Sunday, November 21, 2010

KẺ ĐÁNH và CƯỚP TÀI SẢN là NGƯỜI CỦA CÔNG AN

19/11/10 2:00 AM

VRNs (19.11.2010) – Sài Gòn – Chiều ngày 18/11/2010 trên đường đi làm về, thấy người dân đứng đông đảo trên đường Võ Thị  Sáu, quận 3, Tp. HCM. Tôi chạy ngang đó và tình cờ điện thoại rung, lấy điện thoại ra định nghe thì chạy lại phía xe tôi là ba, bốn thanh niên. Họ chặn xe tôi lại và đề nghị cho xem điện thoại! Khá bất ngờ vì nghĩ là kẻ cướp định giật điện thoại, tôi toan tri hô thì những người này cho biết họ chỉ muốn kiểm tra điện thoại của tôi! Đến lúc này thì tôi đã hiểu và cảm thấy khó chịu và bực mình. Tại sao lại kiểm tra điện thoại của tôi? Tôi phản ứng việc làm của họ thì được trả lời đây là khu vực cấm chụp hình! Nhìn lên phía trên tôi không thấy có bảng thông báo nào cấm chụp hình. Tôi tiếp tục:

“Nếu có bảng cấm chụp hình mà tôi cầm máy chụp thì tạm gọi là mấy anh có thể kiểm tra máy tôi được, nhưng tôi đang nghe điện thoại thì có liên quan gì đến việc cấm chụp hình không thưa anh???
Điện thoại này là vật sở hữu riêng tư, cá nhân thì tại sao các anh lại kiểm tra? Hãy nói lý do kiểm tra và cho tôi biết danh tánh của người muốn kiểm tra điện thoại của tôi, tôi sẽ hợp tác với các anh.
Còn nếu giả như khi kiểm tra điện thoại của tôi mà không thấy gì liên quan đến việc các anh cần tìm thì các anh sẽ phải nói với tôi thế nào?“

Tất cả những câu hỏi tôi đưa ra các “chú” mặc thường phục không trả lời tôi được một câu nào. Đôi co một lúc, những người này không cho tôi đi và một mực đòi xem điện thoại của tôi. Một công an tên Nguyễn Thanh Phong xuất hiện và đề nghị tôi cho biết sự việc. Tôi tiếp:
“Anh Nguyễn Thanh Phong, vì anh mặc sắc phục công an, mà tôi thì từ nãy giờ thấy phiền  toái với các anh này quá nên tôi cho anh xem điện thoại của tôi“.

Tôi mở điện thoại cho anh Phong xem. Anh xác nhận không có gì trong đó, anh gật gù. Tôi nhét điện thoại vào túi quần chưa kịp nổ máy chạy thì một đám người khoảng hơn chục tên vây vào xe tôi, hất tôi xuống đường và thò tay vào túi quần tôi cưỡng chế cái điện thoại tôi vừa đưa cho công an Phong xem. Hốt hoảng bởi những kẻ cướp ngày tôi tri hô:”Bà con ơi, cứu tôi, chúng nó cướp của giết người”. Người dân đi đường cũng cảm thấy bức xúc và đứng lại nhìn những kẻ cướp ngày đang hung hãn với tôi. Tôi cố vùng ra khỏi sụ uy hiếm của chúng. Lúc này tôi phải nhờ đến người đi đường mới thoát khỏi sự truy bắt của chúng. Thật khốn nạn bởi tôi có phải là kể cướp đâu mà chúng hành xử với tôi như thế!

Khoảng 15 phút sau, một người tự xưng là an ninh thành phố đến nói với tôi: “Chị lại đó đi người ta trả xe cho chị”. Tôi nghe nói an ninh thành phố nên cũng yên tâm đến để nhận xe. Vừa đến, chúng cho là tôi gây mất trật tự nên phải đưa về phường xử lý! Biết nói thế nào khi mình lại thêm một lần ngu dại nghe lời công an? Tưởng họ rồi cũng sẽ có người biết điều, tôn trọng lẽ phải, chứ ai dè…

Tôi yêu cầu lập biên bản giữ xe và điện thoại của tôi, họ nói về phường giải quyết. Đúng là bọn cướp ngày! Khi bắt giữ xe tôi thì bàn dân thiên hạ đều biết, giờ trả xe, điện thoại lại nói tôi về phường. Hóa ra tôi trở thành người có tội mất rồi…

Tôi không biết bọn người đã đánh tôi, đã cướp xe tôi là ai, bởi chúng mặc thường phục. Không biết tên tuổi, nghề nghiệp của chúng. Tôi nghĩ họ là những kẻ cướp giật ngoài xã hội thôi. Nhưng tôi cảm thấy buồn hơn vì có những công an như ông Nguyễn Thanh Phong, ông Lương Văn Một đứng ngay chỗ tôi bị chúng đánh đập thế mà lại không đến giúp dân, tệ hơn nữa là chúng đánh một người phụ nữ chân yếu tay mềm thế mà mấy tay công an có sắc phục chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Đến khi tôi yêu cầu công an tên Lương Văn Một giải quyết cho tôi lấy xe, ông còn trả lời rằng về làm đơn cớ mất đi, ông giải quyết cho. Tôi nói: bây giờ tôi chỉ cho anh biết kẻ cướp xe của tôi, anh giải quyết cho tôi đi. Ông trả lời không biết… Thật đáng buồn cho đội ngũ “đầy tớ nhân dân”.

Cuối cùng thì chúng đã “dắt” xe tôi về cho công an phường 7 quận 3 và nói là “lượm” được xe này ngoài đường. Thật là nực cười với trò hề quá khốn nạn. Khi đến đây, tiếp tôi lại cũng là những người không mặc sắc phục cảnh sát và cũng tự cho mình là thiếu tá, là cán bộ xử lý. Chúng yêu cầu tôi viết tường trình sự việc, tôi nói: tôi bị cướp, bị đánh dập, đúng ra các anh phải giúp tôi chứ giờ này nói tôi viết tường trình vậy có vô lý không? Giờ tôi mệt mỏi lắm rồi, bức xúc lắm rồi với bọn cướp ngày đánh tôi như thế. Đáng lý ra các anh phải xử lý những người đánh tôi chứ lại nói tôi viết tường trình. Mấy anh phải trả xe cho tôi về. Họ trả xe tôi với một biên bản trả đồ, tôi yêu cầu photo cho tôi một bản, họ không cho. Vô lý hết sức!

Lòng đầy bực bội vì không biết những kẻ đánh tôi là ai, những kẻ lấy xe, móc điện thoại tôi là ai. Phải chăng chúng là những người được công an cử đến để đánh dân, để móc túi dân lấy điện thoại, chặn xe? Nếu đúng như thế thì tôi cảm thấy buồn, buồn cho tôi, cho tất cả những người dân lành và buồn cho đội ngũ công an, những đầy tớ của nhân dân thay vì thương dân, lo cho dân giờ lại dùng quyền lực để mà đàn áp, đánh dân như thế!

MARIA MINH THI

.
.
.

No comments: