Sunday, November 7, 2010

RA MẮT SÁCH "THỜI ĐẠI CỦA TÔI" của GS VŨ QUỐC THÚC

Saturday, November 06, 2010

Ước vọng 'bảo vệ tương lai con cháu'

WESTMINSTER (NV) - Trong không khí chớm lạnh của mùa Thu, nhiều đồng hương, phần lớn là học trò của tác giả - Giáo Sư Vũ Quốc Thúc - đã đến dự buổi giới thiệu ra mắt tác phẩm “Thời Ðại của Tôi” tại hội trường Nhật báo Người Việt vào chiều Thứ Bảy vừa qua.

Ông Hoàng Tuấn Lộc, một cư dân ở thành phố Fountain Valley, “là học trò của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc tại trường Luật Sài Gòn,” đang mua bộ sách “Thời Ðại của Tôi” tại buổi ra mắt sách. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Do cao tuổi, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc đã không thể từ Paris sang Hoa Kỳ dự buổi ra mắt tác phẩm của mình. Tuy nhiên, khách tham dự vẫn cảm thấy hài lòng khi được xem qua những đoạn video clip, trong đó, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, bằng giọng nói rõ ràng, mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục, đã giới thiệu về lý do ra đời cũng như nội dung của 2 quyển “Thời Ðại của Tôi.”
Như lời Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: “Sự thật lịch sử nhiều khi đã vô tình bị cắt xén, hay tô điểm thậm chí uốn nắn, bịa đặt chỉ vì kẻ tường thuật đã thiếu khách quan.” Ðó là một trong những lý do mà tác giả, ở quyển 1 - “Nhìn lại 100 năm lịch sử” - đã muốn “lặp lại những gì được coi là lịch sử.”

Tại buổi ra mắt tác phẩm của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, qua phần dẫn dắt của nhà báo Ðinh Quang Anh Thái, cũng như những bài giới thiệu sơ nét của Giáo Sư Ðoàn Thanh Liêm và nhà báo Phạm Xuân Ðài, người nghe có thể hình dung sơ nét nội dung của 2 quyển “Thời Ðại của Tôi” với độ dày tổng cộng hơn 1,100 trang.

Tập sách “Thời Ðại của Tôi” gồm 2 quyển. Quyển 1 dày hơn 400 trang có tên “Nhìn lại 100 năm lịch sử.” Quyển 2 dày 700 trang được tác giả đặt tên “Ðời tôi trải qua các thời biến.”
Ngay lời đề tựa của tập I, tác giả Vũ Quốc Thúc viết: “Cuốn sách nhỏ này không là một thiên khảo luận về lịch sử Việt Nam cận đại. Nó cũng không phải là một luận đề chính trị học hay xã hội học. Ðó chỉ là một bản tóm lược những điều mà tác giả - với tư cách chứng nhân - đã thâu hoạch trong cố gắng tìm hiểu thời đại của mình.”
Ở quyển “Nhìn lại 100 năm lịch sử” này, dựa theo tiến trình phát triển của dân tộc trong thế kỷ 20, tác giả chia sách ra làm 5 hồi.
Ngoài ra, trong quyển 1 còn có một số bài viết riêng lẻ của tác giả, thể hiện những quan điểm cá nhân của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc trước những sự kiện mang tính trọng đại xảy ra tại Việt Nam, như “Một cuộc 'cách mạng nhung' có thể xảy ra ở Việt Nam không?”, “Việt Nam làm gì khi được bầu vào Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc?”, “Nhận định về hai cuộc vận động ngoại giao của chính quyền Hà Nội”...

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc đang giới thiệu về tác phẩm “Thời Ðại của Tôi” qua video do nhà báo Từ Nguyên quay tại Pháp.

Lời mở đầu trong quyển thứ 2, “Ðời tôi trải qua các thời biến,” tác giả cho người xem biết về thời điểm ông đặt bút viết tác phẩm, “Tôi bắt đầu viết tập hồi ký này vào hạ tuần tháng 11 năm 1996, lúc tôi đã 76 tuổi, dư hai tháng, sau một cơn bạo bệnh,” và “bỗng nhiên ý thức sâu sắc cái già của tuổi 76.”
Ngoài việc chọn nhan đề “Thời Ðại của Tôi” là “để xác định ranh giới” cuốn sách - “đây không phải là một cuốn sử” - tác giả còn chọn khoảng thời gian để “nhìn lại và suy ngẫm” là 90 năm, “kể từ năm 1920, năm tôi sinh, tới năm 2010 là thập niên đầu thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba theo Công nguyên.”

Tập thứ 2 cũng được chia làm 5 hồi, và theo ý của tác giả là “trong mỗi hồi, tôi sẽ đưa ra những sự kiện liên quan đến cuộc sống riêng tư của tôi, đồng thời với những suy tư thầm kín của tôi.”
“Thời Ðại của Tôi” thu hút được sự chú ý của người đọc có lẽ vì người xem có thể nhìn lại lịch sử Việt Nam, từ những điều giản dị, gần gũi nhất, đến những biến cố lớn lao mang tầm lịch sử, không phải qua những sự kiện ngày tháng khô khan mà là qua cuộc sống sinh hoạt, học tập, làm việc, qua lăng kính cảm nhận của chính tác giả Vũ Quốc Thúc.
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, sinh năm 1920, từng là tiến sĩ Luật, giám đốc trường Luật Hà Nội, khoa trưởng trường Luật Sài Gòn, tâm sự về tập sách của mình: “Tôi muốn giãi bày cùng cháu chắt niềm cay đắng và sự khổ đau của tôi khi phải bỏ nước ra đi ở tuổi 58, khi phải hy sinh tất cả những gì mình yêu dấu, tất cả những gì mình đã xây dựng được bằng mồ hôi nước mắt. Nhưng tôi tự an ủi được là bằng hành động này, tôi đã bảo vệ được tương lai con cháu. Tôi hiểu đó cũng là nỗi lòng của mấy chục vạn bố mẹ khác phải ra đi để cho con cháu có cuộc sống đáng sống.”

“Bảo vệ triển vọng của con cháu, chính là bảo vệ tương lai của đất nước.” Ðó cũng là mục đích chính của tác giả khi viết lời đề tặng tập sách “Cho con cháu thân yêu của tôi.”
.
.
.

No comments: