Túy Vân phỏng dịch từ Atimes
Đăng bởi bvnpost on 05/11/2010
Phong trào bảo vệ môi trường tại Việt Nam, nổi lên vào năm ngoái nhằm phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đang sôi sục trở lại. Được thúc đẩy do vụ tràn bùn đỏ độc hại tại Hungary vào ngày 4 tháng Mười năm nay, hơn 2.000 người gồm những công dân ưu tú đã ký thêm một kiến nghị kêu gọi nhà nước ngừng những dự án trị giá gần 15,6 tỉ Mỹ kim để tránh rủi ro có thể gây ra thảm họa tương tự tại Việt Nam.
Vào đầu năm 2008, chính phủ Việt Nam công bố một dự án khai thác bauxite và biến chế quặng này thành chất alumina, một giai đoạn trung gian trong việc sản xuất nhôm. Những người chỉ trích dự án bauxite đã vạch ra những tàn phá có thể xảy đến cho môi trường nhạy cảm của vùng Tây Nguyên – quê hương của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam và là đất trồng trọt các nông phẩm có thể hái ra tiền (cash crops) – và họ cũng nêu ra các rủi ro trong việc chứa những lượng bùn đỏ độc hại khổng lồ, một phó sản của việc biến chế alumina, ở thượng nguồn của vùng đồng bằng sông Cửu Long dân cư đông đúc.
Giới nghiên cứu Việt Nam cũng hoài nghi lợi nhuận kinh tế của dự án vì nó sẽ cần đến một lượng điện rất lớn, trong khi cả nước đang thiếu điện, và vì phải xây một đường sắt dài 250 cây số và một hải cảng dành riêng cho dự án này. Thành phẩm của dự án bauxite là chất alumina, một món hàng có lợi nhuận khá thấp, mà chỉ được xuất khẩu sang một thị trường duy nhất là Trung Quốc, khiến cho công nghiệp Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào một khách hàng đầy quyền lực.
Yếu tố Trung Quốc đã tạo nên phần chống đối mạnh mẽ nhất. Đối tác liên doanh trong dự án bauxite là Tập đoàn Nhôm của Nhà nước Trung Quốc (Chinalco). Mặc dù Chính phủ Việt Nam công khai lên tiếng phủ nhận, nhưng hiện nay đã có hằng trăm nếu không phải hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang làm việc tại các công trường khai mỏ. Mối đe dọa cho an ninh quốc gia do sự hiện diện của người nước ngoài ở đây đã được nêu ra trong một loạt thư kiến nghị của vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo quân sự đã nghỉ hưu khác.
Những tiếng nói phản kháng mạnh mẽ chưa từng thấy này đã khiến chính phủ Việt Nam vô cùng lúng túng. Sau nhiều tháng trôi qua với sự xuất hiện của những bài báo chỉ trích trên một số nhật báo tiến bộ và những phê phán mạnh mẽ hơn trên các blog trong nước, chính phủ bèn tổ chức một cuộc hội thảo “khoa học” vào tháng Tư 2009 để thảo luận các vấn đề. Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ thiện chí lắng nghe những người phê bình nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ ghi nhận những ý kiến của phía phản biện. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản hứa sẽ cho xúc tiến một cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của dự án lên môi trường, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy công bố kết quả. Rốt cuộc, chính quyền Hà Nội, mà đại diện là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã cho phép dự án xúc tiến với việc xây dựng cơ sở tại hai địa điểm.
Hành động này của chính phủ đã khiến một nhóm học giả nổi tiếng khởi xướng một phong trào ký kiến nghị trực tuyến vào ngày 12 tháng Tư 2009, chỉ một vài ngày sau cuộc hội thảo. Nhằm kêu gọi giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam ngưng các dự án bauxite, bản kiến nghị này cuối cùng đã thu hút được 2.746 chữ ký từ một liên minh trí thức đủ mọi thành phần có quan hệ các cơ quan nhà nước, các cán bộ và sĩ quan đã nghỉ hưu, các nhà bất đồng chính kiến và các chuyên gia Việt kiều. Điểm đáng lưu ý là, những người vận động kiến nghị đã thành lập một trang mạng không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước với danh xưng Bauxite Việt Nam, kêu gọi các tiếng nói phản biện thẳng thắn đối với dự án khai thác bauxite.
Vào khoảng tháng Mười một năm 2009, trang mạng Bauxite Việt Nam đã thu hút gần 20 triệu luợt truy cập của người đọc và trở thành cái gai trước mắt chính quyền. Theo một nguồn tin thành thạo trong chính phủ Việt Nam, công an đã bắt giữ người đứng đầu trang mạng và ép buộc ông ta phải giao mật mã của website.
Sau đó công an đã âm mưu chuyển tên miền (web domain) của Bauxite Việt Nam từ vị trí gốc của nó tại Pháp sang một công ty cho thuê máy chủ tại Hồng Kông, với ý định xóa sạch tất cả nội dung và khai thác thông tin của người sử dụng. Trong một cuộc vờn nhau giữa mèo và chuột trong lãnh vực công nghệ thông tin (IT), những người hậu thuẫn trang Bauxite Việt Nam đã phục hồi phần lớn nội dung và mở lại trang mạng.
Nhà cầm quyền Việt Nam sau đó cố gắng đánh sập trang mạng Bauxite Việt Nam bằng các mũi tấn công từ chối dịch vụ được phân bố (DDOS). (Chính phủ đã chối cãi việc đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng này). Nỗ lực này của nhà cầm quyền – một việc làm bị đại công ty công nghệ mạng Google và công ty an ninh mạng McAfee vạch trần bằng các cuộc điều tra – đã vận dụng các tin tặc phát tán mã độc hại (malicious code) đến người sử dụng internet khắp thế giới và điều khiển các máy vi tính không ai biết đến trong một mạng lưới âm binh “botnet” (robot network) rộng lớn nhằm tấn công website của Bauxite Việt Nam.
Mặc dù website này tạm thời ngưng hoạt động vào cuối năm 2009 và đầu năm này, nhưng nó vẫn lại duy trì hoạt động gần như suốt năm nay bất chấp thỉnh thoảng vẫn bị tin tặc tấn công. Đồng thời với việc nhà cầm quyền nhắm vào cơ sở hạ tầng công nghệ của phong trào bảo vệ môi trường, cảnh sát đã sách nhiễu một số người tham gia.
Đồng loạt lên tiếng phản đối
Mãi cho đến khi thảm họa môi trường xảy ra tại Hungary, hình như dự án khai thác bô xít tại Việt Nam vẫn được lệnh xúc tiến bất chấp sự chống đối của dân chúng. Nhưng sự kiện bùn đỏ tràn ngập nhiều thị trấn tại Hungary không những gây chấn động cho các cộng đồng sống dọc theo sông Danube mà còn gây ảnh hưởng lên chính trị Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang đương đầu một cuộc chống đối rộng lớn nhất và có tổ chức nhất trong ký ức lịch sử gần đây, và phần lớn thành phần chống đối phát xuất từ trong nội bộ. Hơn hẳn bản kiến nghị năm ngoái, bản kiến nghị tiếp theo kêu gọi ngưng khai thác bauxite đang thu hút sự hậu thuẫn công khai của nhiều đại biểu Quốc hội, quan chức chính phủ và nhiều nhân vật nổi tiếng trong Đảng Cộng sản. Khoảng 10 tướng lãnh hồi hưu đã ký vào bản kiến nghị gần đây nhất. Thậm chí em trai của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên bí thư tỉnh ủy An Giang, đã công khai ủng hộ bản kiến nghị này.
Người ta cũng không nên đánh giá thấp tinh thần của quân đội đối với các dự án khai thác bauxite này. Có một mối lo ngại ngấm ngầm trong Quân đội Nhân dân Việt Nam về sự xâm lấn của Trung Quốc. Người dân Việt Nam nhận thấy Bắc Kinh đang thực sự vươn cánh tay xâm lược xuống duyên hải Việt Nam bằng cách thường xuyên bắt giữ các tàu đánh cá Việt Nam và tuyên bố gần như toàn bộ biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] là lãnh hải Trung Quốc. Tin tức cho biết, một vị tướng kỳ cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã chỉ trích nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép Trung Quốc tiếp cận vùng Tây Nguyên chiến lược. Thêm nhiều chống đối từ các sĩ quan cấp cao có lẽ đang âm ỉ.
Nhằm giới hạn tình trạng phân hóa trong quân đội, giới lãnh đạo Hà Nội đã dành sự tôn kính đặc biệt cho một biểu tượng đầy khí thế – đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – chân dung ông tô điểm cho trang mạng Bauxite Việt Nam. Gần đây, nhân ngày sinh nhật thứ 100 của vị đại tướng, các nhân vật chóp bu trong Đảng đã đến bên giường ông trong bệnh viện để bày tỏ lòng kính trọng và gắn thêm một huy chương lên quân phục của tướng Giáp.
Nhiều nhà quan sát vẫn tiếp tục đặt câu hỏi: Tại sao các lãnh đạo Đảng Cộng sản VN rất hăm hở xúc tiến dự án khai thác bauxite bất chấp những vấn đề như môi trường, kinh tế và an ninh quốc phòng? Rất nhiều người cho rằng, cũng giống như giới quyền lực chóp bu tại các nước chủ nhà của những dự án lớn của Trung Quốc tại Châu Phi, giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã bị mua chuộc.
Nhìn nhận những chi phí to lớn đã tiêu vào dự án, phong trào bảo vệ môi trường cho rằng hủy bỏ dự án bauxite sẽ là một “quyết định đau đớn chưa từng có trong lịch sử kinh tế của chúng ta”, nhưng thà “chúng ta chịu đau khổ bây giờ còn hơn để lại hậu quả nghiêm trọng cho tương lai”. Phải chờ xem cái giá mà các lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ trả nếu họ nhắm mắt trước cơn bão tố đang âm ỉ này.
The Hanoist viết về các đề tài chính trị và nhân dân Việt Nam.
Túy Vân phỏng dịch từ Atimes
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.
No comments:
Post a Comment