Nguyễn Trung Chính
08/11/2010
1. Vinashin và phản cảm
Vinashin vỡ nợ hơn 4 tỉ đô la và có thể lên đến 6 tỉ đô la. Vì đến nay, Chính phủ vẫn chưa biết con số nợ của Vinashin, tài sản của Vinashin là bao nhiêu. Với một đất nước mà GDP chưa hơn 100 tỉ đô la như Việt Nam thì con số 4-6 tỉ đô la không phải là nhỏ. Nếu như trận lũ lụt vừa qua ở miền Trung gây thiệt hại 5 ngàn tỉ đồng thì với 80 chục ngàn tỉ đồng có thể cứu bà con miền Trung khỏi cảnh màn trời chiếu đất trong 16 năm liền.
Ấy vậy mà sau khi vụ Vinashin đổ bể, người dân không nghe được gì ngoài những lời phản cảm đại loại như:
-“Chung quy do cơ chế”!
-“Sự đã rồi”!
“Hơn thế nữa, báo cáo Thủ tướng hôm trước thì hôm sau đã đi mua luôn. Thanh tra phải mấy tháng sau mới vào. Khi đó tàu đã đi mua rồi. Tôi nhấn mạnh một lần nữa việc kiểm soát trước còn nhiều yếu kém. Yếu kém này là do cơ chế.”!
-Đã nghiêm khắc kiểm điểm!
Nhưng gần đây, sự phản cảm của bài ca con cá “tài sản sở hữu” qua lời của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính mới là vô cảm tột cùng.
-“Như vậy là toàn bộ số tiền vay của Vinashin vẫn nằm trong các dự án. Tất nhiên là có dự án có hiệu quả, có dự án không. Hiện Chính phủ đang yêu cầu kiểm toán để đánh giá lại”, Bộ trưởng cho biết. (1)
Thế nào là “toàn bộ số tiền của Vinashin vẫn nằm trong các dự án”? Giá trị tài sản sở hữu, tổng doanh thu (trước thuế), và lãi ròng là ba yếu tố sống còn của một doanh nghiệp. Giá trị tài sản sở hữu nhiều đồng nghĩa với khả năng cho ra nhiều sản phẩm. Tổng doanh thu nhiều đồng nghĩa là bán được nhiều sản phẩm. Lãi ròng nhiều (sau khi đã trừ mọi chi phí để làm ra sản phẩm và đóng thuế cho nhà nước) đồng nghĩa là công ty có lời.
Những con số của cả ba yếu tố này phải liên kết hài hòa. Vì giá trị tài sản nhiều nhưng doanh nghiệp không cho ra nhiều sản phẩm thì có nghĩa không có doanh thu. Có doanh thu nhiều nhưng lãi ròng ít hoặc âm – vì chi phí sản xuất quá cao – thì doanh nghiệp không có lời. Còn nếu tài sản sở hữu nhiều và tổng doanh thu bé tí mà lãi ròng nhiều thì lại điều đáng lo hơn đáng mừng. Vì doanh nghiệp đã báo cáo láo!
Như vậy, không thể chỉ nhìn vào “tài sản sở hữu” hiện nay để đánh giá là Vinashin không có nguy cơ bị sập tiệm! Doanh thu của Vinashin trong năm 2009 và 2010 là những con số đáng lo. Vì Vinashin lỗ to lỗ nặng nhưng Vinashin vẫn báo cáo láo là có lời. Con số (thực) doanh thu trước thuế của Vinashin trong năm 2009 và năm 2010 (tính đến thời điểm này) là bao nhiêu? Với tổng số vốn hơn 5 tỉ đô la và có hơn 70 ngàn nhân viên, tổng doanh thu hàng năm (trước thuế) của Vinashin phải là bao nhiêu để có trả tiền lời cho con số nợ hơn 4 tỉ đô la khổng lồ? Doanh thu hàng năm của Vinashin có bằng một phần năm tổng giá trị tài sản Vinashin hiện có, hay tương đương 1 tỉ đô la, hay không?
Một điều đáng nói nữa là tuy Vinashin sở hữu một tài sản những hơn 100.000 tỉ đồng –hay hơn 5 tỉ đô la –theo lời của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, nhưng Vinashin cũng nợ quá nhiều: hơn 4 tỉ đô la. Chỉ với phân lời 5% thì một năm Vinashin phải trả 200 triệu đô la tiền lời. Trong khi đó doanh thu trước thuế của Vinashin chưa tới 500 triệu đô la một năm. Vậy thì họa may các vị lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo của Vinashin là con cháu của Tề Thiên Đại Thánh để có thể biến giấy lộn thành tiền đưa cho Vinashin trả nợ, mới có thể tuyên bố Vinashin không phá sản.
Thua lỗ nợ nần đến như vậy còn chưa đáng lo hay sao? Vậy theo ý ông Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thì 4 tỉ đô la này “bốc hơi” bay vào các “tài khoản nhạy cảm” ở ngân hàng nước ngoài thì mới đáng lo đáng nghĩ? Tuy ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh hết sự lập lờ đánh lận con đen, dù là cố ý hay vô tình, cất cao giọng ca bài ca “tài sản sở hữu” phản cảm này, nhưng cũng không ít người nhảy vào “xướng họa”. Nổi bật trong đám “ca phò” này là ông Đại biểu Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên và ông Đại biểu Trần Bá Thiều.
Sự nổi tiếng của ông Đại biểu Trần Bá Thiều thì chắc mọi người đã rõ. Trong kỳ họp Quốc hội lần trước. Ông ĐB Trần Bá Thiều đã dám so sánh lãnh đạo đất nước của Việt Nam hiện nay với bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Tiếp đến, ông ĐB họ Trần còn so sánh dự án đường sắt cao tốc với vạn lý trường thành của bạo chúa họ Tần. Xin được nghe lời vàng ngọc của ông ĐB họ Trần trong vụ Vinashin.
-“Nhiều ĐBQH chưa hình dung hết Vinashin như thế nào. Nhưng thực sự hiện nay nhiều con tàu vẫn đang được xuất xưởng, đóng mới. Còn đám sai phạm thì ta xử lý hết sức nghiêm túc, chứ không phải Vinashin u ám và thất vọng như một số đại biểu phát biểu”, ĐB Thiều lên tiếng. (2)
Tuy nhiên, cũng theo ông Thiều thì “hiện thông tin về Tập đoàn này vẫn đang mù mờ, khiến không chỉ nhân dân mà ngay cả ĐBQH cũng “ù ù cạc cạc”!
Đã “ù ù cạc cạc” – nghĩa là thiếu thông tin, hoặc là có thông tin thì cũng không chính xác – thì không biết dựa vào đâu để ông ĐB Trần Bá Thiều bảo rằng “không u ám và thất vọng”? Quả là “hiểu biết” và “phát biểu” của Đại biểu Quốc hội rất “ù ù cạc cạc”!
Còn đây là lời vàng ngọc của ông ĐB Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên trả lời báo Tuổi Trẻ.
- Trong kinh tế thị trường thì một doanh nghiệp có thể vay gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu nhưng nếu nó đạt yêu cầu thì vẫn bình thường. (3)
Ông ĐB Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên này không có chút hiểu biết cỏn con nào về thực trạng của Vinashin. Xin thưa với ông ĐB Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên là con số nợ của Vinashin gấp 10 lần số vốn chủ sở hữu chứ không phải là 4-5 lần! Một điều quan trọng nữa là Vinashin không có khả năng trả nợ! Do vậy, nó mới “bất bình thường” thưa ông ĐB Tiến sĩ!
Khi phóng viên báo Tiền Phong hỏi rằng: “Ông có thể tính toán với số nợ hiện nay, Vinashin cần bao nhiêu thời gian để trả không?”, ông ĐB Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên đã trả lời như sau:
- Tôi là đại biểu Quốc hội nên tôi không tính toán, đại biểu Quốc hội là làm vĩ mô, làm cơ chế chính sách.
Là thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để làm “vĩ mô” mà ông ĐB Tiến sĩ Kiên nói như vậy là sai rồi. Đơn giản, Vinashin là doanh nghiệp nhà nước. Vinashin và các doanh nghiệp nhà nước khác có liên quan mật thiết với cái Ủy ban Kinh tế mà ông ĐB Tiến sĩ là thành viên. Sẽ đỡ phản cảm hơn nếu ông ĐB Tiến sĩ Kiên trả lời thành thật rằng “Hoặc là tôi không có năng lực. Hoặc là Vinashin chỉ còn trời cứu!” Đừng loanh quanh như gà ăn phải tóc như thế.
Ông ĐB Tiến sĩ còn có những phát biểu “ấn tượng” khác nữa. Trong bài phỏng vấn “Vinashin phá sản theo kiểu Việt Nam ”, khi được phóng viên hỏi rằng “- Nhưng khi chuyển như vậy thì bản thân các khoản nợ cũng chưa rõ ràng, tại sao không kiểm toán trước rồi mới chuyển”?, ông ĐB Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên đã trả lời như sau:
- Giống như nhà có 3 người con, một người bị bệnh thận, ông bố bảo 2 người còn lại góp tiền để đưa đi thay thận. Lúc đó thì không nên hỏi kiểu: “Nếu con bỏ ra 10 triệu đồng nhỡ em không trả được thì sao?”. Cùng một chủ sở hữu cả nên cũng không cần thiết phải làm việc đó. (4)
Việt Nam hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước? Nếu nói như lời ông ĐB Tiến sĩ Kiên trên đây thì các doanh nghiệp có cần phải khai báo lời lỗ với Chính phủ, với Quốc hội hay không? Vì tất cả các doanh nghiệp điều “cùng một chủ sở hữu” cả thôi! Vậy có cần thiết để biết doanh nghiệp nào lời lỗ hay không? Hiểu biết của người có bằng Tiến sĩ như ông Kiên quả là cao thâm khó lường. Chả trách lúc này Tiến sĩ (thật) ở Việt Nam ngại giới thiệu mình là “Tiến sĩ”.
2. Bauxite và phản cảm
Các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã dấy lên sự lo ngại của rất nhiều người Việt Nam . Thay vì đưa ra những chứng cứ thuyết phục nhất để làm yên lòng người dân thì những người có trách nhiệm từ phía Chính phủ chỉ đưa ra những lời kỳ dị đến vô cảm. Trong buổi đối thoại trực tuyến về các dự án khai thác bauxite do www.vnexpress.net chủ trì, ông Nguyễn Mạnh Quân của Bộ Công thương đã ba lần mạnh miệng trả lời rằng các hồ bùn đỏ có thể chịu được động đất cấp 7 và cấp 9!
- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Chúng ta không thể dự báo chính xác động đất ở Tây Nguyên là bao nhiêu. Theo Viện Vật lý địa cầu người ta dự báo động đất ở Tây Nguyên cấp 5, chúng tôi thiết kế cấp 7. Và mới đây đã nâng lên cấp 9.….
- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Hồ bùn đỏ Tây Nguyên được thiết kế với hệ số an toàn cao, chịu được động đất cấp 7…….. Vừa qua Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu chủ đầu tư phải thiết kế theo cấp động đất 9 để nâng cao độ an toàn lên mức gần như tuyệt đối…..
- Ông Nguyễn Mạnh Quân: …Ví dụ hồ bùn đỏ, người ta yêu cầu thiết kế động đất tối đa cấp 5 nhưng chúng tôi nâng lên cấp 7, bây giờ Chính phủ còn yêu cầu phải chịu được cấp 9…. (5)
Sau đây là một vài hình ảnh của sự tàn phá do động đất từ cấp 6 trở lên. Nhưng chưa phải là do cấp 9. Vì động đất cấp 9 là sự hủy diệt khủng khiếp mà con người không dám nghĩ tới.
Trận động đất 6.7 độ ở Los Angeles, Mỹ năm 1994. 61 người chết và thiệt hại hơn 20 tỉ đô la (6)
Trận động đất 6.5 độ ở Đài loan. Độ sâu của khe nứt này đến hơn 6.2 miles hay hơn 9 km. (7)
Trận động đất 7.02 độ ở Kobe, Nhật năm 1995 (8)
Chất lượng những công trình giao thông, xây dựng ở Mỹ, Nhật, Đài Loan mà còn chịu không nổi với những trận động đất cấp 6 trở lên. Vậy thì cái hồ bùn đỏ với đất sét nện mà chịu được động đất cấp 7 cấp 9 thì quả là bó tay. Chỉ những kẻ dốt nát và không có chút kiến thức về khoa học mới mở miệng nói điều này, hay tin điều này.
Người của Bộ Công thương đã “vô cảm” như vậy, vậy còn Bộ Tài Nguyên Môi Trường (TN-MT), cơ quan có trách nhiệm liên quan đến những vấn đề môi trường thì sao? Xin thưa đó là:
- "Tôi nói như thế để Quốc hội yên tâm", bởi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định với chất lượng cao nhất, có hẳn hội đồng 21 người, lớn gấp 3 lần các hội đồng thẩm định khác. Trong đó có 18 giáo sư, tiến sỹ, viện trưởng, viện phó, giám đốc trung tâm khoa học, hiệu trưởng, hiệu phó trường đại học.(9)
Trên đây là lời của ông Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên. Chắc ông Bộ trưởng họ Phạm này chưa nghe qua “giai thoại” “Viện sĩ Giáo sư” của nước nhà nên ông đem 18 vị “thập bát la hán” này để trấn tà ma. Nhưng mà ông Bộ trưởng Khôi Nguyên đã quên đi một điều quan trọng. Đó là ở Việt Nam ra “ngõ gặp Tiến sĩ”! Do vậy, 18 vị “thập bát la hán” này chưa đủ đâu. Còn nếu có ai không tin thì xin đọc dưới đây.
Từ công cuộc “Đổi mới”1986 đến nay, đã qua 4 thế hệ Bộ trưởng GTVT là Bùi Danh Lưu, Lê Ngọc Hoàn, TS Đào Đình Bình và Hồ Nghĩa Dũng với một lực lượng hùng hậu với 1000 Giáo sư – Tiến sĩ mà không nghiên cứu mở rộng được đường sắt. (10)
1000 Giáo sư – Tiến sĩ mà không làm cho Đường sắt Việt Nam mở mày mở mặt thì 18 vị “thập bát la hán” chả bõ bẽn gì! Hơn nữa, đường sắt là những thứ mà Việt Nam đã có, sở hữu, sử dụng vận hành từ rất lâu rồi. Còn khai thác bauxite và bùn đỏ, động đất là những thứ “xa xỉ” đối với các vị “thập bát la hán”!
Chưa chịu dừng lại, ông Bộ trưởng Khôi Nguyên còn “nổ” tiếp. “Ông khẳng định Viện khí tượng thủy văn đã đo đạc, lường trước biến đổi khí hậu để không để nước tràn vào, Viện vật lý địa cầu xác định độ động đất tối đa đến cấp 5, rồi Viện địa chất và khoáng sản đã theo dõi khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy”
Những năm gần đây, Việt Nam luôn chịu biết bao tai ương từ “lũ lịch sử” do “biến đổi khí hậu”. Thiệt hại cả nhân mạng và tiền của không biết bao nhiêu mà kể. Sao từ đó tới giờ không nghe cái “Viện khí tượng” nào đó đo đạc, lường trước hết mưa gió để thông báo cho bà con trước để bà con khỏi chết oan? Tiếp nữa là cả thế giới này đang ngày đêm lo ngay ngáy về bởi cái vụ “biến đổi khí hậu”. Nếu cái “Viện” của ta mà có thể đo đạc, lường trước được hết thì tại sao không xuất khẩu “công nghệ tiên tiến” này đến các nước bạn trên thế giới. Nếu không kiếm được tiền thì dám chắc cũng ôm giải Nobel!
Để tránh nguy cơ vỡ hồ bùn đỏ, ngoài thiết kế nền móng (bằng đất sắt nện) có thể chịu đựng động đất cấp 7 cấp 9. Hiện nay, Bộ TN-MT đang “yêu cầu TKV trong Báo cáo đánh giá tác động của môi trường đã dành ra một diện tích khoảng 50 ha. Nếu hồ cuối cùng vỡ thì toàn bộ 50 ha này sẽ chứa”! Có thật không đây hả trời? Nếu tôi nhớ không lầm thì trong lần họp Quốc hội năm 2009, ông Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên đã nói rằng “hồ nước tuyển quặng là hồ chứa dùng từ nước trời. Do vậy, sẽ không ảnh hưởng đến các nguồn nước thiên nhiên.”!
Nói vậy là cái hồ 50 ha không có chứa gì trong đó! Chỉ nằm đó dự phòng chờ khi hồ bùn đỏ vỡ thì nó chứa bùn đỏ. Vậy thì, chắc là Viện Khí tượng thủy văn đã đo đạc và lường trước, biết trước cái hồ 50 ha này không bao giờ có nước trời! Hoặc là TKV bắn mây không cho mưa vào khu vực này. Bởi lẽ, hồ tuyển quặng mà ăn nước trời đủ để tuyển quặng cả năm thì cái hồ 50 ha cũng là một cái hồ nước tổ chảng. Như vậy, nó cũng có thể vỡ bất cứ lúc nào. Vậy thì, tự thân ốc còn lo chưa xong thì làm sao nó có thể “dự phòng” cho các hồ bùn đỏ!
N. T. C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(2) Vietnamnet
(3) Tuoitre
(7) Dailymail
(9) Vietnamnet
.
.
.
No comments:
Post a Comment