Nguyễn Quốc Quân & Đặng Vũ Chấn
Đại diện của Đảng Việt Tân
Đại diện của Đảng Việt Tân
Thứ Bảy, 13/11/2010
Về đường lối đấu tranh giành tự do - dân chủ
Câu hỏi 4: Ngọai trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã tuyên bố đại ý: tự do đi lại, giao thương trên biển Đông có dung chứa lợi ích của Hoa Kỳ trong đó để khẳng định việc Mỹ mạnh mẽ trở lại Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Sau tuyên bố này của bà là hàng loạt sự kiện đang dần dần có lợi cho Việt Nam trước nhiều hành vi ngang ngược và trịch thượng của nhà cầm quyền Trung Quốc - mà tôi cho đó là "quyền lực mềm" của những tiếng nói nặng ký. Một lời nói của Tổng thống Hoa Kỳ, Ngọai trưởng Hoa kỳ chất lượng bằng hàng triệu những tiếng nói khác. Thêm vào đó, bất cứ mối liên hệ kinh tế - chính trị - xã hội nào cũng gắn liền lợi ích quốc gia thì "người ta" mới tham gia vào. Vậy xin hỏi Việt Tân, quý vị có tiếng nói uy tín trước Quốc hội và Nhà nước Hoa Kỳ không? Nếu không, thì quý vị sẽ làm gì để tiếng nói của đảng Việt Tân (một chính đảng họat động hợp pháp tại Hoa Kỳ) có ảnh hưởng nhất định nào đó với Quốc hội và Nhà nước Hoa Kỳ? Nếu có, quý vị sử dụng tiếng nói của mình trong "thế trận" như thế nào cho công cuộc đấu tranh dân chủ bất bạo động tại Việt Nam? Quý vị sẽ làm gì để cho Hoa Kỳ hiểu rằng họat động của đảng Việt Tân "có dung chứa lợi ích của Hoa Kỳ" trong đó?
Xin mở ngoặc ở đây để các độc giả và Việt Tân không hiểu lầm ý của tôi là CHỈ DỰA vào Mỹ. Theo thiển nghĩ của tôi, tựa như một bàn cờ, khi ta chơi với đối thủ, ta không thể thắng được nếu chỉ sử dụng vài quân cờ (lực lượng đảng viên của VT, kêu gọi trách nhiệm, thức tỉnh lòng yêu nước của người Việt trong và ngoài nước, rải truyền đơn, tuyên truyền hiểm họa Bắc triều, vạch trần bộ mặt giả dối của ĐCSVN v.v...). Tôi muốn nói tới vai trò quốc tế (rất quan trọng) trong thời đại toàn cầu hóa, biên giới mềm, thế giới phẳng. Ví dụ biến đổi khí hậu là hiểm họa chung không của riêng quốc gia nào thì các quốc gia khác phải lên tiếng, và có hành động cụ thể, thiết thực vì trái đất này có "dung chứa lợi ích" của họ trong đó.
(ĐVC) Trước khi trả lời câu hỏi này xin phép được chia xẻ quan niệm về ngoại vận của chúng tôi.
Thứ nhất chúng tôi không bao giờ mơ hồ ảo tưởng rằng có những đồng minh quốc tế tử tế trung thành với bạn sẽ sống chết cùng ta bảo vệ quyền lợi của ta. Thứ hai ta cần sự hỗ trợ hợp tác của quốc tế, càng cần hơn trong thời đại toàn cầu hóa, tuy thế “chúng ta không chủ trương chiến đấu đơn độc nhưng không sợ phải chiến đấu đơn độc” khi cần, để bảo vệ quyền lợi của dân tộc mình. Và muốn như thế phải luôn luôn “lấy sức mạnh của dân tộc làm căn bản”. Cho nên VT luôn luôn dựa vào nội lực của mình, vận động đồng hương của mình để thúc đẩy ngoại vận thay vì ngược lại, chạy theo o bế tranh thủ sự hỗ trợ biểu kiến của quốc tế để làm đòn bẩy thu hút sự ủng hộ của người Việt mình. Có như thế chúng ta mới có thể là đối tác độc lập với bạn quốc tế, để không dễ trở thành những quân cờ của ngoại bang, và không khuyến khích tinh thần lệ thuộc vào nước ngoài nơi người Việt.
Khi làm công tác ngoại vận tranh thủ sự hợp tác hỗ trợ quốc tế tất nhiên chúng tôi cần tìm những hoàn cảnh, điều kiện, ý niệm dung chứa hài hòa lợi ích của ta và bạn. Ví dụ ta muốn thúc đẩy một nhà nước tôn trọng những quy ước luật lệ văn minh và hành xử một cách văn minh dân chủ. Việc này phù hợp với lợi ích của nhiều nước khác trong đó có Mỹ vì một nước VN thực sự dân chủ và pháp quyền sẽ là nơi môi trường thương mãi và thị trường vững bền cho thế giới, đem lại lợi ích cho đại khối người dân Việt và giới đầu tư quốc tế. Quả thế, trong môi trường luật rừng với đại nạn tham nhũng, giới làm ăn đầu tư từ các nước dân chủ như Úc, Mỹ chẳng hạn sẽ khó mà cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc, Đại Hàn vốn quen thuộc thoải mái hơn với việc tham nhũng hối lộ móc ngoặc, trong khi các nhà đầu tư Mỹ, Úc bị ràng buộc bởi các luật chống tham nhũng móc ngoặc từ chính nước họ.
Tại các nước dân chủ như tại Mỹ, tiếng nói của các phái đoàn vận động người Việt có trọng lượng hay không tùy thuộc rất nhiều vào con số và mức độ đóng góp và hoạt động của khối cử tri người Việt trong hoạt động chính trị dòng chính tại các nước bà con chúng ta đang sinh sống. Và khi mà cơ chế chính trị các nước này không cho phép việc cố đấm ăn xôi ngồi ở ghế quyền lực muôn đời, mỗi nhiệm kỳ lại có một loạt lớp mới lên, thì việc ngoại vận luôn luôn phải liên tục để có bạn mới với tiếng nói trọng lượng. Đi sâu sát với từng đối tượng bạn quốc tế, ta sẽ thấy cái nhìn về lợi ích của họ đa dạng và phong phú khác nhau, đưa đến nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Ví dụ như nhóm lợi ích thiên về doanh thương, nhóm khác thiên về môi sinh, xã hội, từ thiện, nhân quyền v.v… Với tam quyền phân lập, nhiều khi giữa hành pháp và lập pháp đều có những góc nhìn lợi ích khác nhau. Cho nên ngoại vận khó mà có thể tranh thủ chung chung mà cần tranh thủ song song vừa cả bên hành pháp lẫn bên lập pháp, và hợp tác với những nhóm có lợi ích gần giống với lợi ích của ta. VT đang cùng với nhiều tổ chức bạn và đồng hương cố gắng hết sức mình trong hướng ngoại vận trên.
Câu hỏi 5: Nếu Việt Tân đã xác định rằng mục tiêu của mình chỉ là để giải thể chế độ độc tài để xây dựng một cơ chế đa nguyên dân chủ, và trong đó Đảng CSVN vẫn có thể hoạt động như mọi đảng phái khác theo quy định của hiến pháp và pháp luật; vậy thì Việt Tân đã bao giờ nghĩ đến việc thực hiện một cuộc đối thoại trực tiếp một cách minh bạch và thẳng thắn với Đảng CSVN? Tôi cho đó cũng là một trong các phương thức đấu tranh bất bạo động: Nó thể hiện thiện ý của Đảng Việt Tân, và có thể giúp Việt Tân tạo được chính danh trước đông đảo quần chúng. Ví dụ, hãy tưởng tượng người dân sẽ nghĩ sao nếu Đảng Việt Tân ra tuyên bố: "Vì hưng vong, thịnh suy của dân tộc Việt Nam, đảng Việt Tân sẵn sàng đối thoại với Đảng CSVN để giải quyết mọi gút mắc, hiểu lầm của đôi bên, xây dựng một cơ chế dân chủ minh bạch và công bằng v.v..."
(NQQ) Đối Thoại trong đời thường rất nhiều khi chỉ nhằm mục tiêu giải toả tâm lý cần nói và cần nghe để tạo thêm sự cảm thông với nhau; nhưng trong các lãnh vực có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn giữa hai người, đặc biệt trong chính trị hoặc kinh tế, “Đối Thoại” chỉ có nghĩa khi nằm trong một diễn trình thương lượng và kết thúc bởi một quyết định.
Theo tôi, đối thoại là cuộc nói chuyện giữa hai người hay nhiều nhóm người với mục tiêu bày tỏ những suy tư và phương cách giải quyết một sự việc nào đó trong tư thế tương đối cân bằng về quyền định đoạt sao cho phù hợp với sự thật và công lý. Tôi tự hỏi đối thoại sẽ có ý nghĩa gì nếu một đối tác chỉ được trò chuyện trong tư thế Xin-Cho.
Bạn cảm nhận thế nào về đối thoại: khi mà nhà cầm quyền mở Văn Phòng Tiếp Dân (có lẽ để “đối thoại” với dân) chỉ để cất đơn kiện vào hộc tủ và để nhớ mặt kẻ nộp đơn; khi mà đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt trò chuyện với Nhà Nước tại cuộc đối thoại do họ tổ chức thì bị trích ra “một nửa câu” đăng phát trên mọi cơ quan truyền thông nhằm bêu xấu Ngài; khi mà blogger Điếu Cày biểu lộ hiểm hoạ Trung Quốc thì bị bắt giam về tội “trốn thuế”; khi mà trước toà án, nạn nhân bị cản trở không có luật sư bào chữa, và ngay cả có luật sư đi nữa thì lời biện hộ cũng chỉ có thể nói ra thôi, chứ không hề được cái gọi là “quan toà” phân giải Đúng-Sai;…
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ những thiện ý của bạn khi gợi ý đảng Việt Tân nên thực hiện một cuộc đối thoại trực tiếp một cách minh bạch và thẳng thắn với Đảng CSVN. Nhưng trong cuộc trao đổi chỉ bằng ngôn từ với kẻ nắm toàn quyền sinh sát như đảng CSVN và không đếm xỉa gì đến nhân quyền, công bằng, công lý như hiện nay thì “Kẻ thắng Người bại” hiển nhiên đã rõ. Như vậy “đối thoại” không còn ý nghĩa gì nữa ngoài mục tiêu trang trí cho dáng vẻ “văn minh” cho một chế độ tàn ác!
Câu hỏi còn lại nên là loại mục tiêu nào có thể mang ra đối thoại? và làm thế nào để buộc họ phải “minh bạch và thẳng thắn”?
Đảng Việt Tân chủ trương “Đối đầu bất bạo động để tháo gỡ độc tài.” Trong đó, tuy khái niệm đối đầu không loại trừ khái niệm đối thoại, nhưng những chủ đề liên quan đến “tháo gỡ độc tài” vì là MỤC TIÊU TỐI HẬU sẽ phải là những vấn đề KHÔNG THỂ THƯƠNG LƯỢNG dù cho chỉ có tính cách tạm thời mang tính giai đoạn hay hoãn binh.
Riêng về các chủ đề khác, lực lượng dân chủ chỉ có thể chấp thuận đối thoại khi kết quả đạt được nhằm sự lớn mạnh của phong trào quần chúng và đã sẵn sàng phương thức bảo đảm gia tăng đủ áp suất buộc đối tác kia sẽ phải trả một giá đắt hơn nếu không chịu minh bạch và thẳng thắn. Nhiều kinh nghiệm tại BaLan, Miến Điện, v.v... giúp chúng ta thấy rõ những nguy cơ chực chờ trong đối thoại và thương lượng với chế độ độc tài toàn trị.
Hiện nay, đảng Việt Tân đang thách đố nhà cầm quyền Hà Nội hãy chứng minh điều mà họ thường rêu rao rằng “đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố” (sic). Ngày nào mà CSVN chưa thể hành xử “minh bạch và thẳng thắn”, thì họ vẫn chưa đủ can đảm chấp nhận cuộc đối chất này trước công luận Việt Nam và quốc tế; mà chỉ sử dụng tài sản quốc gia đổ tiền “chống khủng bố” xuống sông Hồng nhằm đe nẹt quần chúng như trong cuộc tập trận giả tưởng được tổ chức giữa lòng Hà Nội ngày 9/10 vừa qua.
Để trả lời cho câu hỏi “Việt Tân có nên đối thoại với CSVN không” một cách rõ ràng và đầy đủ hơn, chúng tôi xin mời bạn bỏ thêm chút thời gian đọc Chương-2 “Những Nguy Hiểm Của Thương Lượng” trong cuốn sách TTĐTĐDC của tiến sĩ Gene Sharp. Chỉ với sáu trang giấy nhỏ ấy, tôi tin rằng bạn sẽ ghi nhận nhiều phân tích bổ ích cho đất nước về tiêu đề này.
Nhân đây xin kể lại câu chuyện về Socrates (470 – 399 trước Công nguyên). Ông là một vị thầy về Đối Thoại. Ông thường xuyên bàn thảo và tranh luận với thanh niên và các triết gia khác bằng phương pháp “đặt câu hỏi” để gợi mở con đường tìm về chân lý. Thế rồi ông bị tố cáo tội “dụ dỗ thanh niên” và “báng bổ thánh thần”; bị xử tội chết bằng cách uống thuốc độc. Sau khi đàm thoại cùng bạn bè và học trò một lần cuối, Socrates đã thản nhiên uống thuốc độc và từ biệt mọi người một cách thảnh thơi: “Thôi, bây giờ đến lúc chia tay. Tôi chết đây, còn các bạn cứ sống. Nhưng ai sướng, ai khổ, chưa biết đâu đấy!”
Thưa các bạn, trong công cuộc truy tìm và bảo vệ chân lý bằng phương pháp ĐT/BBĐ, có nhiều nhà dân chủ đã và đang chịu vô vàn khổ nạn để đánh thức toàn dân hiểu rõ sức mạnh của mỗi người. Tôi tin chắc rằng dân tộc Việt Nam sẽ sớm thành công và không một ai phải uống thuốc độc như Socrates. Nếu phải chọn sống tủi nhục vì phải luôn luôn cúi đầu trước điều sai trái, câu nói cuối đời của ông khiến chúng ta phải cùng suy ngẫm “… ai sướng, ai khổ, chưa biết đâu đấy!”.
Câu hỏi 6: Hàng loạt các nước độc tài CS ở Đông Âu sụp đổ đều bắt đầu từ những sự kiện rất cụ thể, đời thường, ở trong nước, vấn nạn dân oan, công nhân đình công, biểu tình đòi quyền lợi hàng loạt..v.v... đang là những vấn đề gây bức xúc, nổi cộm trong xã hội VN hiện nay, vậy đảng Việt Tân đã có những hành động thiết thực gì để chia sẻ, sát cánh cùng với họ?
(NQQ) Theo tôi nghĩ thì các “sự kiện đời thường” đó chỉ là các biến động sau cùng thôi. Tại các nước độc tài CS ở Đông Âu, các bức xúc ngầm đã chất chồng và ăn ruỗng các hệ thống cai trị nơi đó hàng nhiều thập niên, thậm chí hơn nửa thế kỷ trước. Bất công và chống đối có quan hệ nhân quả với nhau. Bất công càng lớn càng sâu rộng thì chống đối càng gay gắt và quần chúng càng sát cánh với nhau hơn.
Tại Việt Nam cũng thế, guồng máy cai trị (không nhất thiết chỉ bao gồm bộ máy bạo hành) đã rệu rạo do tác động soi mòn vô tình hay cố ý của TOÀN DÂN từ lâu. Do đó, việc quảng bá và thuyết phục toàn dân tiến hành ĐT/BBĐ ở mọi lãnh vực, mọi nơi, mọi giới là việc rất cần và phải xảy ra trước. Qua phương pháp đấu tranh ôn hoà nhưng quyết liệt với một hoạch định hẳn hòi, người dân đang dần dần lấy lại tự tin và quyền lợi nho nhỏ của mình một cách hiệu quả hơn. Thành quả quan trọng nhất của những cuộc thực tập này là nhận thức về sức mạnh và trách nhiệm của mỗi người trong kết đoàn trước những đòi hỏi cấp thiết và chính đáng to lớn hơn sau này. Có lẽ vì vậy mà nhà nước đang cố gắng chống đỡ bằng cách ban hành thêm những điều luật lạ lùng là cấm đông người đứng đơn kiện và mỗi tờ đơn không được kiện đông người.
Ngoài ra, chúng ta không chỉ lưu tâm đến các điểm “nóng” biểu hiện bằng sự bức xúc của đám đông quần chúng dưới sự đàn áp dã man của công an hay tay sai. Nhiều khi tại các nơi “lạnh” lại là chỗ mà các trụ cột quyền lực của chế độ độc tài đang bị ăn mòn nhiều và nhanh nhất. Chẳng hạn như những đấu đá ngấm ngầm trong nội bộ ĐCS, sự tự giải thể của Viện nghiên cứu phát triển IDS, sự hiện hữu của các trang Mạng lề trái, sự phản tỉnh của đảng viên cộng sản, sự trọng việc tư hơn là việc công trong các cơ quan hành chính, trong truyền thông, trong giáo dục, trong y tế, … Đặc biệt là sự lộ mặt vai trò Lê Chiêu Thống của cấp lãnh đạo ĐCSVN.
Trong tinh thần đó, anh chị em đảng Việt Tân đã cố gắng tiếp xúc, chia sẻ, thảo luận với nhiều giới đồng bào; đặc biệt là những nơi đang có bất công, bức xúc. Và dĩ nhiên, lời nói phải đi kèm với hành động. Chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ bằng nhiều việc cụ thể trong những năm qua ... kể cả việc cùng xuống đường, cùng đình công.
Câu hỏi 7: Tôi muốn hỏi đại diện Đảng Việt Tân dựa vào căn cứ nào để viết như thế này: "Có tới hơn 80 triệu con người khao khát những điều tốt đẹp chống lại cái cơ chế độc tài mà 15 ủy viên Bộ Chính Trị CSVN đang cố níu giữ bằng mọi giá". Không mấy người tôi biết nhìn thấy cái độc hại của cơ chế, và nếu có nhìn thấy thì hoàn toàn thờ ơ và tìm mọi cách để hưởng lợi từ cơ chế đó. Đảng Việt Tân có quá lạc quan khi đánh giá tình hình hay không?
(NQQ) Nếu chỉ khẳng định như lời bạn trích dẫn trong câu hỏi trên, quả thực tôi đã quá lạc quan hoặc bốc đồng… khi đánh giá tình hình Việt Nam hiện nay như thế. Tương tự như chúng ta cứ luôn miệng hô hào rằng đất nước ta “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, … dân tộc anh hùng, cần cù, thông minh, hiếu học …”; trong khi nhìn về thực trạng thì GDP thấp nhất trong vùng, lãnh thổ bị phá hủy và đang đổ tai hoạ lên quần chúng, người dân thì yên tâm với miếng ăn tạm đủ cùng với sự thờ ơ về cái độc hại của cơ chế!
Chúng ta nên nhớ thêm rằng sự thực đó chỉ biểu hiện ở dạng “tiềm năng”. Chúng ta cần phải nhận biết số vốn un đúc từ bao đời nay của dân tộc ta, để quan tâm phát huy thế mạnh chứ không phải nhằm tự hào suông và mặc cho các yếu tính tốt đẹp này bị hủy hoại theo ngày tháng. Tôi xin nhắc lại trọn câu đã nói trước đây, dù có hơi thậm xưng nhưng cốt để nhấn mạnh rạch ròi giữa hai lực đối kháng: “Về tương quan lực lượng, chúng ta thấy rõ tiềm năng nhân sự của lực lượng dân chủ đông lắm. Có tới hơn 80 triệu con người khao khát những điều tốt đẹp chống lại cái cơ chế độc tài mà 15 ủy viên Bộ Chính Trị CSVN đang cố níu giữ bằng mọi giá.”
Vậy có thực sự đại khối dân tộc VN đang thiếu thốn và khao khát những điều tốt đẹp hay không?
Bạn cứ nghĩ xem có gia đình nào hài lòng với hệ thống giáo dục xuống dốc ngày càng nhanh hiện nay không với tình trạng học trình bất cập, thầy cô vòi tiền, học trò bạo hành, hiệu trưởng làm ma cô...; gia đình nào không lo âu về các nguồn lương thực rau, quả, thịt hiện nay; gia đình nào hể hả về nạn tham nhũng hoành hành trong đời sống hàng ngày từ công an lưu thông, đến mọi loại giấy tờ, dịch vụ, kể cả nhà thương,... Phải chăng vì không có chọn lựa nào khác nên họ đành vẫn phải bám vào hệ thống hiện tại để sống? Người dân có sẵn sàng chấp nhận hiện trạng ấy bằng mọi giá không?
Thành phần hưởng lợi, và hưởng hầu như trọn vẹn các phúc lợi, hiện giờ là ai? Có phải là cả mạng lưới các quan chức và những kẻ làm tay chân cho họ không? Một thương gia Tây Phương đã cay đắng nói “anh cứ chỉ một đại gia tại VN đi, tôi sẽ cho anh biết ô dù của hắn là ai?” Chúng ta nên nhìn hiện tượng đó như thế nào? Người dân có vui vẻ chấp nhận hiện trạng ấy không?
Tình trạng mọi người thờ ơ, ích kỷ, mackeno, hiện nay từ đâu ra? Chính sách “nguyên tử hóa xã hội” là nền tảng của mọi chế độ độc tài, không chỉ độc tài cộng sản mà Stalin đã nâng nó lên hàng “nghệ thuật” bằng truyền thông và mũi súng. Nhiều dân tộc sống qua các chế độ độc tài khác cũng từng có thái độ như vậy. Vậy họ đã làm gì để vượt qua? và chúng ta phải làm gì để giúp đồng bào ta?
Chính vì thế mà nỗ lực thuyết phục dân tộc là việc cần thiết nhất và lớn lao nhất. Không một đảng phái nào có thể làm điều đó một mình. Chúng tôi cần sự góp sức của chính bạn, để đánh thức người dân về tiềm năng của chính họ và của dân tộc mình.
Về tương lai của tiến trình dân chủ hóa
Câu hỏi 8: Theo Đảng Việt Tân, ba rào cản lớn nhất đối với phong trào dân chủ hiện nay là gì? Đảng Việt Tân đã và đang làm gì để gỡ bỏ ba rào cản lớn nhất nêu trên?
(ĐVC) Tùy theo nhiều góc nhìn khác nhau, mà những rào cản có thể thay đổi. Ở đây chúng tôi nhìn một cách tổng quát rằng trong trận thế đấu tranh cho dân chủ hiện nay có ba nhân tố chính: 1- Quần chúng nhân dân, 2- Đảng và Nhà Nước CSVN, 3- Các tổ chức chính trị đối kháng... Nếu phân tích cho kỹ trong cả ba yếu tố kể trên đều có những mặt thuận lợi cũng như những mặt làm rào cản cho phong trào dân chủ. Trong khuôn khổ của câu hỏi, chúng tôi sẽ chỉ đề cập tới những rào cản.
Rào cản lớn nhất trong nhân tố quần chúng nhân dân, là sự sợ hãi bộ máy bạo lực trấn áp vẫn còn khá phổ quát. Đây là hậu quả của bao nhiêu năm dưới sự khủng bố tinh thần, của độc tài chuyên chế làm cho người ta trở nên an phận, thụ động trong chính trị, theo tinh thần mackeno. Thậm chí nó làm cho người ta có luôn tập quán thoải mái thích ứng với cơ chế xin-cho, coi những quyền đương nhiên của mình chỉ là những ân huệ được Đảng và Nhà nước ban phát. Khi người ta đã thoải mái với một thói quen nào đó thì người ta ngại mọi sự thay đổi. Để khắc phục cái rào cản này, VT đã và đang cùng những tổ chức, cá nhân tích cực, nỗ lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự, qua đó người dân dần dần thấy và tự tin vào khả năng tự làm chủ chính mình, tự lo cho mình và lo cho nhau mà không phải qua cơ chế xin-cho đối với nhà nước. Sự tự tin vào mình sẽ càng cao khi càng ngày thấy mình làm được những việc trong tầm tay của mình mà không theo cái khuôn mẫu hành xử mà nhà nước muốn mình theo.
Rào cản lớn nhất trong nhân tố Đảng và Nhà Nước là bộ máy bạo lực chuyên chế vẫn còn mạnh và còn đủ sức trấn áp quy mô. Chế độ CS được xây dựng và củng cố trên những cột trụ chống đỡ nó như bộ máy thông tin tuyên truyền, quân đội công an, hành chánh v.v.. Cho nên để vượt qua cái rào cản bộ máy trấn áp này, VT đang góp phần bào mòn các cột trụ chống đỡ trên, như góp phần phá vỡ sự bưng bít thông tin (các chiến dịch tự do internet, truyền nhau cách vượt tường lửa, đài phát thanh Chân Trời Mới, chuyển email, bloggers v.v…), kêu gọi quân đội bảo vệ tổ quốc thay vì bảo vệ đảng, chống ngoại xâm thay vì chống dân v.v.., làm những việc mà chúng tôi gọi là nong xích, để nong nới rộng ra các vòng xích kềm kẹp.
Rào cản lớn trong nhân tố các tổ chức, phong trào đấu tranh cho dân chủ là chưa có được hệ thống tổ chức sâu rộng. Bất cứ cuộc đấu tranh nào muốn thành công thì phải có tổ chức điều động chứ không thể cứ tự phát là đủ. Để khắc phục điểm yếu này, VT đang có những nỗ lực công khai hóa trong nước, và cùng làm việc phối hợp với những tổ chức bạn cũng như các thành phần yêu nước tích cực khác để tổ chức hay/và hỗ trợ những sinh hoạt đấu tranh bất bạo động trong nước, cũng như ở ngoài.
Một cách tóm tắt, để vượt một rào cản chúng ta cần chú tâm vào mặt thuận lợi để chọn thế nhảy thích hợp. Điểm cần lưu ý nữa là các rào cản này có tương quan mật thiết với nhau, Khi vượt qua một rào cản thì các rào cản còn lại tự khắc sẽ thấp hơn một bậc. Và sau cùng càng đông người đã nhảy qua rào thì những người đi sau chỉ cần một bước nhỏ cũng có thể vượt qua rào.
Câu hỏi 9: Việt Tân có dự đoán tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam sẽ diễn ra theo kịch bản nào? Cần thời gian bao lâu nữa? Nếu việc thay đổi thể chế diễn ra đột ngột, bất ngờ, vậy đảng Việt Tân đã sẵn sàng tới đâu trong việc đứng ra đảm nhận trọng trách khi tình thế đòi hỏi?
(NQQ) Trong cục diện liên lập toàn cầu, một cách tổng quát có 3 nhân tố liên quan đến tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam đó là đảng CSVN, lực lượng dân chủ, và quốc tế. Các nhân tố này có thể góp phần trong diễn trình nhanh-chậm vào bốn tình huống sau đây:
Tình Huống 1: CSVN thành công trong nỗ lực giữ nguyên trạng toàn trị:
Các phe nhóm trong đảng CSVN thỏa hiệp được với nhau để ổn định tình hình và duy trì quyền lực. Nỗ lực đấu tranh của các lực lượng dân chủ và các phong trào quần chúng không tạo ra được áp lực đáng kể và CSVN thành công trong việc hóa giải, trấn áp. Các áp lực từ bên ngoài không gia tăng hay CSVN vẫn đối phó được nên không bị buộc phải nhượng bộ.
Tình Huống 2: CSVN phải chấp nhận một số thay đổi biểu kiến:
Sự phân hóa trong nội bộ CSVN gia tăng khiến việc thỏa hiệp để duy trì quyền lực trở nên khó khăn hơn. Các nỗ lực đấu tranh cho dân chủ và các áp lực từ quần chúng gia tăng và gây khó khăn hơn cho CSVN trong việc trấn áp hay hóa giải. Khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Các áp lực bên ngoài gia tăng, đặc biệt là nguồn đầu tư ngoại quốc vào VN bị đe dọa, khiến CSVN phải chấp nhận một sự lùi bước giới hạn để đối phó. CSVN tìm cách dàn dựng một hình thái sinh hoạt tự do biểu kiến trong sự kiểm soát của chế độ. Sự lùi bước này tuy có một số rủi ro cho CSVN nhưng cho phép chế độ tiếp tục cầm quyền và làm ăn với bên ngoài.
Tình Huống 3: CSVN bị buộc phải chấp nhận một số thay đổi thật sự:
Sự phân hóa trong nội bộ CSVN gia tăng và các phe nhóm không thỏa hiệp được với nhau, tình trạng đấu đá kéo dài và nghiêm trọng hơn. Các nỗ lực đấu tranh cho dân chủ trở thành một áp lực đáng kể và thực sự đe dọa chế độ. Các phong trào quần chúng, với sự điều hướng của các lực lượng dân chủ, lan rộng và có khả năng làm tê liệt hệ thống hành chánh của chế độ. Áp lực quốc tế gia tăng buộc CSVN phải có những thay đổi căn bản hơn. CSVN phải lùi bước và chấp nhận một số thay đổi thật sự như cho phép đối lập chính trị và tự do báo chí, nhưng vẫn cố gắng duy trì sự lãnh đạo của đảng CSVN.
Tình Huống 4: CSVN mất kiểm soát và guồng máy thống trị bị tan rã:
Sự phân hóa trong nội bộ CSVN bùng vỡ không thể hàn gắn được, có những phe nhóm tách ra và thách đố lại chế độ. Các lực lượng dân chủ trở thành một thực thể đối trọng lại chế độ và tạo áp lực nguy hiểm cho chế độ. Các phong trào quần chúng, qua sự điều hướng của các lực lượng dân chủ, lan rộng nhiều nơi, qui tụ đông đảo sự tham gia của người dân và đe dọa thẩm quyền của chế độ. Áp lực quốc tế trở nên nặng nề đặc biệt nhắm vào các lãnh vực cải tổ chính trị và dân chủ hóa xã hội. Trước các áp lực nghiêm trọng này, chế độ lâm vào khủng hoảng, mất kiểm soát tình hình và đưa đến sự tan rã của guồng máy cai trị.
Dựa vào những biến chuyển của tình hình, có 3 hiện tượng quan trọng đang xẩy ra:
1- Tuy các phe nhóm CSVN vẫn cố gắng thỏa hiệp để cộng sinh, nhưng sự thỏa hiệp này mỗi lúc một khó hơn vì các mâu thuẫn ngày càng lớn trên nhiều mặt. Đặc biệt là vấn đề tham nhũng và vấn đề bảo toàn lãnh thổ lãnh hải.
2- Áp lực đấu tranh của phong trào dân chủ và quần chúng ngày một tăng và càng lúc càng gây khó khăn cho chế độ. Thực tế là hiện nay sự kiểm soát của CSVN trong xã hội đang bị thu hẹp lại.
3- Quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, sẽ tiếp tục áp lực CSVN để đáp ứng tương quan kinh tế và chính trị của họ. Các áp lực này sẽ khiến cho tình trạng phân hóa nội bộ CSVN thêm nghiêm trọng và giảm thiểu khả năng đàn áp của chế độ đối với người dân.
Nhìn vào cách ứng phó tình hình của đảng CSVN hiện nay, theo tôi Việt Nam đang ở tình huống 2 và có xác suất cao đang chuẩn bị bước vào tình huống 3 trong thời gian tới. CSVN bị buộc phải chấp nhận một số thay đổi thật sự. Điều chúng ta muốn là những thay đổi này phải là những thay đổi thật sự có lợi cho tiến trình dân chủ hóa và cho quyền lợi của dân tộc. Trong đó, mọi nỗ lực đều phải nhắm tới là làm sao hình thành bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên tại Việt Nam.
Chúng tôi nghĩ rằng khi có các đột biến thì phải tận dụng để tiến nhanh hơn nhưng vẫn không ngoài kế hoạch tiến lên “bình thường” của lực lượng dân chủ. Nghĩa là dù không có các thay đổi đột biến, thì dân tộc vẫn từng bước lừng lững đi tới. Vì tháo gỡ độc tài không phải là mục tiêu sau cùng. Đặt được nền móng dân chủ bền vững mới là lằn mức thành công. Và để có nền móng đó thì đại khối quần chúng phải biết đến và làm quen dần với sinh hoạt dân chủ. Tóm tắt lại, chấm dứt độc tài là một mốc điểm hệ trọng nhưng nhiều nỗ lực và mốc điểm lớn khác phải tiến hành song song và đạt đến thì mới có nền dân chủ bền vững.
Thế thì còn bao lâu nữa? Có thể rất nhanh trong vài tuần vài tháng, hoặc lâu cỡ 10 năm như ở Ba Lan, hoặc vẫn chưa ngã ngũ như ở Miến Điện. Tiến sĩ Gene Sharp có viết: “Lịch sử cận đại cho thấy sự mỏng manh của các nền độc tài và các chế độ này có thể sụp đổ trong một giai đoạn tương đối ngắn. Nếu phải mất mười năm – 1980-1990 – mới giật sập chế độ độc tài Cộng Sản tại Ba Lan, thì chỉ mất vài tuần là xong tại Đông Đức và Tiệp Khắc vào năm 1989. Tại El Salvador và Guatamela năm 1944 các cuộc đấu tranh chống lại chế độ quân phiệt tàn bạo chỉ mất khoảng hai tuần tại mỗi nơi. Chế độ có quân đội hùng mạnh của Shah Hoàng tại Iran bị suy sụp trong vòng vài tháng. Chế độ độc tài Marcos tại Phi Luật Tân (Phi-Líp-Pin) sụp đổ trước thế lực của quần chúng trong vòng vài tuần năm 1986: chính phủ Hoa Kỳ liền bỏ rơi Tổng Thống Marcos khi sức mạnh của nhóm đối lập bắt đầu lộ rõ. Cuộc đảo chánh của nhóm giáo điều tại Liên Xô vào tháng 8 năm 1991 bị chận đứng trong vòng vài ngày bởi lực lượng đối kháng chính trị. Sau đó, nhiều nước nhỏ bị khuynh loát từ lâu [trong Liên Bang Xô Viết] đã giành lại độc lập trong vòng vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Thành kiến cho rằng các phương cách bạo động luôn luôn mang lại kết quả nhanh chóng và bất bạo động luôn luôn mất nhiều thời gian rõ ràng là không đúng. Mặc dù phải mất nhiều thời gian để tạo những thay đổi cần thiết bên dưới và chuẩn bị xã hội, nhưng cuộc chiến thật sự của đấu tranh bất bạo động để đánh sập một nền độc tài thường xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn.”
Tuy đảng Việt Tân cũng đã vạch ra một kế hoạch công tác chi tiết cho chính mình, nhưng câu trả lời “bao lâu nữa?” rõ ràng không tùy thuộc vào đảng VT mà tùy thuộc vào nỗ lực chung của cả dân tộc chúng ta. Và nếu chúng ta khai triển được ý niệm xã hội dân sự ngay trong tiến trình đấu tranh bằng ĐTBBĐ để tháo gỡ độc tài, thì chúng ta không còn lo nghĩ “ai sẽ đảm nhận trọng trách?” vào những ngày chuyển tiếp hậu cộng sản. Khi ý chí toàn dân đã được giải thoát với trải nghiệm thương đau của cơ chế độc tài, chắc chắn những tài năng phong phú tiềm ẩn trong các tổ chức khác nhau và trong đại khối quần chúng sẽ có dịp được tận dụng qua sự mời gọi và chọn lựa thật cẩn thận của nhân dân. Lúc đó, mỗi đảng viên Việt Tân sẽ rất vui mừng vì mọi người dân trong đó có cả chính mình luôn luôn có thể phục vụ hữu hiệu cho đất nước và cho gia đình phù hợp với khả năng và sở thích của mình, dù trong vị trí đứng trong hay ngoài chính quyền. Chỉ nghĩ đến ngày đó thôi mà lòng đã rộn ràng!
Kính thưa các bạn
Chúng ta đã cùng trải qua các dòng trao đổi nghiêm chỉnh và chân thành. Phải nói rằng ai trong chúng ta cũng thấy rõ thiện ý và công khó của Ban Biên Tập Dân Luận khi mở ra cuộc hội luận này, thư qua thư lại sửa chữa các sai sót cần thiết, và nhất là bỏ công kết tập các câu hỏi đến chúng tôi. Thay mặt cho đảng Việt Tân, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và xiển dương những nỗ lực quí giá này.
Đã đến giờ tạm chia tay với các bạn, chúng tôi cảm ơn các vấn đề được nêu ra đã giúp đảng Việt Tân hiểu rõ hơn mối quan tâm của độc giả Dân Luận và rà soát lại một lần nữa các việc làm đã qua cũng như các dự định sắp tới. Một lần nữa, chúng tôi cũng thực sự hối tiếc và xin lỗi đã không thể thu xếp thì giờ để trao đổi trực tiếp cho từng câu hỏi hay góp ý chưa được đề cập trong hai vòng hội luận. Nói chung, chúng tôi học hỏi được nhiều điều không những từ câu hỏi đã trả lời mà còn ở câu hỏi chưa được trả lời. Cảm ơn tất cả các bạn.
Ngoài ra, có lẽ đâu đó các bạn nhìn thấy các phần trả lời thiếu chi tiết có vẻ như không đi thẳng vào câu hỏi, vì chúng tôi đã cố gắng tự điều tiết nhằm tránh sự tổn hại không đáng có cho những công tác tại trong nước. Xin các bạn cảm thông cho điều này.
Thưa bạn, chắc hẳn các bạn cũng như chúng tôi đã có dịp tự hỏi “Ý nghĩa của cuộc hội luận này là gì?”. Riêng chúng tôi nhớ lại một buổi học thảo về xây dựng kế hoạch ĐT/BBĐ; trong khi bàn về việc thu thập tin tức, người hướng dẫn nhắc đi nhắc lại câu nói “Facts mean nothing without context!”. Tôi tạm dịch thoát ý là: “Dữ kiện sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu không góp phần vào việc giải quyết một vấn đề nào đó!”
Bạn thử tưởng tượng đang đêm ngon giấc, bạn nhìn đồng hồ dạ quang và đánh thức bà xã dậy nói với nàng “Bốn giờ sáng rồi đấy em” xong rồi lại lăn ra ngủ tiếp thì có thể sẽ bị cằn nhằn dữ lắm. Nhưng nếu gắn thực tế ấy với nhu cầu “nửa giờ nữa phải có mặt ở sân bay”, thì có lẽ cả hai sẽ vui vẻ chuẩn bị hành lý nhanh chóng lên đường.
Trao đổi và học hỏi lẫn nhau trước khi lên đường, dĩ nhiên, là một điều rất cần thiết. Tuy nhiên, qua trải nghiệm của hành động mỗi chúng ta sẽ bật ra thêm rất nhiều điều mới lạ cần học hỏi. Ước mong sẽ có dịp gặp lại bạn trên một đoạn đường công tác nào đó để cùng ôn lại và bổ sung ý nghĩa của cuộc hội luận này của chúng ta.
Cảm ơn tất cả và hẹn các bạn vào một dịp khác.
Trân trọng,
Nguyễn Quốc Quân & Đặng Vũ Chấn
------------------------------
Tin liên quan
.
.
.
No comments:
Post a Comment