Mạch Sống
Monday, November 22 @ 21:26:27 EST
Trong nỗ lực cuối cùng trước khi rời nhiệm sở, DB Cao Quang Ánh, vị dân biểu liên bang Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên và độc nhất, đã đưa vào Hạ Viện hai dự thảo luật nhằm thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam: Đạo Luật Phát Huy Tự Do và Dân Chủ Việt Nam (HR 6432) và Đạo Luật Chế Tài Về Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam (HR 6433).
“Điều nhất thiết là chúng ta kêu gọi sự chú ý của công luận Hoa Kỳ đối với thành tích tồi tệ của Việt Nam về nhân quyền để tạo áp lực tức thì lên Hà Nội và buộc họ tôn trọng tự do và nhân phẩm của người Việt Nam”, DB Ánh nói.
Trong cả hai bản dự thảo luật, phần nhận định đều nhắc đến những diễn biến tiêu cực trong thời gian gần đây, kể cả sự bắt bớ hàng loạt các bloggers, các luật sư nhân quyền, và những nhà đấu tranh cho xã hội dân sự. Các cuộc đàn áp tôn giáo qua hình thức tịch thu đất đai, dùng “côn đồ”, bắt bớ, tra tấn... được đưa ra ánh sang. Vấn đề Cồn Dầu được đề cập đến một cách chi tiết. Tình trạng buôn lao động cũng được nhấn mạnh. Đây là những vấn đề mà DB Ánh đã quan tâm vận động, khi công khai khi âm thầm, trong thời gian hai năm tại chức.
Hai dự thảo luật này bắt nguồn từ dự thảo Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam (HR 1969) mà Dân Biểu Christopher Smith đã đưa vào Hạ Viện ngày 2 tháng 4, 2009. Dự thảo luật này của DB Smith đã không được đưa ra biểu quyết.
DB Cao Quang Ánh và phái đoàn vận động cho Cồn Dầu, 18/8/10 (ảnh BPSOS)
HR 6432 có nội dung rất giống với HR 1969 với các điều khoản: cấp ngân sách cho các tổ chức phi chính phủ để phát huy tự do và dân chủ ở Việt Nam và để bảo vệ những nhà tranh đấu bị lâm nạn; tăng ngân sách cho Đài Phát Thanh Á Châu Tự Do; đòi hỏi các chương trình trao đổi về giáo dục và văn hoá với Việt Nam phải bao gồm những người có tư tưởng dân chủ; mở lại một số chương trình tị nạn cho người Việt; và đòi hỏi Bộ Ngoại Giao thực hiện bản báo cáo thường niên về tình trạng tự do và dân chủ ở Việt Nam.
HR 6432 ngăn không cho chính phủ Hoa Kỳ tăng khoản viện trợ ngoài viện trợ nhân đạo cho Việt Nam trừ khi Tổng Thống Hoa Kỳ xác định được rằng Việt Nam đã hoặc sẽ có những cải thiện đáng kể về tình trạng tự do và dân chủ.
Phần chế tài của HR 1969 được tách ra và đưa vào HR 6433. Đạo luật này ấn định các biện pháp chế tài đối với những cá nhân, đặc biệt là các giới chức chính quyền, đã vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Nếu trở thành luật thì Tổng Thống Hoa Kỳ hàng năm phải nộp cho Quốc Hội và công bố danh sách của những thủ phạm ấy. Các thủ phạm sẽ không được đặt chân vào Hoa Kỳ, dù là quá cảnh, hay xin quy chế di dân ở Hoa Kỳ.
Cùng lúc, TNS Sam Brownback (Cộng Hoà - KS) đã đưa vào Thượng Viện bản dự luật cùng ngôn ngữ với HR 6433.
HR 6433 được mô phỏng theo Đạo Luật Chế Tài Về Vi Phạm Nhân Quyền Ở Iran, được DB Michael McMahon (Dân Chủ - NY) cùng với TNS John McCain (Cộng Hoà - AZ) đưa ra vào đầu năm nay.
Lý do DB Ánh đã tách HR 1969 làm hai vì DB Howard Berman (Dân Chủ - CA), Chủ Tịch Uỷ Ban Ngoại Giao của Hạ Viện, không chịu đưa đạo luật này ra biểu quyết.
Tại buổi họp ngày 3 tháng 12, 2009 với DB Ánh và phái đoàn vận động gồm Hoà Thượng Thích Nguyên Trí và Hoà Thượng Thích Vân Đàm cùng với Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, DB Berman cho biết là đồng ý với tinh thần của đạo luật HR 1969 của DB Smith nhưng thấy khó vượt qua sự chống đối từ nhiều uỷ ban liên hệ của Hạ Viện về điều khoản chế tài trong HR 1969.
Trước tình hình ấy, DB Ánh quyết định tách đạo luật HR 1969 ra thành hai, để điều khoản chế tài không ảnh hưởng phần còn lại.
“Vận động cho cả hai đạo luật được thông qua trong lúc này là điều cam go vì thời gian làm việc còn lại của Quốc Hội rất ngắn”, Ts. Thắng giải thích. “Tuy nhiên, dù kết quả ra sao thì qua cuộc vận động này phần lớn các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng vi phạm nhân quyền và thiếu tự do ở Việt Nam hiện nay.”
Theo Ts. Thắng, đây là hành động rất đáng thán phục của vị dân biểu liên bang đầu tiên và độc nhất gốc Việt: “Ngay giây phút đầu khi vừa nhậm chức DB Ánh đã cùng với đồng viện đưa ra nghị quyết để đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Vào giây phút cuối khi tại chức, Ông vẫn cố gắng tranh đấu cho dân chủ và tự do cho đồng bào ở Việt Nam .”
.
.
.
RFA
23.11.2010
Dự thảo luật trừng phạt những cá nhân viên chức xâm phạm nhân quyền tại Việt Nam được đệ trình tại cả hai viện Quốc hội Hoa kỳ hôm thứ năm vừa qua.
Dân biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên, ông Cao Quang Ánh, trình dự luật cho Hạ viện, với sự đồng bảo trợ của 5 đồng viện: Dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, Dân biểu Christopher Smith, Dân biểu Frank Wolf, Dân biểu Ed Royce, Dân biểu Loretta Sanchez.
Phía Thượng viện, các Thượng nghị sĩ Sam Brownback, John Cornyn, và Richard Burr cũng đệ trình cùng một dự luật như vậy.
Dự luật này đã liệt kê hàng loạt các vi phạm nhân quyền của chính phủ Viêt Nam đối với các công dân trong nước, và đòi hỏi có biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân có liên can.
Một số trong những biện pháp được đề nghị là không cấp visa cho những cá nhân đó đến Hoa kỳ, hoặc có biện pháp chế tài, phong toả những vụ giao dịch tài chính của họ với các cơ sở tài chính, kinh doanh của Mỹ.
Dân biểu Cao Quang Ánh, sẽ chính thức rời nhiệm sở vào đầu năm 2011, nhưng ông nói rằng ông sẽ ráo riết vận động để Luật này được thông qua trước kỳ nghỉ của Quốc hội vào tháng 12 này.
Xem bản tin video trong ngày
.
.
.
BBC
Cập nhật: 12:04 GMT - thứ ba, 23 tháng 11, 2010
Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ có thể xem xét một dự luật nhằm trừng phạt các cá nhân đã và đang lạm dụng nhân quyền tại Việt Nam.
Mục đích dự luật nhắm tới những người bị xem là đồng lõa trong việc vi phạm nhân quyền đối với công dân Việt Nam, hoặc thân nhân của họ.
Dự luật có tên là “Ðạo luật chế tài (vì) vi phạm nhân quyền ở Việt Nam” được trình Hạ viện bởi dân biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên, Nghị sĩ Cao Quang Ánh và năm nghị sĩ khác tại Hạ viện là Ileana Ros-Lehtinen, Christopher Smith, Frank Wolf, Ed Royce và Loretta Sanchez.
Dự luật cũng được ba Thượng nghị sĩ Sam Brownback, John Cornyn và Richard Burr trình lên Thượng viện.
Văn bản trích dẫn điều được mô tả là ‘nhiều vi phạm nhân quyền mà chính phủ Việt Nam gây ra đối với công dân Việt Nam’ và tìm cách áp đặt lệnh trừng phạt đối với cá nhân đồng lõa.
Trừng phạt ‘có mục tiêu’
Các biện pháp trừng phạt bao gồm cả việc bác thị thực (visa) hoặc thanh trừng các giao dịch tài chính hoặc mua bán bất động sản ở Hoa Kỳ, thông cáo của dân biểu Cao Quang Ánh cho hay.
Thông cáo nói tiếp: "Kể từ khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "Các nước Quan ngại Đặc biệt " vì vi phạm tự do tôn giáo trong năm 2006, giới lãnh đạo chính phủ Mỹ nhận thấy rằng thực trạng nhân quyền tại Việt Nam liên tục xấu đi."
Thông cáo dẫn lại lời Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến thăm Việt Nam gần đây rằng: "Hoa Kỳ vẫn còn quan ngại về việc bắt giữ và kết tội người cho bất đồng chính kiến ôn hòa, tấn công vào các nhóm tôn giáo, chế ngự tự do Internet, bao gồm cả các blogger".
"Những người bị quấy rối bao gồm các luật sư, nhà báo, blogger, các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, giới lãnh đạo công đoàn độc lập…."
Thông cáo trên trang của Dân biểu Cao Quang Ánh nói: "Thật không may việc Việt Nam trấn áp công dân của mình, đặc biệt là trong năm qua, cho thấy sự cần thiết phải có hành động có mục tiêu cụ thể hơn của Hoa Kỳ."
Dân biểu Ánh, người sẽ rời nhiệm sở ngày 02 tháng Một tới, cho biết ông sẽ "thúc đẩy mạnh mẽ" để thông qua Đạo luật Thanh trừng Nhân Quyền Việt Nam trước khi quốc hội khóa 111 nghỉ để bàn giao trong tháng 12.
Trên trang web của Dân biểu Cao Quang Ánh cũng có thông cáo đề ngày 22 tháng 11 theo đó ông chủ xướng đề xuất Đạo luật 2010 Cổ vũ Dân chủ cho Việt Nam.
"Giành được việc chuẩn thuận của quốc hội cho Đạo luật 2010 Cổ vũ Dân chủ cho Việt Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu trong những ngày cuối cùng của tôi trong văn phòng," ông Ánh nói.
.
.
.
No comments:
Post a Comment