Saturday, November 13, 2010

NHẬT BẢN SẼ BỊ TRUNG QUỐC LẤN ÁT ? (William Horsley - BBC)

William Horsley
BBC News
Cập nhật: 13:21 GMT - thứ bảy, 13 tháng 11, 2010

Tại hội nghị thượng đỉnh 21 quốc gia thuộc tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhóm họp tại Nhật Bản vào cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc và khu vực để thảo luận về chuyện làm thế nào ngăn chặn các căng thẳng kinh tế và an ninh đang gia tăng.

Đối với Nhật Bản, cái giá của một thất bại có thể là cao

Nhật Bản đối diện với việc phải ra quyết định quan trọng trước ngã ba đường khi nước này chuẩn bị đăng cai hội nghị thượng đỉnh Yokohama.
Một trong các ngả đường có thể dẫn tới hệ quả chấm dứt đột ngột một nửa thế kỷ trong đó Nhật Bản là quốc gia thành công nhất của Châu Á, và đưa ra chỉ dấu về một giai đoạn suy giảm kéo dài bị che khuất bởi Trung Quốc, một thế lực đang lên trong khu vực.
Một ngả khác tươi sáng hơn cho Nhật Bản sẽ dẫn tới một trật tự an ninh khu vực dựa trên các quy tắc quốc tế được nhất trí và tới một sự "hòa hợp" giữa các quốc gia châu Á.
Các nước châu Á - Thái Bình Dương, mà hợp lại chiếm hơn một nửa sản lượng kinh tế toàn thế giới, sẽ thăm dò những cách thức đạt được thỏa thuận về một Khu vực Tự do Thương mại của châu Á - Thái Bình Dương, cũng như một sự hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn trong khu vực hết sức đa dạng này.
Nghị trình này nhằm xây dựng một quan hệ tương thuộc và các lợi ích chia sẻ thông qua các lợi ích chung và mở về đầu tư, thương mại và cái được gọi là "an ninh con người".
Nhưng như hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này ở Seoul cho thấy, những vấn đề cốt lõi như điều chỉnh giá trị tiền tệ quốc tế và gỡ bỏ các rào cản thương mại bảo hộ đa phương, gặp đầy khó khăn.
Ngày càng có nhiều vấn đề kinh tế và an ninh trở nên gắn kết tới mức khó phân biệt với nhau - đặc biệt là ở châu Á nơi mà các lợi ích của Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản hội tụ.
Nhật Bản có nhiều cái để mất nếu một trật tự hòa bình mới không thể được lập tại khu vực kề cận quốc gia này. Vì vậy, liệu Nhật Bản có thể có được sự khéo léo và sức mạnh để giúp đem lại trật tự đó?

'Tê liệt'

Nhiều chuyên gia về các vấn đề Đông Á nói rằng Nhật Bản lâu nay có xu hướng tập trung hướng nội nhiều, trong khi các thách thức đang được nhân lên.
Trong đó, đặc biệt phải nói tới những thách thức không suy suyển của Trung Quốc, chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nhất là sự xử lý vụng về của Nhật Bản trong mối quan hệ với người đồng minh chính của mình, Hoa Kỳ.
Andrew Oros, một chuyên gia chính trị học người Mỹ và là một tác giả về các vấn đề an ninh của Nhật Bản, nói rằng Nhật Bản hiện có vẻ tràn ngập bi quan về tương lai của mình.
Phát biểu tại một hội nghị tuần trước, Tiến sĩ Oros nói rằng các sự kiện gần đây cho thấy các nhà lãnh đạo chính trị của Nhật Bản đã bị "ít nhiều tê liệt" khi đối diện với các lựa chọn chiến lược đầy khó khăn.
Chính phủ hiện nay của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) do Thủ tướng Naoto Kan lãnh đạo đã thất bại trong việc giải quyết tranh chấp kéo dài về kế hoạch di dời một căn cứ lớn của Hải quân Hoa Kỳ tới một khu vực thưa dân hơn của đảo Okinawa. Việc này diễn ra trong bối cảnh có sự thù địch mạnh mẽ từ người dân địa phương đối với bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Washington.
Người tiền nhiệm của ông Kan, Yukio Hatoyama, phải từ chức vào tháng Sáu do những bối rối về xử lý vấn đề của khu căn cứ quân sự nước ngoài, cũng như do chính lập trường chiến lược mà ông áp đặt hướng Nhật Bản tách xa khỏi Mỹ, trong khi nhích lại gần hơn với Trung Quốc.
Nhật Bản nhận thấy yếu kém về mặt ngoại giao của nước này đã bị Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khai thác vào đầu tháng Mười Một, khi ông này thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Nga tới quần đảo Kuril mà Nhật gọi là các "vùng lãnh thổ phía bắc" của họ.
Chuyến đi của nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh ý định của nước này phớt lờ yêu cầu của Nhật Bản nhằm thu hồi các quần đảo mà Hồng quân Liên Xô đã chiếm giữ trong những ngày cuối của Thế chiến II.
Ở trong nước, một loạt các vụ sụp đổ nhanh chóng của các chính phủ hàm ý ông Kan là Thủ tướng Nhật Bản thứ năm chỉ trong vòng bốn năm.
Và cuộc xung đột gần đây với Trung Quốc liên quan tới các hòn đảo mà Nhật Bản chiếm giữ mang tên Senkaku, ở Đông Hải, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi là Điếu Ngư, cho thấy Nhật Bản nằm xa ra sao trong một mối quan hệ 'tin cậy' với người láng giềng khổng lồ của nước này.
Nhật Bản đã bắt giữ và sau đó thả tự do cho các thành viên cùng thuyền trưởng của con tàu đánh cá của Trung Quốc vốn va chạm với hai tàu tuần tra của Nhật Bản vào tháng Chín.
Nhưng người Trung Quốc, không hề nản lòng nhụt chí, đã khuyến khích những cuộc biểu tình bài Nhật của đông đảo quần chúng, đòi cấm xuất khẩu sang Nhật Bản kim loại đất hiếm. Đất hiếm vốn rất quan trọng với các ngành công nghiệp công nghệ cao của Nhật, và chuyện này mở đầu cho một 'gáo nước lạnh về mặt ngoại giao' trước thềm cuộc hội nghị thượng đỉnh cuối tuần này.
Về phần mình, Nhật Bản đang lo lắng về quyết định của Washington nhằm mở ra một "đối thoại chiến lược" Mỹ - Trung, trong khi đang có nhiều dư luận xung quanh việc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở thành một cặp quốc gia có quyết định quan trọng nhất thế giới, mà người ta vẫn gọi là "G2".
Tomohiko Taniguchi, một cựu phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nhật Bản nay chuyển sang phân tích chiến lược, nói tăng trưởng kinh tế siêu nhanh với quy mô rộng lớn của Trung Quốc cùng việc lực lượng hải quân của nước này đang được mở rộng, có nghĩa là Nhật Bản đang phải đối diện với viễn cảnh về địa vị thống trị của Trung Quốc lần đầu tiên trong hơn 1.000 năm qua.
Không có gì nhục nhã hơn cho Nhật Bản, vẫn theo ông, hơn là "phải khấu đầu trước những kẻ cai trị ở Bắc Kinh".

Thay đổi toàn cầu

Chính phủ Nhật Bản khẳng định có một chiến lược tổng thể vững vàng, vốn tiếp tục dựa với mức độ lớn vào mối quan hệ liên minh Mỹ - Nhật kéo dài 50 năm qua, trong khi tiếp tục duy trì một "cơ chế" quốc phòng phù hợp với "bản hiến pháp hòa bình" hậu chiến của Nhật Bản.
Nhưng Nhật Bản cũng đang tìm kiếm một sự đồng thuận rộng rãi cho quan hệ an ninh có ý nghĩa hơn với các nền dân chủ khác như Australia, Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á - và ngay cả với liên minh Đại Tây Dương, NATO.
Các quan chức Nhật Bản chỉ ra rằng nước này vẫn còn nằm trong số năm quốc gia hàng đầu về cấp viện cho phát triển, mặc dù những năm gần đây tăng trưởng kinh tế trong nước của Nhật Bản liên tục kém cỏi. Nhật vẫn là nhà cấp viện đứng đầu cho Ấn Độ.
Công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cũng rất quan trọng đối với các chương trình hợp tác với Hoa Kỳ nhằm phát triển với mức độ tinh vi hơn bao giờ hết các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn - một điều hết sức quan trọng để bảo vệ Nhật Bản trước các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên thường được lặp lại tại khu vực kề cận lãnh hải Nhật Bản.
Sự pha trộn chính sách này bao gồm nhiều đòn bẩy, nhưng nó lại cho phép Nhật Bản mở cửa với điều mà quốc gia này tìm kiếm để trở thành "tất cả cho tất thảy mọi người".
Thực tế cốt lõi của Nhật Bản với giai đoạn 50 năm đi lên tuyệt vời của nước này, dưới sự bảo hộ của Mỹ để trở thành một siêu cường kinh tế, hiện đang bị thử thách trước những thay đổi quyền lực mạnh mẽ trên toàn cầu.
Nhưng một thách thức lớn hơn cho Nhật Bản có thể sẽ phải là sự từ bỏ sang một bên tư duy, não trạng hướng nội của các nhà lãnh đạo vốn đã phát triển trong nhiều năm qua, để bắt đầu thể hiện vai trò lãnh đạo chính trị phù hợp hơn với sức mạnh kinh tế của mình.
.
.
.

No comments: