Nguyễn Minh Tuấn
Nghiên cứu sinh tại ĐH Saarland, Đức
Nghiên cứu sinh tại ĐH Saarland, Đức
17/04/2011
Philipp Rösler là một cái tên mà đến nay không còn xa lạ với chính trường nước Đức, cũng như người dân Đức.
Xuất thân là một cậu bé mồ côi người Việt, Rösler được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi và đưa sang Đức khi mới 9 tháng tuổi[1]. Từ tháng 10 năm 2009, Rösler được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế Đức. Trong Đại hội Đảng toàn liên bang của Đảng Dân chủ Tự do FDP dự kiến tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 5 năm 2011 sắp tới, Rösler sẽ chính thức trở thành người kế nhiệm Westerwelle trong cương vị là Chủ tịch Đảng FDP, đồng thời giữ chức Phó Thủ tướng của nước Cộng hòa liên bang Đức[2].
Năm nay Rösler 38 tuổi, là Bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Đức và có thể sẽ là Chủ tịch Đảng FDP trẻ tuổi nhất trong lịch sử của Đảng này vào tháng 5 tới đây.
Điều gì tạo nên thành công của Rösler hôm nay?
Tôi cho rằng, thành công của Rösler là sự tổng hợp đầy đủ của ba yếu tố sau đây:
1. Yếu tố cá nhân
Philipp Rösler là một người thông minh, có tài, năng động và quyết đoán – đó là những nhận xét, hơn thế là sự thừa nhận của không chỉ Thủ tướng Merkel[3], hay người tiền nhiệm Westerwelle, mà ngay cả chính những đối thủ khác trong cuộc tranh cử vào chức Chủ tịch này, cũng như các Đảng đối lập[4].
Điều tạo nên những tố chất ấy có phần do bẩm sinh[5], có phần do phấn đấu, nỗ lực liên tục của chính Rösler[6].
2. Yếu tố gia đình
Không có cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi dạy thì chắc chắn Philipp Rösler sẽ không có ngày như hôm nay. Rösler cũng thừa nhận ông ảnh hưởng rất nhiều từ sự giáo dục của người cha nuôi[7].
Hiện tại Rösler có một gia đình đầm ấm, có vợ (Wiebke Rösler) và hai cô con gái sinh đôi – nguồn động lực để Rösler phấn đấu trong công việc[8].
3. Yếu tố ngoài gia đình (môi trường giáo dục và môi trường xã hội)
- Về môi trường giáo dục:
Nếu như giáo dục ở ta nặng về lý thuyết sách vở, coi “trẻ nhỏ là đối tượng giống như một cái bình nước phải đổ đầy“, thì giáo dục ở các nước Phương Tây coi trọng kỹ năng và thực hành, coi “trẻ nhỏ là đối tượng giống như một ngọn đuốc cần phải được thắp sáng”.
Triết lý và cách làm khác nhau thì ắt dẫn đến kết quả khác nhau.
Có lẽ chính từ triết lý này mà họ đào tạo ra được những con người mà theo tôi quan sát và cảm nhận có những ưu điểm như:
Tự tin hơn (ngay từ nhỏ trẻ em nước ngoài rất tự tin, khi lớn thì càng tự tin);
Có tư duy phản biện tốt hơn (biết nhìn rộng vấn đề, biết phản biện nhiều chiều và tính sáng tạo rất cao. Chính nhờ thói quen phản biện, thậm chí phản biện chính mình, người ta mới dần phát hiện ra những lỗi lầm và tìm ra được những giải pháp tối ưu);
Chuyên nghiệp hơn (chuyên nghiệp ngay trong cách giao tiếp với bạn học hay đồng nghiệp; chuyên nghiệp trong cách giao việc cho những người thạo nghề; chuyên nghiệp ngay cả khi hỗ trợ nhau những lúc gặp khó khăn);
Tự do hơn (giáo dục tạo cho người học những không gian tự do riêng, vì thế cũng hình thành tính tự quyết cao hơn, một phần do ngay từ bé, trẻ nhỏ không chịu sự chỉ đạo, ép buộc nặng nề từ phía người lớn);
Trách nhiệm cao hơn (trách nhiệm với bản thân, với gia đình, công việc và xã hội).
Tự tin hơn (ngay từ nhỏ trẻ em nước ngoài rất tự tin, khi lớn thì càng tự tin);
Có tư duy phản biện tốt hơn (biết nhìn rộng vấn đề, biết phản biện nhiều chiều và tính sáng tạo rất cao. Chính nhờ thói quen phản biện, thậm chí phản biện chính mình, người ta mới dần phát hiện ra những lỗi lầm và tìm ra được những giải pháp tối ưu);
Chuyên nghiệp hơn (chuyên nghiệp ngay trong cách giao tiếp với bạn học hay đồng nghiệp; chuyên nghiệp trong cách giao việc cho những người thạo nghề; chuyên nghiệp ngay cả khi hỗ trợ nhau những lúc gặp khó khăn);
Tự do hơn (giáo dục tạo cho người học những không gian tự do riêng, vì thế cũng hình thành tính tự quyết cao hơn, một phần do ngay từ bé, trẻ nhỏ không chịu sự chỉ đạo, ép buộc nặng nề từ phía người lớn);
Trách nhiệm cao hơn (trách nhiệm với bản thân, với gia đình, công việc và xã hội).
Nền giáo dục ở Đức đã và đang đào tạo ra nhiều người tài, theo nghĩa là người có năng lực, trình độ và làm việc một cách chuyên nghiệp. Chẳng vậy mà người ta vẫn nói: “nước Đức là một nước không giàu có về tài nguyên, nhưng vô cùng giàu có về đội ngũ trí thức và người lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao“[9].
Và thật may mắn, Philipp Rösler đã được hưởng thụ một nền giáo dục như thế!
- Về môi trường xã hội:
Nước Đức là một nhà nước có trật tự, một nhà nước dân chủ và thượng tôn luật pháp.
Đây là nơi mà phẩm giá, tài năng, tự do của con người luôn được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Đây cũng là nơi mà mọi ý tưởng, quan điểm, chính kiến của con người đều được trân trọng.
Tóm lại, thiếu một trong ba yếu tố trên, thì không có một Philipp Rösler như hôm nay. Liệu chúng ta có thể học được gì từ nước Đức, để nước Việt có nhiều nhà lãnh đạo tài năng như Philipp Rösler?
------------------------
Chú thích:
1Rösler kennt seinen Geburtstag nicht (Rösler không biết ngày sinh của mình);http://www.netzeitung.de/entertainment/people/1507099.html.
2Rösler wird neuer FDP Chef (Rösler sẽ trở thành chủ tịch mới của Đảng FDP) ; http://www.manager-magazin.de/politik/deutschland/0,2828,755207,00.html.
3Merkels Liebling (Người được thủ tướng Merkel tin tưởng); http://www.zeit.de/2011/15/Roesler. Bài viết tổng hợp về cuộc đời và sự nghiệp của Philipp Rösler: http://www.spiegel.de/wikipedia/Philipp_R%C3%B6sler.html.
4Rösler wird neuer FDP Chef Rösler sẽ trở thành chủ tịch mới của Đảng FDP); http://www.manager-magazin.de/politik/deutschland/0,2828,755207,00.html.
5Bẩm sinh ở đây ý muốn nói những tố chất di truyền đặc trưng, riêng biệt ngay từ khi sinh ra đã có.
6Sự nỗ lực cá nhân ở đây ý muốn nói đó là quá trình phấn đấu, rèn luyện liên tục của chính Rösler.
7Vom Weisenkind zum Vizekanzler (Từ đứa trẻ mồ côi trở thành Phó thủ tướng); http://www.bild.de/politik/inland/philipp-roesler/vom-waisenkind-zum-vizekanzler- gesundheitsminister-parteivorsitzender-17269948.bild.html.
8Philipp Rösler – Polician and Doctor (Philipp Rösler – nhà chính trị và bác sĩ); http://www.dw-world.de/dw/article/0,,3998647,00.html.
9Do có nhiều người tài, nên nước Đức cũng thu hút được “chất xám” của nhiều nước khác trên thế giới đến làm việc. Người tài thường muốn được làm việc với những người tài. Điều này cũng là tự nhiên, vì đối với bất cứ người lao động nào, môi trường làm việc xem ra mới là điều quan trọng.
N.M.T
.
.
.
No comments:
Post a Comment