Thursday, November 25, 2010

TRUYỀN THỐNG và Ý NGHĨA NGÀY LỄ TẠ ƠN

[Thanksgiving]
Song An Châu
Monday, November 22 @ 12:21:40 EST

Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là một lễ chính thức được diễn ra trên toàn quốc Hoa Kỳ, ngày lễ này được tổ chức vào ngày Thứ Năm (Thurday), tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 hằng năm. Năm nay Lễ Tạ Ơn vào ngày Thứ Năm 25-11-2010. Những người làm việc cho nhà nước, thường được nghỉ 4 ngày cuối tuần cho ngày lễ này. Họ được nghỉ làm hay nghỉ học vào ngày thứ Năm và thứ Sáu của tuần Lễ Tạ Ơn.
Lễ Tạ Ơn thường được tổ chức tại nhà, khác với ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ hay Giáng Sinh, những ngày lễ mà có nhiều tổ chức vui chơi công cộng.

Nguồn gốc Lễ Tạ Ơn
Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Mỹ Châu đã được tổ chức vào Tháng 11 năm 1621 tại Plymouth, Massachusetts, nhằm tỏ lòng biết ơn nhóm dân da đỏ và đặc biệt là với một thổ dân có tên là Tisquanto, được gọi tắt là Squanto. Chuyện được kể rằng, những năm tháng đầu tiên đầy gian truân của một nhóm 102, gồm cả 35 người thuộc đạo Tin Lành Cải Cách ly khai (Puritanisn separatists) người Anh di cư gọi là Pilgrims Fathers. Trước đó, vì lý do tín ngưỡng bị đàn áp, họ rời quê hương Anh Quốc, khởi hành vào tháng 9 năm 1620 trên chiếc tàu Mayflower, một thuyền buồm trọng tải 180 tấn từ Plymouth. Đầu tiên, họ đến tạm cư tại Leyden, Hòa Lan (Netherland), nhưng cuộc sống ở đây làm họ thất vọng. Do đó, nhóm người này quyết định đi tìm một chân trời mới tại Tân Thế Giới vì họ muốn tạo dựng một thánh địa mới cho tín ngưỡng.

Trên chuyến đi sang Tân Thế Giới, họ đã trải qua bao gian lao, thử thách, gian truân và nguy khốn... Sau 65 ngày trên biển lạnh, vào ngày 21 tháng 11 năm 1620, tàu đến Cape Cod, sau cuộc hành trình dài 2750 hải lý (1 mile = 1,852 km). Cape Cod là một bờ biển chưa ai đặt chân tới (sau này là Massachusetts). Và sau khi tàu cập bến tại hải cảng Provincetown, thì Susanna White cũng cho ra đời một bé trai, đặt tên là Pelégrine (nghĩa là “người hành hương”). Tuy biết là đã đi sai đường, nhưng họ phải xuống tàu, và ký ngay ngày hôm đó một hiệp ước sống hòa hợp với dân bản xứ (Narranganset và Wampanoag). Đó là Mayflower Compact Act, trong đó ghi những gì phải làm khi định cư.
Họ tới Plymouth Rock, Massachusetts, ngày 11 tháng 12 năm 1620. Có nhiều cuộc chạm trán nho nhỏ với thổ dân da đỏ, nhưng không quan trọng lắm. Họ phải đi tìm chỗ ở khá hơn bởi vì lúc đó là mùa đông đầu tiên của họ, một mùa đông đầu tiên vô cùng khắc nghiệt và quá lạnh lẽo.
Sau 6 tháng lên đất liền, thời tiết khắc khe và thiếu thốn. Ngay từ cuối thu, vì bệnh dịch và lạnh lẽo, họ đã mất đi 46 người trong số 102 người khởi hành trên tầu Mayflower. Trong số người chết có 14 người vợ (trong số 18 người cả thảy), 13 người chồng (trong số 24 người). Những người sống sót nhờ ăn thịt gà tây hoang và bắp do người dân da đỏ cung cấp.
Nhưng mùa gặt của năm 1621 lại là một mùa tốt đẹp. Những người còn sống sót quyết định làm tiệc ăn mừng có sự tham gia của 91 thổ dân da đỏ - những người đã giúp họ sống sót trong năm đầu vì đã cung cấp lương thực và dạy họ trồng bắp và săn thú rừng. Đoàn di dân tin rằng họ không thể tồn tại được nếu không có người da đỏ giúp đỡ. Buổi tiệc được tiến hành theo phong tục cổ truyền mừng mùa màng của Anh chứ không đơn thuần chỉ là “tạ ơn” và kéo dài suốt 3 ngày.

Những Lễ Thanksgiving tiếp theo sau...
Trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ, Hội Đồng các Thuộc Địa đã định ra thêm một vài ngày Tạ Ơn trong năm (trừ năm 1777).
George Washington với tư cách là chỉ huy lực lượng giải phóng đã tuyên bố ngày Tạ Ơn trong tháng 12/1777 là ngày lễ mừng chiến thắng lính Anh tại Saratoga. Hội Đồng Thuộc Địa công bố ngày lễ Tạ Ơn vào tháng 12 từ năm 1777 đến 1783 (trừ năm 1782).
Sau khi trở thành Tổng thống, George Washington đã tuyên bố ngày lễ Tạ Ơn toàn quốc năm 1789 và 1795 dù gặp phải vài sự phản đối. Tổng Thống John Adams tuyên bố ngày Tạ Ơn vào năm 1798 và 1799. Tổng Thống Madison cũng dành ra một ngày gọi là để Tạ Ơn vào cuối cuộc chiến năm 1812.
Sau đó, nhờ bà Sarah Josepha Hale, chủ bút của một tờ báo cố gắng thuyết phục mọi người công nhận lễ Tạ Ơn bằng những bài viết của bà trên tờ Boston Ladies’ Magazine và Godey’s Lady’s Book kèm theo thư từ cho các thống đốc và các tổng thống. Cuối cùng vào năm 1863, Tổng Thống Lincoln tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11 là ngày lễ Tạ Ơn và là ngày nghỉ hàng năm. Các đời tổng thống kế tiếp cũng làm theo tiền lệ này.
Năm 1939, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt tuyên bố lễ Tạ Ơn sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 3 trong tháng 11, tạo điều kiện giúp giới kinh doanh thuận lợi trong việc bán hàng trước lễ Giáng Sinh. Song tuyên bố của ông Roosevelt không có hiệu lực vì bị nhiều bang phản đối.
Đến năm 1941, Quốc Hội Mỹ đã đạt được sự đồng thuận và định ra ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 sẽ là ngày Tạ Ơn trên toàn quốc. Ngày 26/11/1941, Tổng thống Roosevelt chính thức ký thông qua đạo luật này.

Bữa tối ăn mừng lễ Tạ Ơn:
Để ăn mừng Lễ Tạ Ơn, mọi người thường dùng thịt gà tây (turkey) nướng và bí rợ (bí đỏ) vì các món này chính là những thức ăn mà người da đỏ đã mang tới cho những người di dân ăn trong cơn đói lạnh, để tưởng nhớ và biết ơn họ đã cứu sống. Vì đoàn người di dân này đã phải chịu đựng một mùa đông giá lạnh và phân nửa đã chết. Trong tình trạng khốn cùng đó, như một phép lạ, một thổ dân da đỏ biết tiếng Anh (Năm 1605, anh được một thuyền trưởng người Anh chở về Anh để học tiếng Anh, sau trở lại làm thông ngôn) đã dẫn một số thổ dân cùng mang bí rợ và thịt gà tây tới giúp, đồng thời chỉ cho họ cách trồng trọt, bắt cá và săn bắn. Vị cứu tinh đó tên là Tisquanto mà di dân gọi tắt là Squanto.
Ông bà ta thường nói: “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”. Người Việt chúng ta là nhóm di dân sau cùng đến nước Mỹ, nhưng không giống những di dân khác tìm đường sang Mỹ Châu phần lớn vì lý do kinh tế. Người Việt chúng ta ra đi khỏi nước để tìm tự do vì không thể sống dưới chế độ độc tài, không tự do, dân chủ. Các di dân người Việt chúng ta cũng phải hòa đồng với các tục lệ người Mỹ, trong đó có ngày Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ không riêng gì của dân Mỹ, đừng nghĩ là không quan hệ đến mình. Chúng ta cũng phải tưởng nhớ đến những ân tình của những người đã giúp chúng ta sang định cư nơi đây và cám ơn những cơ quan thiện nguyện, những tổ chức tôn giáo, những người bạn tốt chưa hề quen biết đã bảo trợ, giúp đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn ban đầu khi mới tới định cư nơi miền đất tự do, trù phú này xây dựng lại cuộc đời. Xin tạ ơn Trời, tạ ơn người.

Nguồn sưu tầm: VietCatholic, Dân Đen vietbao.com, Hải Bằng HDB tuần báo Đại Chúng.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]
.
.
.
[Thanksgiving]
Thiện Ý
Nov 24th, 2010

Hàng năm vào ngày Thứ Năm của tuần lễ cuối cùng Tháng 11, Lễ Tạ Ơn Thanksgiving đã được nhân dân Hoa Kỳ đón mừng bằng một ngày nghỉ cuối tuần dài ngày (long week-end), với những bữa tiệc vui không bao giờ thiếu món gà tây nướng truyền thống. Gia đình, bạn bè tụ họp nhau để kỷ niệm một ngày mà từ thời lập quốc, Tổ Tiên họ đã dành để bầy tỏ sự cảm tạ và biết ơn Thượng Ðế đã ban cho mùa màng tốt tươi và đời sống ấm no hạnh phúc. Ðồng thời, nhân dịp này, người dân Hoa Kỳ cũng muốn bầy tỏ niềm tin vào sự quan phòng của Thượng Ðế, giúp cho đất nước Hoa Kỳ có được cơ ngơi giầu có và địa vị một siêu cường như hiện nay. Đó là ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day), ngày lễ truyền thống hàng năm của nhân dân Hoa Kỳ.

Thật vậy, ngược dòng thời gian, những di dân đầu tiên đến vùng đất mới sống ở thành phố Plymount Colony, lúc bấy giờ là một thuộc địa của đế quốc Anh (nay là một thành phố thuộc Tiểu bang Massachusetts), tổ chức Lễ Tạ Ơn Thượng Đế đã ban cho họ một mùa gặt hái hoa mầu tốt tươi, sau một mùa đông hạn hán đói lạnh. Vào năm đó, Thống Đốc William Bradford đã công bố “A Day of Thanksgiving” và tổ chức tiệc ăn mừng chung vui với tất cả các sắc dân thuộc địa gốc thổ dân bản xứ cũng như nhập cư. Lúc đầu, việc tổ chức ăn mừng ngày Thanksgiving có tính địa phương, cá nhân riêng rẽ, không vào thời
gian nhất định nào.

Sau cuộc cách mạng chống lại chế độ thuộc địa của Đế quốc Anh thành công, ngày quốc lễ Thanksgivings đầu tiên đã được Tổng Thống George Washington công bố là ngày 26-11-1789. Đến thời Tổng Thống Abraham Lincoln, vào năm 1863 thì định ngày Thanksgiving là vào ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11. Nhưng dưới thời Tổng Thống Roosevelt, trong các năm từ 1939 đến 1941, thì công bố Thanksgiving Day là ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ ba của tháng 11.
Trên thực tế vẫn chưa có sự thống nhất. Vì một số tiểu bang vẫn tổ chức lễ Thanksgiving Day vào các ngày khác nhau. Cho đến năm 1941, Quốc Hội Hoa Kỳ mới thông qua Đạo luật ấn định rằng “Thanksgiving Day” là ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư của tháng 11 hàng năm *(Congress passed a joint resolution in 1941 decreeing that Thanksgiving should fall on the fourth Thursday of November…)*

Và ngày nay, Thanksgiving Day đã được nhân dân Hoa Kỳ ăn mừng qua các lễ nghi tôn giáo và các cuộc sum họp gia đính, bè bạn đầm ấm vui tươi, trong những bữa ăn tối với gà Turky, món ăn truyền thống không bao giờ thiếu trong ngày Lể Tạ Ơn Thanksgiving của người Hoa Kỳ.

Tục ngữ Việt Nam có câu ‘‘ Nhập gia tùy tục, đáo sông tùy khúc’’, nên các thế hệ người Việt Nam tha hương chúng ta, sau hơn 35 năm định cư trên xứ sở tự do này, hẳn đã lần hồi làm quen với các phong tục tập quán, những nét đặc thù của nền văn hoá đa chủng và những sinh hoạt chính dòng của người dân Hoa Kỳ, của đất nước đã và đang cưu mang chúng ta và các thế hệ cón cháu mai nầy. Không chỉ làm quen một cách thụ động, đồng hương Việt Nam sống trên xứ sở này còn từng bước tham gia tích cực và hoà nhập vào dòng sinh hoạt chính nơi đã chọn làm quê hương thứ hai của mình, sau Quê Mẹ Việt Nam. Tham gia tích cực và hoà nhập trên mọi lãnh vực sinh hoạt văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị….

Trong tinh thần và chiều hướng đó, nhân dịp Lễ Tạ Ơn Thanksgiving hàng năm, Cộng Ðồng Việt Nam Houston và vùng phụ cận, trong quá khứ cũng đã có những việc làm có tính ‘‘ Nhập gia tùy tục’’, như tổ chức các bữa ăn mừng Lễ Tạ Ơn trong gia đình. Tổ chức Cộng Đồng, các đoàn thể thiện nguyện, cơ quan truyền thông Việt Nam như Đài Sàigòn Houston, cũng đã chủ động động độc lập hay hợp tác với cơ quan chính quyền, các đoàn thể thiện nguyện tại địa phương để tổ chức các bữa ăn dành cho những người vô gia cư (Homeless).

Tất cả những việc đã làm và sắp làm trên đây của tổ chức Cộng Ðồng, của các hiệp hội thiện nguyện và cơ quan truyền thông, theo thiển ý, đều cùng thể hiện một ý nghĩa chung *‘‘ Tạ Ơn Trời, tạ ơn người và tạ ơn đời’’.* *Một ý nghĩa được mở rộng từ ý nghĩa Tạ Ơn Trời của ngày lể truyền thống hàng năm của người dân Hoa Kỳ. Một sự mở rộng ý nghĩa mà vẫn thống nhất về luận lý của niềm tin hữu thần.* Theo đó, muốn tạ ơn Trời một cách cụ thể, con người phải biết tạ ơn người và tạ ơn đời bằng những việc làm cụ thể không chỉ đối với người làm ơn cho mình mà với cả những người khốn cùng, xa lạ như những người “homeless” sống ‘‘Vô gia cư, chết vô địa táng’’.

Thiện Ý
Houston, 22-11-2010
.
.
.

No comments: