Saturday, November 6, 2010

NGƯỜI VIỆT KHÓ KẾT BẠN (Nguyễn Việt Hà)


- Sai! Cái sai thứ nhất có thể đúc kết ngay từ những ông tây, bà đầm sau khi du hí từ Việt Nam trở về nước, nếu được “phỏng vấn” dễ đến 99% các ông bà Tây đại nhân đều hồ hởi bảo rằng: Người Việt các ngài vô cùng dễ thương! Sự “dễ thương” được thể hiện qua tính hiếu khách, chiều khách và sẵn sàng tận tụy đến hơi thở cuối cùng… với khách. Ta phải thêm một dòng nữa cho hai chữ “dễ thương” nói trên: Trước các vị tây đại nhân – người Việt, từ già tới trẻ, từ nông thôn tới thành thị, từ trung ương tới địa phương, từ miền xuôi tới miền ngược… nếu cần ai cũng sẵn sàng moi gan, móc ruột để phụng sự các ngài tới… bến.
Thử bàn về tính cách người Việt. Ảnh minh họa, nguồn On the net
Sẽ có người bảo: Hay nhỉ! Khách thì chỗ chó nào chả là thượng đế? Dễ các nước tư bản không vậy chắc? Này nhé, quí ngài hãy thử bước chân vào các cửa hàng, vào công sở, vào khách sạn, vào quán xá, công viên hay bất kỳ nơi đâu xem, nơi nào ngài cũng đều nghe thấy: Please! Hay: You are wellcome cả. Rồi ngài mua đồ, hay không mua đồ, ngài thuê phòng hay chỉ hỏi cho biết giá, ngài chỉ ngồi nhởn nhơ uống ly cà phê hay ngài ăn nhậu tới bến… tất tật ngài đều nhận được những từ “please” rất chi dễ thương.
Nói vậy dễ chừng người Việt ta không biết “please” du khách chắc? Dĩ nhiên là có, thậm chí còn hơi bị nhiều đằng khác. Tuy nhiên “please” của dân tư bản nó trong sáng hơn và nó được làm theo đúng nghĩa vụ và trách nhiệm với du khách, còn với người Việt khi một lời “please” (lời vàng ngọc) được phát ra tất phải kèm theo “sản phẩm”, bằng không nếu vô phước du khách nọ bị chủ nhà phát hiện chỉ có ý dòm ngó, hay hít hà cho vui, lập tức những nụ cười tươi rói trên môi của những ông, bà chủ nhà ngay lập tức sẽ tắt ngấm, những đôi mắt đầy thiện cảm cũng ngay lập tức sẽ trở thành những đôi mắt “mang hình viên đạn”. Còn nếu chủ nhà có đôi chút công phu của bậc đại thừa, kìm nén lắm, khi đám du khách ẫn ơ nọ vừa bước khỏi chừng 5-7 bước, lập tức sau lưng họ sẽ được tung ra những chưởng lực rất… vàng ngọc, mà giả như đám du khách nọ vô phước hiểu trọn được đôi điều, chắc chắn nếu dụ họ tới già cũng chẳng ai còn đủ can đảm để trở lại nơi này mà nhòm ngó hay viếng thăm nữa.
Vậy nên có không ít người khi qua Âu Châu du lịch, hay thăm con, cháu, đều hồ hởi phát biểu: Đi hóng hớt, ngắm đồ siêu thị bên này sướng thật. Nhiều cửa hàng, vào hóng hớt, cởi ra, mặc vào chán chê mê mỏi rồi lại cắp đít đi, vậy mà đám nhân viên bán hàng vẫn cười toe toét, không những thế lại còn luôn mồm cảm ơn mới khổ. Chả bù cho trong nước chút nào. Mở mắt ra, có vào cửa hàng, cửa hiệu nào để ngắm nghía, rồi vô phước lại không mua, hay không gặp đồ vừa ý, rồi muốn cắp đít đi thì… khốn.
Một người bảo: Nếu lịch sự thì cũng bị tụi nó nguýt cho một phát tới cháy mông đít. Còn không, vớ được cái gì có thể đốt được là nó xé toàng toạc, rồi vừa đốt vía ngay trước mặt mình, vừa lầm rầm nguyền rủa cho cái “vong” (chỉ khách hàng) đừng bao giờ lượn lờ tới phá nữa. Cũng đám người nhà trên kết luận: Dân Tây họ lịch thiệp và văn hoá thật.
Cái sai thứ hai phải nói ngược lại rằng: người Việt ta là một dân tộc dễ kết bạn nhất trên thế giới là đằng khác. Điều này chỉ cần nhìn vào cuộc thăm viếng của ông Bill Clinton, vị cựu tổng thống Mỹ, trước khi từ nhiệm vào năm 2000 và một vài năm gần đây, ta có thể hoàn toàn hài lòng về nhận định đó. Giả như những hình ảnh đón tiếp ngài Bill Clinton cùng phái đoàn cộng sự của ngài một cách nồng hậu đến cuồng nhiệt như vậy được diễn ra ở một nơi nào đó trên hành tinh này, có lẽ nó không có gì khó hiểu và đáng phải bàn tán, nhưng không, điều đó lại xảy ra ngay trên mảnh đất “hiên ngang trên tuyến đầu chống Mỹ” vậy nên nó mới trở thành điều kỳ lạ. Kỳ lạ hơn nữa nó là xứ sở của những người đàn bà nách 3-4 mạng con, bụng chửa vượt mặt, nhưng lại sẵn sàng đánh Mỹ tới “còn cái lai quần cũng đánh”.
Khó có thể hình dung cũng mảnh đất ấy, con người ấy, nhưng chỉ hơn 20 năm sau thôi… mọi người có thể xô đẩy nhau, cuồng nhiệt nhảy bổ về nơi ngài Cliton đang đứng, rồi hỉ hỉ hả hả cười cười, nói nói với “kẻ thù không đội trời chung” của mình để quay phim, chụp ảnh… Hình ảnh này khiến mọi người phải liên tưởng đến hình ảnh cựu tổng thống đời thứ 43 của Mỹ George Bush cách đâu không lâu, trong chuyến thăm viếng Irak và họp báo vào tháng 12.2008, trước khi từ nhiệm, ông G.Bush đã được phóng viên Mountazer al-Zaidi, 29 tuổi, thuộc một đài truyền hình Irak, đặt trụ sở tại Cairo (Ai Cập) “đón tiếp” rất nồng hậu bằng cả một chiếc giày ném thẳng vào mặt. Rất may ông G.Bush đã phản xạ nhanh nhạy, nên đã tránh được chiếc giày lao như tên bắn nọ… và đổi lại viên phóng viên dám “phi giày” kia đã bị đám cận vệ của ông Bush túm cổ rồi bị tra tấn tới gãy tay và dập mấy chiếc xương sườn…
Trở lại những hình ảnh đón tiếp ngài Bill Clinton vô cùng nồng hậu nó, nhiều người đã phải thốt lên rằng: Tôi không hề đọc được trong ánh mắt những con người của xứ sở này sự căm hờn những “kẻ thù” cũ của mình đến xương tủy; tôi cũng không còn nhìn thấy phảng phất đâu đây những khung cảnh tang tóc, điêu linh của một Hà Nội 12 ngày đêm bị hủy diệt dưới bom đạn Mỹ. Nơi đây, hôm nay (ngày đón Bill Clinton) có chăng chỉ còn là một bầu trời chìm ngập trong cờ, hoa rực rỡ, cùng những tấm panô in đậm những dòng chữ: Warm welcome to Mr. President Bill Clinton! Phải! Kỳ lạ vậy sao? Điều gì đã khiến cho con người của xứ sở này mau chóng quên đi sự tàn khốc của những kẻ đã từng gây nên tang tóc cho quê hương họ? Phải chăng đó là tấm lòng mến khách? Phải, điều chắc chắn rằng: không có tấm lòng mến khách, con người nơi đây sẽ không thể làm nên kỳ tích ấy!?
Ai dám bảo người Việt là khó kết bạn?

Người Việt dễ kết thù
Sai! – Lại sai? Đúng vậy! Điều này có thể nhận ra từ những điều vừa nêu trên. Do vậy, có chăng ta phải đổi lại là: người Việt rất dễ kết thù, nhưng: Đó là sự kết thù giữa người Việt với người Việt mà thôi, còn với thế giới, đặc biệt là thế giới tây đại nhân chúng ta đã chẳng mở toang… cửa để làm bạn với bốn phương đó sao?
Câu nói này có tính khôi hài khá cao, bởi một người có tư duy và nhãn quan thực tế một chút, tất họ chẳng dại gì đi kết bạn với một anh trên răng, dưới dép, tính khí lúc mưa lúc nắng, nhà cửa dột từ nóc dột xuống, đã vậy lại xiêu vẹo, trống toang trống tuếch cả… Nhưng ta hãy gác lại ở chuyện “kết bạn bốn phương”, bởi thực tế người Việt kết bạn được với ai? Kết bạn được tới đâu? Kết bạn với mục đích gì? Ai dám kết bạn với người Việt… nó còn là nhiều dấu hỏi.
Ở đây ta hãy thử nhìn nhận ở góc độ hạn hẹp: Người Việt sống với nhau ra làm sao đã. Có ý kiến cho rằng: Nếu hai người Việt cùng hệ “chị Dậu” sống với nhau, tất họ sẽ tự thoả hiệp để chung sống bên nhau một cách hoà bình, nhưng nếu một ngày kia, một trong hai người nọ đột phát vươn lên hàng “bá Kiến” tất anh “bá Kiến”* với anh “chị Dậu”** còn lại sẽ trở thành hai kẻ “không đội trời chung”.
Và giả như giữa họ lại có thêm 2-3-4-5… người nữa cùng chung sống thì… thôi rồi “Lượm ơi”***, mảnh đất mà họ đang chung sống sẽ trở thành một sàn tỉ thí bất phân thắng bại. Cũng có người bảo: Nơi nào có người Việt, nơi ấy có đấu tranh! – Đấu tranh? Ồ, tốt quá đi chứ! Cuộc đời sẽ tẻ nhạt biết bao nếu thiếu đi sự tranh đấu. Không sai! Trong xã hội tây đại nhân tranh đấu được coi là một vũ khí, một phương tiện để kiện toàn hóa guồng máy lãnh đạo và hoàn thiện xã hội. Dĩ nhiên hai từ “tranh đấu” của họ vốn bao hàm: công khai; công bằng; bằng tư duy, kiến thức, lý lẽ đúng đắn để phản biện. Bên nào lép vế sẽ phải tự điều trần, rồi xin rút lui trong danh dự, hoặc nếu có thể sẽ có một thoả hiệp (compromise), cùng bắt tay hợp tác và lãnh đạo…
Nhưng với người Việt ta hai từ “tranh đấu” vốn không đơn giản như vậy. Nhiều người bảo: Khốn nạn! Dân mình nó thế! Người bé một dúm, nhưng cá tính lại hơi bị “khủng”, vì thế mọi chuyện cho dù có bằng cái kiến nhưng cứ phải gồng mình, mắt mũi cứ phải trợn ngược, răng lợi cũng phải nghiến vào nhau chèo chẹo như dây chão, rồi xé… ra cho thật to nó mới đã. Chữ “to” phải được hiểu là: Chuyện bé sẽ chẳng ma nào thèm quan tâm, nhưng nếu anh biết thổi… phồng nó lên tới hàng cực đại, tất cả phường, cả xã, cả tỉnh, thậm chí cả trung ương và thế giới cũng sẽ phải dòm ngó vào nó. Và khi anh đã có được công chúng rồi, anh chỉ cần giúi vào tay họ một mồi lửa, vậy là anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vả lại đã không tranh đấu thì thôi, nhưng có tranh đấu tất phải có địch-ta (địch-ta trong thế giới người Việt vốn luôn mập mờ và trong gang tấc); phải có thắng-bại; phải có vua-có giặc. Anh ca cẩm không có “địch” để đánh phải không? Giời ạ! Trí tuệ sáng suốt được trang bị của anh chạy đâu cả rồi? Không có địch thật thì phải tưởng tượng ra địch mà đánh chứ. Địch nào có ở đâu xa? Địch ở ngay trước mặt anh, trước mặt tôi, trước mặt chúng ta, ở ngay trong hàng ngũ chúng ta, ở ngay trong gia đình, trong thân bằng quyến thuộc của chúng ta đấy. Thế nhé! Ta cứ “quán triệt” với nhau như thế để khỏi phải lăn tăn. Không có địch thì cứ nhè vào những đám thân tín mình không thích, không ưa, không phục ấy mà… khảo là ra thằng địch tuốt.
Đây chính là lý do người dân trong xã hội Việt đã tự cảnh tỉnh mình bằng cách: Hễ nơi nào nhen nhóm có mùi đấu tranh, điều tốt nhất là anh, tôi – chúng ta hãy đánh bài… gật, hoặc tìm mọi cách lẩn đi một nơi nào đó cho thật… xa, bằng không, cả anh lẫn tôi – những thằng chúng ta chẳng có con đường nào để mà… tránh. Đấu tranh của người Việt vốn dĩ là thế, là phải làm sao gô được cổ nó vào cọc, khạc cho nó vài “băng”, rồi đạp nó xuống hố. Làm được công việc ấy một cách mẫn cán và suất sắc kể như anh đã hoàn thành nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó. Hơn thế người đời cũng chẳng ngại ngần gì khi vinh danh anh là một kẻ trượng phu, kẻ chiến thắng. Mà người trượng phu vốn không thể để tâm đến những tiểu tiết. Kẻ chiến thắng thì lại càng không. Quán triệt được điều đó chúng ta mới có thể làm bạn của nhau được.
Bạn – Dân bản xứ nơi đây nhiều khi phải buột miệng nói không giấu giếm, xen lẫn đôi chút ghen tị: Sao người Việt tụi mày lắm bạn thế? Có lẽ họ cảm thấy ngạc nhiên trong cách xưng hô và sự dễ dãi kết bạn của người Việt. Trong khi đó với người bản xứ, bạn – với họ nó là một danh từ hết sức thiêng liêng, nó không chỉ là người cùng chí hướng, chí cốt, mà còn là người sẵn sàng hiện diện trong cảnh bạn gặp nguy, khó. Và với con người xứ này: Bạn chỉ cần 1-2 là quá đủ.
- Rõ hay! Dễ thường người Việt ta không dám sống chết cùng bạn bè chắc?
Dĩ nhiên là có, thậm chí còn có hơi bị… nhiều đằng khác. Tuy nhiên phải thừa nhận một điều: Người Việt kết bạn hơi bị dễ dãi.
Bạn tôi bảo:
- Ngài ơi, điều mà ngài cho là dễ dãi đó nó hàm chứa những lý do tiềm ẩn mà phải tới hồi… kết, kẻ đối diện mới chợt hiểu được, mà lúc đó thì ngài đã bị “đồng chí bạn” nó đẩy tọt xuống lỗ mất rồi.
Ví thử có người nói khoe với ngài thế này:
- Giới thiệu với bác, ông A, bà B là bạn cực thân, chí cốt của chúng tôi đấy!
Lúc này ngài phải “quán triệt” rõ hai cụm từ “chí cốt”, và “cực thân”, bởi để được vinh danh bằng những danh từ cao quí đó thì ông A, bà B phải là những con gà biết đẻ ra quả chứng vàng, nghĩa là: phải là một sản phẩm luôn đem lại giá trị thặng dư cho kẻ đối diện. Đáp ứng được điều đó, kẻ đối diện chẳng ngần ngại gì khi trịnh trọng ghi tên ông A, bà B trong cuốn “sổ vàng” của mình. Đương nhiên những dòng chữ ấy sẽ không bất biến, giả như một ngày nào đó ông A, bà B nọ bị kẻ đối diện phát hiện ra họ đã không còn khả năng để đẻ ra “chứng vàng” nữa, ngay lập tức tên, tuổi của họ sẽ được automatic biến ra khỏi bộ nhớ của kẻ đối diện. Nặng nề hơn tên tuổi của họ sẽ bị gạch đít một cái thật… đậm: Kẻ đối địch! Ngài ơi, khi ngài được những đồng chí thân yêu của mình kính cẩn nghiêng mình rồi truy phong cho ngài hai chữ “đối địch” là kể như ngài đã có thể chuẩn bị hành trang để trở về với cát bụi được rồi.
Bạn-Thù, Thù-Bạn, trong thế giới người Việt để hiểu rõ ngọn nguồn nhiều khi là điều không tưởng.

© Việt Hà
© Đàn Chim Việt
—————————————————-
Ghi chú:
* là nhân vật trong tác phẩm Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố
** là nhân vật trong tác phẩm Làng Vũ Đại Ngày Ấy của Nam Cao
*** tên một chú bé liên lạc trong một bài thơ cùng tên của Tố Hữu
.
.
.

No comments: