Nguồn: Kevin Rafferty, Japan Times
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
21.11.2010
Aung San Suu Kyi đã có lại tự do cuối tuần trước, nhưng lại bước vào một cuộc sống "tự do" vốn vẫn bị cai trị một cách tồi tệ bởi một trong những thể chế áp bức và ngu xuẩn nhất trên thế giới mà chỉ trong vài ngày trước đấy đã sỉ nhục người dân của mình bằng cuộc bầu cử giả tạo.
Việc trả tự do cho bà tạo ra một cơ hội, nhưng nó cũng đòi hỏi một sự khéo léo rất lớn từ bà, một hứng khởi bất ngờ về lòng yêu nước được tưởng tượng ra bởi những tướng lĩnh đang cầm quyền, và áp lực đầy cẩn trọng nhưng không hối tiếc từ các quốc gia bạn bè và láng giềng của Miến Điện trước khi đất nước này có thể bước vào con đường dẫn đến tự do cũng như sự thịnh vượng đang diễn ra tại châu Á.
Sự thanh lịch của bà là bằng chứng. Suu Kyi xuất hiện với một sự điềm tĩnh không gì sánh nổi. Nhìn gần, mắt bà có những nếp nhăn sâu - dù gì thì bà cũng đã 65 tuổi - nhưng việc bị quản thúc tại gia trong suốt 15 năm trong vòng 21 năm qua dường như đã không khiến bà cảm thấy cay đắng. Bà nói "Tôi không cảm thấy đau khổ quá nhiều, nhiều người khác đã đau khổ hơn," ám chỉ 2.200 tù nhân chính trị ở Miến Điện.
Phải giã biệt chồng mình khi ông qua đời vì bệnh ung thư ở Anh, bà đã phản ứng bằng thái độ điềm tĩnh rằng bà đã tự lựa chọn - ở lại Miến Điện - và phải nắm lấy trách nhiệm về lựa chọn của mình. Bà còn hé lộ những gian truân của mình khi bị giam giữ, nói rằng bà đã có thời gian để suy ngẫm và đọc sách, rằng giờ đã được tự do, "Dường như tôi không có thời gian để thở, có quá nhiều việc đang diễn ra."
Những nhà chỉ trích cho rằng bà đã lựa chọn không đúng. Liệu có sáng suốt khi ở lại trong nước và bị bịt miệng trong một thời gian dài? Nhưng nếu bà ra đi để vận động từ nước ngoài, các tướng lĩnh sẽ nói rằng bà đã từ bỏ tổ quốc, một tiếng nói từ hải ngoại sẽ bị mất uy tín và sức mạnh. Những người khác cho rằng bà nên cho phép đảng của mình tham dự vào cuộc bầu cử hôm 7 tháng Mười một. Nhưng bản chất cuộc "bầu cử" này là giả tạo và là một trò hề.
Những tướng lĩnh đã sắp xếp cuộc bầu cử. Họ đã thay đổi hiến pháp để giao cho quân đội một vai trò chủ chốt - 25 phần trăm số ghế trong Quốc hội và việc kiểm soát những bộ quan trọng. Họ đã không cho Suu Kyi tham gia ứng cử và cấm đảng của bà với lý do nó đã không đăng ký tham gia. Họ đã tạo ra một đảng bù nhìn, Đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển, trong đó các tướng lĩnh chủ chốt, bao gồm cả Thủ tướng Thein Sein, cởi bỏ quân phục để tham gia. Họ hỗ trợ đảng này với ngân sách chính phủ để nó và Đảng Liên hiệp Quốc gia, bao gồm chủ yếu các tướng lĩnh về hưu và có thể đề bạt các ứng cử viên trên khắp đất nước. Rồi họ lại ngăn cấm việc vận động bầu cử và tạo ra một không khí đầy sợ hãi và trấn áp - chỉ được bầu cho các đại diện của giới tướng lĩnh. Họ không cho phép những nhà quan sát độc lập theo dõi việc bỏ phiếu và kiểm phiếu.
Các đảng thuộc chính quyền đã thắng với tỉ lệ 80 phần trăm. Điều này không đáng là một trò ảo thuật ngay cả với tiêu chuẩn của những cuộc bầu cử gian lận. Chả lẽ các tướng lĩnh này quá ngu xuẩn để tin rằng một cuộc bầu cử như thế sẽ có uy tín?
Khi tôi đến đất nước này 35 năm trước, nó đã là một nơi nghèo khổ và xuống cấp. Tôi để ý rằng nếu giữ sư tử như vật nuôi trong nhà, ta phải dự tính đến việc tốn nhiều tiền để nuôi nó. Cụm từ "khẩu phần sư tử" ở đây không có nghĩa là 40 hoặc 50 hoặc 60 phần trăm mà là 95 phần trăm. Chứng tỏ rằng tại Miến Điện, trong thời kỳ thuộc địa vốn là quốc gia giàu có nhất tại Đông nam Á, là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có tài nguyên lâm sản, quặng mỏ dồi dào và trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn.
Ngày nay, Miến Điện là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Thu nhập bình quân mỗi đầu người hằng năm vào khoảng 1.100 Mỹ kim, đứng thứ 210 trong bảng xếp hạng thế giới với một phần ba trẻ em bị suy dinh dưỡng. Trong bản tóm tắt Dữ kiện của CIA: "Miến Điện có một chính quyền toàn trị, với những chính sách kinh tế kém hiệu quả và sự nghèo đói ở miền quê... Các điều kiện kinh tế xã hội đã bị suy giảm vì sự quản lý yếu kém của chính quyền, khiến đa số dân chúng đói nghèo trong khi giới lãnh đạo quân sự và những doanh nghiệp thân hữu của họ trục lợi từ nguồn tài nguyên phong phú của đất nước."
Như là một ví dụ về khoảng cách giữa thực tế và ảo tưởng, tỉ giá hối đoái ngoại tệ chính thức cho đồng Mỹ kim là 6,5 kyat, nhưng tại thị trường chợ đen thực dụng hơn thì bạn có thể đổi được 1.000 đến 1.300 kyat cho mỗi Mỹ kim của mình, tuỳ theo mùa du lịch.
Kinh tế đã có bước tiến triển quan trọng trong lĩnh vực khai thác dầu khí, gỗ và quặng, nơi các tướng lĩnh đã ký kết những hợp đồng béo bở khiến các quốc gia khác tranh giành nhau. Trung Quốc hiện là kẻ thủ lợi nhiều nhất. Bắc Kinh đánh giá Miến Điện rất quan trọng đối với nền an ninh năng lượng của mình và đang xây dựng những đường ống dẫn dầu và khí đốt. Họ cũng đang giúp xây dựng những nguồn thuỷ điện. Thái Lan cũng có quan hệ kinh tế gần gũi và thu mua khoảng 30 phần trăm sản lượng khí đốt của mình từ Miến Điện để thắp sáng đường phố Bangkok . Ấn Độ đã đang thực hiện những hợp đồng nhằm ngăn cản việc Trung Quốc biến Miến Điện thành một nước chư hầu.
Những hợp đồng hàng tỉ Mỹ kim này đã gây lợi cho giới tướng lĩnh những chẳng mang lại gì nhiều cho quốc gia. Những thu nhập từ nước ngoài giúp những tướng lĩnh xây dựng một thủ đô mới hào nhoáng, Naypyidaw, từ những cánh rừng tre và những đồi thấp cách Rangoon 320km về phía bắc với những xa lộ tám làn xe (được thắp sáng về đêm) và những bức tượng khổng lồ của những vị anh hùng thời xưa để thay thế cho những khối nhà mục nát, thường bị cúp điện và những con đường đầy ổ gà ở Rangoon. Bản thân các tướng lĩnh cũng biến mất trong khu vực cách li và được bảo vệ ở Naypyidaw.
Ở đây họ có thể ra những quyết định trong môi trường cách li hoàn toàn khỏi dân chúng hoặc không sợ bị nước ngoài xâm chiếm. Điều này giải thích tại sao họ đã không quan tâm nhiều đến cơn bão Nargis vào năm ngoái dù cơn thiên tai này đã giết hại 130 nghìn người và gây thiệt hại nặng cho Rangoon, vì Naypyidaw nằm sâu trong đất liền, các tướng lĩnh chỉ cảm thấy một làn gió nhẹ, tuy thế họ vẫn quan ngại rằng những chuyến tàu đang hối hả đến trợ giúp có thể là một hạm đội xâm lược.
Suu Kyi đã quay lại. Thông điệp trước tiên của bà là muốn lắng nghe trước khi lên tiếng, nhưng bà lại muốn nói với mọi người, kể cả giới tướng lĩnh. Đúng ra là bà nói rằng bà không có ác ý với họ hoặc mong muốn họ bị lật đổ: "Tôi muốn thấy giới quân đội vươn lên những đỉnh cao xứng đáng của sự chuyên nghiệp và lòng yêu nước thật sự." Có lẽ giới tướng lĩnh không hiểu được sự trớ trêu nhẹ nhàng này.
Đừng trông đợi một kết quả tốt đẹp chắc chắn. Có lẽ giới tướng lĩnh trả tự do co Suu Kyi không phải để thương thảo mà bởi vì họ không còn lý do nào để viện dẫn cho việc giam giữ bà hoặc vì họ nghĩ rằng bà đã hết sức. Những luồng hưng phấn trong các đám đông bao vây bà đã chứng minh ngược lại.
Nhưng bà sẽ phải cần giúp đỡ. Các chính quyền phương Tây và Nhật phải tạo ra những củ cà rốt ngon lành hơn và những cây gậy hiệu quả hơn với những cấm vận của mình. Họ cũng phải khuyến khích Ấn Độ lắng nghe với tâm hồn dân chủ, không chỉ với chiếc đầu địa lý, và thuyết phục giới lãnh đạo Đông nam Á, đặc biệt là Thái Lan , Singapore và Việt Nam, rằng một Miến Điện thịnh vượng với lượng dân tị nạn ít hơn là quyền lợi của mọi người, đặc biệt là của họ.
Và rồi với Trung Quốc, hiện ngày càng không lắng nghe bất cứ ai ngoại trừ quyền lợi riêng của mình và thích đối xử nhẹ nhàng với những kẻ độc tài. Ngay cả Trung Quốc cũng nên cảnh giác - khi trong sáu tháng qua họ không chịu công bố những tài liệu về việc Liên Hiệp Quốc đã phát thiện rằng Bắc Hàn đã tham gia vào "những hoạt động liên quan đến tên lửa hạt nhân và đạn đạo" với Miến Điện. Tại sao giới tướng lĩnh lại muốn vũ khi hạt nhân? Ngay cả Bắc Kinh cũng nên cảnh giác với sự phàm ăn đầy nguy hiểm của giới quân sự.
.
.
.
No comments:
Post a Comment