Wednesday, November 3, 2010

CHUYỆN PHIẾM : LIỆT ! (Song Thao)

SONG THAO
Tuesday, November 2, 2010

Chữ nghĩa gì đọc lên chỉ thấy thua. Liệt! Nghe thấy nản. Bèn phôn ông đồ nho Hoàng Chiều Nhân. Ông bạn cười ha hả. Chữ liệt đó không phải là liệt vị âm dương đâu. Liệt đây là “bày ra” như trong chữ “liệt kê”. Tuyến tiền liệt là cái thứ bày ra ở phía trước. Trước cái chi? Trước cái bộ máy sinh sản của mấy anh đàn ông. Các bà có nằm mơ cũng chẳng có được cái thứ… bửu bối này. Bù lại các bà có cái tử cung mà các ông rất thích nhưng không thể sắm riêng cho mình một cái được. Vậy là có qua có lại. Mà thực ra chẳng qua cũng chẳng lại gì, vì hai thứ riêng rẽ của hai phái đối lập nhau chính là một! Trong khoảng 7 tuần lễ đầu của bào thai, cơ quan hóa sinh dục có bề ngoài giống nhau. Sau đó mới biệt hóa và phát triển theo hai hướng. Hoặc trai hoặc gái. Tuyến tiền liệt chính là vết tích của tử cung còn sót lại. Đúng là vạn vật nhất thể!
Ông bạn họ Hoàng thấy tôi ngán ngẩm chữ “liệt” bèn mở đường thoát cho tôi. “Tiền liệt tuyến” là chữ anh Tầu mới dùng từ khi không ưa anh Nhật vào đầu thập niên 1940. Trước đó họ vẫn dùng theo anh Nhật là “nhiếp hộ tuyến”. Vừa nghe thấy chữ “nhiếp hộ tuyến” tôi thấy quen quen. Nhớ lại mới thấy là ngày xưa chúng ta chỉ dùng chữ “nhiếp hộ tuyến” này. Nghe đỡ… liệt hơn.

“Tiền liệt tuyến” hay “nhiếp hộ tuyến” thì mặc xác chúng, ông xía vô làm chi vậy? Ông bạn Hoàng Chiều Nhân mắng tôi. Tôi thở dài: “Tại vì tôi có ông bạn Thành Tôn ở bên quận Cam vừa cho biết là bị nghi ung thư prostate nên tôi thử coi nó là cái chi chi mà bắt nạt các ông bạn tôi hơi nhiều”. Ông Hoàng thở dài theo: “Thì chính tôi cũng bị đây!”

Thế này thì láo quá! Vậy thì cái thằng “tuyến tiền liệt” là thằng nào vậy? Tôi mở sách vở ra tra cứu. Nào nó có to tát gì cho cam. Nó chỉ nhỏ bằng một quả hạt dẻ, dẹt, nằm trước trực tràng, ngay dưới bàng quang và bao quanh ống niệu đạo. Ở người trưởng thành nó có kích thước rộng 4 phân, cao 3 phân và dầy 2 phân rưỡi, nặng từ 15 gram tới 25 gram. Vậy thì nó bé tí, nhưng mà là bé hạt tiêu vì nó tiết ra chất dịch có màu trắng sữa. Khi các ông lên tới đỉnh vu sơn, các túi của tuyến tiền liệt co bóp cùng với sự co bóp của ống dẫn tinh để đẩy chất dịch màu trắng sữa này ra trộn với tinh dịch để giúp cho tinh trùng đạt được khả năng vận động và thụ tinh ở mức độ tối ưu.

Vậy thì cái thứ… liệt này cũng được việc đấy chứ! Được quá đi chứ. Nếu không có anh bé hạt tiêu này thì việc tác xạ của các ông vất vả vô cùng. Có… tài như vậy nhưng thứ tuyến… liệt này cũng có tật. Cái tật vươn to lên cùng với tuổi tác. Y học gọi là “phì đại tuyến tiền liệt”. Ở tuổi 50 trung bình có từ 50% đến 60% các ông Việt Nam ta bị phì cái tuyến này. Còn trung bình của các ông trên toàn thế giới, cùng tuổi, bị phì tuyến này còn cao hơn nữa, từ 70% đến 80%. Càng thêm tuổi, nó càng thêm to. Vươn to ra, anh tiền liệt tuyến này chiếm nhiều chỗ quá nên chơi trò tham lam. Anh hích bên này, lấn bên kia gây nên tật tiểu nhiều, tiểu đêm hoặc bí tiểu. Toàn những thứ khó ưa có thể gọi chung là rối loạn tiểu tiện. Thứ này phiền lắm, cứ ngong ngóng cái toilet. Đi du lịch còn phiền hơn nữa. Ông bạn Võ Kỳ Điền vừa đi Tàu về có kể cho tôi nghe chuyện ông bị ông Tào Tháo đuổi trên xe buýt đang chạy trên xa lộ tơ tưởng tới cái toilet như thế nào. Ông kể như chuyện trinh thám nghe hồi hộp dễ sợ nhưng không dính líu chi tới cái tuyến… chết tiệt này nên tôi để dành đó, khi nào có dịp thì sẽ kể cho bà con nghe.

Muốn biết cái tuyến này có sinh sự với mình không thì các ông cứ trả lời những câu hỏi sau. Coi như đố vui để… liệt! Bạn có cảm giác vẫn còn nước tiểu trong bọng đái sau mỗi lần đi tiểu xong không? Sau khi đi tiểu xong bạn có mót tiểu lại trong vòng hai tiếng đồng hồ không? Khi đang tiểu bạn có bị ngừng đột ngột rồi lại phóng ra tiếp không? Bạn có hay bị mót tiểu đến mức không nhịn được không? Bạn có thấy tia nước tiểu tuôn ra èo uột không? Bạn có bị bí tiểu tới mức phải rặn hết sức mới ra được không? Ban đêm bạn có hay đi tiểu không? Nếu bạn trả lời là “không” cho tất cả các câu hỏi trên thì bạn hiên ngang lắm. Cái tuyến… liệt chưa làm khó bạn được. Nhưng tôi nghĩ chẳng có ông nào dõng dạc trả lời không tuốt được. Tâm lý thông thường sẽ ảnh hưởng làm tâm trí mình loạng quạng. Thế nào cũng nghe ngóng và thấy mình có vẻ có. Vậy nên khi không khi có cứ loạn cả lên. Thần hồn nát thần tính. Bởi vậy nên nếu thấy có những triệu chứng trên thì cứ bình tĩnh theo dõi luôn một tháng. Nếu thấy mọi chuyện cứ lập lại đúng như vậy thì tới thăm bác sĩ. Bởi vì những triệu chứng trên cũng là triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt!

Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào của tuyến tiền liệt đột biến và sinh sôi phát triển nhanh không thể kiểm soát được; những tế bào này có thể lan xa, thường gọi là di căn, ra các bộ phận khác của cơ thể, nhất là xương, các hạch bạch huyết, trực tràng và bàng quang. Loại ung thư này có thể gây đau, khó tiểu tiện, rối loạn cương dương và nhiều triệu chứng khác. Càng cao tuổi thì nguy cơ bị cancer tuyến tiền liệt càng cao. Ở độ tuổi 50 tại Mỹ có khoảng 33% các ông dính, lên tới độ tuổi 80 thì con số này cũng nhảy vọt lên tới 75%. Các ông bạn tôi nhìn vào con số phần trăm mà bồi hồi tấc dạ, ông nào cũng đã lọt vào vòng nguy nan. Vậy mà, cũng theo thống kê tại Mỹ, khi phát hiện ra ung thư thì có tới 40% đã di căn. Bởi vậy nên tỷ lệ tử vong của nam nhân cao tuổi ở Mỹ do cancer tuyến tiền liệt đã đứng vào hàng thứ ba sau ung thư phổi và ung thư ruột già. Ông bạn Du Tử Lê của tôi không thèm… liệt, ông chơi hách hơn, vướng vào cái thứ đứng hàng thứ nhì về tử vong này là ung thư ruột già, nhưng nhờ chữa chạy đúng lúc nên bây giờ vẫn phây phây làm thơ. Gặp tôi, ông cũng than van: “Phiền phức lắm, toa ạ!”. Bệnh chi mà không phiền phức. Phiền phức cũng nhạt bớt đi khi bạn tôi vững tinh thần và coi những ngày còn thở như những ngày bắt được của trời.

Ung thư tuyến tiền liệt được coi như một thứ ung thư… hiền. Theo thống kê của Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ thì trong khoảng 20% các ông mắc ung thư tuyến tiền liệt thì chỉ có 3% tử vong. Sao thứ cancer này lại nhân đạo thế? Bởi vì thứ ung thư này là thứ rùa bò, tiến triển rất chậm so với các thứ ung thư khác. Nhiều bệnh nhân có thể chung sống hòa bình với bệnh. Cứ an nhiên như thơ Mai Thảo.
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng


Muốn biết mình có liệt không thì phải xét nghiệm. Xét nghiệm thông thường nhất là thử nồng độ PSA trong máu. Thường thì tới năm chục tuổi thì cần thử. Năm chục tuổi thì tôi đạt tới từ khuya nhưng không biết tôi đã làm cái tét này chưa? Sức khỏe của tôi, tôi khoán trắng cho ông bạn Trang Châu. Mỗi năm ông phát cho tôi một miếng giấy xanh dài lằng nhằng, phú tôi đi tét máu. Tôi tới nhà thương hoặc các điểm y tế của chính phủ, vén tay cho các cô đầm chọc kim vô, cô thì lấy hai lọ, cô thì lấy ba lọ, cô thì phát cho cái ống nho nhỏ bảo tiểu vào đó. Chuyện cái ống nho nhỏ này cũng gây phiền phức. Lần đầu tiên, chắc ai cũng như tôi, rất bối rối, làm sao có thể làm mưa làm gió vào cái miệng bé xíu này được. Khi xong công tác thủy lợi, làm sao mà đưa cho cô đầm mà mặt nhất định không đỏ. Khi được chỉ dẫn, mọi sự mới sáng tỏ. Hóa ra chuyện gì, dù khó khăn tới đâu, cũng có cách giải quyết! Tét tiếc xong, làm thủy lợi xong là tôi phơi phới ra về, chuyện còn lại có ông bạn nhà văn kiêm tu bíp lo. Chẳng biết có bao giờ ông ấy tét PSA của tôi không?

Ông Hoàng Chiều Nhân, vốn rất nghiêm túc khi có thể nghiêm túc, cho rằng tôi tầm bậy. Thân mình không lo thì ai lo cho. Ông ấy thương người như thể thương thân lắm. Thực ra phải mạn phép ca dao tục ngữ để thêm vào câu bát tiếp theo mới đúng. Thương thân thương trước, thương người thương sau! Ổng rất rành sáu câu với cái tét PSA. Ông cho biết là khi tét, nếu lên tới 4 thì OK. Quá 4 thì phải coi chừng. Có lần PSA của ông nho chùm này lên tới 12! Chúa ôi! Thế nhưng ông cứ phải tét theo dõi tới một năm sau mới đi mổ.

(Còn tiếp)

Song Thao
Tuesday, November 2, 2010

(Tiếp theo và hết)

Ông bạn nhà thơ Thành Tôn của tôi thì tình cờ bắt được chữ “liệt”. Ông bị cườm mắt, đi khám để mổ. Trong chu trình trước khi mổ, có màn thử máu. Đã mất công thử thì thử luôn, vậy là bạn tôi thử máu tổng quát. Lòi ra anh PSA cao. Cao tới 20.5 lận! Ăn đứt con số 12 của ông bạn Hoàng Chiều Nhân. Người ta có 4 mà mình lên tới ngút ngàn, nhưng năm trước, PSA của ông nhà thơ Thành Tôn cũng đã lên tới 15 nhưng thử sinh thiết tiếp theo thì không phải cancer. Vậy là năm nay lại sinh thiết tiếp. Lấy một tí mẫu trong tuyến để xét nghiệm. Chuyện xem ra có vẻ dễ dàng nhưng lại sinh chuyện. Khi nong chiếc ống vào đường tiểu, ông bạn tôi đau tới chảy nước mắt. Giọng ông kể lại trong phôn: “Cái thứ dùng cho Mỹ mà nong vào mình thì anh coi làm sao chịu thấu! Lại thêm tuổi cỡ mình thì thứ chi cũng co lại, te tua hết đường tiểu, đau cách chi đâu!”.
Về nhà dưỡng thương, tưởng yên rồi, nhưng lại qua chuyện khác. Đường tiểu nhất định đình công không làm việc. Anh bạn tôi bí tiểu tới 8 tiếng đồng hồ. Chịu không nổi, phôn bác sĩ. Lại trở lại nơi mới được tan hàng đi về. Lần này ông bạn tôi được nhét cái cái ống có kèm theo cái bọc chứa nước tiểu.Vẫn thứ ống dành cho Mỹ mà Việt phải chịu này. Đau thấy ông bà ông vải. Bạn tôi phải chịu đeo cái bọc này trong bốn ngày liền. Nước tiểu có ra, ra tới cỡ một gallon lận, nhưng cấn cái hết biết. Nằm không được, ngồi cũng không xong. Rồi cũng tới lúc phải rút cái ống nhân tạo này ra để cho cái thứ thiên tạo cơ hữu làm việc. Khi rút ông ra y tá cho biết nếu lần này vẫn bí thì lại phải nhét ống lại nữa. Nghe vậy bạn tôi tá hỏa. Chắc chết! May sao, khi về nhà, đang lo về nỗi đoạn trường nếu cái thứ làm việc từ khi cha sanh mẹ đẻ tới giờ vẫn ỳ ra không chịu lao động nữa, thì không biết nhằm vào giờ chi mà ông Trạng Quỳnh bỗng tạt qua nhà bạn tôi. Tự nhiên ông nhà thơ nhớ tới trò ma bùn của ông Trạng ngày xưa. Chẳng là vua muốn hành ông trạng hỗn hào nên phú cho lính tới nhà đại tiện tự do trong nhà ông. Ông Trạng Quỳnh không dám phạm thượng nên phải mở cửa nhà cho lính vào làm cho nhà ông thành nhà… tiêu. Nhưng cũng theo đúng lệnh vua, ông ra điều kiện: chúng bay chỉ được đại tiện, cấm tiểu tiện. Có ai làm chuyện lớn mà thông qua được chuyện nhỏ đâu! Vậy là quân lính kéo quần lên đi về. Ông Thành Tôn nhớ lại được chi tiết đáng tiền này. Và ông suy luận. Bí đái thì có nhưng đầu óc ông không bí. Ông đặt ngược lại vấn đề. Như vậy muốn tiểu được thì ta cứ làm… đại. Vậy là ông hét vợ con ra nhà thuốc kiếm cho ông thuốc nhuận trường nhét vào chỗ… pháo đại. Vậy là pháo nổ, thông trước thông sau ngon lành. Ăn đứt y khoa tân tiến!

Tét tiếc như vậy cũng phiền phức. Các bác sĩ ở bệnh viện Tenon ở thủ đô Pháp Paris nghĩ ra cách khác. Không biết có phải vì thấy các bà đầm Parisienne nhởn nhơ dắt chó đi chơi, để chó tiêu tiểu tự do ngoài đường tạo thành một nét đặc trưng cho thủ đô có rất nhiều mìn trong thời bình không mà các bác sĩ tại nhà thương Tenon nghĩ tới chó. Chó là giống rất thính mũi. Loài chó canine có khả năng phân biệt được mùi cao gấp 100 ngàn lần so với khả năng phân biệt mùi của chúng ta. Khả năng hít này đã được dùng trong ngành cảnh sát và quan thuế, vậy thì tại sao không dùng khả năng này vào việc tét ung thư nhiếp hộ tuyến? Sở dĩ các bác sĩ Pháp nghĩ tới chuyện này vì họ biết các tế bào cancer prostate trong nước tiểu có mùi vị rất đặc trưng. Tiến sĩ Jean-Nicolas Cornu, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng các chú chó được huấn luyện có thể nhận biết được những mùi đặc trưng của các tế bào ung thư”. Vậy là nhóm nghiên cứu tiến hành việc huấn luyện chó. Kết quả rất hấp dẫn: trong 66 mẫu nước tiểu của người không ung thư cái tuyến liệt và người có dính… liệt được chó ngửi thì chúng đã phân biệt được chính xác tới 63 mẫu. Tính theo tỷ lệ thì chính xác tới 95%! Phương pháp… ngửi này, nếu được phổ biến thì sẽ tiết kiệm được vô số tiền bạc và… máu của các bậc nam nhi. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng nghiên cứu này mới chỉ được tiến hành trên phạm vi nhỏ nên chưa thể xác định được hiệu quả trên thực tế của nó. Chúng ta đành phải đợi các thí nghiệm rộng lớn hơn vậy.

Trong khi chờ đợi, phái mạnh nhưng có nguy cơ… liệt chúng ta vẫn cứ phải đổ máu. Nhưng các nhà khoa học Nhật Bản đang thí nghiệm một phương pháp mới để cho ít máu đổ hơn. Phương pháp thử bằng bút vàng chỉ cần một hoặc hai giọt máu là có thể biết được ông nào liệt ông nào không liệt. Bút thử sử dụng hạt vàng này do các nhà khoa học của công ty luyện kim Tanaka Kikinzoku chế tạo và đã chứng tỏ là ngon lành. Chỉ trong vòng 15 phút thử, bút đã kiểm tra được kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA). Với bút có hạt vàng, các nhà khoa học đã lợi dụng phản ứng giữa kháng thể có sự kết hợp của hạt vàng với PSA để kiểm tra mức độ kháng nguyên này. Nếu mức độ kháng nguyên PSA này vượt quá tiêu chuẩn thì trên bút thử sẽ xuất hiện một vạch màu đỏ. Các nhà khoa học đang cố gắng cùng với các công ty chế tạo thiết bị y khoa để đẩy nhanh việc ứng dụng bút thử vàng này vào thực tế.

Nguyên tắc của y khoa ai trong chúng ta cũng được nhồi nhét vào đầu là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bệnh càng biết trước càng dễ chữa, nhất là với căn bệnh tinh quái là ung thư. Đàn ông chúng ta cứ trên 50, cái tuổi mà anh chàng prostate cancer ưa giao du, là trích máu thử PSA cho chắc ăn. Nếu trong mỗi lít máu có trên 4 nanogram PSA là…việt vị. Nhưng PSA vượt qua ngưỡng gạch đỏ không chắc là ung thư. Các bệnh hiền khô như phì đại hay viêm sưng tuyến tiền liệt cũng làm cho PSA tăng cao vậy. Theo một nghiên cứu được tạp chí Ung Thư công bố vào năm 1997 thì trong số những ông có máu vượt gạch đỏ trên 4 nanogram thì có từ 65% đến 75% không hề bị ung thư. Trong khi đó, tạp chí y học New England Journal of Medecine công bố là trong năm 2004, 15% các ông có chỉ số PSA dưới 4 lại dính ung thư! Vậy là sao? Thử nghiệm là tốt nhưng làm quá thì lợi bất cập hại. Chẳng hạn như theo một nghiên cứu tại Âu Châu thì việc thử PSA cứ bốn năm một lần đã giúp làm giảm các ca tử vong tới 20%. Nhưng với mỗi sinh mạng được cứu sống, các bác sĩ phải kiểm tra tới 1410 ông và tiến hành các phương pháp điều trị đáng lẽ không cần làm với 48 ông. Thực là phí phạm công sức và ngân sách!
Chất lượng cuộc sống của những người sau khi được chữa bằng xạ trị cũng có thể khá vất vả: không kềm chế được việc tiểu tiện hoặc bất lực khiến họ phải uống thuốc trị cương dương hoặc mang tã! Trong khi đó, y học cho biết là bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở đa số các ông tiến triển rất chậm, chậm tới mức có ông cho tới khi ngủm cù tì về bệnh khác rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt. Một nửa các ông từ 80 tuổi trở lên đều có tế bào ung thư trong tuyến… liệt này nhưng không ngỏm vì cái thứ ung thư của cái tuyến bé tí tẹo này!

Nói vậy nhưng ung thư nào chẳng là ung thư, chẳng nên giỡn mặt với chúng. Nếu được xác định cái thứ độc quyền của các ông là ung thư prostate thì phải chữa chạy. Hoặc hóa trị, hoặc xạ trị hay phẫu thuật. Phương pháp mới nhất trong phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt là LRP thường được gọi là phẫu thuật robot Da Vinci. Để cho anh robot giải phẫu sẽ mang lại độ chính xác cao hơn, giảm thiểu tổn thương cho các mô và giây thần kinh phụ cận. Bệnh nhân cũng đỡ mất máu hơn và vết hở phẫu thuật cũng nhỏ hơn khiến ít bị đau đớn hơn khi đang mổ và ít bị biến chứng hơn sau khi mổ. Phẫu thuật tân tiến nhất này giúp cho bệnh nhân mau chóng hồi phục hơn, chỉ cần nằm nhà thương từ 2 đến 3 ngày thay vì từ 4 đến 5 ngày nếu phẫu thuật theo truyền thống do bàn tay của bác sĩ giải phẫu thực hiện. Thời kỳ hồi phục cũng nhanh hơn, chỉ khoảng 2 tuần so với một tháng theo kiểu phẫu thuật truyền thống.

Ngày 13 tháng 10 vừa qua, các bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Montreal Hospital General thuộc Đại học McGill ở thành phố nơi tôi cư ngụ còn làm hơn nữa. Họ đã thử nghiệm thành công một cuộc giải phẫu ung thư tuyến tiền liệt bằng cách phối hợp robot Da Vinci với robot gây mê McSleepy do chính bệnh viện này sáng chế. Đây là cuộc giải phẫu thử nghiệm đầu tiên phới hợp hai robot này trên thế giới. Bác sĩ chuyên khoa gây mê Thomas Hemmerling, người điều khiển robot McSleepy trong cuộc thử nghiệm, giải thích: “Cái lợi của việc sử dụng đồng thời hai robot này là người ta có thể giải phẫu và gây mê với độ chính xác hơn… Robot McSleepy đã gây mê an toàn hơn là chính tôi gây mê”. Bác sĩ chuyên khoa giải phẫu niệu đạo Armen Aprikian, người điều khiển robot Da Vinci, nói thêm: “Sự phối hợp này làm cho cuộc giải phẫu nhanh hơn, an toàn hơn và chính xác hơn”. Bệnh nhân được thử nghiệm là ông Gilles Lefort, 68 tuổi, cư dân vùng Candiac, hân hoan phát biểu: “Tôi nhớ là mình đã tỉnh lại trong phòng mổ mà không có triệu chứng nôn mửa và trí óc tôi lúc đó rất sáng suốt. Tôi nghĩ đây là một kỹ thuật tuyệt diệu!”. Tuyệt diệu quá đi chứ. Giải phẫu gia chỉ việc ngồi trước robot để điều khiển trong khi cánh tay máy thi hành phẫu thuật trên cơ thể bệnh nhân.

Phấn khởi với kỹ thuật ghép hai robot này, Đại học McGill sẽ cho tiến hành thêm các ca mổ khác, với các loại ung thư khác.

Tôi cũng phấn khởi, vội a lô cho ông bạn Hoàng Chiều Nhân về kết quả này. Bạn tôi vừa mừng vừa tiếc. Mừng cho bạn bè nay đã tới tuổi… liệt sẽ được hưởng phúc của kỹ thuật mới nhưng tiếc là ung thư tới thăm ông sớm quá. Phải chi nó hoãn cho ông tới bây giờ thì có phải ông đã được hưởng ơn mưa móc của khoa học hiện đại tại Montreal, nơi chúng tôi cùng cư ngụ không!

Cuối tuần này, tôi sẽ phôn cho ông bạn Thành Tôn ở Cali để khoe với ông ta. Biết đâu, nếu cần, ông bạn sẽ đỡ vất vả hơn khi hai anh mặt sắt Da Vinci và McSleepy này vào việc. Đường từ Cali tới Montreal đâu có xa. Chỉ sợ cái luật bảo hiểm sức khỏe mới toang của ông Obama không kết hợp được với hệ thống bảo hiểm sức khỏe lâu đời của dân Canada chúng tôi như hai anh robot đã kết hợp với nhau thôi! Thôi thì cứ wait and see! Cửa nhà tôi lúc nào cũng rộng mở đón bằng hữu!

10/2010
Website:
www.songthao.com
.
.
.

No comments: