hết, tui muốn trở về để thăm và ra ngoài biển, vái những người bạn của tui cũng như vái những người đã giúp cho tui sống.”

Với một tâm hồn bình dị, đơn sơ và đầy lòng vị tha, khi chị gặp lại một trong những người thuỷ thủ trên chiến hạm Mỹ năm xưa đã ngoảnh mặt làm ngơ, để gây ra thảm cảnh đau lòng, chị chỉ hỏi ông ta rằng:
“Tôi đã hỏi ông ta tại sao không giúp, thì ông ta nói rằng ông chỉ thừa hành lệnh thôi, tất cả những người trên chiếc tàu đều giống như ông ta thôi, đều cảm thấy có tội khi bỏ chiếc ghe mà đi…Chính ông bác sĩ trên tàu của họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng giường để đón qua, nhưng họ rất sững sờ khi thuyền trưởng ra lệnh đi, vì họ biết chiếc ghe này sẽ chết..”

Trở lại Bolinao
Giờ đây, sau khi đã về lại Bolinao, nơi chị được cưu mang chỉ có 7 ngày, gặp lại ân nhân đã cứu mạng, cùng ra biển thắp nhang cho 58 người thiệt mạng, lòng chị cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản:
“Sau khi trở về, tui cảm thấy sống bình yên hơn…Tui chỉ ước mơ cho con tui thành tài, mình qua đây đâu phải cho mình đâu, mà để lo cho con mình. Nghĩ về quãng đời qua của mình, tui nghĩ con người ai cũng có số, mình muốn cũng không được, cuộc đời nó đưa đẩy thì mình phải chấp nhận như vậy…
Can đảm thì cũng không phải là can đảm gì vì gặp hoàn cảnh như vậy thì mình phải làm như vậy thôi…Khi tui ở trên ghe, không bao giờ tui nghĩ tui sẽ chết, tui được như vậy là Trời Phật thương mình lắm rồi, mình không cần phải giàu, không cần phải đi xe đẹp, không cần phải mặc quần áo sang…cuộc sống bình lặng như vầy là được rồi.”

Chị Trịnh Thanh Tùng và gia đình ân nhân ở Bolinao. Photo courtesy bolinao52.com

Chị Trịnh Thanh Tùng trong chuyến trở về lại Bolinao. Photo courtesy Bolinao52.com

Riêng với cậu con trai vượt biên với chị chưa đầy 5 tuổi năm xưa, nay đã là lính thuỷ quân lục chiến trong quân đội Hoa Kỳ, thì cho đến bây giờ anh mới được nghe mẹ kể lại. Chúng ta hãy nghe anh Phan Thanh Lâm tâm sự:
“Tôi chỉ nhớ rằng trên thuyền, tôi rất yếu, chỉ nằm thôi, và đã bị đói khát, tôi phải ăn cả kem đáng răng, nhưng sau cùng, mẹ tôi cũng tìm cho tôi đồ ăn, mà tôi không biết đó là thức ăn gì, cho đến bây giờ tôi mới hiểu ra…
Nhưng tôi nghĩ, chẳng qua vì chúng tôi phải sống mà thôi. Tôi không ngờ suốt mười mấy năm qua, bà đã phải chịu đựng sự dằn vặt như thế. Mẹ tôi đã hy sinh cho tôi rất nhiều và bà ấy là một người mẹ tuyệt vời. Nếu mẹ tôi không can đảm đưa tôi qua đây, để tôi được như ngày nay, thì tôi không biết rằng tương lai của tôi ở Việt Nam sẽ ra sao nữa.”

Qúi vị và các bạn vừa nghe câu chuyện của chị Trịnh Thanh Tùng, người phụ nữ sống sót trong chiếc ghe nhỏ Bolinao 52 năm xưa. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

© 2007 Radio Free Asia
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: