Monday, November 15, 2010

THẾ CỜ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI ĐANG THAY ĐỔI : NHỮNG CƠ HỘI và THÁCH THỨC CỦA VIỆT NAM

Nguyễn Hữu Quý
Thứ hai, ngày 15 tháng mười một năm 2010

Chuyến công du châu Á hai tuần của Tổng thống Mỹ Obama, được các báo và truyền hình trong nước mấy ngày này liên tục cập nhật, cho thấy, chưa bao giờ khu vực châu Á-TBD lại được Mỹ chú trọng và có động thái ngoại giao kiểu con thoi như vậy;
Ngoài thông điệp mà Tổng thống Mỹ gửi đến G20 và APEC lần này, mà theo đó “ông Obama cam kết Mỹ sẽ chu toàn nhiệm vụ để phục hồi sự tăng trưởng mạnh mẽ và giữ cho thị trường thế giới được ổn định”[1]; đáng chú ý là “Mỹ ủng hộ Ấn Độ vào thường trực Hội đồng Bảo an”[2] và “Obama ủng hộ Nhật có ghế trong HĐBA”[3].

Rõ ràng là, sau những hành động và tuyên bố hung hăng của TQ tại Biển Đông; và đặc biệt sau sự kiện Nhật – Trung căng thẳng từ vụ tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư; thì buộc Mỹ phải có chính sách rõ ràng với TQ, không ngoài mục đích kìm hãm TQ từ mọi phía.

Nếu để ý từ lâu ta thấy; sau Mỹ thì Nhật Bản là nước đứng thứ 2 đóng góp cho LHQ; việc 4 quốc gia là Nhật Bản, Ấn Độ, Đức và Braxin đã có ý định trở thành thành viên thường trực của HĐBA LHQ đã từ lâu; nhưng không hiểu vì sao, tình hình lại lắng xuống trong hơn 2 năm qua; và lần này, cơ hội trước hết dành cho 2 nước Nhật Bản và Ấn Độ xem như chỉ còn là vấn đề thời gian.

Quan điểm chung của nước Mỹ và riêng ngài Tổng thống Mỹ Barack Obama thì sao? và đây là lời ngài tuyên bố trước Nghị viện Ấn Độ ngày 09/11/2010: "Một trật tự thế giới công bằng và ổn định mà Mỹ tìm kiếm phải bao gồm một Liên Hợp Quốc hoạt động hiệu quả, đáng tin cậy và hợp pháp".
"Và đó là lý do tại sao hôm nay tôi có thể nói rằng, trong những năm tới, tôi mong chờ một HĐBA cải tổ trong đó Ấn Độ là một thành viên thường trực".

Trong một cái nhìn hẹp hơn; cả hai nước Ấn Độ và Nhật Bản đều là hai nước châu Á, rất gần với Việt Nam; hiện tại đang có quan hệ rất tốt với nước ta… và cùng là đối thủ của Trung Quốc; thì những vấn đề liên quan đến khu vực, sự có mặt của hai nước này sẽ rất có lợi cho Việt Nam; việc Ấn Độ và Nhật Bản là UVTT HĐBA LHQ sẽ thay đổi cán cân khi giải quyết vấn đề thế giới từ nay trở về sau.
Như vậy, bằng việc Mỹ nhận ra bộ mặt thật của TQ, và với bước đi cụ thể là ủng hộ Ấn Độ và Nhật Bản vào ghế UVTT HĐBA LHQ; thì đây chính là thế cờ chính trị thế giới thay đổi rõ nét nhất từ nay trở về sau.
Và đây chính là cơ hội cho đất nước Việt Nam
trong tương lai, nếu như tình hình đất nước có những biến đổi phù hợp để nắm bắt cơ hội đó.


Xem ra, “thiên thời, địa lợi” đã đến với dân tộc Việt Nam
ta; vấn đề là, người Việt Nam hôm nay có đủ tỉnh táo và khôn ngoan để nắm bắt?


Với một cách nhìn như vậy, thì đâu là thách thức của nước ta hôm nay?

Là người Việt Nam
, ta không thể không nói đến các mâu thuẫn nội tại sau đây:


1. Mâu thuẫn giữa lợi ích dân tộc với lợi ích của ĐCSVN;
Rõ ràng là, đến lúc này những người có lương tri và chỉ cần có hiểu biết trung bình, đều đã nhận ra rằng; ĐCSVN đang đi ngược lại với lợi ích dân tộc; được thể hiện: (a) việc vẫn cố tình triển khai dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, sau hàng loạt các cảnh báo từ thảm họa bùn đỏ tại Hungari, và đặc biệt là sự cố “lũ bùn đỏ” hôm 05/11 tại Lạng Sơn, tiềm ẩn theo đó là an ninh quốc gia bị ảnh hưởng và đe dọa nghiêm trọng; (b) việc Vinashin đổ bể kéo theo hệ lụy của nền kinh tế mà không phải một vài năm có thể khắc phục được; (c) việc Đảng và Chính phủ đang khởi động lại dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam mà đã bị kỳ họp thứ 7 – khóa XII bác bỏ; (d) và đặc biệt là việc Ủy ban thường vụ QH “Bác đề xuất lập Ủy ban lâm thời điều tra Vinashin”[4];

2. Cũng từ mâu thuẫn giữa lợi ích dân tộc với lợi ích của ĐCSVN nói trên; mà hiện nay nước nhà đang đứng trước 2 khả năng có thể xẩy ra:
- Có thể là thảm họa; nếu như cứ để tình hình này kéo dài; đặc biệt, để cho TQ có mặt tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên…
- hoặc lại vừa là cơ hội có thể thay đổi vận mệnh đất nước trong điều kiện quốc tế thay đổi; theo đó, sự trở lại của nước Mỹ trong việc ủng hộ một giải pháp công bằng tại Biển Đông, dựa trên luật pháp và công ước quốc tế; Mỹ đang nhìn thấy ở VN là một mắt xích quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực và châu Á.
Và chính vì vậy, đến lúc này, nhân dân ta đang có 2 sự lựa chọn; hoặc là theo Đảng để nước nhà rơi vào vòng cương tỏa của TQ và có nguy cơ bị phụ thuộc (Bắc Triều Tiên đang là bài học thực tiễn); hoặc phải tách ra khỏi sự phụ thuộc vào TQ; và đây là thời điểm thích hợp để nhân dân ta lựa chọn giải pháp này; nó như là một tất yếu của lịch sử không thể đảo ngược được.

3. Đến nay, phần lớn các đảng viên có lương tri đã hiểu ra rằng; uy tín của Đảng đối với nhân dân đã không còn; và nếu chọn một bên là Đảng và một bên là Đất nước, là dân tộc; thì rõ ràng, với truyền thống của người Việt, Đất nước là trên hết.
Bên cạnh đó, về bản chất, lợi ích của Đảng chỉ tập trung ở một số ít người có chức, có quyền; vì vậy, ngay cả đến Đảng viên, thì hầu hết, hiện nay cũng không muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trên đây, vừa là những cơ hội, vừa là những thách thức; và tất nhiên, người Việt Nam
hôm nay đang nắm lấy cơ hội.


.
.
.

No comments: