Thursday, November 18, 2010

TÔI TRỞ THÀNH CÔNG DÂN HOA KỲ

(11/17/2010)

“Các bạn đã tuyên thệ là sẽ trung thành với nước Mỹ, xin hãy đóng góp công sức của mình cho nước Mỹ và phát triển nó. Và các bạn cũng hãy nhớ điều này, ở nước Mỹ không có giấc mơ nào là không thể thành hiện thực, lúc nào các bạn cũng có cơ hội để phát triển và cống hiến công sức mình cho đất nước tự do này.”
Tổng thống Barrack Obama

HÌNH :

Đối với nhiều người, ngày hôm nay cũng chỉ là một ngày thứ Tư bình thường. Nhưng với hơn 8,000 người, trong đó có tôi, có mặt tại Trung tâm hội nghị Los Angeles Convention Center, là một ngày thật đặc biệt, sẽ luôn là ký ức đẹp không thể quên kể từ ngày đặt chân lên xứ sở tự do này, bởi chúng tôi đã trải qua những giờ phút thật thiêng liêng trong buổi lễ tuyên thệ trở thành công dân Mỹ. Công dân của một quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới. Một đất nước của cơ hội cho bất cứ ai, chỉ cần người đó có quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình.

Ngay từ nơi đậu xe, tôi đã nhìn thấy rất nhiều sắc dân, và rất đông đồng hương Việt Nam, tay cầm chứng chỉ công dân Mỹ, môi nở nụ cười hạnh phúc vừa rời khỏi phòng hội nghị ra về. họ là những tân công dân mới được tuyên thệ vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày.

Vẫn còn 1 tiếng rưỡi mới đến giờ hẹn để vào làm lễ, tưởng mình là người đến sớm, nhưng khi bước vào tòa nhà của Convention Center, tôi nhìn thấy đã có hàng trăm người đang xếp hàng để chờ được vào phòng hội, nơi tổ chức lễ tuyên thệ.

Vừa đúng 12 giờ 30 trưa, đoàn người lúc này lên đến hàng ngàn người người, già trẻ lớn bé đủ sắc tộc xếp hàng trật tự vào hội trường có sức chứa mười ngàn người. Từng nhóm, từng nhóm vào bên trong. Chúng tôi được hướng dẫn đến các bàn có nhân viên di trú, trình lại cho họ thư mời với phần của mình đã đánh dấu phía sau lá thư. Mình có thay đổi gì không kể từ ngày thi đậu quốc tịch cho đến lúc tuyên thệ, ví dụ rời khỏi nước Mỹ, tình trạng hôn nhân… và trả lại thẻ xanh cho nhân viên di trú. Nhân viên di trú ghi lên thư mời của mình số bàn để sau khi tuyên thệ, tân công dân sẽ cầm thư mời đến có ghi số bàn, để nhận Chứng Chỉ Quốc Tịch ngay tại số bàn mình đã được chỉ định.

Có hơn 60 bàn như vậy, và các nhân viên làm việc rất chuyên nghiệp, nhanh, chính xác, vì vậy họ mới có thể tổ chức mỗi đợt tuyên thệ  gần 5,000 người thật nhanh chóng chỉ trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ cho ngần ấy người nhận chứng chỉ công dân.

Mọi người lần lượt bước vào khu vực trung tâm ngay ở giữa hội trường, nơi có sân khấu và lá cờ Mỹ vĩ đại căng rộng, một số nhân viên tòa án đã ngồi sẵn sau một cái bàn thật dài trên sân khấu. Bên dưới có hàng ngàn chiếc ghế sắp đều tăm tắp cho các tân công dân và thân nhân ngồi trong lúc làm lễ.

Ngay khi bước vào khu vực này, mỗi người đều nhận được một lá cờ Hoa Kỳ nhỏ cầm tay và một lá thư chúc mừng của tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Lúc này, những chiếc máy ảnh, máy quay phim trên tay mọi người thay phiên nhau chớp liên hồi, cố gắng lưu lại những hình ảnh lịch sử trong cuộc đời di dân của mình.

Thân nhân đi cùng tân công dân được phép ngồi cạnh người thân của mình, chứ không cần phải tách ra khu vực riêng biệt.

Các nhân viên đã đến phát cho các tân công dân tờ đơn để điền tên của mình để ghi danh bầu cử, nhưng các nhân viên cũng cho biết, họ chỉ đến nhận những lá đơn ghi danh này sau khi các tân công dân đã tuyên thệ.

Gần 2 giờ chiều, bà Chánh án từ bên trong hậu trường bước ra sân khấu.

Trước khi làm lễ, bà chánh án cho biết ba của bà là một người Mexico, ông đến Mỹ khi mới được 10 tuổi. Còn mẹ của bà là một người Nga. Vì là con của người di dân, nên bà hiểu được niềm hạnh phúc của một người di dân khi trở thành công dân Mỹ. Bà nói với mọi người tại buổi lễ:
“Tôi biết đây là một hành trình dài của các bạn. Các bạn chờ đợi rất lâu để có được ngày hôm nay. Tôi xin chúc mừng các bạn sau buổi lễ tuyên thệ này, các bạn đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Các bạn đã tuyên thệ sẽ tuân thủ và bảo vệ luật pháp Hoa Kỳ, và sẵn sàng bảo vệ đất nước này khi cần.
Các bạn sẽ đi bầu cho tất cả các cuộc bầu cử của địa phương, tiểu bang và liên bang. Các bạn sẽ sử dụng lá phiếu của mình để nói lên tiếng nói của mình, nhằm góp phần phát triển cho địa phương, tiểu bang và liên bang. Nếu có thể, các bạn hãy tham gia vào chính quyền địa phương, tiểu bang, hay liên bang, các bạn sẽ phát huy được quyền công dân của mình. Đó là điều mà mọi công dân đều có quyền được làm.”

Giờ làm lễ đã đến. Tất cả mọi người trong hội trường đứng lên giơ cao cánh tay phải, nghe bà Chánh án đọc lời tuyên thệ, tất cả cùng đọc theo. Lúc này những giọng nói vang to đều đặn, nhịp nhàng, cùng đọc lời thề trung thành với nước Mỹ theo lời hướng dẫn của bà. Giọng đọc của hơn 4,000 người đủ mọi màu da, tạo nên một âm thanh tuyệt diệu. Có lúc là một chuỗi âm thanh vang to, có lúc hơi rời rạc, đứt đoạn bởi những câu chữ quá dài, quá khó, bởi trong số họ, chắc hẳn sẽ có nhiều người không thể đọc trôi chảy lời thề trung thành bằng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng với bàn tay giơ cao với thái độ trân trọng hướng về đấng tối cao, tôi nghĩ rằng tôi và những người có mặt sẽ luôn gìn giữ lời thề thiêng liêng này.

Một cảm giác thật lạ đến với tôi. Tôi như đang bồng bềnh trong ngọn sóng âm thanh. Lá cờ nước Mỹ trước mặt, trở thành một biểu tượng thiêng liêng mà tôi phải gìn giữ.

Sau phần tuyên thệ, là phần vinh danh những cá nhân tiêu biểu đã đóng góp công sức của mình trong công cuộc bảo vệ hạnh phúc và an toàn của nước Mỹ. Những cá nhân này cũng vừa được tuyên thệ trong buổi lễ hôm nay. Đây là những người đã được chọn ra trong quân đội Hoa Kỳ, gồm có một nam quân nhân thủy quân lục chiến, một nữ quân nhân hải quân.

Sau phần vinh danh hai công dân danh dự, đèn khán phòng tắt. Tất cả mọi người ngồi xuống chăm chú nhìn lên màn ảnh, với hình ảnh của Tổng thống Barack Obama đọc lời chúc mừng các tân công dân Mỹ. Ông nói:
“Các bạn đã kết thúc hành trình dài để trở thành công dân Mỹ. xin hãy trân trọng điều này. Các bạn đã tuyên thệ là sẽ trung thành với nước Mỹ, xin hãy đóng góp công sức của mình cho nước Mỹ và phát triển nó. Và các bạn cũng hãy nhớ đều này, ở nước Mỹ không có giấc mơ nào là không thể thành hiện thực, lúc nào các bạn cũng có cơ hội để phát triển và cống hiến công sức mình cho đất nước tự do này. Cùng với tất cả mọi người công dân Mỹ, chúng ta sẽ giữ cho nước Mỹ lúc nào cũng là niềm tin và tự hào cho nhân loại trên thế giới này. Xin chúc mừng các bạn và cầu đức chúa trời ban ơn cho các bạn và cho nước Mỹ của chúng ta.”

Để minh họa cho lời phát biểu tuyệt vời của tổng thống, đoạn phim video trên nền nhạc “God bless U.S.A”. Giai điệu, lời ca và hình ảnh minh họa là một dẫn chứng về lòng yêu nước, âm điệu hào hùng và chan chứa cảm xúc, như  truyền cho tôi tình yêu và niềm tự hào với quê hương mới, mà nay tôi được vinh dự trở thành công dân.
Tôi đã rơi lệ vì xúc động. Và tôi biết, không chỉ mình tôi.

Nếu so với cụ bà Eulalia Garcia Maturey (101 tuổi) từ Mehico đến Mỹ khi mới 6 tháng tuổi, đã trải qua 100 năm sống tại bang Texas, nơi cụ đã sống gần như cả đời, hẳn tình yêu của cụ với xử sở này sâu đậm lắm. Riêng tôi, chỉ mới 3 năm, thật quá ngắn để nói rằng tôi đã hòa nhập và yêu thương mãnh đất này. Nhưng những hình ảnh và giai điệu ca khúc God bless U.S.A đã truyền tình yêu ấy vào tôi thật ngọt ngào. Hình ảnh những con người đủ màu da, trong đó có cả người dân Việt Nam, từ những người già, trung niên, thanh niên cho đến những trẻ thơ thật cảm động trong ngày lễ tuyên thệ, quyết chọn nơi đây làm quê hương để tái xây dựng xã hộ, tái thiết cuộc đời. Tất cả cùng chung tay góp phần dựng xây nên một xứ sở hùng mạnh, một biểu tượng của hy vọng, của tự do trên quả đất này. Từ những ao hồ của vùng Minnesota, cho đến những ngọn đồi ở Tennesse, băng qua những cánh đồng mênh mông của Texas. Từ bờ biển đến tận khơi xa. Từ Detroit xuống tận Houston. Và từ New York đến L.A. Đều là hình ảnh của niềm kiêu hãnh trong mỗi trái tim người Mỹ, hình ảnh lá cờ tự do tung bay với niềm tự hào “Tôi là người Mỹ”.

Được biết ca khúc "God Bless the USA" là một bài ca yêu nước được sáng tác bởi nghệ sĩ nhạc đồng quê Mỹ- Lee Greenwood. Bài hát được phát trong Republican National Convention năm 1984 với sự có mặt của tổng thống Ronald Reagan và phu nhân. Nhưng nó thực sự được biết, nghe đến và phát nhiều trong Gulf War năm 1990 và 1991, như một cách để tăng thêm nhuệ khí, tinh thần dân tộc. Sự phổ biến của bài hát thật sự tăng mạnh kể từ sau sự kiện ngày 11/9 và trong cuộc chiến Iraq vừa qua. Lời ca nâng cao tinh thần binh sĩ càng được dân Mỹ yêu thích hơn.

Vẫn trong sự xúc động, bồi hồi, chúng tôi cùng đứng dậy làm lễ chào quốc kỳ Mỹ. Lá cờ biểu tượng của tự do, sự hy sinh của biết bao thế hệ để giành lấy nền độc lập cho hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Một lần nữa, nước mắt tôi lại rơi khi tay phải tôi đặt lên ngực trái.

Lễ tuyên thệ bế mạc. chúng tôi nộp lại tờ ghi danh bầu cử cho nhân viên di trú, từng nhóm, từng nhóm theo số ký danh đến các bàn nhận Chứng Chỉ Quốc Tịch.

Khi đã cầm trên tay tấm giấy chứng nhận tôi là công dân Hoa Kỳ, tôi lại thấy chạnh buồn. Dù nay đã là công dân Mỹ, nhưng tôi vẫn không quên nguồn cội nơi mình sinh ra và trưởng thành. Quê hương Việt Nam nhỏ bé cong cong chữ S bên kia bờ đại dương, dù vẫn còn nghèo đói và hiện nay chưa có tự do dân chủ, nhưng nơi ấy vẫn còn ba mẹ tôi, những người thân, thầy cô, bè bạn. Họ không được thở cái không khí tự do thật sự như tôi đang thở, đang sống trọn vẹn. Việt Nam ơi! Ngày nào đất nước tôi sẽ ngẩng cao đầu, ngày nào người thân yêu tôi được hít thở không khí trong vắt như ngày hôm nay!

Tôi sẽ phải làm gì cho quê hương mình mà vẫn trung thành với lời thề đã nói ra từ trái tim mình. Đó là điều tôi mang về với nhiều trăn trở. (D.U)
.
.
.

No comments: