Sunday, November 7, 2010

ĐỪNG GIẢI TRANG CĂN CỨ QUÂN SỰ CAM RANH (Nguyễn Đạt Thịnh)

Nguyễn Ðạt Thịnh
November 07, 2010

Việt Cộng đang chủ trương giải trang căn cứ quân sự Cam Ranh, trong một thông cáo đăng trên website bộ Ngoại Giao, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn nhân của bộ, nói hải cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, sẽ được khai thác tiềm năng để "phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Câu nói có thể dịch cách nào, hiểu cách nào cũng được.
Tuy nhiên sân bay Cam Ranh đang trở thành sân bay dân sự, và Việt Nam "sẽ không hợp tác với nước ngoài để sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự".
Câu nói này phản ánh tình trạng "muốn bảo vệ tổ quốc, nhưng vẫn ném khẩu súng đang cầm trên tay xuống đất, để không phật ý người Tầu".

Người Tầu không muốn Cam Ranh trở lại vị trí đúng của nó là một căn cứ quân sự lý tưởng, hội đủ mọi thuận lợi cho việc sử dụng hải và không lực, hai sức mạnh thực sự quan trọng nếu tranh chấp Biển Ðông chuyển đổi từ tình trạng căng thẳng hiện nay sang hình thái va chạm quân sự.
Mời bạn đọc quan sát địa hình Cam Ranh dưới góc nhìn quân sự qua bức bản đồ này: Cam Ranh là một bán đảo, chỉ bám vào đất liền bằng một giải đất hẹp và một cây cầu; cả hai cùng dễ dàng kiểm soát để bảo vệ căn cứ quân sự đặt bên trong bán đảo.
Từ Hải Phòng xuống đến Vũng Tầu, bờ biển Việt Nam không thiếu chỗ để thiết lập hải cảng hay phi trường dân sự, nhưng tìm địa điểm để thiết lập một căn cứ quân sự có đủ thuận lợi cho cả không quân lẫn hải quân thì không chỗ nào hơn Cam Ranh.

Trong cuộc nội chiến Việt Nam , quân đội Hoa Kỳ, đến giúp Nam Việt, đã thiết lập tại Cam Rang một căn cứ hải-không quân mà họ cho là nhiều tiện nghi và thuận lợi không kém căn cứ Subic Bay tại Phi Luật Tân, hay căn cứ Okinawa tại Nhật.
Ðường bay của phi trường Cam Rang rất dài khiến mọi loại phi cơ, kể cả phóng pháo cơ B52 dễ dàng cất cánh và đáp xuống; tiện nghi kỹ thuật để bảo trì và sửa chữa mọi loại phi cơ quân sự được thiết kế, trang bị tân tiến; hệ thống kho đụn tàng trữ và bảo vệ quân cụ, đạn dược vượt quá mức đầy đủ.
Quân cảng Cam Rang từ Họn Nhạn đến Mũi Cam Linh có thừa chỗ cho nguyên cả Hạm Ðội 7 thả neo, mặc dù một cuộc tập trung hàng ngàn chiến hạm như vậy chưa bao giờ xẩy ra.
Mũi Ðá-Hả-Miệng, có mức sâu trên 30 thước, từng là căn cứ tiềm thủy đĩnh lớn có thể so sánh với căn cứ tiềm thủy đĩnh Okinawa .
Nga thuê căn cứ Cam Ranh từ 1979 nhưng rút đi hồi tháng Năm 2002 vì giá thuê quá cao -300 triệu đôla mỗi năm.
Cam Ranh từng là căn cứ quân sự lớn nhất của hải quân Nga tại nước ngoài và đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch của hải quân Nga, Cam Ranh còn là quân cảng duy nhất cho phép tàu chiến Nga hiện diện và hoạt động trong khu vực Biển Ðông, Ấn Ðộ Dương và Vịnh Ba Tư.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đến thăm Việt Nam cuối tháng Ba 2010, trong dịp này ông đã bàn với Việt Cộng việc "hoàn tất một số hợp đồng mới trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quốc phòng từ nay tới 2020", trong đó có thỏa thuận về thiết lập căn cứ tàu ngầm.

Báo Nga nhận định là việc xây dựng căn cứ tàu ngầm và nhà máy bảo trì chiến hạm, khiến  hải quân Nga lại tiếp tục có mặt tại Việt Nam. Báo điện tử Vladivostok Online phổ biến bài "Hạm đội Thái Bình Dương quay lại Cam Ranh?"của tác giả Tatyana Grigoryeva. Bài báo nói hạm đội này, cho tới khi rút đi năm 2002, đã từng quản lý hai cầu cảng lớn cho tàu và tàu ngầm, cùng khoảng 30 xưởng cơ khí có đủ máy móc, cùng một đường bay mà nhiều loại phi cơ có thể sử dụng ở quân cảng Cam Ranh.
Tác giả viết, với thỏa thuận thiết lập căn cứ cho sáu chiếc tàu ngầm hạng kilo mà Việt Nam đã đặt mua của Nga, Hạm đội Thái Bình Dương một lần nữa sẽ chịu trách nhiệm về quá trình xây dựng cũng như duy trì cơ sở này.
Dĩ nhiên Trung Cộng không "thoải mái" với viễn ảnh hạm đội Thái Bình Dương của Nga hiện diện tại Cam Ranh, cản trở tham vọng cuốn Biển Ðông vào vùng lưỡi bò. Do đó Việt Cộng phải cam kết là Cam Ranh "sẽ chỉ được sử dụng với mục đích dân sự". Nhiều quan sát viên nói là Hà Nội phát ngôn một quyết định của Tầu.
Hà Nội còn đề nghị Mạc Tư Khoa giúp xây dựng một nhà máy bảo trì và sửa chữa tàu chiến, nơi mà trong tương lai, các tàu hải quân Nga trên đường làm nhiệm vụ tại các vùng biển xa xôi ở Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương có thể cập bến sử dụng dịch vụ. Công tác xây dựng này thật ra chỉ là trùng tu những thiết trí của Hoa Kỳ mà Nga đã sử dụng suốt 23 năm.
Trùng tu và tân trang một hải quân công xưởng tại Cam Ranh cũng là nhu cầu của Nga, vì hiện nay Nga chỉ có một trung tâm sửa chữa tàu chiến tại Syria .
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov trong chuyến thăm Việt Nam tháng Ba 2010, đã bàn về việc "hoàn tất một số hợp đồng mới trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quốc phòng từ nay tới 2020", trong đó có thỏa thuận về thiết lập căn cứ tàu ngầm, và thúc đẩy các hợp đồng mua vũ khí mới.
Hãng thông tấn Ria-Novosti trích lời người phát ngôn cho ông Serdyukov nói ông hội kiến với  Nguyễn Minh Triết và Phùng Quang Thanh. Sau khi thảo luận với Thanh, ông nói với truyền thông là Nga và Việt Nam đang tìm cách hoàn tất một số hợp đồng mới trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quốc phòng từ nay tới 2020.
Hãng Itar-Tass trích lời Serdyukov: "Chúng tôi đã gặp các đồng nghiệp Việt Nam. Nhiều vấn đề quan trọng đã được thảo luận. Vấn đề thứ nhất liên quan đến hợp tác kỹ thuật quốc phòng; đã có tiến bộ đáng kể. Trong khoản thời gian 2008 - 2009, hai bên ký nhiều  hợp đồng trị giá tổng cộng 4,5 tỷ đôla.

"Chúng tôi đang thảo luận để hoàn tất một số hợp đồng bổ túc có hiệu lực từ nay tới 2020," Serdyukov nói. Ông cho biết Việt Cộng quan tâm đặc biệt tới các hệ thống phòng không của Nga. Họ quan tâm tới tất cả những gì ch́úng tôi có, thí dụ các hệ thống tên lửa Tor, Buk và S-300." Trước khả năng không quân to lớn của Trung Cộng, ưu tư phòng không của Việt Cộng tưởng cũng dễ hiểu.
Serdyukov nói Nga sẵn sàng bán cho Việt Cộng, mọi quân dụng họ cần, kể cả những vũ khí tiên tiến nhất vừa được giới kỹ nghệ quốc phòng Nga chế tạo.
Vấn đề thứ nhì được Việt Cộng đem ra thảo luận với Serdyukov là hợp tác quân sự Việt-Nha; ông tiết lộ tổng cộng 14 hoạt động chung được thảo hoạch cho năm 2010, những "hoạt động chung" này được thực hiện tại trên lãnh thổ, lãnh hải Nga và Việt Nam.
Ông Serdyukov cũng cho hay phía Việt Cộng muốn Nga giúp cung cấp phụ tùng sửa chữa quân cụ do Nga sản xuất mà quân đội Việt Cộng đang sử dụng; dĩ nhiên ông đồng ý. "Tôi đã đề nghị các đồng chí Việt Nam cho chúng tôi chi tiết về mọi nhu cầu, và gửi chuyên gia sang Nga," Serdyukov nói.
Liên hệ quốc phòng Việt - Nga được đánh giá là nối tiếp và chiến lược. Họ đã mật thiết cộng tác từ 1953, lúc còn Liên Bang Sô Viết; liên hệ này vẫn nối tiếp: năm 1998 Mạc Tư Khoa và Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng, và một ủy ban chuyên trách về những liên hệ này được thành lập năm 1999.
Tháng 10/2008, trong chuyến Nguyễn Minh Triết sang Nga, hai bên đã đưa ra chiến lược hoạt động hợp tác quốc phòng và quân sự cho tới năm 2020.
Các hợp đồng quân sự giữa hai bên trong năm 2008 là vào khoảng hơn 1 tỷ đôla, năm 2009 là trên 3,5 tỷ. Trị giá hợp đồng ký đầu năm nay là gần 1 tỷ đôla, và Việt Nam đang là một trong 4 nước  mua vũ khí của Nga nhiều nhất, ba nước kia là Ấn Ðộ, Algeria, và Trung Quốc.
Trong các hợp đồng ký năm 2009, Việt Nam đặt mua 6 tàu ngầm hạng Kilo Project 636 trị giá 4 tỷ đôla, 8 chiến đấu cơ Su-30MK2 Flanker-C trị giá 400 triệu đôla. Tháng Hai 2010, Việt Nam cũng đặt mua thêm 12 chiếc Su-30MK2 trị giá nhiều tỷ đôla.
Giới quan sát quân sự nói trong thời gian 2011-2012, Việt Nam có thể sẽ mua mỗi năm khoảng 1 tỷ đôla tiền vũ khí và thiết bị quốc phòng của Nga.Nga cũng đang chuẩn bị giao hai tàu chiến Gepard 3.9 cho hải quân Việt Cộng vào cuối năm nay.
Mâu thuẫn của Việt Cộng là một mặt tăng cường khả năng quốc phòng, mặt khác giải trang Cam Ranh, phương tiện quân sự quan trọng nhất. Chỉ có thể luận ra là bàn tay quân sự làm một việc, bàn tay ngoại giao làm việc trái ngược lại: kế hoạch dân sự hóa căn cứ Cam Ranh do bộ ngoại giao công bố. Bộ này công bố quyết định chuyển mọi hoạt động của hải cảng và sân bay sang mục tiêu kinh tế và du lịch.

Dù cho chiến tranh Việt-Hoa không thực sự xẩy ra, những tình trạng "sử dụng và hăm dọa sử dụng sức mạnh" để áp đặt quyết định một chiều (ngôn từ của ngoại trưởng Hillary Clinton) vẫn là một thực tế không ai chối cãi.
Một thực tế khác, chua chát hơn, là Việt Cộng hoàn toàn không chống cự lại sức mạnh của Trung Cộng đàn áp, bắn giết, bắt bớ ngư dân Việt Nam. Chúng có lý do của chúng: theo Tầu để bảo vệ chế độ cộng sản, bảo vệ ghế ngồi quyền lực.
Thái độ Trung Cộng không chấp nhận sự hiện hữu của căn cứ quân sự Cam Ranh cũng dễ hiểu: những chiến hạm, những tiềm thủy đĩnh và những chiến đấu cơ bố trí tại đây đe dọa "chủ quyền" của Tầu trên lãnh hải Việt Nam .
Giải pháp Clinton và thiện chí của Nga trở lại Cam Ranh đang làm viễn ảnh Biển Ðông sáng sủa hơn, nhưng trở lực chót vẫn là thuyết phục Việt Cộng bảo vệ lãnh hải, mà việc đầu tiên là đừng giải giới căn cứ quân sự Cam Ranh.
Việc Nga mướn rồi phải trả lại Cam Ranh vì không đủ sức chi 300 triệu mỹ kim mỗi năm  hầu hiện diện trên vùng biển Ðông Nam Á và Ấn Ðộ Dương đủ nói lên trị giá quân sự của Cam Ranh, vậy mà Việt Cộng lại triệt phá giá trị tự vệ quý báu đó!

Nguyễn Ðạt Thịnh
.
.
.

No comments: