Sunday, November 21, 2010

MẠN ĐÀM về ĐỀ TÀI "SAU 35 NĂM, BÊN THẮNG, BÊN BẠI và ĐẤT NƯỚC"





Lời mở đầu: Cái mốc lịch sử oan nghiệt 30/4/1975, trên hình thức là đã thống nhất được Nam Bắc, nhưng trên thực tế thì làn ranh ý thức hệ vẫn phân chia làm thành hai phe “thắng”. và “thua”. Hơn hai triệu người Việt đã vượt biên tìm tự do  dẫn đến sự hình thành của  CĐNVHN  tỵ nạn CS. Sau khi tạm ổn định cuộc sống nơi xứ cũng như rất thành công về nhiều mặt,  CDNVTN CS  đã ngồi lại với nhau tiếp tục tranh đấu bảo vệ màu cờ vàng ba sọc là biểu tượng cho khát vọng tự do dân chủ. Còn kẻ thắng, sau 35 năm cầm quyền đã đưa đất nước và dân tộc VN từ đổ vỡ này đến đổ vỡ khác mà nhà văn Việt Dương đã tóm gọn bằng hình ảnh 4 đường vòng oan nghiệt: Đường vòng nông nghiệp, đường vòng công thương nghiệp, đường vòng tư sản và đường vòng lệ thuộc. Trong hai chương trình phát thanh vừa qua qúy vị đã được nghe những nét tiêu biểu về bên bại, bên thắng và ba đường vòng oan nghiệt. Chủ đề cuộc mạn đàm với nhà văn Việt Dương hôm nay liên quan đến đượng vòng oan nghiệt thứ 4 tức là đường vòng lệ thuộc.

Nam Dao: Khi nói về thời kỳ đổi mới, từ Đại Hội 6 (12/86) đến nay, anh đã định tính chất cho việc đổi mới đó bằng 4 đường vòng: Đường vòng nông nghiệp, đường vòng công thương nghiệp, đường vòng tư sản và đường vòng lệ thuộc. Hôm nay chúng ta sẽ đi sâu vào đường vòng thứ tư, con đường đang đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Trung Quốc. Chúng ta phải nhìn con đường này như thế nào?

Việt Dương: Để nhận rõ đường vòng thứ tư, chúng ta cần ôn lại ít điều về cái duyên nợ của Cộng Sản Việt và Cộng Sản Tàu. Theo chị, ở đây duyên là cái gì?

Nam Dao: Cái duyên của Cộng Sản Việt và Cộng Sản Tàu là chủ nghĩa Marx-Lenin, là quốc tế vô sản. Suốt dọc theo lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn ở bên cạnh. Hồ Chí Minh luôn nói đến công ơn của đảng Cộng Sản Trung Quốc,tôn Mao Trạch Đông là thầy, là người lãnh đạo không bao giờ sai lầm. Ông Hồ coi hai đảng Cộng Sản Trung quốc và Việt Nam là hai anh em. Khi đón Lưu Thiếu Kỳ tới Hà Nội năm 1963, trong lời chào đón họ Lưu, ông Hồ đã đọc hai câu thơ:Mối tình thắm thiết Việt Hoa
Vừa là đồng chí vừa là anh em.

Vì cái tình này nên Cộng Sản Tàu đã giúp Cộng Sản Việt Nam từ thời khai sinh cho tới khi toàn thắng chiếm được cả nước Việt. Trong thời kháng chiến chống Pháp (1946-54), Cộng Sản Việt gặp thiên thời khi Cộng Sản Tàu thắng Quốc Dân Đảng Trung Hoa năm 1949 nên có cả một miền biên giới mở sang Tàu và Cộng Sản Tàu đã giúp huấn luyện quân đội, trang bị vũ khí. Trong những chiến dịch lớn như chiến dịch Đông Khê, Thất Khê để khai thông biên giới và chiến dịch Điện Biên Phủ, Cộng Sản Việt đã được các tướng Tàu như Trần Canh, Vi Quốc Thanh, Diệp Kiếm Anh, La Quý Ba… cố vấn chỉ đạo. Tới giai đoạn xâm lăng miền Nam (gọi là kháng chiến chống Mỹ), Cộng Sản Việt cũng đã được Cộng Sản Tàu trợ giúp quân dụng, vũ khí, lương thực.
Viện trợ quá lớn, nên ơn nghĩa cũng lớn, và cái ơn này đã được Hồ Chí Minh tổng kết bằng hai câu thơ:
Trăm ơn ngàn nghĩa vạn tình
Tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời.

Ông Hồ đã ca ngợi tình hữu nghị Việt Hoa như thế, nên thi ca cũng thi nhau ca ngợi cái duyên thắm thiết Hoa Việt, chẳng hạn nhưTố Hữu viết:
Bên này biên giới là nhà
Bên kia biên giới cũng là quê hương.

Những dữ kiện trên cho thấy cái duyên CSVN-Trung Cộng nó keo sơn thắm thiết như thế đấy. Thế còn theo anh VD cái Nợ thì sao?

Việt Dương: Lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cuồng tín nên tôn Liên Sô và Trung Quốc là thành trì tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Còn Cộng Sản Tàu giúp Cộng Sản Việt Nam lại nghĩ khác, giúp không phải vì Quốc Tế Vô Sản mà có hậu ý là cái nợ mà Cộng Sản Việt Nam phải trả.
Từ 1975 đến thập niên 80, Cộng Sản Việt với Lê Duẩn lãnh đạo đã đứng hẳn về phía Liên Sô trong khi Liên Sô chống Trung Cộng, nên Cộng Sản Việt thành kẻ thù của Cộng Sản Tàu và đã bị Tàu dạy cho một bài học là trận đánh vào 6 tỉnh biên giới tháng 2 năm 1979. Nhưng khi tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Sô sụp đổ năm 1990 thì Cộng Sản Việt quay đầu về Tàu tạ tội, xin thần phục, và được Tàu tha thứ cho tái lập tình anh em đồng chí năm 1991. Tuy trên danh nghĩa gọi nhau là đồng chí, là anh em, nhưng anh bắt đầu đòi nợ và từ đó đến nay Cộng Sản Việt đã trả nợ bằng nhiều hình thức. xin kể:
Trả nợ bằng hiệp ước:
Với hiệp ước biên giới Việt Trung (30/12/99) Tàu lấy Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và trên 1000km2 ở biên giới. Với hiệp ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ (25/12/2000) Tàu lấy trên 10.000 km2 biển.
Trả nợ bằng những Bản Thông Cáo Chung:
Với những Bản Thông Cáo Chung sau những chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, Cộng Sản Tàu đã bắt Cộng Sản Việt hợp tác toàn diện về ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh với Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương. Qua nội dung của những bản thông cáo này thì Cộng Sản Việt đã bị cột chặt như một thứ đảng ủy của Cộng Sản Tàu.
Trả nợ bằng những dự án kinh tế:
Bằng con đường kinh tế, Cộng Sản Việt đã để cho Trung Quốc thắng thầu nhiều dự án quan trọng thuộc các lãnh vực thiết yếu của nền kinh tế như điện, khai mỏ, cầu đường, xi măng, và hóa chất. Điểm đáng kể là những nhà thầu Trung Quốc đã đem theo hàng ngàn công nhân và cả thiết bị để xây dựng dự án. Vì thế nơi nào có dự án xây dựng của Tàu là nơi đó trở thành làng công nhân Tàu. Như thế là từ cái nợ này mà Giang Trạch Dân đã buộc Cộng Sản Việt bằng 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và 4 tốt: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” mà Việt Nam phải đi dần vào vòng lệ thuộc Trung Quốc.
Chính do nguy cơ mất nước này mà mấy năm nay, từ quốc nội đến hải ngoại, hồn nước đã bật dậy.
Theo chị thì sự biểu hiện này ở hải ngoại như thế nào?

Nam Dao: Các tổ chức chính trị và những hội đoàn có nhiều hoạt động lên tiếng tố cáo đảng Cộng Sản Việt Nam bán nước và lên án sự xâm lấn của Trung Quốc.
- Phản ảnh trên báo chí, trên website.
- Biểu tình chống những phái đoàn của chính quyền Việt Nam với biểu ngữ nêu đích danh Cộng Sản bán nước.
- Tổ chức hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa để nói lên tham vọng ngông cuồng của Trung Quốc.
Ở hải ngoại thì như thế, còn trong nước anh thấy gì?

Việt Dương: Tuy hoàn cảnh nguy hiểm, nhưng ý thức về nguy cơ mất nước, ý thức chống Trung Quốc, ý thức đối nghịch với đảng, nhà nước Cộng Sản trước nguy cơ này đã được nói lên từ nhiều tầng lớp: Tôn giáo, sinh viên, trí thức, thường dân và cả đảng viên và tiếng nói này đã trở thành một chủ lưu được truyền bá trên báo mạng mà chính quyền không cách nào ngăn cấm và hủy diệt hết được.

Nam Dao: Ở đây anh có thể đưa ra một số điểm cụ thể về chủ lưu này không?

Việt Dương: Tôi xin tóm tắt mấy điểm cụ thể:
Thứ nhất, chủ lưu gồm tiếng nói của nhiều giới: Tôn giáo, giới trẻ, tầng lớp trí thức, các ông tướng và đảng viên Cộng Sản.
Thứ nhì, chủ lưu xác định rõ kẻ xâm lấn Việt Nam là Trung Quốc:

Xin dẫn ít lời:
- Biểu ngữ của sinh viên trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa:
Thanh niên, sinh viên Việt Nam thế kỷ 21 tặng Trung Quốc:
Mười sáu chữ vàng
Láng giềng khốn nạn
Cướp đất toàn diện
Lấn biển lâu dài
Thôn tính tương lai.
Hòa Thượng Quảng Độ, trong lời kêu gọi không dùng hàng Trung quốc ngày 3/10/2009, viết: “Nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc là nguy cơ cụ thể và hiện tiền. Ngày 29/3 đầu năm nay, nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi đã cất “Lời kêu gọi Tháng 5 Bất Tuân Dân Sự - Biểu Tình Tại Gia” mở đầu cuộc đấu tranh bất bạo động để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải mà hai nghìn năm tiền nhân ta không ngừng đem ý chí bất khuất và xương máu gìn giữ non sông.
Hôm nay nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi xin cất lời kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước hãy có thái độ trước hai hiện tượng Trung Quốc xâm lấn và nhà cầm quyền Cộng Sản bó tay đầu hàng.
Chúng ta cần biểu tỏ qua thái độ để chống hai quốc nạn nội xâm và ngoại xâm.
Thái độ cần biểu tỏ hôm nay để nhà cầm quyền Bắc Kinh thấy rõ ý chí kiên cường của người dân Việt là phát động phong trào không dùng hàng Trung Quốc…Tẩy chay hàng Trung Quốc là tẩy chay chủ nghĩa bá quyền xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Các ông tướng Cộng Sản:
Từ vụ bauxite, chúng ta được đọc những lời can ngăn chính quyền ngưng dự án của các tướng Võ Nguyên Giáp, Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh  và Lê Văn Cương. Trong đó các vị ấy đều nói về tham vọng xâm chiếm Việt Nam của Trung Quốc. Mới đây trong bài “16 chữ vàng là thật hay giả” tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã xác định rõ là “16 chữ vàng” mà nhà cầm quyền Trung Quốc vẽ ra chỉ là trò giả hiệu. Nó chỉ là lá bùa dán vào miệng để bịt miệng Việt Nam, để ăn cướp mà Việt Nam không được la làng, xẻo thịt, cắt da Việt Nam cũng không kêu được. Đáng tiếc là những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn “hữu nghị một chiều”.

Các vị trí thức:
Sau cuộc Hội Thảo Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam (24,25/7/09) nhà báo Hoàng Phố,  đã phỏng vấn hai nhà trí thức đọc tham luận trong buổi hội thảo là nhà văn Nguyên Ngọc và Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã. Trong cuộc phỏng vấn, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết:“Quan hệ với Trung Quốc bây giờ đang là vấn đề gay go. Họ là một nước quá to mà cũng mà cũng quá nhiều tham vọng phát triển để biến thành siêu cường. Từ tham vọng này họ lấn áp Việt Nam quá sức chịu đựng và chúng tôi thấy cần tiếng nói của xã hội dân sự”
Còn Tiến sĩ Nguyễn Nhã, khi được hỏi: Theo Tiến sĩ, trước tìnhh hình bức thiết hiện nay, ta phải có đối sách nào với Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa? Thì ông đã trả lời: “Vấn đề đối phó với Hoàng Sa, Trường Sa là thử thách trong thiên niên kỷ này. Bất cứ một hành động nào làm cho thế nước của chúng ta suy vong là có tội. Chúng ta phải đồng thuận, nối kết trong cũng như ngoài, nhà nước cũng như nhân dân. Nếu không thì hình ảnh của Tân Cương, Tây Tạng không phải là hình ảnh quá xa vời đối với Việt Nam.

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn:
Trong bài niềm tin lại lớn thêm lên đã bày tỏ tâm sự của mình với những người động viên ông trong vụ  lực lượng “Cựu chiến binh” đến nhà hành hung khủng bố tinh thần (23/3/10), đã kết luận với câu: Chúng ta đang rợn được nỗi nhục của thân nô lệ và sự đắng cay của người dân lại “sắp” mất nước.

Bây giờ xin giới thiệu ý nghĩ của giới bình dân trước nạn xâm lấn của Tàu. Giới này không thể viết lên tâm sự của mình, nhưng chúng ta có nhiều nhà văn, nhà báo ghi lại tâm sự của họ qua những bài phóng sự. Ở đây xin giới thiệu một bài của Thiên Thư, với nhan đề “Từ mũi Sa Vĩ nhìn về Móng Cái: Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê” nhà báo thiên Thư đã ghi lại những cái thấy, điều nghe về chuyện người Trung Quốc đã chiếm Móng Cái và Trà Cổ bằng kinh tế với thân phận người dân Việt ở đây:Móng Cái cũng như nhiều thành phố vùng giáp biên khác, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí được đầu tư bởi các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc. Một trong hai khu giải trí, kinh doanh lớn nhất thành phố Móng Cái là của công ty Hồng Vận và công ty liên doanh Hải Ninh - Lợi Lai. Như nhiều nhà đầu tư Trung Quốc khác, hai công ty này được thuê đất 50 năm với nhiều loại hình kinh doanh như sòng bạc, khách sạn, sàn nhảy, dịch vụ, mua sắm hàng hiệu (nhái), cửa hàng ăn Trung Quốc.  Cuối tuần, khách du lịch từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đến Móng Cái nghỉ rất đông. Các cửa hàng, khách sạn, cho đến sân golf dường như hoạt động hết công suất. Tất cả tiền đều chảy vào túi chủ Trung Quốc, chẳng có thứ gì của Việt Nam được tiêu dùng, trừ những người phục vụ luôn là người Việt Nam biết hai thứ tiếng. Vì thế dân 3 miền Bắc Trung Nam rủ nhau về Móng Cái như trẩy hội, kẻ không ruộng nương lên đây làm cửu vạn, người có vốn lên đây đánh hàng.
Đứng từ mũi cực đông Sa Vĩ, phóng tầm mắt về phía đông bắc có thể trông thấy cột mốc biên giới trên biển Việt – Trung, cứ vài phút lại thấy ca nô của lực lượng biên phòng phóng vút trên mặt sóng. Bên kia vùng biển của Trung Quốc, những cảng biển, cầu tầu hiện đại và những công trình kiên cố trải dài trắng rực cả vành đai biên giới…
Một ông lão ở làng chài nhìn thời vận mà thốt lên “Danh nghĩa là đất của mình, nhưng Trung Quốc đã thuê 50 năm tới, không chỉ Trà Cổ, Móng Cái mà cả cái tỉnh Quảng Ninh này, từ cái sân golf, khách sạn, các khu trung tâm mua sắm, quảng trường cho đến cái quán ăn vỉa hè đều có chủ là người Trung Quốc. Sống trên đất Việt, nhưng người Việt chỉ là kẻ làm thuê, lại phải tiêu dùng mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc thì có đau không, có lo không?”
Ngày trước, đứng từ mũi Sa Vĩ địa đầu phía đông của tổ quốc có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của bờ biển Trà Cổ cong và dài 17 cây số, được mệnh danh là thơ mộng nhất Việt Nam. Nhưng bây giờ nhìn từ bức phù điêu này, Trà Cổ chỉ là một bãi lầy xộc xệch, bờ biển bị băm nát rào kín bởi các dự án của Trung Quốc, có chăng chỉ là hai cây đa do ông Trần Đức Lương (cựu chủ tịch nước) và Nguyễn Tấn Dũng (đương kim thủ tướng) trồng, nó ốm yếu trước gió biển Đông thổi vào.
Từ mũi Sa Vĩ theo con đường nhựa đến mái đình Trà Cổ, hai bên đường đã thay đổi nhiều, nhà cao tầng, khách sạn, nhà trọ mọc lên nhiều, nhưng vẫn thấp thoáng nhưng cụ già ngồi vá lưới trong những căn nhà ọp ẹp buồn đến cay mắt. Trà Cổ đã thay đổi rất nhiều, nhưng ngôi đình Trà Cổ là vẫn thế gần 600 năm qua. Nếu đình Trà Cổ là báu vật, là cột mốc khẳng định chủ quyền văn hóa của Việt Nam tại vùng biên ải này thì người dân Trà Cổ sống làm người nước Nam, có chết vẫn “thằng người” làm ma nước Nam như một bô lão trong làng đã khẳng định”.


Nam Dao: Qua lời thuật của anh, tiếng nói của tôn giáo, của thanh niên sinh viên, của các ông tướng Cộng Sản, của trí thức và của dân thường, tất cả đều nói đến nguy cơ mất nước. Như thế thì chuyện mất nước đã thành một chủ lưu, nói như Hòa Thượng Quảng Độ: Chuyện mất nước đã là hiện tiền. Nhưng đứng trước vấn đề này, các giới đó đã nói về đảng và nhà nước cộng Sản Việt Nam ra sao?

Việt Dương: Thưa chị, sợ mất nước đã thành chủ lưu thì sự phê phán nhà nước đã đưa đất nước đến nguy vong đó cũng đã thành chủ lưu. Nói thẳng, không còn sợ, kiêng nể gì nữa đã trở thành hiện tượng đặc biệt dưới chế độ toàn trị. Hàng ngày cứ lướt qua những trang mạng trong nước như: Tự do ngôn luận, bauxite Việt Nam, Dân Luận, X- café…, chị sẽ thấy những bài phê phán đảng và nhà nước Việt Nam về thái độ khiếp nhược và tiếp tay cho sự xâm lấn của Tàu.

Ở đây xin lược thuật ít điều:
1. Trước hết là tiếng thơ của người trẻ:
Trong bài Đất của sinh viên Thái Hữu Tình có đoạn:Nghìn năm văn vật
Không bằng lô đất mặt tiền
Cướp đất của dân, rồi Tàu cũng cướp.
Tổ quốc đang thành xơ mướp
Nhanh tay nào, mau cướp chúng bay ơi.

Trong bài “Một ngày phải khác mọi ngày” của Bùi Chí Vinh có đoạn:
... Chào một ngày vong bản vì hèn
Sống chết mặc bay, túi thầy vô cảm
Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm..
Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Phi Khanh rơi ở tận nước Tàu.
Chào một ngày giống hệt cõi âm
Những xác chết anh hùng bật dậy
Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy
Mãi quốc cầu vinh, tất quả báo nhãn tiền.
Chào một ngày soi rõ mặt anh em!

2. Tiếng nói của trí thức

Trong bài “Tổ quốc bao giờ nhục thế này chăng?, nhà thơ Bùi Minh Quốc có đoạn:
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ nhục thế này chăng?
Hãy trông kìa
Bọn thẻ đỏ tim đen tiếm quyền hóa giặc
Bịt miệng người kêu nỗi đau Ải Bắc
Bóp cổ người thét nỗi nhục Hoàng Sa
Sông có nghe nỗi nhục chuyển sơn hà?

Ông Hà Sĩ Phu, trong bài “Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước”, có đoạn:“Trong lịch sử 4000 năm đã có bao giờ bị thất thủ mất đất, mất biển đơn giản như thế, đã có bao giờ ngoại bang cưỡi lên lưng, tóm lấy yết hầu, chi phối nhân sự dễ dàng như thế? Đã có bao giờ người cầm đầu xã hội bạc nhược đến mức không dám gọi đến tên kẻ đã đánh giết dân mình, chứ chưa nói đến có gan chống lại.
Khả năng bị đồng hóa toàn diện nặng nề hơn bao giờ hết. Đã có sự nhập cư ồ ạt không thể kiểm soát của những người Tàu không rõ lý lịch. Thông tin cho biết nhiều kẻ nhập cư lậu thuộc loại chất lượng xấu, nhưng vừa chiếm chỗ lao động, vừa lấy được 2, 3 người vợ Việt Nam để sinh đẻ cho nhiều! Chẳng những sẽ bị Hán hóa mà còn lưu manh hóa và mông muội hóa để thành những dân tộc mọi rợ. Dân tộc bị thoái hóa thì sẽ mất nước vĩnh viễn, trở thành quận, huyện của người ta, uổng công tổ tiên nghìn đời xây đắp”.

Giáo cư Hà Văn Thịnh, Đại học khoa học Huế, trong bài “Đất nước đang bất ổn thật rồi”, có đoạn:27 tháng 5, thả ngư dân bị bắt, sau khi đã trấn lột hơn nửa tỷ đồng tài sản của ngư dân ta, ông Hồ Cẩm Đào nói rằng đã tìm được giải pháp “thoả đáng” cho biển Đông. Lời ông nói gió chưa kịp thổi bay thì 29-5, ông ta xấc xược và côn đồ khi ngang nhiên ban hành “Lệnh” cấm đánh bắt cá ở biển Đông, phần lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam, từ ngày 16-5 đến 1-8-2010! Năm ngày sau, ngày 4-5, lính Trung Quốc lại bắt giữ tàu QNG-0281 với 1 2 ngư dân và đòi tiền chuộc 70 vạn nhân dân tệ.
Tôi không hiểu những người lãnh đạo có trách nhiệm với dân tộc, đất nước hiện nay đang muốn làm gì khi cứ cúi đầu thấp hơn nữa? Điện Biên Phủ đâu? Hào khí Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử ở đâu, hay đang rủ nhau cùng trốn chạy trong cái góc khuất hay tăm tối đớn hèn nào đó.
Hãy cứ nhìn xem quân hạm và phi cơ chiến đấu Malaysia vừa đuổi theo tàu Ngư chính của bọn hải tặc xâm phạm vùng biển Trường Sa, bám sát trong 17 giờ liền khiến chúng phải cụp đuôi bỏ chạy mà không thấy nhục sao?

Cuối cùng xin ghi lại một đoạn thư của nhà văn Hoàng Hưng gửi Hà Sĩ Phu trên Dân Luận 26/5/2010:
“Mấy hôm nay, làm gì, đi đâu, tôi cũng bị ám ảnh vì lá thư ngỏ của nhà thơ Bùi Minh Quốc tố cáo nhà chức trách lâm Đồng lại cắt điện thoại, internet của anh. Chuyện cắt này không mới, cũng không áp dụng với riêng anh. Đó chỉ là một trong nhiều thủ đoạn vừa hèn hạ, vừa thô bạo của những kẻ cầm quyền bất trí, bất nhân, bất dũng mà cơ sở của những cái đó là bất chính, và do đó bất lực trong việc đối phó với chính nghĩa ngày càng sáng tỏ do những con người có trí, có nhân, có dũng, anh là một vị tiên phong trong đó, xướng lên để thức tỉnh đồng bào.
Đau đớn cho anh, cho chúng ta, những người thực lòng muốn đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của đất nước, nhưng luôn bị đối xử như kẻ thù, còn tệ hơn kẻ thù, nỗi đau ấy có nhưng rất nhỏ, vì anh, vì chúng ta đã biết và sẵn sàng chấp nhận mọi nghịch cảnh của riêng mình một khi lương tâm đã ra lệnh phải lên tiếng. Mà đau vì dân mình, sau hàng trăm năm đổ máu để đòi quyền sống từ tay bọn vua quan chúa đất, bọn thực dân đế quốc, đến hôm nay vẫn còn và sẽ tiếp tục phải đổ… đổ nhiều thứ, để đòi quyền sống cho ra sống, mà tối thiểu là sống theo luật pháp, từ tay những người từng là con em, đồng chí, từng chung lưng đấu cật”.


Đó là tiếng nói của dòng ngôn luận Lề Trái. Dẫn chứng đã nhiều. Tôi xin dừng để chúng ta đi sang một phần khác là thử cùng nhau nhận định về sự tác dụng của những tiếng nói  này đối với chế độ, với lòng người trước vận mệnh của đất nước. Nói lên nhận định rất khó, vì chúng ta cũng chỉ suy nghĩ thôi, nhưng cứ nói lên điều suy nghĩ của mình.
Theo chị, thì chị thấy tác dụng gì?

Nam Dao: ND nghĩ nó có hai tác dụng. Thứ nhất, tác dụng phân định lập trường giữa dân và đảng Cộng Sản. Những điều anh dẫn chứng, cũng như những sự việc đang diễn ra hàng ngày ở Việt Nam cho thấy sự đối nghịch giữa dân và nhà nưóc Cộng Sản Việt Nam. Bên dân gồm những nhà trí thức, giới trẻ, một số đảng viên Cộng Sản…nói lên mối lo trước sự xâm lấn của Tàu. Còn lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản thì tuân thủ lập trường 16 chữ vàng và 4 tốt.
Dân lo mất nước, còn đảng yên tâm với thế dựa vào Trung Quốc.
Sự đối nghịch này cho thấy Bên Dân giữ chính nghĩa dân tộc khi lên tiếng về họa mất nước, còn đảng cúi đầu theo Tàu chống lại dân.  Còn đảng Cộng Sản Việt Nam  gìờ đây đã hiện nguyên hình vong nô bán nước.  Chiếc mặt nạ bịp bợp “yêu nước, giải phóng dân tộc từ thời kháng Pháp đến nay rớt ra để lộ những vết sẹo  “thông hàm Phạm Văn Đồng, hiệp ước cột mốc ... đầy ô nhục trong giòng sử VN.
Thứ nhì, Tiếng nói về họa mất nước đã thành chủ lưu, ngày càng lớn càng phổ biến có tác dụng nâng cao ý thức toàn dân về họa Tàu thuộc, đồng thời phô bày bộ mặt bán nước của tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng Sản.
Nói tóm, dân và đảng đã hai ngả đối nghịch: Dân lo mất nước còn đảng hăm hở bán nước. Tôi thấy hai điều đó, còn anh thì sao?

Việt Dương: Từ hai tổng kết của chị, tôi nhận định thêm một điểm nữa là chủ lưu nói về nguy vong bị Tàu xâm lấn và chủ lưu lên án chính quyền bán nước sẽ tác dụng vào chính đảng viên Cộng Sản, những người còn nghĩ đến nước, còn nhớ câu: Nước mất nhà tan. Chúng ta hy vọng là thành phần đảng viên này có thể sẽ tác động vào Đại Hội đảng năm tới để may ra chọn được thành phần lãnh đạo khác để tìm đường thoát hiểm. Còn nếu Đại Hội vẫn là đại hội nguyện trung thành với 16 chữ vàng để đảng Cộng Sản Việt Nam thành một bộ phận bảo vệ cho Trung Quốc đi vào thâu tóm Việt Nam bằng quyền lực mềm thì cuộc phân tranh giữa Dân và Đảng sẽ thành một trận tuyến. Bên Bán Nước thắng thì đảng Cộng Sản sẽ dìm đất nước vào kiếp nô lệ, không còn đường thoát với thuật thống trị của Đại Hán ngày nay. Cái họa này, ông Hà Sĩ Phu trong bài “Từ vụ Bauxite đã phân tích sâu sắc là mất nước còn có cơ quật khởi khôi phục, còn mất dân tộc, tức là bị đồng hóa thì mất hết, mất vĩnh viễn.

Nam Dao: Trong 35 năm bên thắng là đảng CSVN đã tàn phá đất nước và con người. Nhân danh cách mạng XHCN và cuối cùng đi tới bán nước cho Tầu. Việc mất nước đó là hiện tiền như sự nhận định của ĐL HT TQĐộ cũng như tất cả các giới từ đảng viên CS, trí thức, thanh niên tới người dân thường như chúng tôi đã tổng kết trong cuộc mạn đàm. Trước nguy cơ này không có giải pháp nào khác là Chế độ Đảng trị, chế độ đang tiếp tay cho Tàu thôn tính VN phải được giải thể để dân tộc có thể thực hiện một cuộc đoàn kết tòan dân trong nước cũng như ngoài nước để cứu nước. Chúng ta cầu mong hồn nước bật dậy để dân tộc VN có thể thực hiện việc đoàn kết trong sứ mạng giải trừ chế độ Đảng trị và chống lại cuộc xâm lấn của Tầu Cộng.

Nam Dao xin chân thành cảm ơn nhà văn Việt đã dành cho đài 2VNR cuộc mạn đàm này.

.
.
.

No comments: