Saturday, November 6, 2010

SỰ HẢ HÊ CÓ PHƯƠNG PHÁP (Nguyễn Quang Lập)

Nguyễn Quang Lập
06.11.2010

Đọc xong bài Phong cách "Chí Phèo" và văn hoá phản biện trên Vietnamnet tui đã viết bài Phong cách ” Hoà Thân” và văn hoá của cái ác nhưng rồi tui xoá đi. Nói rứa căng quá, anh em lại gây xích mích, mất hoà khí, không hay. Đành viết mấy lời như ri. 
Tui không biết Phạm Hoài Huấn là đàn ông hay đàn bà, lớn nhỏ ra răng, xin cứ gọi đại bằng bác cho có lễ độ vậy.
 Bác Huấn góp ý không phải không có lý, có nhiều điểm đương nhiên lẽ đời cần phải như rứa. Tuy nhiên có quá nhiều điểm đáng bàn với bác xung quanh bài báo bác vừa tung ra rất kịp thời. Ví dụ bài học của Đẽo cày giữa đường mà bác bảo:”Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn” thì có thể viết một bài dài để nói lại điều này. Trước hết nói ngay cho bác hiểu, bài học đẽo cày giữa đường không phải là bài học “kiên trì với một con đường đã chọn” mà là bài học biết lắng nghe, nhưng trước hết nó là bài học hiểu biết. Anh đẽo cày mà không biết cái cày là gì, phải đẽo như thế nào, thấy người ta đẽo cày mình cũng đẽo thì tất yếu ai nói gì cũng phải làm theo. Một khi đã không hiểu biết, ai nói gì cũng làm theo, cái cày tất yếu sẽ thành ” một khúc gỗ nhỏ”. Nhưng nếu không hiểu biết, cứ liều mạng ”"kiên trì với một con đường đã chọn” cũng tất yếu sẽ biến cái cày thành ” một khúc gỗ nhỏ” thôi bác. Cho nên làm gì cũng phải hiểu biết cái việc mình đang làm, một khi hiểu biết rồi thì tự khắc sẽ biết góp ý nào là đúng, góp ý nào là sai, góp ý nào là chân thành, góp ý nào là đểu cáng. 
 Muốn tranh luận với bác nhiều chuyện lắm, ví như bác hiểu về ông Chí Phèo cũng trật, trật ở cái lý do vì sao Chí Phèo thành Chí Phèo ấy. Nhưng thôi, tui muốn nói chuyện khác kia, ấy là cái cách góp ý của bác.
Ở đời không có việc gì mà không có lý do của nó, những người hay gặp hoạn nạn thường vẫn có một cái lỗi nào đó. Tìm kiếm nguyên nhân giúp cho người ta tránh được hoạn nạn là cần thiết nhưng phải đúng lúc đúng chỗ, nếu không chẳng những người ta không nghe mà còn nghi ngờ cả mục đích góp ý của mình nữa. Ví như thấy hàng xóm cháy nhà, mình đã không cứu được thì thôi, lại còn chạy đến nói bác chủ quan lắm, bất cẩn lắm, cháy nhà là phải. Như thế có đáng không? Thấy một đứa con nít bị người lớn đánh, không cần hỏi cũng biết đứa con nít có hỗn láo thế nào mới bị người ta đánh. Thay vì phải ra tay giải thoát cho đứa bé rồi mới góp ý cho đứa bé lần sau không được như thế như kia, thì mình lại nhảy đến, nói thằng hỗn, có câm mồm đi không, con nít mà hỗn láo thế à. Như thế có đáng không? Cũng vậy, thấy một người sắp chết trôi, mình đã không dám nhảy xuống cứu lại còn đứng trên bờ nói chõ xuống, nói mày đã không có văn hoá bơi, nhảy xuống nước làm gì, ngu thế. Như thế có đáng không?
 Ngày xưa tui ở một nơi, hễ trong xóm có ai mất gà thì thể nào cũng có năm bảy người chạy đến, nói sao giờ này bác không cho gà vào chuồng, sao bác cho gà chạy rong thế kia, gà nhảy sang vườn nhà kia mất là phải rồi, nhà kia tham lắm đấy. Người mất gà càng điên lên càng chửi tợn. Vì cái họ cần lúc này là tìm được con gà chứ không phải ngồi nghe góp ý về sự nuôi gà. Những người góp ý cũng thừa biết vậy nhưng cứ góp ý, vì khi đó họ đâu có góp ý, đó là sự hả hê có phương pháp của họ mà thôi. Ai còn lạ gì, thưa bác.

GÓP RƯỢU CÙNG QUÊ CHOA
NGỨA MỒM
Nhân đọc bài “Phong cách Chí Phèo và văn hóa phản biện” của tác giả Phạm Hoài Huấn trên VNN, rồi lại đọc được mấy lời trao đổi của Bọ Lập trong entry “Sự hả hê có phương pháp” trên Quê Choa, ngứa mồm muốn góp một phát.
Tôi cũng không biết Phạm Hoài Huấn là đàn ông hay đàn bà nên tốt nhất là bắt chước Bọ Lập gọi bằng bác vậy, cho nó lành!
Mấy cái ý của bác Huấn về “đẽo cày”, rồi “Chí Phèo”, Bọ Lập đã có lời bàn lại, tôi không bàn thêm, vì cơ bản thấy Bọ Lập nói có lý.
Tôi chỉ băn khoăn mỗi cái đoạn mà bác Huấn nói, rằng
Đôi khi, có thể thấy có nhiều quyết sách lớn không đạt được sự đồng thuận (tất cả mọi người) từ người dân. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi trong bối cảnh tồn tại nhiều nhóm lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau thì việc đưa ra một giải pháp nhằm làm hài lòng tất cả các nhóm lợi ích hầu như là một điều không thể.”
Điều làm tôi khó hiểu đó là, bác Huấn cố tình quên đi hay do bác thiếu thông tin rằng, trong trường hợp “tồn tại nhiều nhóm lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau” thì những nhà phản biện chân chính luôn luôn biết đưa lợi ích của đại đa số nhân dân và lợi ích, thậm chí cả vận mệnh dân tộc để làm đối trọng với quyền lợi của tất cả các nhóm lợi ích nói trên.
Chính điều đó mới là “không chỉ là bình thường ở Việt nam mà là điều rất đỗi bình thường ở bất kì quốc gia nào khác trên thế giới”, bác Huấn ạ. Đơn giản là vì tất cả những nhà phản biện chân chính của nước ta hay của các nước đều là những người yêu nước (mình), họ luôn biết đặt lợi ích quốc gia và vận mệnh dân tộc lên trên hết.
Trong trường hợp như vậy mà ý kiến phản biện vẫn “không được chấp thuận”, như bác nói, chắc hẳn đến cháu học sinh nó cũng hiểu rằng, danh xưng ‘Chí Phèo’ xứng đáng được phong tặng cho ai rồi.
Theo bác thì trong trường hợp tôi vừa nêu thì danh xưng ‘Chí Phèo’ nên dành cho người phản biện hay cho người đại diện của nhóm lợi ích, hả bác Huấn?
Kính bác.
(Nguồn: BLog MARSHAL)
---------------------------------

Tác giả: Phạm Hoài Huấn
Bài đã được xuất bản.: 06/11/2010 04:00 GMT+7
.
.
.

No comments: