Tuesday, November 2, 2010

ÁN TÙ CHO 3 NHÀ TRANH ĐẤU VÌ QUYỀN LỢI CÔNG NHÂN (VOA)

Trà Mi - VOA | Washington, DC
Thứ Ba, 02 tháng 11 2010

Trong thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh ASEAN và Đông Á tại Hà Nội tuần qua, tình hình nhân quyền của Việt Nam được cộng đồng quốc tế, giới truyền thông, cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới nhắc tới nhiều, đặc biệt là các vụ bắt bớ blogger, các vụ xét xử những nhân vật bất đồng chính kiến ôn hòa, trong đó có các bản án tới 9 năm tù giam dành cho 3 nhà hoạt động công đoàn trẻ tuổi tại miền Nam.
Trong trong chương trình Tạp chí Thanh niên hôm nay, Trà Mi mời các bạn cùng tìm hiểu câu chuyện của ba người bạn trẻ này nhé.

Hình : Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh

Phiên tòa ở Trà Vinh hôm 26/10 tuyên phạt ba nhà hoạt động trong độ tuổi 20 gồm Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 9 năm tù, Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh, 7 năm tù, về tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân”, theo điều 89 Bộ luật Hình sự.

Tin cho hay ba thanh niên này đã rải truyền đơn tại Trà Vinh, Đồng Nai, và TPHCM với nội dung kêu gọi dân chủ, đồng thời kêu gọi công nhân xí nghiệp giày Vĩnh Phong ở Trà Vinh tranh đấu đòi cải thiện lương bổng và quyền lợi của người lao động mà theo báo chí trong nước mô tả là “lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động và tiền lương của công nhân để tuyên truyền, kích động công nhân đình công, biểu tình”. Trong số ba người trẻ này có anh Đoàn Huy Chương từng bị kết án 1 năm rưỡi tù giam về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” hồi năm 2007. Anh là một trong những sáng lập viên của Hiệp hội Đoàn kết Công-Nông, tổ chức độc lập không được nhà nước công nhận.

Nói về phiên tòa xét xử con trai mình về những hoạt động cổ võ cho quyền lợi người lao động, ông Hoàng, thân phụ của anh Quốc Hùng vừa bị tuyên án 9 năm, không kiềm được bức xúc:
“Họ xử sao kỳ quá. Tôi thấy hình như không đúng sự thật. Tụi nó giúp công nhân có lương tốt, có bảo hiểm, giúp công nhân có đồng lương khá hơn mà sao họ quy trách nhiệm là phản động. Họ ép cung, cuối cùng cũng cho mình có tội thôi. Nói họ không cho nói. Con tôi không vi phạm gì tới nỗi phải lãnh án 9 năm. Tôi thấy hơi quá đáng. Phải có tiếng nói để con tôi nhẹ tội chứ nó giúp những người lao động sao lại gọi là tội “phá rối trị an, lật đổ chính quyền?!”

Ông Hoàng cho biết thêm lần gặp đầu tiên tại tòa sau 8 tháng con trai bị tạm giam, tình trạng sức khỏe và tinh thần của anh Hùng sa sút trầm trọng:
“Tinh thần Hùng xuống nhiều lắm, ốm và phải có người đi kè, như người mất hồn mất trí, kiệt sức dữ lắm. Có thể là cháu bị ép cung hay bị đánh đập gì đó.”

Bản án 7 năm dành cho cô gái 25 tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh đã khiến gia đình và bạn bè cô bàng hoàng, tuyệt vọng, vì theo nhận xét của những người quen biết cô, Hạnh là một cô gái rất nhiệt tâm với xã hội:
“Hạnh là một cô gái rất bộc trực, mạnh mẽ và thẳng thắn, rất có nhiệt huyết với xã hội. Thỉnh thoảng cô cũng bày tỏ những bức xúc về những tiêu cực trong xã hội. Hạnh là người khách quan. Có lẽ cần phải xem xét kỹ hơn, khách quan hơn về trường hợp của cô ta. Tôi nghĩ nhà nước có lẽ cũng hơi lo xa, chứ còn thật ra một cô gái như vậy không thể gọi là “phá rối” được.”

Sức khỏe và tinh thần của thân mẫu cô Hạnh, bà Ngọc Minh, đã suy sụp hoàn toàn trước bản án của tòa. Phải mất nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới thực hiện được cuộc trao đổi với bà vì bà không nén được cơn xúc động trước nỗi đau quá lớn này:
“Tôi thấy có gì đó không ổn. Con tôi bị oan, nó kêu mà không được. Tại tòa nó lên tiếng phát biểu nhưng tòa không cho. Ba ngày sau khi tòa xử án, ngày 29/10, chúng tôi xuống trại giam xin vào thăm cháu được trại tạm giam công an huyện Trà Vinh cho phép vào gặp mặt. Tôi có hỏi cháu rằng con có kháng án không. Cháu chần chừ e ngại, bảo rằng thôi. Tôi hỏi tại sao. Nó bảo nếu nó không kháng án sẽ được giảm án phân nửa còn 3,5 năm. Còn kháng án tính ra cũng chẳng ăn thua gì. Lúc chúng tôi ngồi nói chuyện công an đông lắm. Họ bảo ngoài vấn đề sức khỏe mà nói về bản án thì họ không cho gặp nữa. Bây giờ tôi chưa biết cháu có kháng án hay không. Hôm nay, con gái của tôi xuống đó xin gặp Hạnh để hỏi rõ quyết định của Hạnh vì Hạnh làm đơn kháng án thì chúng tôi mới mời luật sư được. Người nhà của Hùng và Chương cũng mong người thân mình kháng án, nhưng người nhà đi quanh, không biết làm sao gặp được các bị cáo. Công an không cho gặp. Lên tòa hỏi thì tòa bảo họ hết thẩm quyền rồi. Bây giờ kêu lên các cấp cao hơn chúng tôi biết kêu ở đâu? Bây giờ tôi không biết làm sao cứu con tôi được. Tôi chỉ cảm thấy đau khổ, không còn bình tĩnh được nữa. Từ khi cháu bị bắt, tôi nghĩ rằng nếu cháu có tội nặng nhẹ gì thì nhà nước xem xét, chứ chúng tôi cũng không dám phản đối hay than phiền gì cả. Nhưng tới khi phán án, tôi bàng hoàng và ngỡ ngàng, không ngờ tới mức độ như vậy. Tôi không còn biết nói gì. Bây giờ tôi rất lo sợ cháu không dám kháng án. Mà kháng án cũng không biết có được gì không.”
Bà mẹ đau khổ kể tiếp:
“Lúc tôi vô thăm cháu lần thứ tư, tôi có hỏi cháu có muốn mời luật sư không, nó bảo việc làm nó rất trong sáng, không cần mời luật sư tốn tiền, nó tự bào chữa được. Tôi đã lên mạng tìm hiểu kỹ về những trường hợp bị tội với nhà nước về bất đồng chính kiến. Tôi thấy những người vi phạm điều 79, 88 bị từ 3-5 năm tù. Con tôi bị quy điều 89 là nhẹ nhất lại bị tuyên 7 năm. Cho nên tôi rất bàng hoàng. Tôi không biết tin ai, hy vọng vào ai. Con bé này hiếu thảo và rất thương người, giúp người nghèo. Ra đường thấy người ta lượm bịch ni lông còn mấy chục ngàn nó cho hết. Thấy người ta bị té, bị thương , nó xé áo băng bó rồi đưa họ đi bệnh viện. Thế mà nó lại bị đi tù. Tôi đau lòng lắm. Con tôi kêu oan trong tòa. Trước khi chị nó về, nó kêu chị nó, nói rằng “Em oan lắm chị ơi”. Ra ngoài nó hát cho Chương và Hùng nghe rằng “Chúng ta sống chết có nhau” liền bị công an dúi đầu nó xuống đập vào thùng xe.”

Ba nhà hoạt động trẻ Hạnh, Chương, Hùng cũng bị chính quyền Việt Nam cáo buộc đã nhận tiền của một tổ chức phản động ở hải ngoại có tên là “Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam” trụ sở tại Ba Lan do ông Trần Ngọc Thành sáng lập để tiến hành các hoạt động tranh đấu của mình.

Ông Ngọc Thành phản hồi trước cáo buộc này:
“Nhà cầm quyền Việt nam luôn vu cáo những người họ bắt một là nhận tiền của người nước ngoài, hai là gây rối an ninh trật tự. Cô Hạnh, anh Hùng, và anh Chương là những tấm gương điển hình cho thế hệ trẻ ngày nay tranh đấu vì bất công xã hội và giúp đỡ những người nghèo, dân oan, công nhân, những người thấp cổ bé họng. Lẽ ra họ phải được xã hội trân trọng. Nhưng vì nhóm người cầm quyền hiện nay vì bảo vệ quyền lực và quyền lợi tham nhũng của họ, họ luôn vu cáo cho những người tranh đấu vì quyền lợi của dân tộc và của nhân dân nói chung, đẩy họ vào vòng lao lý.
Trên 10 ngàn công nhân đình công ở nhà máy Vĩnh Phong vì giới chủ quỵt lương, khấu trừ lương vô lý, khen thưởng không công bằng, tính toán lương không đúng, một số chủ xúc phạm nhân phẩm của công nhân nữ. Đây là những điều mà báo chí của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa ra chứ không phải cô Hạnh, anh Hùng, anh Chương mà kích động được hơn 10 ngàn công nhân đình công.”


Trước khi phiên tòa diễn ra và ngay sau phiên xử kết thúc, hàng loạt các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới đã ra thông cáo, đồng loạt lên án bản án của ba nhà hoạt động trẻ Hạnh, Chương, Hùng, và yêu cầu Việt Nam phải phóng thích họ vô điều kiện. Trong số này, có các tổ chức như Ân xá Quốc tế, Tổ chức phóng viên không biên giới, hay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch.

Từ trụ sở ở New York, bà Elaine Pearson, Phó Giám đốc Phân vụ Châu Á thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Tổ chức Human Rights Watch, lên tiếng với đài VOA:
“Chúng tôi biết rằng trong thời gian gần đây ở Việt Nam có một chiến dịch đàn áp lớn đối với các nhà hoạt động công đoàn. Quan điểm của chúng tôi là bất cứ người nào có những hoạt động ôn hòa, vận động cho quyền lợi của người lao động mà bị bắt giữ là bất hợp pháp. Họ không nên bị buộc tội. Việt Nam có những luật lệ về an ninh quá rộng tạo điều kiện cho chính quyền cầm tù những ai có những hoạt động mà bất cứ xã hội nào cũng nên cho phép, những hoạt động được bảo đảm dưới bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Những tội danh mà Việt Nam nêu ra nên dành cho những ai tìm cách gây bạo động chống chính phủ. Chúng tôi cho rằng ngay từ đầu cả ba người này đã không nên bị bắt giữ chứ đừng nói đến việc họ bị tuyên án tù. Các nước viện trợ cho Việt Nam và giới đầu tư vào Việt Nam nên lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội đối xử đứng đắn với công dân và phóng thích tất cả những người bị cầm tù vì có những hoạt động đấu tranh ôn hòa.”

Chúng ta vừa nghe ý kiến của giới bảo vệ nhân quyền, cũng như từ người thân, bạn bè của ba nhà hoạt động trẻ Minh Hạnh, Huy Chương, và Quốc Hùng về các bản án từ 7 đến 9 năm tù giam dành cho những hoạt động của họ cổ súy công nhân đấu tranh đòi quyền lợi.

Trước khi
Tạp chí Thanh Niên trở lại với quý vị trong một câu chuyện mới vào tuần sau, Trà Mi thân mời bạn nghe đài khắp nơi cùng chia sẻ quan điểm và trao đổi với các độc giả khác về bản án này, ngay bên dưới bài viết đăng trên trang web www.voatiengviet.com, trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên, hoặc trên trang Facebook ở địa chỉ http://www.facebook.com/VOATiengViet , cũng như trên trang Yahoo 360 độ của VOA tại http://vn.360plus.yahoo.com/voavietnam/.

Tạp chí Thanh Niên hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, trong buổi phát thanh thứ ba tuần tới. Trà Mi thân ái kính chào quý thính giả.
.
.
.

No comments: