Sunday, November 7, 2010

NGHE/NHÌN BẰNG TÂM THỨC HOÀI NIỆM và NGHE/NHÌN BẰNG TÂM THỨC NGHỆ THUẬT

07.11.2010

Rời Việt Nam, tôi lưu lạc tới một lục địa khác. Có một đêm lái xe đường trường, tôi dừng lại nghỉ gần một khu rừng vắng. Đêm vô cùng yên lặng, tôi đang ngồi hút thuốc, uống café một mình trong xe thì chợt nghe văng vẳng một bài hát Việt Nam từ chiếc xe đậu gần đó. Tôi không biết tên bài hát nhưng nhận ra cái giai điệu bình dân quen thuộc mà ngày xưa tôi vẫn thường nghe văng vẳng trong khu xóm nhỏ. Tôi ngồi lặng người vì một nỗi nhớ nhà... Một lát sau, tôi rời xe mình, bước tới chỗ chiếc xe đang mở nhạc, thì thấy một người đàn ông Việt Nam cũng đang ngồi uống café... Tôi chào ông ấy và thấy rất mừng. Chúng tôi bắt tay nhau, mời nhau hút thuốc...

Tôi tâm đắc với cái ý của anh/chị Hoàng về sự “nghe bằng tâm thức hoài niệm một di sản”. Đúng là vậy, vì trong đêm cô đơn đó tôi không nghe cái giai điệu bình dân kia bằng lỗ tai thưởng thức nghệ thuật mà nghe bằng cái lỗ tai của một kẻ tha hương lòng nặng nỗi nhớ nhà, nhớ những ngày xưa, nhớ những kỷ niệm buồn vui của một thời quá khứ... Cái giai điệu cũ đó là một cái trớn đưa tôi trở về với nỗi hoài hương.
Nếu trong đêm cô đơn đó tôi nghe một bài ca khác có nghệ thuật cao hơn, như bài “Hương xưa” của Cung Tiến hay bài “Tình hoài hương” của Phạm Duy, thì tôi cũng không nghe bằng lỗ tai thưởng thức nghệ thuật mà cũng chỉ “nghe bằng tâm thức hoài niệm một di sản”. Trong một lúc khác, bình thản hơn, tôi mới có thể nghe đàng hoàng bằng lỗ tai thưởng thức nghệ thuật.

Ý tôi muốn nói là không phải tất cả các bài ca trong quá khứ đều có giá trị nghệ thuật ngang nhau. Khi “nghe bằng tâm thức hoài niệm một di sản” thì chúng có thể làm ta cảm động như nhau, nhưng khi nghe bằng lỗ tai thưởng thức nghệ thuật thì ta lại có thể thấy chúng có giá trị nghệ thuật khác nhau.
Người Việt lưu vong chúng ta không chỉ “nghe bằng tâm thức hoài niệm một di sản” mà còn “nhìn bằng tâm thức hoài niệm một di sản”... Ở bên trời Âu Tây, bất ngờ trông thấy hình ảnh một đôi guốc mộc cũ, một bìa sách cũ hay một tấm ảnh cũ về cuộc sống ngày xưa, ta thường xúc động, dù chúng chỉ là những đồ vật đơn sơ chứ không phải là những tác phẩm điêu khắc, hội hoạ hay nhiếp ảnh nghệ thuật.
Riêng tôi, không cần nghe, cứ mỗi lần nhìn thấy lại những cái bìa tập nhạc cũ kỹ ngày xưa là tôi lại tần ngần, cảm động...

----------------------

Bài liên hệ:
07.11.2010
[VĂN HOÁ HÔM NAY] ... Tui ngờ ý bác Hoàng nói (“Chúng ta nghe nhạc trước năm 1975 đều thấy hay vì ta không chỉ nghe một bản nhạc, một giọng ca thuần túy mà vì chúng ta đang nghe bằng tâm thức hoài niệm một di sản”) là rất xác đáng! Bởi phần tui cũng tương tợ... (...)

[VĂN HOÁ HÔM NAY] ... Nói đến ca sĩ nhạc trẻ Pháp thời thập niên 60 thế kỷ trước mà không nhắc tới Francoise Hardy e là một thiếu sót lớn... (...)

06.11.2010
[VĂN HOÁ HÔM NAY] ... Thế nhưng giờ đây tôi lại cảm nhận nhạc nào cũng... hay như nhau. Nghe Thái Thanh ca “Nước non ngàn dặm” hay Thanh Tuyền ca “Rừng lá thấp” đều cảm thấy bồi hồi, rung động. Đem cái ý này chia sẻ với bạn bè xưa thì đều nhận được những đồng cảm. Một người bạn tui bảo: “Chúng ta nghe nhạc trước năm 1975 đều thấy hay vì ta không chỉ nghe một bản nhạc, một giọng ca thuần túy mà vì chúng ta đang nghe bằng tâm thức hoài niệm một di sản”... (...)

[VĂN HOÁ HÔM NAY] ... Tôi thì nghĩ rằng có lẽ giới trí thức Pháp (nói chung) đánh giá Johnny Hallyday, Sylvie Vartan và Christophe ở những mức độ cao thấp khác nhau. Tôi không dám nói chắc điều gì, chỉ nêu ra đây vài ba ý nghĩ và thông tin đơn sơ để góp vui trong cuộc đối thoại nhẹ nhàng này... (...)

[VĂN HOÁ HÔM NAY] ... Người nhà nghe (hay thấy) như vậy rồi thơ về cho ông/bà Xyz hay như thế, thì người nhà của ông/bà có nguồn dẫn chứng đáng tin cậy nào không để “bảo kê” cho cái việc người nhà của ông nghe thấy như thế là xác thực, là có xảy ra?... Tựu trung, ý tôi muốn nói là công việc dẫn chứng luôn luôn là cần thiết, nhất là trong những vấn đề/chuyên mục có tính cách đặc thù như thế này... (...)
.
.
.

No comments: