Tuesday, November 2, 2010

BÙN ĐỎ GIỮA QUỐC HỘI : HAI VẤN ĐỀ CHÍNH CHƯA ĐƯỢC NÓI TỚI

Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Ba, 02 tháng 11 2010

Quốc hội trong nước đang bàn đến vấn đề bauxite. Đây là dấu hiệu tốt, không ai có thể ỉm đi, lờ đi, tránh né được.

Trong khi đó Bản kiến nghị thứ nhì về yêu cầu ngừng ngay việc khai thác bauxite ở Tây nguyên đã thu được hơn 2 ngàn chữ ký. Đọc qua danh sách, thật lý thú, cảm động. Nhiều đảng viên cộng sản lão thành, tướng lãnh, sỹ quan bên cạnh tuổi trẻ học sinh, sinh viên, du sinh, thợ thủ công, thương gia, nội trợ, rất nhiều luật sư, giáo sư, giáo viên, văn sỹ, thi sĩ, nhà báo, blogger, một tỷ lệ khá cao ở nước ngoài, Pháp, Anh, Đức, Hoa Kỳ, Canada, Úc, cũng có nhiều trí thức, viên chức sỹ quan từng thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa…

Có cả cựu phó chủ tịch nước, tướng công an tại chức, giáo sư Học viện chính trị quốc gia, nguyên bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng cũng tham gia. Chưa bao giờ có một tập họp mang tính đồng thuận dân tộc rộng rãi, sâu sắc, mang tính cứu nước khẩn cấp, chính đáng, được lòng dân đến vậy. Một xã hội dân sự, xã hội công dân đang đứng lên, đàng hoàng, chững chạc, tự khẳng định mình.
Quốc hội đang buộc phải bàn luận, tranh luận, trả lời chất vấn và tỏ rõ thái độ.

Điều rất mới là một số báo quen «lề phải» đã chuyển sang đưa tin khách quan hơn, thậm chí ngả theo chiều yêu cầu chính phủ cân nhắc kỹ, sớm ngừng việc khai thác, nhất là sau sự cố Hungary, và khi được tin nước Slovakia cũng đang báo động về hiểm họa này. Các cuộc thảo luận, tranh luận trao đổi trong và ngoài quốc hội đang diễn ra sôi nổi, phong phú, rộng rãi, khá là ngay thật, thẳng thắn. Nhưng…

Theo dõi thật sát và kỹ, người quan sát có thể thấy có hai vấn đề liên quan đến nguyên nhân của hiểm họa và lối gỡ thoát cho hiểm họa bùn đỏ chưa được đưa ra bàn luận thấu đáo.

Về nguyên nhân sâu xa thật sự của hiểm họa, cần chỉ thẳng ra đó là ý đồ của lãnh đạo đảng CS Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc từ 8 năm nay, sau khi nhận ra hiểm họa môi trường khai thác bauxite đã quyết định đóng cửa hàng trăm mỏ bauxite ở trong nước và có «sáng kiến» xuất khẩu hiểm họa này sang nước láng giềng dễ bảo Việt Nam. Như vậy họ vẫn có nhôm để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, làm máy bay, tầu chiến, tên lửa…
Một công 2, 3 chuyện, họ có thể xuất khẩu các nhà máy công nghiệp cũ kỹ sang Việt Nam, kiếm công ăn việc làm cho kỹ sư, công nhân Trung Quốc, thu nhiều lợi nhuận, lại được tiếng thơm là viện trợ, giúp đỡ nước «láng giềng anh em», nước «đồng chí thân thiết», theo «16 chữ vàng».

Cao hơn nữa, họ sẽ nghiễm nhiên chiếm lĩnh một địa bàn chiến lược, cưỡi trên nóc của mái nhà Đông Dương không phải tốn một đồng nhân dân tệ, một viên đạn.Nhất cử lưỡng tiện là thế.

Và nay việc gỡ thoát mới thật khó. Các hiệp định đã ký. Các công ty Trung Quốc đang tận lực hoạt động như trên đất mình. Bút sa gà chết. Ăn nói ra sao đây? Mưu họ thâm lắm. Kế họ độc lắm. Các văn bản tuyên bố chung lịch sử đều có chữ ký cam kết của 2 tổng bí thư, nói cụ thể đến Tân Rai- Lâm Đồng, Nhân Cơ - Đắc Nông. Quà cáp, lại quả, khen thưởng đã quá ư hậu hĩ rồi. Vậy lối ra nào cho thoát hiểm đây?

Mong rằng các đại biểu Quốc hội nắm chắc 2 vấn đề cơ bản trên đây, nêu lên 2 vấn đề cốt lõi và thực chất ấy mới có thể nhìn thấu suốt nguyên nhân thật sự của thảm họa và bàn luận thật cho ra lẽ lối thoát cụ thể khỏi hiểm họa dân tộc khủng khiếp này.

------------------------------
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: