Lí Sơn
Đăng bởi bvnpost on 22/11/2010
Không nên đánh tráo khái niệm, làm xiếc ngôn từ. Danh chính ngôn thuận là phương châm hành xử do Khổng Tử khẳng định từ cách đây 2500 năm ở phương Đông. Người châu Âu cũng nói tương tự: Hãy gọi sự vật bằng tên của nó.
1. Từ bao đời đã phân biệt “chính trị” và “công dân”. Hai khái niệm thật rõ ràng khu biệt khi hình thành các xã hội. Lịch sử phát triển của loài người men theo hai khái niệm ấy mà phát triển. Hai khái niệm này có quan hệ biện chứng, tương tác, cùng tồn tại, đấu tranh với nhau theo các qui luật tiến hóa của khái niệm DÂN CHỦ.
2. “Hệ thống chính trị” đương nhiên là “hệ thống cầm quyền”, có chức danh rõ ràng dù ở bất cứ thể chế nào. Đại thể tên nó là “chính quyền các cấp” từ trung ương đến địa phương… Cộng đồng xã hội gồm hai loại người: cán bộ chính trị (chiếm số ít) và công dân (chiếm đa số). Tại sao lại gọi “toàn dân” là hệ thống chính trị? Đáng lẽ chỉ có cán bộ chính trị mới học “chính trị”, còn công dân thì học “môn công dân”, cớ sao dân chúng nhất là viên chức công chức học sinh, sinh viên ai cũng phải học “chính trị”? Tại sao trong nhà trường, nhiệm vụ dạy học lại được ghi trong mục “Nhiệm vụ chính trị”? Nhà máy sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng cũng ghi “Nhiệm vụ chính trị”?
Từ hai ý niệm trên, tôi nhận thấy hiện nay ngôn ngữ tuyên truyền có tình trạng làm xiếc, đánh tráo khái niệm khiến thiên hạ rối mù. Hai chữ “chính trị” bị lạm dụng tùy tiện, tất nhiên người dùng có ý đồ chứ không hề vô tình.
Cũng như trước đây, “chuyên chính vô sản” ưa được dùng, bây giờ đã thay bằng cụm từ mơ hồ “hệ thống chính trị”.
3. Cụm từ “Hệ thống chính trị” thực ra cũng được dùng khôn khéo lắm. Khi cần cổ vũ toàn dân chống lũ lụt và ủng hộ ba tỉnh miền Trung thì đài, báo quốc doanh thường nói theo khẩu khí lãnh đạo “huy động toàn bộ hệ thống chính trị”. Nhưng khi bàn việc khai thác Boxit Tây nguyên thì “đó là chủ trương lớn của Đảng”, nên không cần huy động tới trí thức khoa học, đừng nói tới “hệ thống chính trị” hoặc “toàn bộ hệ thống chính trị”. Ai chà, “miệng nhà quan có gang có thép”, xáo trộn khái niệm, đánh tráo khái niệm, có cả những học viện lo chuyện đó.
4. Tập đoàn Vinashin gây thiệt hại từ 86 đến 120 nghìn tỷ đồng! Nhân họa này tàn phá gấp khoảng 6 lần thiên tai tàn phá ba tỉnh miền Trung năm 2010.
Có lẽ, trách nhiệm đền bù này sẽ do “hệ thống chính trị” cùng chịu?
Không được! Những ai đó phải chịu trách nhiệm cá nhân, không thể xóa nhòa bằng ngụy biện được.
Tôi rất mong báo chí, đài truyền hình truyền thanh khi biên tập tin tức, bài viết nên cảnh giác với cái từ ngữ mơ hồ, điêu trá “hệ thống chính trị”. Chẳng nên làm cho xã hội rối loạn đục ngầu bởi cái từ ngữ đó, tạo điều kiện cho những kẻ “đục nước béo cò”.
Cần Thơ
L. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.
No comments:
Post a Comment