Human Rights Watch
November 10, 2010
Cần thả ngay luật gia đối kháng Cù Huy Hà Vũ
(New York , ngày 10 tháng Mười 11, 2010) - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố Việt Nam cần thả ngay lập tức vị luật gia trực ngôn, chấm dứt đàn áp các luật sư và các nhà hoạt động đã chỉ trích chính phủ về vấn đề nhân quyền. Ông Cù Huy Hà Vũ, người nổi tiếng với những vụ khởi kiện chính quyền gây xôn xao dư luận, vừa bị bắt vào ngày 5 tháng Mười Một năm 2010 với cáo buộc về hành vi tuyên truyền chống chính phủ.
Phó giám đốc phụ trách bộ phận Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Phil Robertson cho biết, "Việc bắt giữ Cù Huy Hà Vũ là vụ mới nhất trong chiến dịch đàn áp các luật sư và các nhà hoạt động độc lập, những người bảo vệ nhân quyền và chỉ trích các hành vi sai trái của chính quyền."
Cù Huy Hà Vũ gia nhập đội quân ngày càng đông những luật sư nhân quyền và các nhà bảo vệ luật pháp chống tham nhũng bao gồm Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần, Trần Quốc Hiền, Lê Quốc Quân và Nguyễn Bắc Truyển; những người này hoặc bị bắt giữ, câu lưu, bị xóa tên trong danh sách đoàn luật sư, và bị gây áp lực để họ không thể tham gia bào chữa cho các nhà hoạt động tôn giáo hoặc chính trị. Trong nhiều trường hợp, nhà cầm quyền gây áp lực với chủ sử dụng lao động đuổi việc họ hoặc chủ nhà lấy lại nhà cho thuê, và sách nhiễu họ bằng nhiều cách khác.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ mở một công ty luật ở Hà Nội cùng vợ mình là luật sư Nguyễn Thị Dương Hà. Ông tham gia vận động bảo vệ môi trường và các di sản văn hóa kể từ năm 2005, khi ông khởi kiện phản đối kế hoạch của Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên - Huế xây khách sạn du lịch trên đồi Vọng Cảnh ở Huế.
Ông trở nên nổi tiếng trên toàn quốc vào tháng Sáu năm 2009, khi ông đệ đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quyết định gây nhiều tranh cãi cho phép khai thác bauxite trên Tây Nguyên. Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã bác đơn kiện này.
Vào tháng Chín năm 2010, Cù Huy Hà Vũ đệ đơn khiếu nại thủ tướng vì đã ký Nghị định số 136 cấm người dân khiếu kiện và khiếu nại tập thể. Vào ngày 16 tháng Mười, văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ nhận lời bào chữa cho các giáo dân giáo xứ Cồn Dầu tại Đà Nẵng bị bắt từ hồi tháng Năm sau khi công an dùng vũ lực giải tán một đám tang tới nghĩa trang trong khu vực đất tranh chấp. Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Lệ từ chối không cấp giấy phép cho công ty luật đại diện các gia đình này.
Nhà cầm quyền bắt giam Cù Huy Hà Vũ chỉ một thời gian ngắn sau khi ông đệ đơn tiếp tục khởi kiện thủ tướng về Nghị định 136.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt Cù Huy Hà Vũ vào sáng mùng 5 tháng Mười Một; họ tuyên bố bắt gặp ông trong phòng khách sạn với một phụ nữ không phải là vợ ông. Báo chí trên mạng của chính phủ ngay lập tức cho đăng những tấm hình mờ mờ một Cù Huy Hà Vũ cởi trần cùng một phụ nữ trong phòng khách sạn, nhưng vài giờ sau thì một số trang báo đã lấy những bức hình này xuống. Công an tạm giữ Cù Huy Hà Vũ, tịch thu máy tính xách tay của ông và cho một nhóm nhân viên an ninh khám xét nhà và văn phòng luật của ông ở Hà Nội.
Vào ngày mùng 6 tháng Mười Một, Bộ Công an tuyên bố bắt Cù Huy Hà Vũ vì lý do vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự, tội "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam." Cùng với các điều khoản mơ hồ khác trong bộ luật hình sự liên quan đến an ninh quốc gia, chẳng hạn như điều 79 về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, điều 88 thường được chính quyền sử dụng trong các vụ việc có động cơ chính trị.
Cù Huy Hà Vũ là trường hợp mới nhất trong một danh sách dài các luật sư và các nhà hoạt động Việt Nam bị bắt giữ vì đã chỉ trích chính quyền trong năm năm vừa qua. Một số luật sư bị sách nhiễu theo nhiều kiểu khác vì đã tiến hành những vụ kiện chống lại chính sách của nhà nước, đại diện cho khách hàng khởi kiện chính quyền, hoặc nhận bào chữa cho những người bị bắt vì đã thể hiện niềm tin tôn giáo hay chính trị của họ một cách ôn hòa.
"Việc bắt giữ Cù Huy Hà Vũ có mục đích ngăn chặn các luật sư để họ không nhận những vụ việc nhạy cảm về chính trị, chẳng hạn như bào chữa cho các nhà hoạt động dân chủ và dân oan mất đất, hoặc các vụ kiện nhằm bảo vệ môi trường," ông Robertson tuyên bố. "Thay vì ép các luật sư vào tội chống và lật đổ chính quyền và bỏ tù họ, chính phủ cần đảm bảo để các luật sư có thể thực hiện chức năng nghề nghiệp của họ mà không bị đe dọa và sách nhiễu."
Một trường hợp khác là văn phòng luật của Lê Trần Luật, bị đóng cửa vào ngày 25 tháng Ba năm 2009, chỉ hai ngày trước vụ xử các giáo dân bị bắt trong vụ tranh chấp đất đai tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, mà văn phòng đã nhận lời bào chữa. Trong khi Lê Trần Luật và phụ tá pháp luật của ông là Tạ Phong Tần đang chuẩn bị cho vụ này thì công an ập tới khám xét văn phòng, tịch thu máy vi tính, tài liệu và các hồ sơ pháp luật. Kể từ đó, chính quyền theo dõi gắt gao cả hai luật sư này và gây khó không cho họ tìm việc làm. Các công ty định thuê tuyển họ đều bị công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ngăn cản; họ cũng gây áp lực với các chủ nhà không cho hai người thuê nhà tiếp.
Một số luật sư đã bị tùy tiện bắt giam vì họ tham gia bảo vệ các vụ án nhạy cảm hoặc vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Vào ngày 20 tháng Một năm nay, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết án Lê Công Định, một luật sư từng là phó chủ tịch Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, năm năm tù vì tội hoạt động lật đổ theo điều 79. Vụ bắt giam Lê Công Định được cho là do ông bị cáo buộc có liên hệ với Đảng Dân chủ Việt Nam bị cấm hoạt động, và vì ông đã đại diện cho các luật sư đấu tranh vì nhân quyền Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, và blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Nhà hoạt động dân chủ và luật sư bênh vực cho quyền lợi của công nhân Lê Thị Công Nhân bị kết án ba năm tù vào năm 2007 theo điều 88. Các tội liệt kê trong cáo trạng của cô bao gồm việc "xuyên tạc chính sách của nhà nước về công đoàn và công nhân Việt Nam," tham gia phong trào dân chủ Khối 8406 và Đảng Thăng tiến, tiến hành các buổi họp bàn về nhân quyền, sở hữu và phát tán tài liệu cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ.
Kể từ khi được trả tự do vào tháng Ba năm nay, công an đã tạm giữ cô ba lần; lần gần đây nhất là vào mùng 4 tháng Mười Một, khi công an thẩm vấn cô trong tám tiếng đồng hồ về một số bài thơ và các trả lời phỏng vấn của cô trên mạng.
Đồng nghiệp của Lê Thị Công Nhân là Nguyễn Văn Đài hiện vẫn đang ngồi tù. Ông bị kết án bốn năm tù giam theo điều 88. Ông bị bắt giữ vì đã giảng dạy về luật và nhân quyền cho học viên tại công ty luật của mình. Cùng Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài thành lập Ủy ban Nhân quyền Việt Nam vào năm 2006; ông cũng nhận bào chữa cho các nhà thờ Tin Lành đang gặp khó khăn, bao gồm cả mục sư Mennonite và cựu tù nhân chính trị Nguyễn Hồng Quang.
Một luật sư khác đang ngồi tù theo điều 88 là Trần Quốc Hiền, giám đốc một công ty luật ở Thành phố Hồ Chí Minh, bênh vực cho nông dân bị chính quyền tịch thu đất. Ông bị bắt vào tháng Một năm 2007 sau khi công khai xuất hiện với tư cách phát ngôn viên cho một tổ chức độc lập, Hiệp hội Đoàn kết Công Nông.
Nguyễn Bắc Truyển, một luật sư và là thành viên của đảng Dân chủ Nhân dân, bị kết án ba năm rưỡi tù vào năm 2007 theo điều 88. Kể từ khi ra tù vào tháng Năm năm nay, ông trở thành một thành viên trực ngôn của nhóm cựu tù nhân chính trị và tôn giáo; ông đã trả lời phỏng vấn rất chi tiết trên Đài Tự do Á Châu và BBC về những kinh nghiệm tù đày của mình. Vào tháng Tám, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ và thẩm vấn ông sau khi ông công khai kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù chính trị.
Luật sư Lê Quốc Quân, người điều hành một công ty luật tư nhân và nhận bênh vực cho công nhân đòi lương bổng cao hơn với các điều kiện làm việc tốt hơn, đã bị tạm giam ba tháng vào năm 2007, ngay khi ông từ Mỹ trở về nước sau khi hoàn thành nghiên cứu với học bổng của National Endowment for Democracy. Ông bị cáo buộc có hoạt động chống chính phủ theo điều 79. Bất chấp việc bị đánh và bị công an tạm giữ vào năm 2007 nhằm ngăn ông không dự phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, ông tiếp tục công khai phát biểu bênh vực những người đấu tranh cho nhân quyền, các blogger độc lập và các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo.
Theo Quyền Cơ bản của Liên hợp quốc về Vai trò của Luật sư, luật sư được hưởng các quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và lập hội như bất kỳ công dân nào, bao gồm cả quyền được tham gia vào các cuộc thảo luận công về pháp luật, về quản trị tư pháp và về bảo vệ nhân quyền.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ những điều luật về an ninh quốc gia đã hình sự hóa việc bày tỏ ý kiến và lập hội một cách ôn hòa.
"Ai sẽ bảo vệ cho cộng đồng và các nhà hoạt động vì nhân quyền nếu như các luật sư can đảm và tận tâm đều bị ném vào tù hoặc bị cản trở thực hiện công việc của mình," ông Robertson tuyên bố. "Các nhà tài trợ cho Việt Nam, đặc biệt những người ủng hộ cải cách pháp luật và tư pháp cần nhấn mạnh rằng chính phủ phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chấm dứt việc sách nhiễu và tống giam các luật sư độc lập và những người bảo vệ quyền."
.
.
.
No comments:
Post a Comment