(11/10/2010 03:21 PM)
dutule.com: Nhân dịp nhà phê bình văn học Thụy Khuê cùng phu quân từ Paris du lịch miền nam California, qua trung gian của nhà thơ Đặng Hiền, chủ biên tạp chí Hợp Lưu hiện nay, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà, cho chương tình “Du Tử Lê và Bằng Hữu” thuộc hệ thống truyền hình SBTN.
Nhà văn Thụy Khuê là tác giả của bộ sách phê bình văn học, gồm có 3 cuốn, nhan đề “Sóng từ trường.” Bà cũng có một thời gian dài lâu phụ trách mục “Văn học nghệ thuật” cho đài phát thanh RFI, phát thanh từ thủ đô nước Pháp, ngay từ lúc khởi đầu của đài này.
Cuộc nói chuyện hay “phút nói thật” của nhà văn Thụy Khuê, được thu hình tại một trong những studio của SBTN tối Thứ Ba, ngày 2 tháng 11 vừa qua.
Trân trọng kính mời quý bạn đọc theo dõi phần nội dung chính của cuộc phỏng vấn ấy.
DTL.
-------------------------------------
Du Tử Lê (DTL): Thưa chị, như tôi hiểu thì ngành phê bình văn học Việt Nam , từ xưa đến nay rất hiếm người theo đuổi. Chưa kể gần như chúng ta không có một người nữ nào “phiêu lưu” vào lãnh vực tế nhị này. Do đó, chị có thể cho biết nguyên nhân sâu xa nào khiến chị bước vào con đường gai góc ấy?
Thụy Khuê (TK): Thưa anh, từ ngày còn nhỏ, tôi vẫn yêu văn học, tôi thích đọc tiểu thuyết và hay đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đi học không may lại không được học về văn chương. Lý do, hồi đó muốn xin đi du học phải học những gì mà trong nước không có. Tôi phải chọn Toán để được đi Pháp học. Thời gian sau, tôi lại lập gia đình, rồi có con… thế là trong một thời gian dài tôi không có cơ hội hoạt động gì có liên quan đến lãnh vực văn chương.
Đến năm 1984, tôi về Việt Nam , chuyến đi này làm cho tôi thức tỉnh, thấy rõ đời sống của tôi từ trước đến giờ quá ư là ích kỷ, chỉ biết sống cho gia đình. Nhất là khi tôi ra Bắc, nhìn thấy tình trạng đất nước, con người quá cơ cực. Tôi nghĩ lần này về, tôi sẽ viết một cái gì đó liên quan đến chuyến đi. Không ngờ bài viết này như một định mệnh, bài viết được độc giả đón nhận. Từ đó tôi vào nghiệp viết văn. Ban đầu tôi viết những bài tiểu luận ngắn. Cơ bản tôi thích ông Lỗ Tấn, tôi muốn học theo kiểu viết của ông. Loạt bài đó tôi đăng trên báo Thông Luận. Đấy là những bài tập viết ban đầu, và thật là may mắn, tôi được độc giả yêu thích. Tôi cứ thế tiếp tục mãi. Sau đấy tình cờ tôi đọc bài tựa của Võ Phiến trong cuốn Văn Học Miền Nam . Ông nói về thực trạng miền Nam , và ông than rằng Văn Học Miền Nam không có người phê bình. Điều ông Võ Phiến nói như có một tác động mạnh trên tôi. Tôi nghĩ, bây giờ mình đang tập viết, truyện và các thứ khác đã có nhiều người viết rồi, chợ đông người rồi, mình có vào cũng không bằng ai. Tôi nghĩ đến ngành phê bình văn học nước mình quá thiếu nên tôi chấp nhận con đường đó.
DTL: Thưa chị, khi chị bước vào “trường văn trận bút”, chị là phụ nữ, chị có gặp thuận lợi gì và khó khăn gì?
TK: Là người phụ nữ trong xã hội thì luôn luôn gặp khó khăn! Tôi thấy không phải riêng tôi, các con tôi khi đi làm, hay bất cứ người phụ nữ nào ở xã hội hiện nay, Mỹ hay Pháp cũng thế, nếu thuận lợi thì chỉ ban đầu. Khi vào nghề, những đàn anh, đàn chị, nhất là đàn anh, họ thấy mầm non thì họ nâng đỡ lắm. Nhưng khi họ thấy mầm non khó bảo, thì lúc đó họ bắt đầu gay gắt. Lúc bấy giờ mình cũng phải tranh đấu như là phái nam.
DTL: Tôi nghĩ, chúng ta đang ở “phút nói thật” - - Chị có thể nói rõ hơn một chút:
a- Chị thấy mình hết là “mầm non” từ bao giờ hay căn cứ trên dữ kiện cụ thể nào?
b- Xin chỉ kể cho một vài thí dụ điển hình về những “gay gắt” mà chị đã nhận được? (Và,)
c- Chị cũng đã… “phải ‘tranh đấu’ như là phái nam!” Vậy, thưa chị, độc giả của chị sẽ phải hiểu hai chữ “tranh đấu” của chị thế nào thì đúng nghĩa nhất của hai chữ ấy?
TK: Có thể chia làm hai loại phản ứng anh ạ:
- Ở những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, đích thực, thuộc thế hệ đàn anh, tôi luôn luôn tìm thấy những sự thông cảm và nâng đỡ tinh thần trong mọi trường hợp.
- Ở những người sử dụng văn nghệ vào việc khác, khi thấy mình không đi đúng "con đường" mà họ mong muốn, thì họ có phản ứng hoặc bôi nhọ.
Để trả lời câu hỏi của anh. Tôi thấy mình hết là "mầm non", từ khi có những loại bài như trên xuất hiện trên mặt báo, hoặc trong phong cách ứng xử với tôi ở ngoài đời.
Hai chữ "tranh đấu" mà tôi vừa dùng chỉ có nghĩa là làm việc: cố gắng học tập và đào sâu những điều mình viết để gửi đến bạn đọc thầm lặng những bài viết tốt, không làm mất thì giờ của độc giả khi họ đọc mình. Chính những độc giả thầm lặng ấy mới là đối tượng của văn chương.
DTL: Khi phê bình văn học, chị dùng hoặc dựa trên một lý thuyết sẵn hay chị sẽ tùy vào không khí của từng tác phẩm để chọn một lý thuyết thích hợp? Hoặc chị nhận định từ những rung động có được từ những tác phẩm đó?
TK: Tôi có một lối lựa chọn, tức là khi đọc một tác phẩm, trước tiên tác phẩm đó phải đi thẳng vào con tim của mình, mình phải cảm nó, thích nó trước, mình tìm thấy được cái hay của nó, mình diễn tả được cái hay cho độc giả. Sau đó mình mới dùng đến lý thuyết văn học. Và lý thuyết văn học chỉ là chặng thứ nhì, và khi dùng lý thuyết văn học thì mình cũng phải nghiền nát nó ra chứ không dùng nó một cách cứng nhắc. Theo tôi, lý thuyết văn học chỉ là phần kiến thức thêm vào. Nếu mình không có một ý thức, cảm thức về tác phẩm thì không thể nào viết hay được.
DTL: Thưa chị, chị có một nguyên tắc, một tiêu chuẩn nào để đưa chị đến quyết định chọn một tác phẩm?
TK: Thưa anh, lúc định viết về một thời kỳ văn học nào đó, có một số tác giả mà mình chú ý đến, tạm gọi là tiêu biểu cho thời kỳ này. Trong số những tác giả đó, thì lại phải lựa ra những tác giả nào mình thích, phù hợp với tâm cảm của mình.
Sự lựa chọn phải là giao điểm của hai tiêu chuẩn trên. Sau cùng, là việc xác định: Tác giả nào phải đào sâu và những tác giả nào chỉ lướt qua… và lúc đó là lúc mình phải nhận định tác giả nào có giá trị và tác giả nào ít giá trị hơn.
DTL: Thưa chị, khi chọn phê bình một tác giả, chị có căn cứ trên tên tuổi của tác giả đó?
TK: Dạ không, có nhiều người có tên tuổi nhưng trong nhận xét của riêng tôi, họ không có giá trị. Tất nhiên những nhận xét của mình cũng có sai lầm. Tuy nhiên phải nói thêm rằng, mình không thể nào làm hết được! Khi chọn lựa người này mà chưa nói đến người kia không có nghĩa người kia không có giá trị.
DTL: Người ta thường cho rằng, người làm công tác phê bình văn học là người phải hoàn toàn khách quan. Cá nhân tôi, tôi không thấy như vậy. Bởi vì, ngay khi chị chọn tác phẩm và tác giả này mà, không chọn tác phẩm và tác giả kia thì khởi đầu đã là một chọn lựa chủ quan. Cá nhân chị, bằng vào kinh nghiệm dài lâu trong nghề, chị có nghĩ chị có được cái mà ta gọi là “hoàn toàn khách quan?”
TK: Anh nói đúng. Cá nhân tôi, tôi cũng tự thấy mình không thể có được cái gọi là khách quan hoàn toàn khi mà ngay tự khởi đầu mình đã thấy thích tác phẩm này, hay không thích tác phẩm kia rồi. Nhưng sau khi chọn lựa từ chủ quan của mình, tôi luôn cố gắng khách quan tối đa khi bước vào giai đoạn phê bình tác phẩm..
DTL: Trước đây, có nhiều nhà văn Việt Nam, nhất là những nhà văn miền bắc đi công du hay du lịch viếng thăm Âu Châu, họ thường ghé thăm nhà chị, địa chỉ nhà chị cũng là điểm hội tụ của những nhà văn tị nạn (tôi tạm gọi như thế) đến từ Mỹ, Canada… Ở vị trí “chủ nhân” tiếp đãi hai loại “tân khách” đó, chị có ghi nhận, có thấy ra một vài khác biệt nào, giữa hai lớp văn nghệ sĩ này? Cụ thể như cách ứng xử, giao thiệp, nhắc nhở, phê bình người này, người kia…?
TK: Thưa anh có chứ. Những nhà văn đến thăm nhà minh, dù là lần đầu nhưng thật ra đã quen nhau qua văn bản. Tôi tiếp bạn trong nước hay ngoài nước, thật sự là đã từng biết nhau, từng đọc văn nhau, thành thử khi gặp mặt đó chỉ là tiếp tục câu chuyện đã có từ trước, rất lý thú. Nó như một tình bạn chưa bao giờ bị cắt đứt.
Về sự khác nhau: Những người bạn văn ngoài nước, họ giống như mình, nghĩa là thích nói thì nói. Họ nói thẳng bất cứ chuyện gì muốn nói, có thể nói rằng, họ nói xả láng. Trong khi đó, những nhà văn trong nước thường thường mình không biết họ có nói thật hết lòng họ hay không? Nói một cách khác nếu đó là một tâm sự, hay những chuyện không thể nói công khai thì họ chỉ nói riêng giữa hai người. Nếu có người thứ ba thì họ lảng sang chuyện khác…
DTL: Tôi xin đưa một thí dụ cụ thể rằng, tôi có được đọc một bài viết của chị về ông Nguyễn Đăng Mạnh, ông ấy ghé thăm nơi chị ở, cũng như nhiều tên tuổi khác. Trong gặp gỡ, hàn huyên, vì là giới văn nghệ sĩ, nên tôi nghĩ thế nào cũng trao đổi, hay lạm bàn về văn chương. Từ đó, câu hỏi của tôi là, những dịp ấy có giúp chị ít nhiều trong bài viết?
TK: Câu hỏi này rất khó, bởi nó có hai loại bạn văn. Những người như ông Nguyễn Đăng Mạnh, những câu chuyện của ông giúp tôi rất nhiều. Những người tôi coi như bậc thầy như: Hoàng Xuân Hãn, Tạ Trọng Hiệp, tôi học ở họ rất nhiều điều. Còn những bạn văn, gặp để đấu láo, thì không giúp được gì cả. Đôi khi còn mất thì giờ nữa!
DTL: Thưa chị, anh Nguyên Ngọc có đến thăm chị?
TK: Tôi có gặp anh ấy ở Ca Li.
DTL: Chị có thể cho biết ý kiến của chị về anh Nguyên Ngọc?
TK: Anh Nguyên Ngọc là người đứng đắn, anh là người trong phong trào đổi mới văn học, anh ấy đã làm được rất nhiều điều cho văn học. Tuy nhiên tôi có cảm tưởng hiện nay anh bị gò bó hơn trước.
DTL: Thưa chị, chị có nghiêng về phê bình tác giả nữ hay nam không?
TK: Dạ không thưa anh, khi viết, tôi coi tôi không phải là đàn ông hay đàn bà. Tôi chỉ là người viết thôi. Thật sự là như thế. Tôi không thấy vấn đề phái tính nảy ra. Khi viết, tôi chỉ là một nhân vật. Thành ra bất cứ tác giả nào tôi thấy hay là tôi chọn không phân biệt nam nữ.
DTL: Chị có phân biệt một tác giả viết lâu hay mới viết không?
TK: Thưa anh không. Nếu những người viết mới mà hay thì tôi mừng lắm
DTL: Tôi nhớ trước đây, nhà xuất bản Văn Nghệ có in một tác phẩm của chị, cuốn “Sóng Từ Trường” Xin chị nói một chút về tác phẩm “Sóng Từ Trường.”
TK: “Sóng Từ Trường” có 3 cuốn, nhà Văn Nghệ in 2 cuốn, nhà Văn Mới in 1 cuốn. Đây là một những tiểu luận phê bình văn học.
DTL: Để độc giả hiểu đúng, xin chị giải thích thêm về ý nghĩa của tựa sách “Sóng Từ Trường.”
TK: “Sóng Từ Trường,” tôi muốn đưa ra hai ý nghĩa. Đó là giao cảm giữa người đọc và người viết, đó là những làn sóng có thể giao thoa nhau, gặp nhau và nó có thể không gặp nhau. Đấy là nghĩa thứ nhất. Nghĩa thứ hai, “từ trường” vừa là từ ngữ, chữ nghĩa, “từ” cũng là nam châm. Chữ nghĩa như nam châm thu hút chúng ta lại. Tình người nảy sinh ra chữ nghĩa, từ sự việc đọc chữ.
DTL: Tôi được biết chị không những viết phê bình văn chương Việt Nam mà còn viết về văn chương Pháp. Loại chữ nghĩa tức thế giới văn chương nào có “từ trường,” có sức “hút” chị mạnh mẽ hơn?
TK: Khi anh đọc một tác phẩm hay thì cái nào nó cũng “hút” mình như nhau. Nhưng với điều kiện mình phải hiểu loại chữ đó một cách thấu đáo. Nói như thế có nghĩa dĩ nhiên tiếng mẹ đẻ dễ đi vào con tim mình hơn, khi mà tiếng Pháp đối với tôi chỉ là ngôn ngữ thứ hai.
DTL: Trước đây chị có giữ một chương trình văn học cho đài RFI. Dường như chị không còn cộng tác nữa, chị có thể cho biết lý do.
TK: Tôi về hưu, cách nay một năm thưa anh. Nhưng người viết thì không thể về hưu. Hiện nay tôi có nhiều thì giờ để đi sâu hơn trong những việc mà tôi cho là có tính cách lâu dài hơn.
DTL: Chị có thể cho biết một vài dự định của chị trong tương lai?
TK: Hiện giờ tôi muốn hoàn thành công trình về Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi muốn đào sâu thêm về vấn đề này. Đối với tôi, ngay khi có quyết định viết về phê bình văn học, tôi muốn soi sáng chuyện Nhân Văn Giai Phẩm.
DTL: Về nguồn tài liệu, ngoài Việt Nam chị còn tìm thấy ở đâu khác.
TK: Tôi dùng thêm tài liệu ở Pháp. Và trong khi truy nguyên đến nguồn cội tôi lại khám phá ra nhiều chuyện khác cũng khá thú vị. Tỉ như tôi tìm lại và chứng minh được rằng những văn bản ký tên Nguyễn Ái Quốc, trong thời kỳ 1919-1927, không phải do Nguyễn Tất Thành (tức là Hồ Chí Minh) viết, mà do nhiều người khác viết, chủ yếu là Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh.
DTL: Chắc chắn chị có dùng những tài liệu trong nước. Thưa chị, chị đánh giá như thế nào về mức độ tin cậy ở những tài liệu đó?
TK: Tất cả những tư liệu mình dùng, bao giờ mình cũng phải hoài nghi trước đã. Sau cùng khi dùng, lại phải so sánh với nhiều nguồn tài liệu khác.
DTL: Thưa chị, tại sao lại là “Nhân văn giai phẩm” mà không là những đề tài khác? Tôi thí dụ “Vị trí của Tự Lực Văn Đoàn” trong tiến trình trong sáng hóa tiếng Việt? Hoặc “Vị trí của nhóm Sáng Tạo” trong nỗ lực mở rộng chân trời văn chương những năm tháng đầu của 20 năm văn học miền Nam?
TK: Anh đã hỏi đúng vào chỗ tôi dự tính: Sau Nhân văn Giai Phẩm, tôi dự định hoàn tất cuốn sách về Tự Lực Văn Đoàn, và nếu còn đủ sức khỏe, sẽ tiếp tục về Sáng tạo và Văn Học Miền Nam. Đó là những mốc chính của văn học Việt nam trong thế kỷ XX. Sở dĩ phải ưu tiên cho Nhân Văn Giai Phẩm, vì phong trào này hoàn toàn bị dập tắt tại miền Bắc, trước 75, và cả nước sau 75. Sự chôn vùi tác phẩm và con người trong Nhân Văn Giai Phẩm liên quan đến sự chôn vùi tự do dân chủ ở nước ta. Vì vậy, khi muốn khôi phục lại tự do dân chủ, thì phải khôi phục lại tác phẩm và con người trước đã. Văn Học miền Nam cũng bị chôn vùi, nhưng nhờ có cộng đồng người Việt hải ngoại, mà nó vẫn còn sống đến hôm nay.
DTL: Trong tương quan giữa người đọc và người viết, chị có thấy cần nói gì thêm với bạn đọc của chị, ở thời điểm này, trước khi chúng ta kết thúc cuộc nói chuyện?
TK: Bất cứ người viết nào cũng trò chuyện với người đọc qua tác phẩm của mình. Khi bài viết của mình được người đọc chú ý, đó là điều cao quý nhất mà mình mong đợi. Ngoài ra, không có gửi gấm nào khác, anh ạ.
----------------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment