Thursday, November 11, 2010

TRUNG QUỐC ÁP LỰC GIỚI NGOẠI GIAO KHÔNG THAM DỰ LỄ TRAO GIẢI NOBEL HÒA BÌNH

11-11-2010

Trung Quốc áp lực giới ngoại giao không tham dự lễ trao giải Nobel năm nay

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gởi thư đến các vị đại sứ châu Âu ở Na Uy hôm thứ Hai tuần rồi có đề cập đến giải Nobel Hoà Bình được trao tháng rồi cho một tác giả hiện đang bị ở tù, ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo).

“Chúng tôi rất hy vọng quốc gia qúy vị… sẽ kiềm chế không tham dự bất kỳ hoạt động nào nhằm chống lại Trung Quốc,” lá thư nói, theo một nguồn tin ngoại giao cho hay, người này cũng như mọi người khác liên quan đến chuyện này – đã không muốn tiết lộ tên mình vì sợ Trung Quốc trả thù.

Đằng sau cái ngôn ngữ khoác lác, ý của Bắc Kinh rất rõ ràng: Bắc Kinh đang vận động ngầm các chính phủ châu Âu không tham dự buổi lễ vinh danh ông Lưu Hiểu Ba - một người bất đồng chính kiến - vào ngày 10 tháng Mười Hai này, mà viên chức Trung Quốc đã lên tiếng tố giác ông này như một tội phạm.

Lễ trao giải thưởng ở thủ đô Oslo là một buổi lễ rất trang trọng được chủ toạ bởi vua và hoàng hậu Na Uy, và theo nghi thức ngoại giao, tất cả các vị đại sứ ngoại quốc đang đương nhiệm ở Oslo đều tham dự.

Mặc dù có sự yêu cầu, hoặc cũng có thể vì lời cảnh cáo này, mà một số nhà ngoại giao cho hay không thể bỏ qua buổi lễ này.
“Chúng tôi bao giờ cũng tham dự buổi lễ này. Không có lý do gì mà không đi,” một nhà ngoại giao châu Âu nói nhưng yêu cầu giấu tên vì vấn đề mang tính chính trị nhạy cảm.

Rõ ràng, người được trao giải Nobel Hoà Bình năm nay sẽ không thể có mặt để nhận giải cao quý này cùng một số tiền thưởng trị giá một triệu rưỡi đô-la. Ông ta vẫn đang ở trong nhà tù Jinzhou thuộc tỉnh Liaoning phía bắc Trung Quốc, với án tù 11 năm vì tội “xúi giục phá hủy quyền lực của chính quyền và lật đổ hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa” qua bản Hiến chương Linh Tám, là một bản tuyên ngôn được viết lên với cảm hứng từ bản Hiến chương 77 của nước Czechoslovakia nhằm kêu gọi cho một cải cách chính trị ở Trung Quốc.

Vợ ông Lưu Hiểu Ba cũng khó mà tham dự buổi lễ này vì bà đã và đang bị quản chế tại gia ngay sau khi giải thưởng Nobel Hoà bình được công bố hôm 8 tháng Mười. Bà ta đã yêu cầu bạn bè tham dự buổi lễ nhân danh chồng bà, nhưng rất nhiều người trong số họ - những người hoạt động như chồng bà – đều ở trong hoàn cảnh tương tự hoặc là bị quản chế tại gia hay bị hạn chế sự đi lại.

Ở tỉnh Guangzhou, miền nam Trung Quốc, ông Guo Xianliang, một người bạn của ông Liu Xiaobo, người đã từng phát tờ rơi thông báo tin tức về giải Nobel Hoà bình, đã bị bắt hôm cuối tháng Mười và cũng bị kết tội xúi giục phá hủy quyền lực của chính quyền, các nhà hoạt động cho hay.

Đối với Bắc Kinh, giải Nobel Hoà bình năm nay là một thử thách ngoại giao, đưa các nước phụ thuộc sự thương mãi của họ vào Trung Quốc vào trong một vị thế khó xử. Trong hai tuần qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mời các nhà ngoại giao ngoại quốc có nhiệm sở ở Bắc Kinh dùng cơm trưa, và khuyên những nhà ngoại giao này đừng tuyên bố công khai về giải Nobel Hoà bình và Bắc Kinh ngụ ý là họ không nên tham dự buổi lễ trao giải này, theo một nguồn tin ngoại giao cho hay.

“Nhà nước Trung Quốc hành xử như một tên côn đồ, đầu đường xó chợ. Họ lên tiếng hăm doạ khi sự ve vãn, phỉnh phờ không lôi cuốn được ai, nhưng điều này sẽ có tác động ngược lại,” người thành lập Diễn đàn Tự do Oslo, một tổ chức bảo vệ nhân quyền, ông Thor Halvorssen nói. Ông Thor sẽ tham dự buổi lễ này như là khách mời của vợ ông Liu Xiaobo. “Có quá nhiều chính phủ cúi đầu trước Trung Quốc vì lý do kinh tế, nhưng tiền bạc Trung Hoa không thể mua được sự nín lặng, giả câm giả điếc của xã hội dân quyền và nền văn hoá phương Tây. Đó là bài học của giải Nobel Hoà bình.”

Geir Lundestad, thư ký của Ủy ban Nobel Na Uy nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn The Associated Press là hơn 1.000 thiệp mời đã được gởi ra, và những người được mời tham dự lễ trao giải này bao gồm tất cả đại sứ ngoại quốc đang đương nhiệm ở Oslo, và đại sứ Trung Quốc là một. Nhưng thiệp mời gởi cho đại sứ Trung Quốc ở Oslo đã bị trả lui, không mở.

© DCVOnline

Nguồn:(1) China urges diplomats to skip Nobel ceremony for Chinese dissident. Los Angeles Times, by Barbara Demick, 5 November 2010
.
.
.

No comments: