Friday, November 19, 2010

ĐÃ CÓ KHỐI NGƯỜI QUAY LƯNG VỚI ĐẢNG (Phạm Trần)

Phạm Trần
Thứ Sáu, 19 Tháng 11, 2010.

Nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức vụ cao và nhiều tầng lớp nhân dân đang hoang mang, dao động, mất niềm tin vào đảng, bị các thế lực thù địch trong, ngòai và những phần tử cơ hội tuyên truyền chống đảng, đòi bỏ Chủ nghĩa Cộng sản, bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, xuyên tạc lịch sử  để xóa bỏ các thành tựu cách mạng là nội dung  bài viết của Gíao Sư, Tiến sỹ  Trương Giang Long trên Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương đảng  Cộng sản Việt Nam và được Báo điện tử của đảng trích đăng lại ngày 17-11 (2010).

Nhưng tại sao đảng lại cho phát tán rộng rãi bài viết có nhiều điều “vạch áo cho người xem lưng” của Tiến sỹ Long là điều chỉ có Ban Tuyên giáo mới giải thích được, hay bây giờ mọi chuyện đã qúa rõ, ai cũng biết  nên  phải  nói ra để  xem có chống được không?

Bài viết  có tựa đề Ngăn chặn âm mưu “tự diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trước thềm Đại hội Đảng của Trương Giang Long nói rằng  : “Những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong suốt hơn 20 năm qua là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao”

nhưng :


“Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là những thành tựu quan trọng về kinh tế và đối ngoại, nhưng đất nước vẫn phải đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập sâu rộng, hợp tác đa phương đang diễn ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen. Trong hoàn cảnh ấy, các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước triệt để lợi dụng những yếu kém, bất cập, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, tác động nhiều mặt nhằm đẩy mạnh quá trình “tự diễn biến hòa bình” trong nội bộ Đảng và trong xã hội ta.”


Bài này xuất hiện vào lúc có nhiều dấu hiệu trong xã hội và trong nội bộ đảng chứng minh  đảng không có khả năng giải quyết những khó khăn kinh tế, nạn giầu nghèo cách biệt giữa thành phố và nông thôn càng ngày càng lan rộng; các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tranh giành quyền lợi giữa các cấp lãnh đạo trong  đảng và nhà nước mỗi ngày một  nghiêm trọng.

Ngòai ra người dân và đảng viên cũng chưa thấy chủ quyền lãnh thổ và biển đảo được bảo đảm không bị Trung Quốc đánh chiếm; tinh thần vô trách nhiệm của lãnh đạo đảng và nhà nước đã được chứng minh trong  các vụ làm ăn thua lỗ, thất thoát tiền đóng thuế của nhân dân của các Doanh nghiệp và Tổng công ty Nhà nước. Trường hợp phá sản tiêu tán  khỏang 120,000 Tỷ đồng của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là một tỷ dụ.

Đảng cũng  đang sợ  bị tan hàng rã đám vì  trong nội  bộ  vẫn chưa đồng thuận với  nhau  về 3 vấn đề  nhức nhối  : 
1) Kiên định hay nên bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin;
2) Đa nguyên đa đảng hay tiếp tục duy trì một đảng cầm quyền theo Điều 4 Hiến pháp; và
3) Có nên thẳng thắn cắt bỏ cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” để làm kinh tế thị trường của Chủ nghĩa Tư bản không?


Lý do chưa thống nhất quan điểm trong đảng không khó hiểu bởi vì  kể từ khi đảng phổ biến để lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và ngưởi dân về 3 Văn kiện : Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và  Báo cáo Chính trị   thì đã có rất nhiều bài viết phản biện bác bỏ tất cả hay đòi đảng phải sửa lại các văn kiện. Các Tác gỉa phê bình  các Văn kiện phản ảnh tư duy  lạc hậu, chậm tiến, phản dân chủ, ấu trĩ, phản khoa học không có sức làm đòn bẩy cho  dân tộc tiến lên.
THỰC TẾ CHỨNG MINH
Điều này còn được  chứng minh trong Cuộc họp của 20 Cựu lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ và đảng  ngày  7-10 (2010) vừa qua tại Hà Nội do  Hội khoa học kinh tế Việt Nam và Trung tâm thông tin, dự báo kinh tế – Xã hội Quốc gia  phối hợp tổ chức.

Tại cuộc họp không tiền khóang hậu này, tuy không  được nhóm Chủ trương phổ biến rộng rãi nhưng những lời phê bình, lên án các Văn kiện dự thảo của đảng, nhất là đồi với chủ trương kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã bị phê bình là lạc hậu, không còn phù hợp với đà tiến bộ của nhân loại.

Tài liệu Cuộc họp được phổ biến trên một số  mạng Internet cho biết trong số các Trí thức tham dự có cả Giáo Sư Trần Phương, nguyên phó Thủ tướng Chinh phủ; ông Vũ Khoan – nguyên phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Giáo Sư Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế; Giáo Sư Phan văn Tiệm, nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính; Việt Phương – nguyên Thư ký cố vấn của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng, Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh, Bà Phạm Chi Lan, kinh tế gia, Nhà Ngoại giao  Nguyễn Trung, nguyên cố vấn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt v.v…

Ông Việt Phương phê bình văn kiện đảng “Quá dài, rất trùng lắp, cũ kỹ, lạc hậu, sai lầm quay lại nhiều quá”.  Ông chê các văn kiện “bị tụt lùi xa so với đại hội Đảng lần thứ IX, lần thứ X. Nếu có thể sửa chữa tí nào thì tốt. Hoặc nên có một Nghị quyết mới.”

Ông Vũ Tuấn thì nói rằng: ”Văn kiện không phản ánh được cuộc sống. Phải đưa cuộc sống vào Nghị quyết. Đổi mới chính trị chưa theo kịp đòi hỏi, đang cản trở. Xác định cho rõ vai trò lãnh đạo của Đảng: Lãnh đạo là ai? Ai cho anh quyền lãnh đạo? “

Phó Giáo Sư Trần Đình Thiên thì bảo: “Hai mươi lăm năm qua, điều ta đạt được là nhờ chuyển sang kinh tế thị trường chứ không phải là do định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.”


Giáo Sư Trần Phương phát biểu: “Hiện nay ta thích nói một cách, làm một cách khác. Ta nói Chủ nghĩa Mác-LêNin, nhưng nó là cái gì mà bảo nó là nền tảng? Ta có làm theo các nguyên tắc của Chủ nghĩa  Mác-Lênin không? Đổi mới của ta thực chất là “thụt lùi”; thừa nhận cả kinh tế tư nhân … Mác đã sai khi dự kiến về đặc trưng của Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH). Ta giả vờ theo Mác, vì nói vậy nhưng đã làm khác đi rồi….Vậy, CNXH là gì? Có ai trả lời được không? Ta nói và ta biết là ta đang bịp người khác! Nhưng “Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc”! (Abraham Lincoln).

PHẢN ỨNG CỦA ĐẢNG

Ý kiến của các Trí thức được lan truyền rộng rãi ở trong và ngòai nước nên chắc đảng phải sốt ruột lắm. Ban Tuyên Giáo  được lệnh ra quân chống lại. Người nhận công tác này đầu tiên là Trương Giang Long, một cán bộ ngành Tuyên giáo vẫn viết thường xuyên những bài bảo vệ quan điểm của đảng trên Tạp chí Cộng sản.

Nội dung Bài viết của Long là nhằm bảo vệ lập trường tiếp tục kiên định xây dựng đất nước dựa trên nền tảng Chú nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, đồng thời tố cáo những quan điểm chống lại chủ trương này là nằm trong âm mưu chống đảng của “các thế lực thù địch” trong và ngòai nước của  kế họach được gọi là “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến hòa bình”.

Long nói : “Đại hội XI của Đảng có trọng trách đặc biệt quan trọng. Ngoài việc tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001- 2010, rút ra những bài học kinh nghiệm của chặng đường 25 năm đổi mới, Đại hội còn có nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991.

Kết quả của Đại hội sẽ là điểm tựa vững chắc cho chặng đường phát triển những năm tiếp theo, đồng thời còn là định hướng chiến lược có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc trong giai đoạn mới.”


Theo  Long thì : “Những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong suốt hơn 20 năm qua là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao… nhưng đất nước vẫn phải đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. “

Nhưng Long lại không nhận lỗi thay đảng về  những thất bại kể từ khi có Đổi mới từ năm 1986, ngược lại, cũng như những thợ viết tuyên truyền trước đây, Long chỉ biết đổ lỗi cho điều được gọi là “các thế lực thù địch” của “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến hòa bình.”

Nhóm chữ “diễn biến hòa bình” đã được đảng CSVN sử dụng từ lâu để ám chỉ những ai chỉ trích đường lối cai trị độc tài, phi dân chủ của đảng, nhưng khi Trương Giang Long sử dụng đến nhóm chữ “tự diễn biến hòa bình” là Long muốn nói đến tình trạng sa sút tư tưởng của các đảng viên đã  không còn đủ bản lĩnh để chống lại tuyên truyền của  “các thế lực thù địch” để có thể dẫn đến bị tự hủy diệt và làm cho đảng tan rã.

Long tiết lộ  chiến thuật chống đảng của những  kẻ  cầm đầu”  các thế lực thù địch khi sử dụng “diễn biến hòa bình”  như thế này  : “Diễn biến hòa bình” là một nội dung quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Đây là cuộc chiến thầm lặng nhằm tấn công toàn diện vào các mục tiêu bên trong cả về chính trị, kinh tế, tư tưởng, lý luận, văn hóa, nghệ thuật ..., khoét sâu những mâu thuẫn nội bộ, phá vỡ sự thống nhất về tư tưởng và ý chí trong đảng, làm cho nội bộ ta suy yếu và tự diễn biến.


Thực chất của “diễn biến hòa bình” chính là nhằm đẩy mạnh quá trình tự diễn biến, chủ động tạo ra các áp lực, tấn công chính diện vào lĩnh vực tư tưởng và lý luận, từ đó làm tan rã niềm tin, suy sụp về tinh thần, mất định hướng, hỗn loạn về lý luận, sẽ là điều kiện tốt nhất hình thành và nuôi dưỡng tâm trạng hoài nghi, tư tưởng bất mãn chống đối từ bên trong. Thực tiễn lịch sử cho thấy, ráo riết theo đuổi và thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra quá trình tự diễn biến, tập trung trước hết ở lĩnh vực tư tưởng và lý luận, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đứng đầu là đế quốc Mỹ đã làm sụp đổ nhiều nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, kể cả Liên Xô - nhà nước hùng mạnh nhất trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.”


Sát thực tế hơn, Long cho biết mục tiêu  chiến lược tòan diện của các thế lực thù địch bao gồm:
- “Dùng mọi thủ đoạn và tất cả các phương tiện hiện có, phản bác, xuyên tạc, phủ định, xóa bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng, từng bước thay thế chủ nghĩa Mác bằng ý thức hệ tư sản.
- “Xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc. Tạo áp lực và gây sức ép buộc chúng ta từ bỏ con đường đã chọn, quay trở lại chủ nghĩa tư bản.
- “Đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi Đảng Cộng sản Việt Nam phải rút lui khỏi vũ đài chính trị, thực hiện đa nguyên, đa đảng.”


Vậy hậu qủa đã xẩy ra đối với đảng CSVN ra sao?
Long tiết lộ: “Ở Việt Nam, trước sự tấn công của kẻ thù bằng “diễn biến hòa bình”, đã làm xuất hiện bệnh cơ hội, thực dụng, thiếu trung thực gia tăng, thái độ thờ ơ, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng.”

Rõ nét hơn, sự suy thoái tư tưởng trong đảng hiện nay  còn được Long tiết lộ là do hậu qủa sụp đổ của Liên bang Sô Viết và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và do chủ trương mở cửa hội nhập của Việt Nam gây ra.

Long nói tiếp : “Sau khi nhiều nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, đất nước ta đứng trước nhiều thách thức và phải đối mặt với không ít khó khăn. Trước những hiện tượng phức tạp nảy sinh, nhiều cán bộ, đảng viên không đủ sức tự lý giải.


Khi chuyển sang kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế diễn ra nhanh chóng và sâu rộng, nhận thức của nhiều người đã không theo kịp với yêu cầu của sự phát triển, thiếu hiểu biết dẫn đến hoang mang, dao động, cao hơn nữa là mất niềm tin, mất định hướng.

Đồng thời, mặt trái của kinh tế thị trường cũng đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền đã thoái hóa về phẩm chất, đạo đức lối sống, vì lợi ích cá nhân, lại thiếu sự rèn luyện tu dưỡng, bị những cám dỗ vật chất làm “hoa mắt”, biết sai vẫn cố tình làm, miễn là thu lợi nhiều nhất cho cá nhân mình.”


Từ tình trạng xuống cấp này, theo Long thì đảng viên và cán bộ đã “giở chứng” : “Nghi ngờ thành quả cách mạng trong quá khứ, nhìn nhận hiện thực bằng cái nhìn tiêu cực, yếu kém, thiếu niềm tin vào tương lai, thậm chí có kẻ còn cho rằng, mọi khuyết tật và thói xấu của xã hội đều do lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa và bệnh quan liêu trong Đảng tạo ra. Từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình tự diễn biến và tác động, làm suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước, gieo rắc tâm lý hoài nghi, bất bình trong xã hội; tạo điều kiện để bọn cơ hội nhen nhóm hình thành lực lượng chống phá, gây áp lực đấu tranh đòi thay đổi chế độ chính trị khi có điều kiện.”

Tất cả nhửng điều cáo buộc của Long chỉ phản ảnh một thực tế là hiện nay ở Việt Nam người dân không còn tin vào đảng  nữa và một số không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng hết còn muốn đi theo đảng. Ngược lại, ai cũng muốn đảng từ bỏ độc quyền lãnh đạo và bỏ chạy theo Chủ nghĩa phá sản Mác-Lênin  để cho dân có dân chủ và tự do.


NHỮNG GÌ ĐANG XẨY RA?

Vậy những gì đang xẩy ra ở Việt Nam? Hãy nghe lời thú nhận của Long : “Hiện nay, trước thềm đại hội Đảng các cấp, ngoài việc công khai thành lập các chính đảng đối lập chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch đang tập trung tấn công chuyển hóa thông qua “tự diễn biến hòa bình” trên một số lĩnh vực:

- Phối hợp đồng bộ giữa bên ngoài và bên trong mà chủ yếu là triệt để khai thác các phần tử bất mãn chống đối trong nước, nhất là một số trí thức và cán bộ biến chất, bọn cơ hội chính trị, tập trung xuyên tạc và phủ định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với mưu đồ dùng chính cộng sản chống lại và phản bác chủ nghĩa cộng sản.

Bằng thủ đoạn chiến tranh tâm lý nham hiểm và thâm độc, thông qua các chứng cứ ngụy tạo được dựng lên bởi chính những phần tử bất mãn, cơ hội, các thế lực thù địch mong muốn quá trình tự chuyển hóa về mặt tư tưởng và lý luận diễn ra nhanh chóng. Chúng rêu rao lại những điệp khúc sáo mòn cũ rích, chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, kinh tế thị trường định hướng XHCN đang bế tắc ... hòng lung lạc ý chí và niềm tin của quần chúng trước thềm đại hội các cấp. Trọng tâm là làm cho quần chúng nhân dân, kể cả một bộ phận cán bộ, đảng viên xa rời chủ nghĩa Mác, xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Huy động và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả phương thức truyền miệng cổ điển, phán bác chính diện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua các sự vật, hiện tượng cụ thể có thật và những yếu kém, bất cập của chính chúng ta, nhưng được nhào nặn, bóp méo, với dụng ý xấu, chúng quy kết và phủ định những thành quả của đổi mới, xuyên tạc trắng trợn, nhằm bôi đen chế độ ta, phủ định con đường mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn.

Chúng cố tình quy kết Đảng đưa dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, bởi so sánh với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có xuất phát điểm giống Việt Nam, nhưng nhờ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa đã trở nên giàu có, phồn vinh. Cho rằng, Việt Nam ngoan cố, bảo thủ tiếp tục lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa; làm bạn với tất cả các quốc gia dân tộc nhưng đất nước vẫn nghèo, không cô độc nhưng đơn độc, những kẻ bồi bút của các thế lực thù địch rao giảng dân chủ đa đảng, nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường là quy luật... tất yếu sẽ thay thế mô hình độc đảng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

- Sử dụng chính những kẻ cơ hội và phản Đảng, chống Đảng. Mục tiêu của tự diễn biến trong nội bộ Đảng là tách Đảng ra khỏi dân, đối lập Đảng với dân. Chúng thổi phồng khuyết điểm, yếu kém của chính những phần tử cơ hội, bọn quan liêu, tham nhũng rồi quy kết Đảng, đánh đồng những kẻ xấu, hủ bại với những người tốt, trung kiên; rằng: đảng viên giờ đây sống trên dân, giầu có hơn dân, vô cảm trước các nỗi đau của dân. Chuyển sang giai đoạn phát triển mới, Đảng bộc lộ nhiều yếu kém, tự mình không thể đổi mới, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước; kinh tế thị trường với sự phát triển đa dạng về kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến đa đảng; việc Đảng giao quyền lãnh đạo đất nước cho một nền dân chủ đa nguyên, chỉ là thời gian mà thôi (!) v.v...”


Trước sức mạnh tinh thần tự vùng lên của nhiều tầng lớp người dân như Long đã nhìn nhận, Long chỉ còn biết kêu gọi  tòan đảng hãy : “Kiên quyết chống trả và bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối, chính sách Đảng và Nhà nước. Tổ chức thật tốt quy trình lựa chọn đề cử, ứng cử cán bộ tham gia cấp ủy các cấp và nhân sự Đại hội XI; Bảo đảm để những người tham gia cấp ủy các cấp và nhân sự Đại hội XI thực sự là những cán bộ ưu tú nhất của Đảng; Chống tư tưởng bè phái cục bộ trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội; Nghiêm trị những kẻ tham nhũng, thoái hóa biến chất trong Đảng, trong bộ máy chính quyền, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng là điều kiện và tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực của người lãnh đạo, của cấp ủy các cấp.”

Nhưng liệu lời kêu gọi yếu đưối và cô đơn của Long có còn được ai nghe không, hay  nó đã tan theo hơi  khói  của phiên chợ chiều ? -/-
Phạm Trần
(11/010)

----------------------------

Biên bản hội thảo tại Hà Nội của một số nhà kinh tế nhằm góp ý với Đại Hội Đảng  - Chủ trì: GS Trần Phương, Chủ tịch Hội KHKTVN  (Hà Nội 7-10-2010)

Biên bản phiên họp góp ý văn kiện đảng  - Các nhà lý luận cộng sản kỳ cựu
Đăng ngày 11/11/2010 lúc 19:49:47 EST
.
.
.

No comments: