Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
12.11.2010
Trung Quốc vốn vẫn ứng xử một cách khéo léo trong vị thế đang lên đặc biệt của mình trên trường thế giới bằng cách trấn an các nước láng giềng rằng mình sẽ giữ nguyên là một quốc gia đang phát triển và đi theo một đường lối "phát triển hoà bình." Chính sách tinh tế này được học hỏi từ quá khứ. Thừa kế từ một nền văn minh cổ đại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có một cái nhìn sắc sảo từ lịch sử, và các nhà chiến lược Trung Quốc cũng đã chú tâm nghiên cứu những kinh nghiệm của những cường quốc đang lên.
Việc Anh Quốc đã có một điều chỉnh suông xẻ khi bị Hoa Kỳ qua mặt trong những năm đầu của thế kỷ 20 là một điển hình mà Trung Quốc nên lưu ý. Một ví dụ hoàn toàn khác biệt khác là việc Đức tìm cách đối đầu với vị thế của Pháp ở châu Âu và với Anh về sự thống lĩnh trên biển vào cuối thế kỷ 19. Nước cờ này đã gây nên sự liên minh giữa Anh, Pháp và Nga, dẫn đến việc Đức bị bao vây và cuối cùng là cuộc chiến tranh thế giới đem đến thảm hoạ cho châu Âu và việc Đức bị đánh bại. Điều này đã không đáng phải xảy ra như thế. Otto von Bismarck, người đã thống nhất nước Đức sau khi Phổ đánh bại Áo (1866) và Pháp (1871), đã hiểu được tầm quan trọng của việc xử thế nhẹ nhàng và xoa dịu nỗi sợ hãi của các nước láng giềng để họ không hợp lực với nhau và bao vây nước Đức. Khi Kaiser Wilhelm cách chức Bismarck vào năm 1890, ông cũng đã từ bỏ chiến lược của vị Thủ tướng Thép này và theo đuổi một chính sách cuối cùng bị phá sản vào năm 1914.
Bài học có lẽ Trung Quốc cần rút ra từ những ví dụ trên là họ nên bắt chước Anh chứ không nên theo con đường của Wilhelm của Đức.
Nhưng đã có những thay đổi gần đây. Chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đã mất đi sự tinh tế.
Hãy xem xét hai ví dụ gần đây. Vào tháng Chín, Nhật, e ngại trước sự hùng hổ của Trung Quốc, đã trả tự do cho viên thuyền trưởng chiếc tàu cá bị bắt giữ sau khi chiếc tàu này đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn được cả Bắc Kinh lẫn Tokyo thừa nhận chủ quyền nhưng đang do Nhật kiểm soát. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để xoa dịu các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ đã không kềm mình và chộp lấy cơ hội để trừng phạt và sỉ nhục người Nhật ngay cả sau khi thủ tướng Nhật đã nhượng bộ và bị trong nước chỉ trích vì đã lùi bước trước sự doạ nạt của Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng đã không gói gọn sự bất bình của mình trong những thái độ ngoại giao mà thôi. Họ đã đình chỉ việc bán các loại quặng đất hiếm (rất quan trọng trong việc sản xuất các chi tiết điện tử cao cấp) cho Nhật. Và bất chấp những tín hiệu rằng họ đã chấm dứt việc cấm đoán, các chuyến hàng vẫn chưa được phép vận chuyển. Dường như Bắc Kinh không quan tâm dến những quốc gia khác cũng đang bị ảnh hưởng đến việc cấm đoán này vì Bắc Kinh hiện cung cấp đến 90% sản lượng nguyên liệu thô quan trọng cho thế giới.
Ví dụ thứ hai là sự giận dỗi của Bắc Kinh vào tháng Mười sau khi nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải Nobel Hoà bình. Lưu đã bị bôi nhọ như một kẻ nổi loạn và một tội phạm vì chỉ viết bài kêu gọi dân chủ tại Trung Quốc. Những nhà lãnh đạo của một quốc gia được xem là một cường quốc tương lai đã mô tả một con người ốm yếu bệnh tật vốn đã bị họ cầm tù như là một mối đe doạ nghiêm trọng. Thêm vào đó, Bắc Kinh đã cảnh cáo chính phủ Na Uy - vốn chẳng liên quan gì đến việc ai sẽ được Giải Nobel - rằng quan hệ giữa quốc gia này với Trung Quốc sẽ có thể bị tổn thương. Và chiến dịch ban đầu của họ, vốn vẫn đang tiếp diễn, nhằm ép buộc các quốc gia châu Âu tẩy chay lễ vinh danh Lưu vào tháng Mười hai tại Olso.
Có lẽ việc Trung Quốc mất đi tính nhạy bén chỉ là tạm thời. Có lẽ các nhà lãnh đạo đang chơi trò chủ nghĩa dân tộc trong nước vì chủ nghĩa xã hội đã không thể khích lệ tinh thần của quần chúng. (Nhưng đây là một trò chơi nguy hiểm, họ có thể bị gây áp lực để nâng những cuộc khủng hoảng trong tương lai một cách nghiêm trọng hơn.) Chẳng ai biết được. Nhưng điều rõ ràng là phản ứng quá mức của Bắc Kinh đối với những tranh chấp thật sự mơ hồ vốn có thể giải quyết một cách bình tĩnh đã làm cho các quốc gia láng giềng lo ngại.
Nếu Trung Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, điều gì sẽ xảy ra nếu họ nổi giận đối với những vấn đề thực sự quan trọng? Câu hỏi này đang được đặt ra ở Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản và Indonesia, những quốc gia này, cho dù có tuyên bố khác đi nữa, vẫn đang theo dõi việc đi lên của Trung Quốc với thái độ khâm phục và lo lắng lẫn lộn.
Vì tính chất địa lý, những quốc gia này cũng ở trong vị thế tốt để tham gia cùng Hoa Kỳ trong chiến lược bao vây. Chúng ta còn xa mới đạt đến điểm này - Trung Quốc cũng còn có rất nhiều gậy và cà rốt, và các nước láng giềng cũng rất thông minh để sẽ đi theo Hoa Kỳ một cách máy móc - nhưng cũng đã có những dấu hiệu của sự lo lắng.
Hoa Kỳ và Ấn Độ, vốn lạnh nhạt trong hầu hết thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hiện đang thảo luận việc hợp tác "chiến lược". Vũ khí Hoa Kỳ sẽ sớm đổ vào Ấn Độ. Tuần này Tổng thống Obama đã ủng hộ việc Ấn Độ từ lâu đang tìm kiếm vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong vài năm qua, Ấn Độ và Nhật Bản, vốn chẳng có liên hệ nhiều trong những vấn đề an ninh quốc gia, đã cùng tham dự vào một cuộc đối thoại an ninh và, cùng với Hoa Kỳ, tham gia những cuộc tập trận hải quân. Washington vẫn chưa thật sự làm lành với Hà Nội nhưng cũng đang tăng cường quan hệ với Hà Nội một cách có hệ thống. Mối quan tâm chung về Trung Quốc là một trong những nguyên nhân. Lệnh cấm bán vũ khi của Hoa Kỳ cho Indonesia (một quốc gia vốn cũng có thái độ nghi ngờ sâu nặng đối với Trung Quốc) đã được huỷ bỏ.
Những thay đổi vị trí vừa xảy ra mang lại những nguy cơ. Đối xử với Trung Quốc như là một kẻ thù tiềm năng có thể biến thành một sự cầu được ước thấy khiến mọi bên đều lâm vào tình trạng tồi tệ hơn. Nhưng nếu kết cục này có thể tránh được thì cũng không đủ để các quốc gia khác bỏ qua những quan điểm về tình huống xấu nhất. Trung Quốc cần chỉnh đốn lại thái độ của mình và quay lại cẩm nang "phát triển hoà bình" của mình - và nên suy ngẫm một lần nữa về Bismarck .
.
.
.
No comments:
Post a Comment